Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (03/03/2015)

Print Friendly, PDF & Email

kuz2

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Một báo cáo của Quỹ Heritage đề cập tới Chỉ số sức mạnh quân sự Hoa Kỳ cho rằng quân đội nước này không đủ năng lực để có thể đối mặt với nhiều mối đe doạ toàn cầu cùng một lúc. Đây là một kết luận không có gì ngạc nhiên đối với một tổ chức đi theo xu hướng bảo thủ như Quỹ Heritage. Kết luận chủ yếu của báo cáo chính là việc Hoa Kỳ chỉ có thể đảm bảo tác chiến đồng thời tại hai chiến trường lớn toàn cầu. Tiêu chuẩn này xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng bị Lầu Năm Góc cho là không hợp lý và thiếu tính chiến lược. Báo cáo hằng quý gần đây nhất cho rằng Hoa Kỳ chỉ cần xây dựng một lực lượng đủ mạnh để giành chiến thắng trên một chiến trường chủ chốt và “kìm chân” đối thủ cơ hội khác, thay vì phải căng mình đối đầu tại hai chiến trường rộng lớn.

Điểm đặc biệt của bản báo cáo chính là việc nó dựa vào một số yếu tố để đánh giá khả năng của các quân binh chủng riêng rẽ trong quân đội Hoa Kỳ. Các yếu tố đó gồm: quá trình hiện đại hoá, khả năng tiến hành đồng thời các chiến dịch lớn; và tính sẵn sàng. Tác giả báo cáo, Dakota Wood, cũng sử dụng 5 mức độ đánh giá khác nhau: rất kém (very weak), kém (weak), có giới hạn (marginal), tốt (strong) và rất rốt (very strong). Trong 5 quân binh chủng, chỉ có không quân đạt kết quả là có giới hạn, còn tất cả 4 binh chủng còn lại (lục quân, hải quân, thuỷ quân lục chiến và hạt nhân) đều bị đánh giá là kém. Bản đánh giá này hữu ích cho những ai không có khả năng tiếp cận những đánh giá về chiến trường tuyệt mật mà các chiến lược gia Hoa Kỳ đã trù tính. Tuy vậy, dù áp dụng lý thuyết một chiến trường hay hai chiến trường, rõ ràng là quy trình cấp ngân sách quốc phòng phải được diễn ra một cách êm ả.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua có những bước thay đổi đáng ghi nhận. Đứng đầu các dòng tít lớn chính là việc nước này xem xét xuất khẩu có giới hạn máy bay không người lái. Nhưng đó chưa phải là câu chuyện nổi bật nhất. Loren Thompson, một nhà phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng đã chia sẻ rằng “câu chuyện về gallium nitride (GaN) là một câu chuyện không được đề cập nhiều nhưng lại mang tính cách mạng…và người ta đang nói rằng nó là phát minh vĩ đại nhất trong ngành bán dẫn kề từ sau sự ra đời của silicon.” Vào tuần cuối của tháng 2, sau một quy trình kéo dài một năm rưỡi, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép công ty Raytheon xuất khẩu phiên bản nâng cấp mới nhất của hệ thống phòng không Patriot tới 22 quốc gia. Bản nâng cấp này chủ yếu tập trung vào hệ thống ra-đa. Công nghệ mới sẽ cho phép gia tăng độ tin cậy, tầm bắn và độ che phủ của Patriot. Đây là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ cho phép xuất khẩu công nghệ ra-đa có liên quan tới GaN. Theo Jack Cartland, chủ nhiệm kỹ thuật hệ thống phòng thủ trên lửa của Raytheon, công nghệ này là công nghệ tối tân nhất hiện nay. Tập đoàn đã phải bỏ ra một thập kỷ đầu tư vào GaN với số tiền là 150 triệu USD.

Rời xa các loại vũ khí và chiến tranh để hướng tới một vấn đề mới: vai trò của các nhà phân tích quốc phòng. Ở Việt Nam, chuyên viên phân tích quốc phòng thực thụ là một nghề hiếm. Tuy nhiên tại nước ngoài, nơi các hoạt động quốc phòng minh bạch và có sự tham gia nhiều hơn của các tập đoàn quân sự tư nhân, chuyên viên phân tích quốc phòng đóng một vai trò quan trọng. Câu hỏi đặt ra cho các chuyên gia quân sự quốc phòng nói chung: làm thế nào để phản ánh đúng bản chất của một hành vi hay tình thế quân sự, chứ không phải là một nhận thức sai lệch và thiên kiến dựa trên quan điểm cá nhân?

