09/04/1959: NASA ra mắt 7 phi hành gia đầu tiên

Print Friendly, PDF & Email

mercury

Nguồn:First astronauts introduced“, history.com (truy cập ngày 9/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Thanh Danh

Vào ngày 09 tháng 04 năm 1959, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cho ra mắt đội phi hành gia đầu tiên của nước này trước báo giới, bao gồm: Scott Carpenter, L. Gordon Cooper Jr., John H. Glenn Jr., Virgil “Gus” Grissom, Walter Schirra Jr., Alan Shepard Jr., và Donald Slayton. Bảy người này, đều là các phi công quân đội, đã được lựa chọn một cách kỹ lưỡng từ một nhóm 32 ứng cử viên tham gia trong Project Mercury, chương trình không gian có người điều khiển đầu tiên của Mỹ. NASA dự tính sẽ bắt đầu các chuyến bay có người lái vòng quanh quỹ đạo Trái Đất vào năm 1961.

Vào ngày 04 tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã giành được thắng lợi đầu tiên trong “cuộc đua vào không gian” sau khi phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik vào quỹ đạo Trái Đất. Đáp lại, Mỹ đã tập trung các nguồn lực quân sự và dân sự khác nhau vào NASA, với nhiệm vụ là “giành chiến thắng” trước Liên Xô trong cuộc đua mở các chuyến phi hành vũ trụ có người lái.

Vào tháng 01 năm 1959, NASA bắt đầu quá trình chọn lọc phi hành gia, rà soát lại thông tin của gần 508 phi công quân đội và chọn được 110 ứng cử viên. Số phi công này sau đó lại được chia làm ba nhóm nhỏ, với hai nhóm đầu tiên đã được báo cáo về Washington. Vì tỷ lệ phi công tình nguyện tham gia chương trình quá đông, nhóm thứ ba bị loại khỏi chương trình. Trong số 62 phi công tình nguyện, sáu người đã tăng về chiều cao quá hạn mức so với lần kiểm tra y tế đầu tiên. Sau các cuộc kiểm tra về kỹ năng viết, phỏng vấn, và xem xét lý lịch sức khỏe, đã có thêm 36 ứng cử viên bị loại bỏ. Sau khi được nghe về các bài kiểm tra thể lực và tâm lý vô cùng khắc nghiệt của chương trình, có thêm bốn ứng cử viên xin rút khỏi dự án.

32 ứng cử viên cuối cùng đã di chuyển đến Bệnh viện Lovelace tại Albuquerque, bang New Mexico. Tại đó, họ đã phải trải qua nhiều bài kiểm tra y tế và tâm lý khắc nghiệt. Ngoại trừ một ứng cử viên bị loại khỏi nhóm, những người còn lại đều chứng tỏ được sức khỏe hoàn hảo của mình. 31 ứng cử viên còn lại được chuyển đến Phòng nghiên cứu Y học-Hàng không Wright tại Dayton, bang Ohio.

Tại đây, họ đã phải đương đầu với phần khó khăn nhất trong toàn bộ quá trình chọn lọc phi hành gia. Trong suốt sáu ngày ba đêm, những ứng cử viên phải chịu vô số các hình thức tra tấn để kiểm tra khả năng chịu đựng áp lực vật lý và áp lực tinh thần. Trong một trong số các bài kiểm tra, các ứng cử viên buộc phải giành gần 1 tiếng đồng hồ trong buồng áp suất. Căn buồng này mô phỏng mức áp suất ở độ sâu 65.000 feet (gần 19,8 km). Các ứng cử viên cũng phải trải qua 2 tiếng đồng hồ trong một căn buồng có nhiệt độ lên đến 130 độ Fahrenheit (hơn 54oC). Đến cuối tuần đó, chỉ còn 18 ứng cử viên ở lại trong nhóm. Từ nhóm ứng cử viên này, ủy ban sát hạch được chỉ định phỏng vấn để lựa chọn ra sáu phi hành gia. Tuy nhiên, vì có đến những bảy ứng cử viên hoàn hảo cho các tiêu chí, ủy ban quyết định giữ lại cả bảy người.

Sau khi được công bố, “Mercury Seven” (bảy thành viên của Project Mercury – ND) đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, Project Mercury ban đầu đã gặp phải một số chậm trễ về tiến độ. Đến ngày 12 tháng 04 năm 1961, phi hành gia Yuri Gagarin của Liên Xô đã bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất và trở thành người thực hiện chuyến phi hành vũ trụ có người lái đầu tiên trên thế giới.

Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 05 tháng 05, phi hành gia Alan Shepard đã được đưa thành công vào vũ trụ trên một chuyến bay (chuyến bay này dù vậy không hoàn thành quỹ đạo vòng quanh Trái Đất). Vào ngày 20 tháng 02 tháng 1962, chương trình không gian của Mỹ có thêm một bước tiến lớn khi phi hành gia John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất. Thế nhưng, NASA vẫn tiếp tục bị Liên Xô dẫn trước về các thành tựu trong ngành không gian mãi tận đến cuối những năm 1960 khi chương trình Apollo của NASA lần đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn.

Vào năm 1998, 36 năm sau chuyến phi hành vũ trụ đầu tiên, John Glenn lại một lần nữa bay vào vũ trụ khi đã 77 tuổi. Glenn là thành viên của phi hành đoàn chương trình Tàu không gian Discovery (Khám phá), với nhiệm vụ nghiên cứu kéo dài chín ngày, bắt đầu từ ngày 29/10/1998. Một trong các mục tiêu của nhóm này là nghiên cứu về mối quan hệ giữa các chuyên bay vũ trụ và quá trình lão hóa.