#142 – Chu kỳ chiến tranh và hòa bình trong lịch sử thế giới hiện đại

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 4), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).

Biên dịch và Hiệu đính: Vương Thảo Vy – Trương Thị Phương Thanh

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future

 Các cường quốc e ngại lẫn nhau. Họ nghi ngờ đối phương, và lo lắng rằng chiến tranh có nguy cơ bùng nổ. Họ đoán trước nguy hiểm. Hầu như không có chỗ cho lòng tin…Từ cách nhìn nhận của bất cứ cường quốc nào, thì tất cả các cường quốc khác đều là những kẻ thù tiềm tàng… Nền tảng của nỗi lo sợ này đó là một khi trong một thế giới mà các cường quốc có khả năng tấn công lẫn nhau và có thể có động cơ để làm như vậy, thì bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại đều phải ít nhất cảnh giác đối với các quốc gia khác và lưỡng lự trong việc tin tưởng đối phương.

John Mearsheimer –Lý thuyết gia về chính trị hiện thực

Vào ngày 09 tháng 11 năm 1799, một vị tướng trẻ, đầy tham vọng tên là Napoleon Bonaparte lên nắm quyền ở Pháp sau khi dẫn đầu một cuộc đảo chính quân sự chống lại chính phủ cầm quyền. Là một người có khả năng thuyết phục và trí tuệ vượt trội, ông mô tả tâm trí của mình như là một chiếc tủ có ngăn kéo được xếp theo thứ tự: Mỗi ngăn kéo chứa một lượng lớn các thông tin về một chủ đề cụ thể, và ông có thể mở bất kỳ ngăn kéo nào bất cứ khi nào cần đến để kiểm tra nội dung chứa đựng trong đó mà không bỏ sót một chi tiết nào. Napoleon là một người tài giỏi, nhưng ông cũng khá lỗ mãng, tính khí thất thường và gian xảo. Tự xưng là người đi theo ngôi sao của số mệnh, ông dần dần biến nền Cộng hòa Pháp thành một chế độ độc tài cá nhân.

Trong lĩnh vực đối ngoại, chiến lược của Napoleon là giành những chiến thắng quân sự nhanh chóng và kiên quyết nhằm không ngừng mở rộng lãnh thổ. Khéo léo điều động đội quân hùng mạnh của mình chống lại những điểm yếu nhất trong hàng ngũ của đối phương, ông đã giành được một loạt các chiến thắng mà nhờ đó mang lại cho ông quyền thống trị gần hết lãnh thổ châu Âu. Ngoài Pháp (trong đó bao gồm Bỉ và những vùng đất cánh tả của sông Rhine) là vành đai của các quốc gia phụ thuộc và các đồng minh chính trị. Khu vực đầu bao trùm các quốc gia mà ngày nay là Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, miền tây và nam nước Đức, hầu hết nước Ý, và một phần Ba Lan. Khu vực sau bao gồm Áo, Phổ, Đan Mạch, Thụy Điển và Nga. Mục tiêu cuối cùng của ông là thiết lập một trật tự thế giới mới theo chiều dọc, trật tự này sẽ thay thế cho hệ thống Westphalia theo chiều ngang gồm các quốc gia độc lập chủ quyền bằng một hệ thống có thứ bậc gồm các vùng lãnh thổ phục tùng dưới quyền điều hành của hoàng đế Pháp.

Cuộc tìm kiếm quyền bá chủ của Napoleon bị đình trệ sau 1811. Sức mạnh hải quân Anh đã cản trở những cuộc xâm lược của ông bên ngoài châu Âu lục địa, một cuộc chiến tranh du kích dai dẳng ở Tây Ban Nha đã làm kiệt quệ nhiều nguồn tài nguyên quý giá, và một cuộc xâm lược vào Nga đã kết thúc trong thảm họa, với khoảng hai phần ba lực lượng của ông chịu thua trong màn đêm lạnh giá của mùa đông nước Nga. Phấn khởi trước những thất bại của Napoleon, một liên minh gồm Anh, Nga, Phổ và Áo đã chuyển sang chống lại Pháp. Giấc mơ của Napoleon về “chế độ quân chủ phổ quát” cuối cùng đã bị nghiền nát tại Waterloo vào năm 1815. Thất bại này đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ châu Âu bị tan nát trong gần một phần tư thế kỷ và khiến 2,5 triệu binh lính tử trận. Khi tính toán số lượng tử vong trên dân số, thì con số này đã vượt quá tất cả các cuộc chiến tranh trong suốt ba thế kỷ trước. Cuộc tàn sát đã thúc đẩy một sự đồng thuận giữa những người chiến thắng để họ gặp nhau tại Hội nghị Vienna nhằm nỗ lực đưa ra một giải pháp hoà bình khôi phục lại hệ thống Westphalia phi tập trung hóa hướng đến bình đẳng chủ quyền, và ngăn chặn bất kỳ cường quốc đơn lẻ nào một lần nữa lại tập hợp đủ sức mạnh để đe dọa những quốc gia khác.