Franz-Stefan Gady cho rằng các học giả kể cả tại Hoa Kỳ thường có xu hướng thiên vị, và thường xuyên nhầm lẫn giữa hai phạm trù sự thật (fact) giá trị (value). Họ thường có xu hướng tự phản chiếu nhận thức của chính mình và “quyết định bản chất của chiến tranh theo ý riêng của họ”. Như Tôn Tử đã từng nhắc nhở: “phải hiểu kẻ thù”, tương tự như những gì mà Robert McNamara từng nói trong bộ phim The Fog of War: “coi bản thân mình như chính kẻ thù và nhìn sự vật qua mặt họ, để hiểu được suy nghĩ đằng sau quyết định và hành động của họ”. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để định hình nên một chính sách đối ngoại hay quốc phòng tốt. Mỉa mai là, chính các học giả Hoa Kỳ lại bỉ ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng thiên vị này hơn các học giả Châu Âu hay Châu Á.

Tại Nhật Bản, quá trình cải tổ quân đội vẫn diễn ra với nhịp độ vững chắc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang có ý định đề xuất một bản dự thảo tới Quốc hội trong tháng 3 với mục tiêu sửa đổi cấu trúc quyết định chính sách của Bộ. Bản dự thảo mong muốn các sĩ quan của Lực lượng phòng vệ (SDF) có quyền hạn ngang bằng với các quan chức dân sự. Hiện tại, các quan chức quân sự cũng như các cựu quân nhân trong SDF (hiện nay đang là nghị sĩ quốc hội) ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này, vốn mong muốn các sĩ quan SDF đóng vai trò quan trọng hơn trong việc lập kế hoạch tác chiến. Bộ trưởng Quốc phòng và SDF khi đó sẽ có thể phản ứng nhanh hơn trước khủng hoảng do đã loại bỏ đi những quy trình thừa và trùng lắp. Đặc biệt, dự thảo mới cho phép thiết lập riêng một cơ quan chuyên trách về mua sắm và trang bị quốc phòng. Cơ quan này sẽ giúp giảm chi phí, tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và ngăn chặn những bê bối tham nhũng trong tương lai. Tuy vậy, theo Yomiuri Shimbun thì “nguyên tắc dân sự nắm quyền như là nền tảng của hệ thống phòng vệ sẽ không thay đổi dưới bộ luật mới”. Nguyên tắc này thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt.

Trong một diễn biến đáng chú ý, vào thứ hai, hãng tin Itar-Tass dẫn lời Viktor Chirkov, hiện là tư lệnh hải quân Nga, tuyên bố rằng nước này sẽ đóng một chiếc tàu sân bay mới. Hiện tại, hải quân Nga đang có trong biên chế tàu sân bay Admiral Kuznetsov hạ thuỷ vào năm 1985. Vào tháng 12, Viện nghiên cứu nhà nước Krylov đã bắt đầu phát triển một loại tàu sân bay thế hệ mới cho nước Nga. Các báo cáo từ truyền thông Nga cho rằng chiếc tàu này vẫn đang trong giai đoạn lên ý tưởng thiết kế. Khi hoàn thành, nó có thể chở được 100 máy bay, tức là nhiều hơn 10% tàu sân bay lớp Nimitz hiện tại của Hoa Kỳ (vốn chở được 90 máy bay). Ngoài ra, tàu sân bay mới có thể sử dụng hệ thống đẩy thuỷ lực, chứ không sử dụng phương thức “nhảy cầu” truyền thông có từ thời Xô viết.

Xuất hiện một số nghi ngờ về kế hoạch này của hải quân Nga. David Axe viết trên Reuters rằng “đây vẫn là một kế hoạch nằm trên giấy”. Một phần tư thế kỷ sau sự sụp đổ của Liên Xô, nước Nga hiện nay thiếu nguồn lực tài chính, chuyên môn cũng như khả năng công nghiệp để chế tạo tàu sân bay. Kremlin cũng đã thất bại trong việc duy trì các cơ sở đóng tàu cần thiết cũng như trình độ chuyên môn của các công nhân. Tuy nhiên, đây cũng là một tuyên bố có cơ sở và đáng chú ý. Nikolas Gvosdev trên The National Interest lưu ý: “nước Nga hiện tại đang tiến hành hiện đại hoá quân đội ở quy mô lớn nhất chưa từng thấy trong vòng hai thập kỷ qua”. Ông cũng nhấn mạnh rằng cả thế giới cần phải theo dõi kỹ càng.