Việt Nam 1945: Khoảnh khắc không gì là không thể

Print Friendly, PDF & Email

Hanoi,_The_uprising_on_August_19,_1945

Nguồn: David G. Marr, “A moment when everything seemed possible”, Inside Story, 10/10/2013.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Vai trò của các đảng phái chính trị trong nhà nước Việt Nam DCCH

David G. Marr mô tả sự ra đời tác phẩm mới của mình, một cái nhìn chi tiết về bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.

Tôi bắt đầu tiếp xúc với Việt Nam vào những năm 1960, tự hỏi vì sao có quá nhiều người kể về nơi họ đã ở và những việc họ làm trong giai đoạn 1945-46 với một vẻ hào hứng đến vậy. Nhưng những tài liệu của Việt Nam về thời kỳ này quả thật rất khó tìm kiếm. Những thư viện hay tiệm sách ở Sài Gòn hầu như chẳng có gì. Tôi tìm được một hiệu sách thiên tả tại Hồng Kông có bán những ấn phẩm xuất bản định kì từ Hà Nội, đáng chú ý là Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Năm 1964, một ngày nọ, hai đặc vụ FBI tới ký túc xá sinh viên sau đại học trường Berkeley của chúng tôi và hỏi lý do tôi đặt nhận những ấn phẩm tuyên truyền của kẻ thù qua đường bưu điện.

Vào năm sau đó, khi đang nghiên cứu về phong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên ở Sài Gòn, tôi được Đại tá Phạm Ngọc Liễu (chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa) giao cho một số lượng lớn các ấn phẩm bị tịch thu từ Hà Nội. Đây đúng là thứ khơi gợi cảm hứng cho tôi, tuy vậy chúng khó có thể được sử dụng cho một luận án tiến sĩ.

Luận án và cũng là cuốn sách đầu tiên của tôi, với tựa đề “Người Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân, giai đoạn 1885-1925” (Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925), tập trung vào thiểu số người Việt phản kháng sự chiếm đóng và thuộc địa hóa của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ để lại một di sản toàn những thất bại nhuốm màu chủ nghĩa anh hùng, đồng thời là một thách thức trực tiếp đặt ra cho thế hệ mới gồm những người trẻ tuổi được hưởng nền giáo dục của Pháp: làm sao để học được từ sai lầm của người đi trước.

Cuốn sách thứ hai của tôi, “Truyền thống Việt Nam trong thời kì thử thách, 1920-1945” (Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945), nói về giới trí thức của thế hệ này khi họ tranh luận các vấn đề về đạo lý và chính trị, ngôn ngữ và văn học, địa vị của phụ nữ, những bài học từ quá khứ, sự hài hòa và tranh đấu, sức mạnh tri thức và tập quán chính trị. Những cuộc thảo luận sôi nổi này diễn ra giữa những thay đổi nhanh chóng về kinh tế-xã hội, những thay đổi liên tục trong chính sách thực dân của người Pháp, và cuối cùng là tình trạng rối loạn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Không chỉ những trí thức, mà những người Việt Nam khác cũng trở nên tin tưởng rằng cuộc đời không phải được định trước, rằng tất cả mọi người trên thế giới đều có thể chạm tới tự do và hiện đại, và rằng một cá nhân có thể hợp sức cùng với những người khác để tạo ra sự thay đổi.

Trong cuốn sách thứ ba, “Việt Nam 1945: trong cuộc cạnh tranh giành quyền lực (Vietnam 1945: The Quest for Power), tôi cố gắng thể hiện một cách sống động các sự kiện và giải thích ý nghĩa quan trọng của cột mốc mà người Việt vẫn gọi là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trước tiên tôi nghiên cứu tỉ mỉ giai đoạn năm năm trước đó, khi người Pháp của chính phủ Vichy,[1] người Nhật, người Trung Quốc, người Mỹ, người Anh, người Pháp Tự do,[2] những người cộng sản và những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc, tất cả đều cố gắng kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến các diễn biến ở Đông Dương.

Vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Quân đội Nhật Bản lật đổ chính quyền thực dân Pháp, điều này có nghĩa Pháp đã bị loại khỏi cuộc chơi trong sáu tháng quyết định sau đó. Người Việt Nam nhanh chóng nhận ra rằng họ có thể xuất bản tài liệu, tổ chức và biểu tình đòi độc lập dân tộc, miễn là không gây trở ngại đến sự chuẩn bị phòng vệ của quân Nhật. Lực lượng kháng Nhật Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, hay còn gọi là Việt Minh, tiếp tục tán dương những thắng lợi của phe Đồng minh và lên án “giặc lùn” [nguyên văn dwarf bandits, ý chỉ quân Nhật – ND], nhưng phần lớn tránh các cuộc đối đầu nhằm giành thời gian cho việc tuyển quân và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa cuối cùng. Ở một số địa phương, nông dân đột kích các kho thóc, tịch thu tài sản của địa chủ, bắt giam các lý trưởng và buộc các quan huyện phải bỏ trốn để giữ lấy tính mạng.

Tin tức về Tokyo đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 15/8 nhanh chóng lan truyền khắp Việt Nam, châm ngòi cho sự bùng nổ các cuộc biểu tình tuần hành, chiếm đóng các cơ quan chính phủ, đốt hủy tài liệu và hình thành các ủy ban cách mạng. Thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) nắm được quyền kiểm soát Hà Nội, Huế, Sài Gòn và một số tỉnh thành dưới danh nghĩa Việt Minh, trong khi ở các nơi khác, các nhóm thanh niên cũng tự mình đạt được những thành công tương tự.

Đó là một khoảnh khắc mà mọi thứ dường như đều khả thi, khi mọi người cảm thấy họ đang làm nên lịch sử, chứ không chỉ chứng kiến nó. Một vài sĩ quan chỉ huy Nhật đã giao nộp lại những kho vũ khí và đạn dược chiếm được từ quân Pháp. Lực lượng nòng cốt Việt Minh, vốn đã xác nhận đứng cùng phe với quân Đồng Minh, hiện nắm giữ một lợi thế tuyên truyền lớn hơn hẳn những nhóm hội trước kia bắt tay với Nhật. Kết quả là phần lớn các nhóm thanh niên sớm đầu hàng Việt Minh và lặp đi lặp lại những khẩu hiệu của tổ chức này, mặc dù họ chưa hề tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Minh và chẳng có khái niệm gì về cương lĩnh của Việt Minh nói chung.

Cuốn Việt Nam 1945 kết thúc ở ngày 2/9, khi những đám đông lớn tập trung tại Hà Nội và Sài Gòn để đón mừng độc lập dân tộc. Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Chủ tịch lâm thời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới, đã đọc một bản tuyên ngôn độc lập ngắn để tuyên bố với thế giới cũng như người dân trong nước. Những chiếc loa phóng thanh đảm bảo rằng khán thính giả không chỉ nghe được những gì ông Hồ và người khác nói, mà còn phản hồi một cách vang dội và hân hoan vô số lần. Sau khi Hồ Chí Minh kết thúc buổi mít-tinh, quân đội Việt Minh xuống phố tuần hành, tản ra và hòa chung vào với không khí tưng bừng cho tới giờ giới nghiêm.

Tuy nhiên, tại Sài Gòn, khi thành viên của Ủy ban Hành chính Nam Bộ vừa kết thúc bài phát biểu thì tiếng súng nổ ra ở vùng ngoại thành, dân chúng hoảng loạn. Đám đông bắt đầu tiến hành lùng bắt người Pháp, giết một số người, đánh đập những người khác, và khủng bố phần còn lại. Hai cái kết – một trật tự, một hỗn loạn – đã cho thấy những cuộc nổi dậy Tháng Tám của quần chúng có thể lái Việt Nam theo những hướng đi hoàn toàn khác nhau. Người dân nhận thấy cuộc sống của họ đã thay đổi mãi mãi, nhưng không ai có thể nhìn trước được tuần sau mọi thứ sẽ thế nào, nói gì đến những tháng năm về sau.

