Ai sẽ kiểm soát quá trình luân hồi của Dalai Lama?

Print Friendly, PDF & Email

_81862004_dalailama_getty

Nguồn: Evan Osnos, “Who Will Control Tibetan Reincarnation?The New Yorker, 13/3/2015.

Biên dịch: Phan Hoài Thương | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tại Bắc Kinh tuần qua, các vị đại biểu của Quốc hội Trung Quốc đã dành một chút thời gian trong việc thảo luận các mục tiêu hàng năm về tỉ lệ lạm phát giá tiêu dùng (3%), tỉ lệ thất nghiệp (4,5%), cắt giảm nồng độ các bon (3,1%) để nhắc lại lập trường chính sách của họ về quá trình luân hồi chuyển kiếp của các linh hồn. Nói đúng hơn, không phải mọi linh hồn: chỉ linh hồn của Dalai Lama, nhà lãnh đạo Tây Tạng đang lưu vong, và của các vị Lama (Lạt-ma) Phật giáo Tây Tạng cấp cao khác.

Padma Choling, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Khu tự trị Tây Tạng, giải thích với báo giới rằng thẩm quyền xác định vị trí và thời gian tồn tại của linh hồn Dalai Lama trong tương lai là hoàn toàn thuộc về Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh. “Điều đó không phụ thuộc vào chính Dalai Lama,” Padma nói. Việc người hiện đang nắm giữ linh hồn Dalai Lama (tức Tenzin Gyatso, vị Dalai Lama hiện tại – NHĐ) đề nghị bất cứ điều gì khác là “báng bổ Phật giáo Tây Tạng,” ông nói thêm.

Chính quyền Bắc Kinh một mực khẳng định quyền kiểm soát của nó về vấn đề luân hồi chuyển kiếp của Dalai Lama như một cách để bảo vệ lòng trung thành và cục diện chính trị của các nhân vật có thế lực người Tây Tạng. Sau khi Panchen Lama (Ban-thiền Lạt-ma), nhân vật quyền lực thứ hai của chính quyền Tây Tạng, qua đời năm 1989, Dalai Lama đã chọn một người kế nhiệm. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc tuyên bố việc bổ nhiệm này là bất hợp pháp. (Không ai biết tung tích của cậu bé được chọn làm Panchen Lama đó và gia đình cậu). Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng họ đã chọn một cậu bé khác để kế tục vị Panchen Lama đã khuất. Cậu giờ đã 25 tuổi và là một đại biểu trong cuộc họp gần đây của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, ngồi giữa một sĩ quan quân đội mặc đồng phục và một nhà kinh tế học xuất chúng, trong chiếc cà sa màu đỏ thẫm xen lẫn vàng nghệ.

Ở tuổi 80, Đức Dalai Lama đã bắt đầu bàn luận về một loạt các viễn cảnh cho sự sắp đặt linh hồn của mình trong tương lai. Theo truyền thống, sau khi Đức Dalai Lama viên tịch, một phái đoàn tìm kiếm gồm các vị cao tăng sẽ được lập ra để xác định vị trí hiện thân mới của ngài, đó thường là một bé trai, người sẽ tiếp tục được đào tạo để trở thành một nhà tu sĩ và là một lãnh đạo. Tuy nhiên, Đức Dalai Lama cho rằng thời gian đã thay đổi và những cách thức đầu thai cũ có thể không còn ý nghĩa; ngài đã gợi ý rằng ngài có thể được tái sinh trong hình hài một người phụ nữ, hoặc chuyển kiếp trong khi ngài vẫn đang còn sống, tiến trình đầu thai chậm rãi này có thể giúp ngài kiểm soát quá trình tốt hơn. Tháng 12 năm ngoái, ngài nói với BBC rằng dân chúng Tây Tạng nên quyết định việc ngài có hóa thân hay không. “Không có gì đảm bảo rằng những vị Dalai Lama tiếp theo không phải là những kẻ hồ đồ sẽ tự làm ô nhục bản thân mình,” Đức Dalai Lama nói. “Đó là một điều rất đáng buồn. Vậy nên tốt hơn cả là truyền thống hàng trăm năm tuổi của chúng ta nên chấm dứt tại thời điểm đã có một Dalai Lama khá nổi tiếng.”

Khía cạnh chính trị của quá trình luân hồi, thứ bao gồm cả những trường hợp kỳ quặc hiếm gặp như việc một Đảng Cộng sản vô thần tuyên bố chuyện một nhân vật tinh thần được tái sinh khi nào và ra sao, đã đặt ra một vấn đề ngày càng cấp bách cho các quan chức Trung Quốc. Họ đang quản lý mọi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và người dân Tây Tạng của Trung Quốc. Dù vấn đề này thường được đề cập liên quan tới Đức Dalai Lama, Bắc Kinh cũng khẳng định quyền kiểm soát sự đầu thai của hàng ngàn nhà sư hóa thân ít nổi tiếng hơn, được gọi là các vị tulku lama (Tổ-cổ Lạt-ma), những người được hiểu là sẽ tái sinh thành các nhà hiền triết vĩ đại hay các vị thánh, theo Điều lệnh số 5 (có tên chính thức là Các biện pháp quản lý sự chuyển kiếp của Lạt-ma Phật giáo Tây Tạng – NHĐ) của Cục Quản lý Tôn giáo Quốc gia.

