Nguồn của Luật Quốc tế trong Sự kiện ngoài khơi Changi 1603

Print Friendly, PDF & Email

Andries-van-Eertvelt-xx-Dutch-Ships-Running-Down-Onto-a-Rocky-Shore

Nguồn: Navin Rajagobal, “Roots of international law in 1603 incident off Changi,” The Straits Times, 23/02/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tôi muốn nhân cơ hội này để nhấn mạnh một sự kiện lịch sử quan trọng với những hậu quả toàn cầu lâu dài diễn ra rất gần hòn đảo của chúng ta. Rất ít người dân Singapore nhận thức được sự kiện này, và tôi không trách cứ gì họ, bởi nó diễn ra năm 1603. Thứ Tư này, 25 tháng 2, đánh dấu 412 năm sự kiện diễn ra.

Sự kiện tôi đang đề cập đến diễn ra gần bờ biển phía Đông của Singapore, gần Changi. Santa Catarina, con tàu buôn Bồ Đào Nha với thuyền trưởng Sebastian Serrao, đã bị một tàu nhỏ hơn do Jacob van Heemskerk đến từ Hà Lan tấn công và bắt giữ. Santa Catarina và hàng hóa quý giá của nó: lụa, đồ sứ, long não, và các chiến lợi phẩm khác nhanh chóng được lai dắt về Amsterdam. Khi bán đấu giá, số tiền thu được lên tới gần 300.000 bảng Anh, một khoản tiền lớn đối với Bắc Âu thế kỷ 17.

Đương nhiên, người Bồ Đào Nha muốn lấy lại kho báu của họ, trong khi nhiều người ở Hà Lan đã lo lắng về tính pháp lý và đạo đức của vụ cướp đoạt.

Người Hà Lan muốn phá vỡ sự thống trị của Bồ Đào Nha trong thương mại giữa châu Âu với châu Á như một phần trong cuộc xung đột tiếp diễn của họ với vị chúa cũ, Gia tộc Habsburg, triều đại đang cai trị Bồ Đào Nha. Nhưng chuyến đi của van Heemskerk đến châu Á có mục đích thúc đẩy thương mại, chứ không được ủy quyền một cách rõ ràng để tấn công tàu thuyền Bồ Đào Nha, do đó vụ tấn công tàu Santa Catarina có thể được xem là cướp biển.

Để đối phó với những bê bối đang kéo đến trong nước và quốc tế, người tài trợ cho van Heemskerk, Công ty Liên hiệp Amsterdam (United Amsterdam Company) đã thuê một luật sư trẻ nổi tiếng tên là Hugo Grotius (1583-1645) để soạn thảo một bài báo nhằm biện hộ cho việc bắt giữ tàu Santa Catarina.

Grotius đã sắc sảo biện hộ cho sự kiện Changi bằng cách tuyên bố rằng hành động của van Heemskerk đã thách thức độc quyền của Bồ Đào Nha trong việc giao thương với châu Á. Ông giải thích rằng người Bồ Đào Nha đã không chỉ chặn người Hà Lan khỏi các cảng biển và thị trường châu Á, mà còn sử dụng vũ lực trái phép đối với nhiều người châu Âu và châu Á khác để duy trì sự thống trị của họ trong việc giao thương với châu Á. Do đó, bằng cách bắt giữ tàu Santa Catarina, van Heemskerk đã tham gia một cuộc “chiến tranh chính nghĩa” (just war) để trừng phạt những vi phạm của người Bồ Đào Nha và bảo vệ tự do hàng hải giữa châu Âu và châu Á.

Những quan điểm của Grotius về sự kiện tàu Santa Catarina được xuất bản trong hai cuốn sách có nhan đề Mare Liberum (Vùng biển tự do) và De Jure Praedae (Bàn về quyền chiếm đoạt) cùng những quan điểm đối lập phản biện lại quan điểm của ông đã trở thành những tia lửa nhóm lên sự phát triển của luật quốc tế hiện đại. Một số học giả gọi đây là “Thời khắc Grotius” (“Grotian Moment”).

Chẳng hạn, khẳng định của Grotius rằng biển cả là lãnh hải quốc tế và bất cứ quốc gia nào cũng đều có quyền tự do sử dụng nó cho thương mại hàng hải đã trở thành một trong những nền tảng của luật biển quốc tế. Nguyên tắc này cuối cùng đã được pháp điển hóa trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, công ước này được công nhận rộng rãi là “hiến pháp”  về biển và đại dương.

