Việt Nam hướng tới kỷ nguyên hậu Đổi mới

Print Friendly, PDF & Email

vn

Nguồn: Phuong Nguyen, “Vietnam eyes postrenovation era”, Nikkei Asian Review, 23/02/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thế Phương | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Năm tới sẽ kỷ niệm 30 năm kể từ khi Việt Nam thực thi chính sách “Đổi mới” dẫn tới việc áp dụng nền kinh tế thị trường. Năm kỷ niệm này cũng sẽ đi kèm với một ban lãnh đạo hoàn toàn mới khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội được thay thế. Sự thay đổi mang tính thế hệ sẽ xảy ra trên diện rộng khi hơn một nửa số thành viên của Bộ chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng – đến tuổi nghỉ hưu.

Quá trình chuyển giao quyền lực sắp tới sẽ rất quan trọng. Việt Nam đang đứng trước một giao lộ, xét trên mối quan hệ của quốc gia với Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như vai trò của đất nước trong nền kinh tế thế giới. Những vấn đề này tiến triển như thế nào – và sự phát triển của bản thân nền kinh tế thị trường – sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi quá trình thiết lập cân bằng quyền lực tương lai (trong nội bộ Đảng Cộng sản).

Sự thay đổi trong ban lãnh đạo đất nước sẽ chưa xảy ra cho đến năm 2016, khi Đảng Cộng sản tổ chức đại hội để bầu ra bốn vị trí lãnh đạo hàng đầu, 150 Uỷ viên Trung ương Đảng, cũng như 16 thành viên của Bộ Chính trị.

Tuy vậy, cuộc đua giành quyền lực rõ ràng là đã bắt đầu diễn ra giữa các thành viên cấp cao của Bộ Chính trị, cũng như giữa những người ủng hộ họ trong Ban Chấp hành Trung ương, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển giao. Các tranh luận và phương thức bầu bán phần lớn được giữ bí mật, tuy nhiên một số thông tin đã được lộ ra ngoài thông qua những nguồn được cho là có quen biết rộng rãi – có thể kể tới như trang mạng Chân Dung Quyền Lực (Profiles of Power), một trang mạng đang trở nên nổi tiếng vì cho đăng tải những thông tin thuộc dạng bí mật về các vụ kiện tụng liên quan tới các cơ quan chính phủ hay về độ giàu có của các lãnh đạo cấp cao và gia đình của họ.

Giới tinh hoa chính trị Việt Nam có lịch sử giải quyết các vấn đề nhân sự cấp cao thông qua quá trình đàm phán và thoả hiệp mang tính chất cá nhân. Tuy nhiên các mối quan hệ chính trị hiện tại dường như đầy trắc trở hơn. Vào đầu tháng 1, Trung ương Đảng họp trong vòng một tuần lễ và lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 lãnh đạo cấp cao nhất. Tất cả vẫn tại vị. Nhưng cuộc bỏ phiếu chưa có tiền lệ này phản ánh một cuộc đấu tranh dữ dội trong nội bộ Đảng Cộng sản giữa một bên là những người ủng hộ cải cách, và một bên là những người bảo thủ, liên quan tới một nhận thức ngày càng gia tăng rằng Việt Nam cần những lãnh đạo tài năng có khả năng lèo lái con thuyền kinh tế quốc gia trong những năm tiếp theo đồng thời cân bằng mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế.

Đã có nhiều đồn đoán từ lâu rằng, trong nhiệm kỳ tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – lãnh đạo phe cải cách – muốn trở thành Tổng Bí thư vốn theo nguyên tắc là vị trí lãnh đạo cao nhất của quốc gia. Những người bảo thủ đã cố gắng rất nhiều lần nhằm hạ bệ ông và những đồng minh của ông.

Thực sự là như vậy, Thủ tướng Dũng là đối tượng của một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào năm 2012, khi phe bảo thủ cố gắng trừng phạt ông với lý do quản lý kém hiệu quả – và sau đó là gây phá sản – hai công ty nhà nước lớn về hàng hải. Ông Dũng vượt qua được thử thách đó, nhưng trong một cuộc bỏ phiếu khác trong cùng năm ông lại nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhất trong số các lãnh đạo cấp cao.

Tại phiên họp vào tháng 1, ông Dũng đã khôi phục lại vị thế của mình, đạt được số phiếu tín nhiệm cao nhất trong các lãnh đạo cấp cao, theo kết quả được công bố bởi trang Chân Dung Quyền Lực.

Mặc dù không phải là nhân vật được ưa thích bởi các thành viên khác trong Bộ Chính trị, ông Dũng duy trì được một mạng lưới những người ủng hộ mình trong chính phủ và khu vực tư nhân, cũng như sự chống lưng của Ban Chấp hành Trung ương. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm bị rò rỉ cho thấy vị Thủ tướng có thể đang cố gắng củng cố quyền lực của mình. Ông Dũng cũng nắm quyền chọn ra người kế nhiệm mình trên cương vị Thủ tướng từ một trong 6 Phó Thủ tướng đang tại vị.

