#250 – Sức mạnh quân sự và an ninh quốc gia trong một thế giới hỗn loạn (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Invincible Spirit Exercise In East Sea

Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 8), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).

Biên dịch: Lưu Ngọc Trâm | Hiệu đính: Nguyễn Đắc Thành

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future

Nếu bạn muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh.

Flavius Vegetius Renatus – Tướng La Mã

Vào ngày 30 tháng Chín năm 1862, Bá tước Otto von Bismarck, Thủ tướng nước Phổ đã báo cáo trước Ủy ban ngân sách Quốc hội về yêu cầu tăng cường lực lượng quân đội quốc gia. Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với vị Thủ tướng cao lớn, vai rộng và nghiêm khắc này. Nhiều  đại biểu Quốc hội trước đó đã chống lại việc tăng thuế cho dù là để tài trợ cho việc cải cách quân đội.

Phổ là một trong 38 quốc gia của người Đức nằm trải khắp Trung Âu vào giữa thế kỷ 19. Với những người theo chủ nghĩa dân tộc Đức, việc dân tộc Đức bị phân thành các quốc gia vừa và nhỏ khiến các quốc gia này nằm dưới sự kiểm soát của các láng giềng hùng mạnh. Rất nhiều người Đức ủng hộ sự hợp nhất nhưng cũng nghi ngờ tham vọng của nước Phổ trong việc dẫn dắt một nước Đức thống nhất.

Áo và Pháp cũng lo lắng như vậy. Một nước Đức thống nhất dưới sự dẫn dắt của Phổ sẽ là mối đe dọa an ninh lớn. Với lao động có kỹ thuật và trình độ dân trí, cùng với những ngành công nghiệp điện, hóa chất, và thép hàng đầu, nước Đức thống nhất sẽ tạo nên một cường quốc kinh tế và quân sự. Do vậy, các nhà lãnh đạo chính trị của Vienna và Paris mong muốn dân tộc Đức bị phân thành hàng chục các quốc gia vô hại.

Bismarck nhận ra những rào cản đối với tham vọng của Phổ và lo sợ rằng sẽ không thể vượt qua những rào cản này nếu không có một đôi quân hiện đại. Ông nói với Ủy ban ngân sách Quốc hội “Vị trí của Phổ ở Đức sẽ không được xác định bởi chủ nghĩa tự do mà bởi sức mạnh của mình.” Phổ cần tăng cường sức mạnh quân sự. (Vị trí đó) “khôngđược quyết định bằng các diễn văn hay quyết định đa số được thảo luận trong ngày hôm nay, mà bằng súng đạn và máu”, ông nhấn mạnh.

Trong thập kỷ tiếp theo, chính sách súng đạn và máu của Bismarck đã dẫn đến cuộc chiến với Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870-1871). Được biết đến dưới cái tên chung Chiến tranh Thống nhất nước Đức, Phổ đã giành thắng lợi nhờ vào khả năng phi thường của Bismarck trong việc cô lập đối thủ và đội quân hiện đại, tinh nhuệ, linh hoạt và đầy sức mạnh của nước Phổ. Các cuộc chiến này đã biến những vùng lãnh thổ bị chia tách của Đức trở thành một quốc gia tập quyền hùng mạnh. Trước các cuộc chiến Phổ là nước nhỏ nhất trong các cường quốc của châu Âu; sau đó nó gần như nắm quyền bá chủ trên khắp Châu Âu.

Sự tài tình của Bismarck chính là ở năng lực xem xét nhiều hướng hành động, khám phá tất cả sự hoán vị của chúng và triển khai cùng lúc trên nhiều mặt trận. Không có bước đi nào đơn lẻ. Mỗi nước cờ đều tạo cho ông một lợi thế triển khai ở một hướng khác. Ông quả quyết rằng “Một người không thể chơi cờ nếu như ngay từ đầu mười sáu trong số sáu mươi tư ô bàn cờ đã bị loại (out of bounds)” Là một người kiên trì ủng hộ lợi ích của Phổ đồng thời là một bậc thầy về mưu lược, ông có thể thấy được những cơ hội từ các  “thế cờ” ngoại giao khác nhau trên bàn cờ ngoại giao. Để khai thác những thế cờ này, ông sẵn sàng làm những chuyện không trung thực và có khi là tàn nhẫn. Ông đã từng thú nhận “Nếu không phải tôi, thì đã không có ba cuộc chiến tranh lớn, 80.000 người đã không phải chết và các bậc cha mẹ, các anh chị em, các quả phụ đã không phải than khóc. Nhưng tôi phải đối mặt với Chúa về điều này.”

