Nguồn: “Eisenhower gives famous “domino theory” speech”, History.com (truy cập ngày 06/04/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Lê Thanh Danh
Vào ngày này năm 1954, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã “khai sinh” ra một trong những cụm từ nổi tiếng nhất giai đoạn Chiến tranh Lạnh khi cho rằng việc để cho vùng Đông Dương của Pháp thất thủ trước chủ nghĩa Cộng sản sẽ tạo nên một hiệu ứng “đô-mi-nô” (phản ứng dây chuyền – NV) trên toàn Đông Nam Á. “Học thuyết đô-mi-nô” này đã chiếm thế chủ đạo trong tư duy của Mỹ đối với Việt Nam trong suốt một thập kỷ kế tiếp.
Đầu năm 1954, nhiều nhà lập pháp Mỹ đã thấy rõ sự thất bại thê thảm trong tham vọng tái thuộc địa hóa Đông Dương của người Pháp, sau khi họ mất quyền kiểm soát khu vực vào tay Nhật Bản trong Thế chiến II. Quân đội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh, đang gần kề một chiến thắng chấn động trước quân đội Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Chỉ trong vòng vài tuần, đại diện từ các cường quốc trên thế giới đã lên kế hoạch họp mặt tại Geneva để bàn bạc một thỏa thuận chính trị về cuộc chiến tại Việt Nam. Các quan chức Mỹ đã lo sợ rằng một chiến thắng của lực lượng được ông Hồ lãnh đạo, cùng một một thỏa thuận tại Geneva, sẽ mở đường cho một chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Nhằm lôi kéo sự ủng hộ của Quốc hội và công chúng Mỹ tăng mức viện trợ cho quân Pháp, tổng thống Eisenhower đã tiến hành buổi họp báo lịch sử vào ngày 07/04/1954.
Ông đã dành phần lớn thời gian của bài diễn văn để diễn giải về tầm quan trọng của Việt Nam đối với nước Mỹ. Đầu tiên là tầm quan trọng về kinh tế, ông khẳng định “giá trị của nguồn sản xuất (tại Việt Nam – NV) về các nguyên vật liệu cần thiết cho thế giới” (như cao su, sợi đay và lưu huỳnh, …). Ông cũng nhắc đến “viễn cảnh nhiều người phải sống dưới một chế độ độc tài, đe dọa đến thế giới tự do”.
Cuối cùng, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, “cần phải nhìn nhận một cách rộng hơn dựa trên nguyên tắc sụp đổ kiểu đô-mi-nô”. Ông giải thích thêm, “khi có một chuỗi các quân bài đô-mi-nô được xếp sẵn, nếu đánh ngã quân cờ đầu tiên, hệ quả đối với quân cờ cuối cùng là không thể tránh khỏi, và quá trình này sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng”. Hệ quả đô-mi-nô sẽ dẫn đến sự tan rã của Đông Nam Á, “lần lượt là Đông Dương, Miến Điện, Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Indonesia sẽ bị mất”. Ông Eisenhower còn cho rằng, ngay cả Nhật Bản cũng sẽ bị đe dọa khi quốc gia này cần Đông Nam Á vì mục đích thương mại.
Những phát ngôn của Eisenhower không mang lại tác động trực tiếp. Một tháng sau, lực lượng lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản đã giành được chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Hiệp định Geneva cũng nhất trí để chính quyền lãnh đạo bởi Hồ Chí Minh kiểm soát miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, về dài hạn, tuyên bố của Eisenhower về Học thuyết Đô-mi-nô đã tạo nên những nền tảng đầu tiên cho sự can dự của Mỹ tại Việt Nam. Cả hai tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson đều đã sử dụng học thuyết này để tạo tính chính danh cho những lời kêu gọi tăng cường trợ giúp kinh tế và quân sự cho chính quyền miền Nam Việt Nam, với đỉnh điểm là sự can dự trực tiếp của quân đội Mỹ vào năm 1965.