Cuốn sách mới của tôi, có tên Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng(Vietnam: State, War and Revolution), tập trung vào các sự kiện diễn ra trong 16 tháng tiếp theo, khi đường hướng tương lai của Việt Nam đã được xác định. Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa bắt đầu hoạt động, lực lượng quân đội quốc gia được hình thành. Nhật Bản, Anh, Mỹ và Trung Quốc mờ nhạt dần trong cán cân quyền lực tại Đông Dương, trong khi Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nỗ lực tìm cách đạt được lợi thế. Một nạn đói nữa hầu như đã được ngăn chặn, tài sản của người Pháp bị sung công và những chiến dịch gây quỹ không chính thức được tiến hành song song với hoạt động thu thuế chính thức. ĐCSĐD dần dần mở rộng sự kiểm soát đối với các lực lượng Việt Minh địa phương, rồi tạo áp lực buộc các đảng khác phải chấp nhận quyền lãnh đạo của đảng này, nếu không sẽ bị coi là phe phản bội. Hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em tham gia các đoàn thể ở địa phương để bảo vệ và phát triển đất nước. Mùa hè năm 1946, tại Paris, Hồ Chí Minh cố gắng thương thảo một dàn xếp, nhưng căng thẳng lại gia tăng ở Việt Nam. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Pháp chiếm Hải Phòng vào tháng 11, và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động tấn công tại Hà Nội và nhiều nơi khác vào ngày 19 tháng 12. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã kéo dài thêm 7 năm rưỡi.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tiếp tục tồn tại và ngày càng chiếm ưu thế rộng rãi nhờ sự tham gia rộng lớn chưa từng thấy của quần chúng nhân dân, mà phần lớn trong số họ chưa bao giờ bắn một phát đạn nào trong cơn giận dữ. Người dân tham gia vì lý do gì và bằng cách nào là những câu hỏi mà tôi tiếp cận từ nhiều góc độ. Rõ ràng bên cạnh việc đánh bại kẻ thù, cá nhân mỗi người đều có những khát vọng khác. Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đảm nhiệm nhiều chức năng không liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh vũ trang, mặc dù chính quyền thường gán mục đích kháng chiến cho những việc này. ĐCSĐD cũng dùng cuộc chiến để hợp thức hóa việc nắm quyền của mình. Trong quá trình nỗ lực để kiểm soát nội bộ, chiến tranh và cách mạng, đã xuất hiện những hậu quả không tiên liệu được trước mà người Việt chấp nhận phải sống cùng hàng thập niên sau này.

Tôi thường tự hỏi mình câu hỏi tương tự câu hỏi Thomas Carlyle đặt ra khi ông bắt tay vào viết về lịch sử của cuộc Cách mạng Pháp: “Mọi thứ ở đó như thế nào?”. Không có được tài năng kịch nghệ như Carlyle, tôi không thể dựng lên được một Mirabeau hay Robespierre[3] của Việt Nam. Các nhân vật nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh luôn ở trên sân khấu, nhưng tôi cũng có cùng niềm hứng thú với những câu chuyện về các nhà hoạt động trẻ tuổi trong Việt Minh, về những dân oan đang bất bình ở làng quê, về những vị chủ tịch ủy ban tỉnh, về các cựu viên chức (fonctionnaire) của chính quyền thuộc địa, về những anh phóng viên đầy phấn khởi, và về các em học sinh trung học Nam tiến để chiến đấu với người Pháp, với hành trang độc một con dao rựa.

Các tài liệu, tạp chí và sách xuất bản trong thời kỳ 1945-46 là nguồn động lực cho tôi trong suốt hàng năm trời, để mỗi buổi sáng tôi thức giấc, tìm cách giải quyết các bằng chứng rời rạc, tìm ra các mẫu hình và cả các mâu thuẫn nữa, và sau đó cố gắng dựng lên một câu chuyện lịch sử về cách con người phản ứng và tạo nên sự kiện tại một địa điểm và thời gian cụ thể. Thú vị nhất là bộ sưu tập tư liệu gouvernement de fait (chính phủ lâm thời) tại Viện lưu trữ Quốc gia về nước ngoài ở Aix-en-Provence: bảy mươi tám thùng carton chứa tài liệu về nhà nước Dân chủ Cộng hòa do Quân đội Pháp đóng tại Hà Nội chiếm được vào cuối năm 1946. Đó là một bằng chứng cho thấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cực kì hoang mang vào đêm 19/12/1946, đến nỗi hai tiếng trước khi cuộc tấn công bắt đầu, các thư ký chính phủ vẫn ngồi tại bàn làm việc ở Hà Nội, và sau đó họ không kịp hủy hàng ngàn tập tài liệu đặt ở tầng hầm Văn phòng miền Bắc trước khi rời đi.