Như Karl von Clausewitz, một đại tướng của Phổ đã từng chống lại Napoleon hơn nửa thế kỷ trước, Bismarck coi chiến tranh là sự nối dài của chính sách đối ngoại bằng phương tiên khác, một công cụ chính trị để giúp đạt được mục tiêu khi mà ngoại giao thất bại trong việc giải quyết bế tắc. Với Bismarck xung đột là điều bình thường, và chiến tranh là một cách thức để giải quyết xung đột bằng cách ép buộc đối thủ phải làm theo ý chí của mình. Thắng lợi phụ thuộc vào sức mạnh quân sự. Điều này như Frederick Đại Đế, vị Vua Phổ ở thế kỷ mười tám đã nhận xét: “Ngoại giao mà không có sức mạnh quân sự giống như âm nhạc mà không có các nhạc cụ.”

Chương này xem xét vai trò của sức mạnh trong chính trị thế giới. Chương mở đầu bằng việc phân tích khái niệm không rõ ràng về “sức mạnh”. Sau khi xem xét những khó khăn trong việc đo lường sức mạnh tiềm năng của một quốc gia, chúng ta sẽ đánh giá nỗ lực của các quốc gia để tạo nên sức mạnh quân sự bằng cách xem xét xu hướng của chi tiêu quân sự, buôn bán vũ khí và công nghệ vũ khí. Cuối cùng chương sẽ thảo luận cách thức mà các quốc gia sử dụng nguồn lực quân sự và kinh tế để gây ảnh hưởng đến các chủ thể quốc tế khác.

Quyền lực trong chính trị thế giới

Xuyên suốt lịch sử, rất nhiều lãnh đạo quốc gia đã coi việc thu nạp quyền lực như mục tiêu chính yếu. Trong mắt họ, an ninh là kết quả của quyền lực, vì vậy gia tăng quyền lực là lợi ích quốc gia. Tuy vậy, “quyền lực” là một khái niệm không rõ ràng. Mỗi người sẽ dùng nó với các định nghĩa khác nhau. Hầu hết các học giả định nghĩa quyền lực theo ý nghĩa tương tác, như là khả năng của một quốc gia khiến một quốc gia khác tiếp tục một phương hướng hành động, thay đổi hành động đó hay ngăn cản quốc gia đó hành động. Nói cách khác, một quốc gia hùng mạnh có khả năng kiểm soát các quốc gia khác. Bằng cách sử dụng quyền lực, quốc gia có thể làm giảm xác suất để xảy ra những điều quốc gia đó không mong muốn và tăng xác suất của một kết quả mà nó muốn.

Các thành tố của quyền lực quốc gia

Nếu định nghĩa quyền lực về mặt kiểm soát, câu hỏi đặt là ra chúng ta dùng cách nào để đo lường khả năng của một chủ thể quốc tế buộc một chủ thể khác làm những điều mà đáng ra nó sẽ không làm. Như David Baldwin (1989) chỉ ra, “vấn đề đo lường quyền lực chính trị cũng giống việc đo lường sức mua trong nền kinh tế mà không có tiền tệ.” Thiếu vắng đơn vị hạch toán chuẩn, rất khó để đưa ra một bảng xếp hạng chính xác quyền lực của các quốc gia, qua đó  có thể dự đoán quốc gia nào có thể thắng thế trong một cuộc xung đột chính trị. Theo lẽ thường, các nước lớn hơn thì sẽ có nhiều quyền lực hơn các nước nhỏ.Nhưng quy mô lớn nhỏ không thôi chưa đủ để quyết định kết cục của các xung đột chính trị. Pháp và sau đó là Mỹ đã không thể áp đặt đối với Việt Nam. Tương tự như vậy, Liên Xô không thể kiểm soát Afghanistan. Thực sự thì lịch sử có đầy các ví dụ cho việc các quốc gia nhỏ chiến thắng trong cuộc chiến tranh hoặc bảo vệ sự độc lập trước các quốc gia lớn mạnh hơn nhiều.