Ngoài ra, khẳng định của Grotius rằng chiến tranh là chính đáng chỉ khi nó phục vụ lẽ phải (thuyết chiến tranh chính nghĩa – just war theory) đã trở thành một hướng dẫn cho luật quốc tế về sử dụng vũ lực và phòng vệ. Điều này sau này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hiến chương bảo vệ việc các quốc gia sử dụng vũ lực chỉ để phòng vệ hoặc nếu được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn vì lợi ích hòa bình và an ninh quốc tế – nói cách khác là vì những lý do chính đáng chứ không phải để gây hấn.

Không ngạc nhiên, Grotius được coi là “cha đẻ,” hay ít nhất cũng là một trong những người đi tiên phong của luật quốc tế.

Mối liên quan đến Singapore ban đầu có vẻ chỉ đơn thuần là một sự kiện địa lý. Nhưng không chỉ thế, bởi van Heemskerk đã không hành động một mình. Cư dân bản địa đã giúp ông.

Tàu Santa Catarina, khởi hành từ Ma Cao tới Malacca, neo đậu tại phía Đông Singapura (tên trước đây của Singapore). Chính quyền địa phương lúc đó, Johor-Riau (Vương quốc Johor), được lập nên từ những người di tản sau khi Bồ Đào Nha chinh phục Malacca năm 1511. Do đó, Johor-Riau rất sẵn lòng trở thành đồng minh của van Heemskerk và cung cấp thông tin tình báo, lính, và thuyền chèo để tiến hành vụ tấn công.

Trên thực tế, Raja Bongsu (sau này là Quốc vương Johor-Riau) đã cho tìm van Heemskerk ở Pattani và mời ông ta đi thuyền đến Singapura để giăng bẫy người Bồ Đào Nha. Ông và các nhà lãnh đạo bản địa khác có lẽ đã ở trên thuyền buồm Hà Lan mang tên Sư tử Trắng (White Lion) trong cuộc tấn công tàu Santa Catarina.

Trận chiến bắt đầu lúc 8h sáng ngày 25 tháng 2 năm 1603. Những người cướp tàu đã tập trung tấn công những cánh buồm của tàu Santa Catarina để tránh làm hư hỏng hàng hóa hay chìm tàu. Dù thế, cuộc tấn công vẫn diễn ra rất dữ dội với ít nhất 70 người thương vong. Đến 6h chiều, người Bồ Đào Nha đầu hàng, bỏ lại tàu Santa Catarina để đổi lại được rút lui an toàn về Malacca, điều đã được chấp thuận.

Liên minh của Hà Lan với chính quyền địa phương là một tấm khiên lớn cho lời biện hộ hợp pháp của Grotius đối với việc chiếm đoạt tàu Santa Catarina. Bằng việc hỗ trợ người dân địa phương trong cuộc chiến chống lại người Bồ Đào Nha ở Malacca, van Heemskerk không phải cướp biển, mà là bộ hạ của Johor-Riau.

Tất nhiên, Singapura đã trở thành một trung tâm thương mại và hàng hải quốc tế lớn. Tự do hàng hải, tiếp cận với thị trường toàn cầu và thương mại tự do – những khái niệm quen thuộc với Grotius – hiện nay là những yếu tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Singapore, như chúng đã từng rất quan trọng đối với nền kinh tế thành công của Đảo quốc Sư tử.

Những diễn tiến gần đây như các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông cũng đã nêu bật tầm quan trọng của luật biển quốc tế. Một số nhà quan sát cho rằng bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc vốn dường như bao trùm cả các tuyến đường biển nhộn nhịp của Biển Đông, gợi nhớ đến các nguyên tắc clausum mare (biển đóng) mà người Bồ Đào Nha cổ súy trong thế kỷ 17. Điều này trái ngược những nguyên tắc mare liberum (biển tự do) mà Grotius đấu tranh sau sự kiện tàu Santa Catarina và sau này được gói gọn lại trong UNCLOS.

Do đó tôi cho rằng nước Singapore độc lập, tròn 50 năm vào năm nay, nên ghi nhớ sự kiện tàu Santa Catarina diễn ra cách đây đã 412 năm, bởi nó đã thúc đẩy sự phát triển của luật quốc tế, và diễn ra ngay cạnh Changi.

Navin Rajagobal là Giám đốc phụ trách đào tạo tại Trường Yale-NUS, Singapore, và nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]