Chưa hết, trong các cuộc xung đột bị đóng băng giữa Bắc Kinh và những người Tây Tạng chỉ trích nó, việc phân biệt các cuộc tấn công bằng các luận điệu với các sự kiện chính trị ẩn đằng sau nó là điều rất quan trọng.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, một số nhà quan sát nhận định rằng các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tây Tạng sẽ được cải thiện, một phần vì cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân từng rất thân thiện với Dalai Lama vào những năm 1950; Đức Dalai Lama đã tặng Tập Trọng Huân một chiếc đồng hồ làm kỷ niệm và ông đã đeo nó trong nhiều năm. Hơn hai năm sau, sự lạc quan này đã suy giảm, một phần bởi các quan chức Trung Quốc đã liên tục gây sức ép lên các chính phủ nước ngoài để họ không đón tiếp Dalai Lama và cảnh báo rằng nếu họ làm điều đó thì đất nước họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả ngoại giao và thương mại. (Đức Dalai Lama chỉ gặp hai nhà lãnh đạo quốc gia trong năm 2013 là Dalia Grybauskaite, Tổng thống Litva và Donald Tusk, Thủ tướng Ba Lan, giảm 11 chuyến viếng thăm so với năm 2001).

Kịch bản lạc quan cho cả hai bên là một loạt những lời chỉ trích Dalai Lama gần đây chỉ là nhằm thể hiện sức mạnh và thái độ kiên quyết của Bắc Kinh, như một khúc dạo đầu để cải thiện các mối quan hệ. Trong nhiều tháng qua, những nhà quan sát Tây Tạng đã truyền tai nhau những tin đồn rằng Đức Dalai Lama có thể được phép tới thăm Trung Quốc. Robert Barnett, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Tây Tạng hiện đại tại Đại học Columbia, nói với tôi (Evan Osnos) hôm thứ 6, “Tôi nghĩ có thể có điều gì đó ẩn sau những tin đồn này.” Nhưng ông cũng cảnh báo, “Tôi cho rằng chúng ta còn chưa đến lúc để nói về vấn đề này, huống gì một chuyến viếng thăm thực sự.”

Barnett chỉ đề cập đến những “dấu hiệu vi mô” của sự thay đổi ở Bắc Kinh, nhưng ông tin rằng sự thay đổi chính sách có thể sẽ đến bất ngờ, chứ không phải được báo trước bằng những lời hoa mỹ xoa dịu. Theo quan điểm của ông, “Đảng Cộng sản Trung Quốc có đủ khả năng để nới lỏng chính sách về Tây Tạng, bởi trước hết họ biết là họ đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều ở Tân Cương” – một khía cạnh của tình trạng bất ổn ngày càng tăng giữa những người Hồi giáo thiểu số ở Trung Quốc – “và thứ hai, Đảng Cộng sản đã thiết lập nhiều phương thức kiểm soát hà khắc các phong trào và thông tin ở Tây Tạng hơn hẳn các khu vực khác của Trung Quốc, nên chắc chắc họ khá tự tin trong việc kiểm soát mọi tình hình ở đó.”

Bộ Chính trị Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề mà nó gọi là “những rủi ro an ninh chưa từng có,” bao gồm nạn tham nhũng trong nội bộ lực lượng an ninh, tình trạng bất ổn định chính trị trong nước do các vấn đề như ô nhiễm môi trường và các khiếu nại khác, và chủ nghĩa khủng bố. Nếu Đảng Cộng sản có thể xoa dịu căng thẳng ở một trong những vấn đề này thì nó sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng. Trong tình hình hiện nay, cái chết của Đức Dalai Lama, khi nó tới (mà ngài gọi là “thay quần đổi áo”), sẽ là một cuộc khủng hoảng người kế vị (succession crisis) vốn có thể gây ra sự bất ổn lớn hơn nữa. Mấy năm trước, trong khi nói chuyện cùng tôi về vấn đề Tây Tạng, một quan chức cao cấp trong chính quyền Obama đã nhắc tới các vị Giáo hoàng Avignon, những người đã tham gia vào cuộc đấu tranh giữa các nhà cầm quyền Công giáo ở châu Âu thế kỷ 14. “Tôi nghĩ đó là những gì chúng ta sắp gặp phải,” ông nói.

Evan Osnos là nhà báo người Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Harvard, và viết cho tạp chí The New Yorker từ năm 2008. Cuốn Age of Ambition: Chasing Fortune, Truth, and Faith in the New China đã mang lại cho ông Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ cho thể loại Phi hư cấu năm 2014.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]