Vì thiếu thước đo thống nhất để đánh giá tiềm năng quyền lực,[1] các học giả cũng như các nhà hoạch định chính sách cố gắng xếp hạng các quốc gia dựa theo sự kết hợp về các nguồn lực và năng lực được cho là cần thiết để gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Giống như các đầu bếp khi đến vòng chung kết họ đều có danh sách nguyên liệu riêng. Thường thì sự tổng hợp về địa lý, dân số, kinh tế và các yếu tố vật chất khác sẽ được kết hợp với các yếu tố phi vật chất như khả năng lãnh đạo và tinh thần quốc gia. Cho dù công thức có thể khác nhau thì kết quả vẫn thường như nhau: Quyền lực tương đồng với những năng lực làm gia tăng khả năng tham chiến của một quốc gia.

Quan điểm truyền thống coi trọng sức mạnh quân sự bắt nguồn từ việc coi vũ lực là phương cách cuối cùng để giải quyết các xung đột quốc tế nghiêm trọng. Như đã được đề cập trong các chương trước, môi trường hỗn loạn của chính trị thế giới buộc các quốc gia phải tự thân bảo vệ mình. Không có định chế có quyền lực cao hơn nào bảo vệ cho lợi ích của các quốc gia. Trong hoàn cảnh đó, sức mạnh quân sự được xem như nguồn chủ yếu của an ninh quốc gia và ảnh hưởng quốc tế.

Sức mạnh quân sự có lúc thì hiệu quả trong việc kiểm soát các hành vi của bạn lẫn kẻ thù, có lúc lại không. Quyền lực phải gắn với tình huống cụ thể: Những năng lực cho phép một chủ thể tác động đến một số quốc gia trong một vấn đề có thể vô dụng trong việc gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong một vấn đề khác. Vì vậy, quyền lực chung của một quốc gia được định nghĩa theo các loại chủ thể mà quốc gia này có thể kiểm soát hay những vấn đề mà quốc gia này có tầm ảnh hưởng. Như đã được bàn ở chương 4, một cường quốc là một quốc gia có khả năng áp đặt kiểm soát trên một diện rộng các mục tiêu và với một phạm vi lớn các vấn đề, do cường quốc này nắm giữ một loạt các phần thưởng và các hành động trừng phạt.

Toàn cầu hóa và sự thay đổi đặc điểm của quyền lực quốc gia

Theo quan điểm hiện thực, năng lực quân sự là trung tâm của khái niệm quyền lực và an ninh, nhưng một số nhà lý luận theo chủ nghĩa tự do cho rằng ngày nay nguồn của quyền lực quốc gia dựa nhiều vào các yếu tố thông tin, công nghệ và năng lực cạnh tranh thương mại hơn là sức mạnh quân sự (Nye 1990). Từ khi kết thúc Thế Chiến II, một số quốc gia đã tăng cường quyền lực tương đối của mình bằng cách đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực dân sự hơn là vào công nghệ quân sự. Trong khi Hoa Kỳ dùng phần lớn ngân sách nghiên cứu và phát triển vào các chương trình quân sự, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu đầu tư chủ yếu vào việc phát triển công nghệ mới cho hàng tiêu dùng. Nếu chúng ta sống trong một thế giới dựa vào giáo dục và nguồn vốn con người, mà ở đó các ý tưởng sáng tạo, thiết kế sản phẩm, tài chính và tiếp thị sẽ dần trở thành nguồn chính của sự giàu có và quyền lực như nhà khoa học chính trị Richard Rosecrance (1999) nhận xét, thì Mỹ sẽ không theo kịp các đối thủ của nó, mặc dù chi tiêu quân sự của nước này chiếm một nửa của thế giới.