Sự nổi lên của Nguyễn Tấn Dũng và xu hướng chính trị của ông đang làm biến đổi nền chính trị Việt Nam, giúp thay đổi Quốc hội trong suốt một thập kỷ qua từ một thực thể thiếu quyền lực thực tế trở thành một cơ chế năng động hơn, với nhiều vị đại biểu cho thấy mong muốn buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm giải trình đối với các hành động và chính sách của họ.

Sự chia rẽ giữa các phe phái

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia đã về hưu lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của ông Dũng, cũng như trách cứ ông đã làm suy yếu đi sự lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ của mình. Ông thân thiện hơn với giới kinh doanh, được cho là thân phương Tây, dường như cảm thấy thoải mái khi chỉ trích Trung Quốc cũng như xây dựng một mối bang giao gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

Những điều kể trên khiến ông khác biệt, và dường như thách thức lại bộ máy chính trị truyền thống của Việt Nam. Thậm chí người được ông bảo hộ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã bị châm chọc và tấn công bởi phe bảo thủ. Ông Đam, một nhà kỹ trị trẻ, với khả năng hùng biện và được đào tạo ở phương Tây, được đồn đoán là Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo của Việt Nam.

Ông Đam là lựa chọn ưa thích của nhiều nhà quan sát phương Tây về Việt Nam, một phần cũng là do năng lực quản trị đã được chứng minh phần nào của ông. Ông có kinh nghiệm quản lý và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông trước khi đảm nhiệm vị trí quản trị trong chính phủ.

Trong khi đó, các phe phái chính trị đang ngày càng trở nên chia rẽ về vấn đề Việt Nam nên định vị bản thân như thế nào – về cả chính trị, kinh tế và địa chính trị – trong những năm tiếp theo.

Việc Trung Quốc trong năm qua di chuyển dàn khoan vào gần bờ biển Việt Nam đã buộc Hà Nội phải xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với Bắc Kinh, và suy nghĩ một cách kỹ càng hơn về cách thức làm thế nào để kiềm chế thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại biển Đông.

Trong cùng thời gian đó, Việt Nam cần các lãnh đạo mạnh mẽ và đầy năng lực để có thể theo dõi quá trình thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một hiệp định thương mại đa phương trải rộng trên nhiều lĩnh vực đang trong quá trình đàm phán bởi 12 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam và Australia – nhưng không bao gồm Trung Quốc.

Tồn tại một nhận thức sắc bén trong giới lãnh đạo tinh hoa rằng sự thành công của làn sóng cải cách tiếp theo nằm ở sự hội nhập sâu hơn của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và sự tiếp cận sâu hơn vào thị trường quốc tế – ở đây bao gồm thương mại, đầu tư, và pháp lý – vốn sẽ đi kèm với TPP.

Nếu như phe cải cách dẫn đầu bởi Thủ tướng Dũng leo lên đỉnh quyền lực, Việt Nam có thể sẽ thực thi chính sách đối ngoại và kinh tế rộng mở hơn. Quốc gia sẽ tiến gần hơn tới phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm vừa qua.

Washington vào năm ngoái đã nới lỏng lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và cũng đã hỗ trợ Hà Nội trong các vấn đề an ninh hàng hải và giúp đỡ trong đàm phán TPP. Hà Nội sẽ không quay lưng lại với Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ của mối quan hệ quốc phòng song phương với Hoa Kỳ vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi rất lớn trong nội bộ giới lãnh đạo tại Việt Nam.

Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm tại Việt Nam cho rằng dù ông Dũng có thể không phải hoàn toàn là một nhà cải cách chính trị, nhưng ông lại táo bạo, thực dụng, và không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng giáo điều mạnh mẽ như các quan chức khác trong Đảng. Các nhà ngoại giao nước ngoài đang quan sát tình hình chính trị Việt Nam cho rằng sự lãnh đạo của ông Dũng có thể là viễn cảnh tốt nhất cho tương lai của Việt Nam.

Xã hội Việt Nam có thể sẽ ngày càng cởi mở hơn, trong khi mọi khía cạnh trong xã hội đó về mặt lý thuyết vẫn được kiểm soát bởi Đảng Cộng sản. Sự nổi lên mạnh mẽ của mạng xã hội cũng như sự lưu tâm ngày càng tăng của giới tinh hoa chính trị đối với công luận đã khiến cho nền chính trị Việt Nam ngày càng mở và năng động hơn. Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 1, những học giả có uy tín như Phạm Chi Lan, một nhà kinh tế, đã kêu gọi phải công bố kết quả (của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm).

Thế nhưng, phe bảo thủ vẫn chưa hề chịu thua cuộc. Nếu như họ vẫn cố gắng duy trì quyền lực, bế tắc và những do dự nội bộ sẽ kìm hãm chính sách đối ngoại. Hầu hết những Đảng viên trung kiên hiện tại đều không còn ảo tưởng về các tham vọng của Trung Quốc tại biển Đông nữa, tuy nhiên họ vẫn lo ngại về phương Tây cũng như những ý định của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam mở cửa với thế giới, nền chính trị trong nước có khả năng định hình các vấn đề của khu vực trong những năm sắp tới.

Phuong Nguyen hiện là nghiên cứu viên tại Hội đồng Sumitro về Nghiên cứu Đông Nam Á trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington D.C.