Các cuộc Chiến tranh Napoleon và Hội nghị Vienna đã làm nổi bật một mẫu hình chung trong nền chính trị quốc tế. Sự trỗi dậy của một cường quốc so với các đối thủ chính của cường quốc đó cuối cùng sẽ kích thích sự chống đối từ những quốc gia còn lại. Nếu như cuộc chiến tranh bá quyền này leo thang dẫn đến chiến tranh toàn cầu, những người chiến thắng sẽ cố gắng thiết kế một chế độ an ninh nhằm mục tiêu ngăn chặn sự tái diễn một xung đột tàn khốc tương tự bằng cách phòng ngừa những thách thức trong tương lai đối với trật tự quốc tế mới mà họ đã xây dựng.

Nền chính trị thế giới suốt thế kỷ 20 đi theo mẫu hình tổng quát này, với ba cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ. Thế chiến I và II diễn ra với khói lửa và máu; Chiến tranh Lạnh xảy ra với ít phương tiện hủy diệt hơn nhưng với cường độ tương đương. Tương tự như chiến tranh Napoleon, mỗi một cuộc chiến này đã khơi ngòi cho những biến chuyển lớn trong chính trị thế giới. Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu những nguyên nhân và hệ quả của các cuộc chiến này nhằm tìm ra động lực của những cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Hiểu được nguồn gốc và ảnh hưởng của những cuộc chiến giành quyền bá chủ thế giới này, chúng ta sẽ có cơ sở vững chắc hơn để lường trước liệu trong thế kỷ 21 các cường quốc có thể tránh một cuộc chiến toàn cầu khác hay không.

Những chu kỳ dài của sự lãnh đạo thế giới

Nhà khoa học chính trị Hans J. Morgenthau (1985) đã từng nhận xét, “Toàn bộ lịch sử chỉ ra rằng những quốc gia nào chủ động trong chính trị quốc tế cũng không ngừng chuẩn bị cho, tích cực can dự vào, hoặc hồi phục lại từ tình trạng bạo lực có tổ chức dưới hình thức chiến tranh.” Gần đây, nhiều học giả đã bị lôi cuốn bởi khả năng rằng quá trình này lặp lại theo chu kỳ và khả năng nó phát triển từ từ thông qua một loạt các giai đoạn khác nhau. Theo thuyết chu kỳ dài,[1] trong năm thế kỷ vừa qua, những giai đoạn xảy ra các cuộc chiến toàn cầu đã được nối tiếp bởi những giai đoạn diễn ra quá trình định ra nguyên tắc và xây dựng thể chế quốc tế, với những thay đổi trong chu kỳ thường xảy ra đồng thời với những thay đổi trong tương quan quyền lực giữa các cường quốc (Modelski và Thompson 1999). Mỗi một cuộc chiến thế giới dẫn đến sự nổi lên của một bá chủ,[2] đó là một quốc gia vượt trội có khả năng chi phối việc tiến hành các mối quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế (Nye 2001). Bằng sức mạnh không ai sánh được của mình, quốc gia bá chủ này định hình các nguyên tắc và thể chế của hệ thống các quốc gia nhằm bảo vệ vị trí thống trị của nó.

Quyền bá chủ đặt ra một gánh nặng rất lớn cho quốc gia lãnh đạo thế giới, đó là phải gánh chịu phí tổn nhằm duy trì trật tự chính trị và kinh tế trong khi vẫn phải bảo vệ vị trí và duy trì quyền thống trị của mình. Theo thời gian, trọng trách phải can dự vào các công việc toàn cầu gây ra các thiệt hại như sau: Nước nắm quyền bá chủ phải vươn rộng ảnh hưởng của mình quá mức để lo liệu cho các công việc quốc tế, các đối thủ xuất hiện, và chế độ an ninh đã từng được thiết lập một cách rất cẩn trọng sau cuộc chiến tranh thế giới lần trước đã bị tấn công. Xét theo khía cạnh lịch sử, cuộc đấu tranh giành quyền lực này đã tạo tiền đề cho một cuộc chiến toàn cầu khác, sự ra đi của một bá chủ là nền tảng cho sự nổi lên của một bá chủ khác. Bảng 4.1 tóm tắt 500 năm chu kỳ hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, những cuộc chiến toàn cầu của họ, và những nỗ lực sau đó nhằm tái lập trật tự.

