Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (25/03/2015)

Print Friendly, PDF & Email

china-anti-satellite-missile-test-cartoon

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Giữa tháng ba, Viện Nghiên cứu Hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã đưa ra một báo cáo cho thấy Trung Quốc đã vượt Pháp để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Nga. Thông tin này gây nhiều chú ý không đơn thuần về vấn đề thứ hạng, mà còn về những tác động lớn hơn trong tương lai đối với thị trường vũ khí và môi trường an ninh toàn cầu.

Từ trước tới nay, Trung Quốc nổi tiếng là nhà cung cấp các loại vũ khí hạng nhẹ hàng đầu (chủ yếu là các loại súng và pháo). Tuy nhiên nước này, và cả Ấn Độ, đang nổi lên như là những cường quốc xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới, bao gồm cả các hệ thống vũ khí hạng nặng, kỹ thuật cao.

Bản báo cáo của SIPRI cũng cho thấy, xuất khẩu các loại vũ khí hạng nặng của Trung Quốc trong giai đoạn từ 2010 tới 2014 đã tăng 143% so với giai đoạn 2005 – 2009, trong khi thị phần vũ khí của Trung Quốc tăng từ 3% lên 5%. Nếu xu hướng này tiếp tục, thì chỉ trong vòng một thập niên tới, các nước đang phát triển sẽ có khả năng mua được các hệ thống vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, các loại tàu khu trục tàng hình, máy bay không người lái hay đạn dược có độ chính xác cao với giá cả phải chăng.

Lý do thúc đẩy quá trình này chính là các chương trình nội địa hoá vũ khí của Ấn Độ và Trung Quốc nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống vũ khí của nước ngoài. Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm dần khẳng định vị thế của cường quốc đang nổi. Là những nước đi sau, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có công thức chung nhằm cải tiến công nghệ quân sự của mình. Thứ nhất, họ mua nhiều phiên bản khác nhau cho cùng một loại vũ khí. Ví dụ, Trung Quốc đã mua ít nhất 7 loại máy bay chiến đấu khác nhau, trong khi Ấn Độ là 6 loại. Bước tiếp theo, họ mô phỏng lại các loại vũ khí này thông qua hai việc: hấp thu các công nghệ cốt lõi của nước ngoài, đồng thời với đó là tăng cường chi phí đầu tư và phát triển cho các hệ thống vũ khí nội địa. Đây là một sự lựa chọn tốn khá nhiều chi phí, chưa kể tới vấn đề đồng bộ hoá hệ thống chiến đấu và hậu cần. Tuy nhiên công thức này giúp cho Ấn Độ và Trung Quốc có khả năng thử nghiệm và đánh giá công nghệ nào là cần thiết và phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Tác động tới thị trường mua bán vũ khí của xu hướng tràn lan vũ khí công nghệ cao giá rẻ là gì? Lựa chọn của khách hàng rõ ràng sẽ trở nên rộng hơn, với giá thành chấp nhận được. Các hợp đồng vũ khí dành cho Hoa Kỳ, phương Tây và Nga chắc chắn sẽ bị suy giảm, trong khi của Trung Quốc và Ấn Độ lại gia tăng. Đối với môi trường an ninh toàn cầu, điều này sẽ góp phần gia tăng căng thẳng và đối đầu, khi ai ai cũng có thể mua vũ khí giá rẻ với hiệu quả cao. Đó là chưa kể các địch thủ của Hoa Kỳ sẽ dễ dàng tiếp cận được các công nghệ để có thể xây dựng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) khiến cho năng lực triển khai toàn cầu của Washington bị hạn chế.

Đề cập tới thông tin Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội thứ 4 phụ trách khu vực Ấn Độ Dương, David McDonough từ Viện Trao đổi Liên hiệp Quốc phòng (CDI) ở Canada cho rằng đây chỉ là hạm đội tồn tại trên giấy tờ. Theo David, thông tin này có thể khiến cho những nhà quan sát quốc phòng phân tâm khỏi mối đe doạ hiện hữu và nghiêm trọng hơn: Hạm đội Nam Hải. Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tăng cường môt cách đáng kể sức mạnh của hạm đội này. Tại vịnh Nha Long (Yalong) phía đông nam đảo Hải Nam, Trung Quốc đã cho xây dựng căn cứ hải quân Longpo: một cảng nước sâu với căn cứ ngầm trong lòng núi giúp che dấu hạm đội tàu ngầm, cùng một cơ sở khử từ (demagnetizing facility) giúp làm giảm mức độ từ tính của tàu chiến. Căn cứ mới này có khả năng sẽ là nhà của các tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (Jin-class). Ngoài Longpo, PLAN cũng đã cho xây dựng căn cứ tại Yulin, phía tây Longpo và là nơi neo đậu của các tàu ngầm thông thường. Các cơ sở hạ tầng dùng cho tàu mặt nước cũng như các bến đỗ mới đã và đang được xây dựng tại Yulin.