Những chỉ trích đối với quan điểm hiện thực đề cao việc liên tục chuẩn bị chiến tranh, khẳng định rằng chi tiêu quân sự dẫn đến chi phí cơ hội[2] cao (xem Tranh luận: Liệu chi tiêu quân sự cao có làm giảm an ninh con người?). Theo quan niệm này, chi tiêu quân sự lấn át đầu tư công và tư nhân. Nếu chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ giữ nguyên ở mức năm 1990 thì lợi tức hòa bình có được do Chiến tranh Lạnh kết thúc lẽ ra đã lớn hơn con số 700 tỉ đô trong vòng mười lăm năm và đã có thể được dùng cho các mục đích khác. Ngoài việc bỏ qua các cơ hội kinh tế khác, chi tiêu quân sự còn phát sinh những phí tổn trực tiếp bởi các thiết bị đắt tiền sẽ nhanh chóng lỗi thời trước những bước tiến công nghệ nhanh chóng. Điều này lại dẫn đến nhu cầu về vũ khí mới tối tân hơn và ngày càng tốn kém hơn.

Cuối cùng, các nhà chỉ trích quan điểm hiện thực cho rằng các nguồn lực phi vật chất của quyền lực quốc gia được cân nhắc ngày càng  nhiều hơn trong tính toán liên quan đến quốc phòng. Có lúc các nhà lãnh đạo chính trị có thể đạt mục tiêu bằng cách kiểm soát chương trình nghị sự và quyết định về khuôn khổ tranh luận, chứ không phải dựa vào việc dụ dỗ và đe dọa để cưỡng chế người dân. Khả năng khiến người khác chấp nhận các giá trị của bạn, xem các mục tiêu của bạn là hợp pháp dường như có liên quan đến các nguồn lực sức mạnh vô hình như sức hấp dẫn của lý tưởng quốc gia và sự quyến rũ của nền văn hóa. Những nguồn lực vô hình này tạo thành quyền lực mềm, đối lập với quyền lực cứng thường được gắn với nguồn lực hữu hình như sức mạnh kinh tế và quân sự (Nye 2004). Quyền lực mềm là “năng lực đạt được mục tiêu bằng việc cảm hóa, thuyết phục hơn là ép buộc… bằng cách thuyết phục những người khác đi theo hay khiến họ đồng ý với các chuẩn mực và thể chế để đưa đến các hành vi mong muốn” (Keohane và Nye 2001b). Nếu quyền lực mềm có sự quan trọng tương đối trong thời đại thông tin như hiện nay thì sự chênh lệch về lực lượng quân sự sẽ không chuyển thành quyền lực tiềm năng như trước đây. Tất nhiên năng lực quân sự vẫn quan trọng. “Có thể là một sai lầm khi cho rằng ảnh hưởng chính trị tỷ lệ thuận với sức mạnh quân sự, nhưng sẽ còn sai lầm hơn nếu phủ nhận mối liên hệ giữa chúng” (Majeed 1991).

…………

Sự theo đuổi năng lực quân sự

Xu hướng trong chi tiêu quân sự

Xu hướng trong buôn bán vũ khí

Xu hướng về công nghệ vũ khí

……

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Suc manh quan su va an ninh quoc gia trong mot the gioi hon loan-P1.pdf

Còn tiếp phần 2 xuất bản ngày 19/4/2015

—————-

[1] Tiềm năng Quyền lực (power potential): năng lực hay nguồn lực tương đối mà một quốc gia nắm giữ, được coi là cần thiết để thiết lập ảnh hưởng của quốc gia đó tới các quốc gia khác.

[2] Chi phí cơ hội (opportunity cost):  một khái niệm trong những lý thuyết về ra quyết định, theo đó khi sử dụng nguồn lực cho mục đích này thì sẽ không còn cơ hội sử dụng cho một mục đích khác.Do vậy, mọi lựa chọn đều bao hàm chi phí của một cơ hội mất đi.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]