Trung Quốc và “Mô hình Singapore”

Print Friendly, PDF & Email

lee-kuan-yew-and-deng

Nguồn: Minxin Pei, “The Real Singapore Model”, Project Syndicate, 26/03/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Sự ra đi của Lý Quang Diệu, người cha lập quốc của Singapore, là một dịp để chúng ta suy nghĩ về di sản của ông – và có lẽ quan trọng hơn, để nhìn nhận xem liệu chúng ta đã hiểu đúng về di sản đó hay chưa.

Trong thời gian 31 năm làm thủ tướng, ông Lý đã tạo nên một bộ máy chính quyền độc nhất, cân bằng một cách tinh tế giữa chế độ chuyên chế với dân chủ và giữa chủ nghĩa tư bản nhà nước với thị trường tự do. Cách thức quản trị của ông Lý, được biết đến với tên gọi “Mô hình Singapore,” thường hay bị miêu tả sai thành hình ảnh một chế độ độc đảng độc tài đứng trên một nền kinh tế thị trường tự do.

Sự thành công của ông trong việc biến Singapore thành một quốc gia – thành phố thịnh vượng thường xuyên được những nhà cai trị độc tài viện dẫn để biện minh cho sự kiểm soát chặt chẽ xã hội của mình – và các nhà cầm quyền Trung Quốc chính là những người viện dẫn nhiều nhất.

Thật vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi một chương trình nghị sự cải cách chịu ảnh hưởng lớn từ Mô hình Singapore – đó là một cuộc chiến triệt để chống lại tham nhũng, một cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến trên diện rộng, và cải cách nền kinh tế thị trường. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ – CCP) nhìn thấy ở Singapore viễn cảnh tương lai của mình: thế độc quyền về quyền lực chính trị tồn tại vĩnh viễn trong một xã hội tư bản thịnh vượng.

Nhưng Mô hình Singapore theo cách hiểu của các nhà cầm quyền Trung Quốc không bao giờ tồn tại. Để áp dụng theo mô hình chính phủ của ông Lý (chứ không phải những bức hoạt hình biếm họa), ĐCSTQ buộc phải có một hệ thống dân chủ hơn rất nhiều mức độ mà Đảng này chịu chấp nhận.

Bí mật thực sự của thiên tài chính trị Lý Quang Diệu không nằm ở việc áp dụng thuần thục các hành động đàn áp, chẳng hạn như tiến hành các vụ kiện chống lại truyền thông hoặc các đối thủ chính trị của mình; những chiến thuật kiểu này rất phổ biến và không đáng kể trong các chế độ bán chuyên chế. Điều mang tính cách mạng thực sự mà ông Lý đã làm là việc sử dụng thể chế dân chủ và pháp quyền để kiềm chế sự tham lam của giới tinh hoa cầm quyền ở đất nước mình.

Không giống Trung Quốc, Singapore cho phép các đảng đối lập tham gia các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh và tự do (mặc dù không nhất thiết phải công bằng). Trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất vào năm 2011, sáu đảng đối lập đã giành tổng cộng 40% số phiếu bầu. Nếu Đảng Hành động Nhân dân (PAP), đảng do Lý Quang Diệu thành lập, mất tính chính đáng của mình do quản trị kém, cử tri Singapore có thể phế ngôi đảng này.

Bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh thường xuyên, Lý Quang Diệu trên thực tế đã thành lập một cơ chế chính trị tự thực thi và có trách nhiệm giải trình – ông đã trao cho cử tri Singapore quyền quyết định liệu Đảng PAP có được nắm quyền hay không. Cơ chế tự thực thi này đã duy trì kỷ luật trong giới tinh hoa cầm quyền của Singapore và khiến những lời hứa của họ trở nên đáng tin cậy.

Đáng tiếc thay, hầu hết phần còn lại của thế giới chưa bao giờ ghi nhận một cách thích đáng những đóng góp của Lý Quang Diệu trong việc tạo dựng một hệ thống “lai” kết hợp cả chế độ chuyên chế và chế độ dân chủ, giúp cải thiện đáng kể mức sống của công dân nước mình mà không đẩy họ vào cảnh tàn bạo và áp bức như nhiều nước láng giềng của Singapore đã làm.

Sẽ là khôn ngoan nếu Trung Quốc nắm bắt mô hình này, bằng cách thực thi một mức độ dân chủ đáng kể và tăng cường tuân thủ nền pháp quyền. 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn nếu các nhà cầm quyền áp dụng các thể chế và thực tiễn chính trị theo phong cách Singapore. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc tối thiểu phải hợp thức hóa các tổ chức chính trị đối lập, tiến hành đều đặn các cuộc bầu cử cạnh tranh, và tạo ra một nền tư pháp độc lập.

Học theo Lý Quang Diệu sẽ giúp Trung Quốc đạt được những tiến bộ to lớn và trở thành một xã hội nhân đạo và cởi mở hơn, với một tương lai tươi sáng hơn. Đáng buồn thay, hầu như không có cơ hội để điều này xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Khi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc trích dẫn Mô hình Singapore, những gì họ nghĩ tới chỉ là tìm cách trường tồn hóa quyền lực của mình. Họ muốn đạt được những lợi ích từ sự thống trị chính trị mà không chịu sự giám sát từ một môi trường thể chế cạnh tranh.

Ông Lý có thể đã hoài nghi về những lợi ích của dân chủ, nhưng ông không hề chống đối dân chủ; ông hiểu tính hữu dụng của nó. Ngược lại, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc xem nền dân chủ như là một mối đe dọa hiện hữu về ý thức hệ phải được vô hiệu hóa bằng bất cứ giá nào. Đối với họ, dù chỉ một chút dân chủ được sử dụng như một phương tiện để áp đặt kỷ luật trên giới tinh hoa cũng được coi là tự sát.

Thật không may, Lý Quang Diệu đã không còn sống với chúng ta nữa. Người ta muốn tưởng tượng cảnh ông sẽ giải thích với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về điều gì mới thực sự mang tính sáng tạo trong Mô hình Singapore. Rõ ràng đó không phải là một lựa chọn. Nhưng nó sẽ giúp nhắc nhở ĐCSTQ phải có trách nhiệm dừng ngay việc lợi dụng thương hiệu Singapore nhằm phục vụ cho một chương trình nghị sự hoàn toàn khác biệt – ít nhất vì sự tôn trọng một trong những chính khách vĩ đại của Châu Á.

Minxin Pei là Giáo sư về Quản trị Chính quyền tại Trường Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại German Marshall Fund of the US.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]