Hạm đội Nam Hải từ một trong những hạm đội yếu nhất Trung Quốc, nay đã trở thành một trong những hạm đội hiện đại nhất. Trong biên chế, hạm đội này sở hữu tàu ngầm hạt nhân lớp Thương (Shang-class), các loại tàu ngầm thông thường Kilo-, lớp Tống (Song-) và lớp Nguyên (Yuan-). Cộng thêm một số tàu khu trục và hộ tống tên lửa hiện đại khác, và 3 tàu đổ bộ mới, thì tổng số tàu chiến mặt nước của hạm đội này lên tới 29 tàu. Ngoài ra, các tàu tấn công nhanh lớp Hồ Bắc (Houbei-) cũng được trang bị chủ yếu cho Hạm đội Nam Hải, bên cạnh Hạm đội Đông Hải.

Theo McDonough, Hải Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình hoạt động của Hạm đội Nam Hải, mặc dù đại bản doanh của hạm đội này đóng tại Trạm Giang. Thứ nhất, hòn đảo này đóng vai trò như một căn cứ tàu ngầm hạt nhân chủ lực, một cấu thành quan trọng trong bộ ba răn đe hạt nhân. Các tàu ngầm thông thường khác, các hệ thống phòng không hạm đội và phòng thủ trên đất liền sẽ lãnh nhiệm vụ bảo vệ cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn chống lại các loại vũ khí săn ngầm của đối thủ. Thứ hai, việc Hạm đội Nam Hải tăng cường hiện đại hoá có thể được giải thích theo xu hướng tấn công; không chỉ là bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân, mà còn là gia tăng khả năng kiểm soát mặt biển. Các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa trong thời gian qua cũng phần nào củng cố cho xu hướng này.

Vào năm nay, Lầu Năm Góc sẽ cố gắng thúc đẩy các chương trình hiện đại hoá vũ khí và tăng cường đầu tư vào các công nghệ vũ khí tiên tiến. Các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc vì thế thường xuyên nêu lên nỗ lo sợ rằng thế mạnh công nghệ tương đối của Hoa Kỳ rồi sẽ mất đi vì sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc và quân đội Nga. Robert O. Work – thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ – cho rằng “vì ngân sách không được đảm bảo và những hạn chế đưa ra bởi Quốc hội, và vì lý do chúng ta không tập trung đầu tư đủ cho các lực lượng quân đội tiền phương, nước Mỹ đang thiếu đầu tư vào các khả năng mới và hệ thống vũ khí mới”. Thêm vào đó, quan chức phụ trách về mua sắm, công nghệ và hậu cần của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đến sự suy giảm ưu thế của quân đội trên chiến trường không gian là “đặc biệt xấu” do khả năng chống vệ tinh ngày càng được tăng cường của Trung Quốc và Nga.

Theo đó, các khả năng chống vệ tinh bao gồm tấn công mạng và tấn công điện từ, các chiến dịch gây nhiễu, và các hệ thống laser trên mặt đất, cũng như các tên lửa chống vệ tinh (ASAT). Ví dụ, Trung Quốc đã có thể huỷ diệt một vệ tinh thời tiết không hoạt động bằng tên lửa vào năm 2007. Bắc Kinh cũng đã thử nghiệm hệ thống chuyên chở tên lửa chống vệ tinh vào năm 2014, nhưng lại nói đây là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Nga cũng đã phát triển “sát thủ vệ tinh” – một loại phi thuyền có khả năng nhận diện vệ tinh của đối thủ và tiêu diệt nó – theo báo cáo từ truyền thông. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích thì các mối đe doạ đang bị thổi phòng. Và các viễn cảnh bi quan này có liên quan tới các tranh luận về phân bổ ngân sách quốc phòng sắp tới.

Một số thông tin quốc phòng đáng chú ý trong tuần qua tại Đông Nam Á: Singapore đã gia tăng ngân sách quốc phòng của mình thêm 5,7% vào năm tài khoá 2015, lên 9,5 tỷ USD. Đây là bước đi được đánh giá là phù hợp với định hướng chính sách của đảo quốc này. Bộ trường Quốc phòng Singapore đã nhấn mạnh rằng quân đội Singapore cần “làm mới mình để đối phó với những thách thức an ninh mới”, ví dụ như chiến tranh lai (hybrid warfare), bằng cách tăng cường đầu tư vào phòng thủ mạng, máy bay không người lái, công nghệ thông tin, rô-bốt và trí thông minh nhân tạo. Trong khi đó, Brunei lại cắt giảm ngân sách quốc phòng của mình tới 25% vào năm 2015 do giá dầu giảm. Điều này không ngạc nhiên do nền kinh tế Brunei phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp năng lượng – với dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 70% GDP.