Nếu như cuốn sách này được viết hai mươi năm trước đây, những người quan sát Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra những luận điệu chính trị, các giả định chính sách và thái độ của người dân những năm cuối thập niên 1940. Ở hiện tại, quá nhiều thứ đã thay đổi. Giữa những câu chuyện ngày nay về điện thoại di động, các thị trường năng động, các nhà đầu tư nước ngoài, nhà máy giầy Nike và những gia đình thượng lưu mới, những chuyện kể về chiến tranh và cách mạng có vẻ đã cổ lỗ, không hợp thời. Những người Việt trẻ vẫn cần phải học về cuộc kháng chiến chống Pháp đủ để vượt qua các bài kiểm tra và kì thi ở trường học, nhưng ngoài ra thì thời kì này dường như trở nên xa cách và chẳng quan trọng nữa. Những người Việt trẻ theo học ở phương Tây cho rằng chẳng thể tìm hiểu được điều gì quan trọng về nhà nước Dân chủ Cộng hòa, Việt Minh hay cuộc kháng chiến trong tất cả những chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản.

Tuy vậy còn nhiều thể chế nhà nước được hình thành cuối thập niên 1940s vẫn tồn tại không suy chuyển ở Việt Nam ngày nay, cũng như niềm tin của nhân dân vào tính hiện đại, hay sự hiệu quả của quy mô và sự tập trung quyền lực. Ngay dưới lớp bề mặt này, nỗi sợ hãi trước sự can thiệp hay lôi kéo từ bên ngoài cũng vẫn còn tồn tại dai dẳng. Đảng sẽ tiếp tục dựa vào những thành tựu của Cách mạng tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp để biện minh cho nền chuyên chính của mình. Những người chỉ trích đảng đôi khi nhắc lại thời kì báo chí tương đối tự do năm 1945-46, cuộc tổng tuyển cử toàn quốc tháng 1/1946, Đảng Dân chủ, và Hiến pháp tháng 11/1946, nhưng họ lại thiếu kiến thức chi tiết về từng sự kiện.

Năm 1995, khi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức một hội thảo ở Hà Nội để luận bàn về cuốn “Việt Nam 1945” của tôi, một số người tham gia đã phản đối quan điểm: “sự thật duy nhất trong lịch sử là chẳng có sự thật lịch sử nào cả, mà đó chỉ là vô vàn những trải nghiệm.” Trái lại, chỉ duy nhất một người chỉ trích tôi vì đã coi nhẹ vai trò của ĐCSĐD trong lịch sử, trong khi một vài người khác chọn cách kể lại những trải nghiệm cá nhân trong năm 1945 để ngầm ủng hộ luận điểm của tôi. Ngày nay, thế hệ trẻ ở Việt Nam có vẻ ít bị trói buộc bởi các sự thật lịch sử, và sẵn sàng phản biện lại những lời giáo điều. Tôi thực sự trông chờ những cuộc tranh luận sôi nổi và sinh động như vậy.

David G. Marr là Giáo sư hưu trí bộ môn Lịch sử tại Đại học Quốc gia Australia. Bài viết là một phần trích đã được biên tập từ tác phẩm Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng (Vietnam: State, War and Revolution, University of California Press).

—————

[1] Chính phủ Vichy hay Vichy là thuật ngữ thường được dùng để miêu tả chính phủ Pháp hợp tác với phe Trục từ tháng 7/1940 đến tháng 8/1944 trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chính phủ này chính thức gọi mình là Quốc gia Pháp (État Français) và do Thống chế Philippe Pétain đứng đầu, ông thành lập chính phủ này sau thất bại quân sự của Pháp trước Phát xít Đức. [ND]

[2] Pháp quốc Tự do (tiếng Anh: Free France, tiếng Pháp: France libre) là một tổ chức chính trị lưu vong người Pháp chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã đối với Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, được thành lập tại London bởi tướng de Gaulle sau khi phát lời kêu gọi ngày 18/6/1940. Tổ chức này cũng tập hợp các binh sĩ quân lực Pháp tham gia Lực lượng Pháp quốc Tự do tiếp tục chống lại phe Trục. [ND]

[3] Honoré Mirabeau và Maximilien Robespierre là các nhà lãnh đạo Cách mạng Pháp. [ND]

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]