Các nhà phê bình ghi nhận rằng các lý thuyết gia chu kỳ dài bất đồng ý kiến trong vấn đề liệu các nhân tố kinh tế, quân sự, hay nội địa sản sinh ra những chu kỳ này. Họ cũng thể hiện sự thất vọng với tính chất tất định của lý thuyết này, vì theo họ thuyết này ám chỉ rằng định mệnh của toàn cầu nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thuyết chu kỳ dài khiến chúng ta phải suy nghĩ những biến đổi trong sức mạnh tương đối của các cường quốc ảnh hưởng đến chính trị thế giới như thế nào. Thuyết cũng thu hút sự chú ý của chúng ta vào những quá trình chuyển đổi bá quyền, hay những thăng trầm của các quốc gia lãnh đạo trong hệ thống quốc tế. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo thế giới trong việc tìm hiểu về chính trị thế giới, chương này sẽ nghiên cứu ba cuộc chiến giữa các cường quốc trong thế kỷ 20, cũng như những bài học mà những cuộc đụng độ này mang lại cho thế kỷ 21. 

Thế chiến thứ nhất

Thế chiến I đã làm thay đổi sâu sắc bản đồ địa chính trị thế giới. Khi cuộc chiến này kết thúc, gần 10 triệu người đã chết, ba đế quốc đã sụp đổ, và một thế hệ người châu Âu đã bị tan vỡ ảo tưởng với những chính sách đối ngoại lấy chủ nghĩa hiện thực chính trị làm nền tảng. Chúng ta có thể giải thích cho cuộc chiến thảm khốc đó như thế nào? Nhiều học giả tin rằng Thế chiến I xảy ra là do vô tình, đó không phải là kết quả của bất cứ một kế hoạch tổng thể của ai cả. Đó là một cuộc chiến phát sinh bởi tình trạng không rõ ràng và những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của những người tham gia, là cuộc chiến mà người ta không muốn mà cũng chẳng mong đợi.

Các học giả khác xem cuộc chiến như một sản phẩm của những lựa chọn có tính toán. Đó là “một xung đột bi thảm và không cần thiết…bởi vì nếu người ta tìm thấy được sự khôn ngoan và thiện chí chung thì chuỗi các sự kiện dẫn đến sự bùng nổ chiến tranh có thể đã bị cắt đứt giữa chừng tại bất cứ thời điểm nào trong suốt năm tuần khủng hoảng trước cuộc đụng độ vũ trang đầu tiên” (Keegan 1999). Như chúng ta thấy, mỗi một diễn giải này đi theo những hướng khác nhau về nguồn gốc của cuộc chiến. Tuy không có cường quốc châu Âu nào cố tình tìm kiếm một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng những điều kiện phổ biến tại thời điểm bấy giờ đã khiến cho hệ quả đó có khả năng xảy ra rất cao, mặc dù không phải là không tránh được.

BẢNG 4.1 Tiến trình Cạnh tranh giữa các Cường quốc cho vị trí Lãnh đạo Thế giới, 1495 – 2025

Thời gian Quốc gia vượt trội tìm kiếm quyền bá chủ Các cường quốc khác chống lại sự thống trị Chiến tranh toàn cầu Trật tự mới sau chiến tranh toàn cầu
1495-1540 Bồ Đào Nha Tây Ban Nha, Valois, Pháp, Burgundy, Anh, Venice Chiến tranh Italy và Ấn Độ Dương, 1494-1517 Hiệp ước Tordesillas, 1517
1560-1609 Tây Ban Nha Hà Lan, Pháp, Anh Chiến tranh Tây Ban Nha – Hà Lan, 1580-1608 Thỏa thuận ngừng bắn 1609; Liên minh Tin Lành và Liên đoàn Công Giáo thành lập
1610-1648 Đế chế La Mã Thần Thánh (Vương triều Hapsburg tại Tây Ban Nha và Áo-Hung) Các liên minh bột phát không cố định của hầu hết các quốc gia Tin Lành (Thụy Điển, Hà Lan) và các công quốc Đức cũng như nước Pháp Công giáo chống lại tàn dư cai trị của Giáo hoàng Chiến tranh Ba mươi năm, 1618-1648 Hòa ước Westphalia, 1648
1650-1713 Pháp (Louis XIV) Cộng hòa Hà Lan, Anh, đế chế Hapsburg, Tây Ban Nha, Các bang lớn của Đức, Nga Chiến tranh Đại Liên minh (Grand Alliance), 1688-1713 Hiệp ước Utrecht, 1713
1792-1815 Pháp (Napoleon) Vương quốc Anh, Phổ, Áo, Nga Chiến tranh Napoleon, 1792-1815 Hội nghị Vienna và Hòa hợp Quyền lực châu Âu, 1815
1871-1914 Đức, Áo-Hung, Thổ Nhĩ Kỳ Vương quốc Anh, Pháp, Anh, Mỹ Thế chiến I, 1914-1918 Hiệp ước Versailles thiết lập Hội Quốc Liên, 1919
1933-1945 Đức, Nhật, Ý Vương quốc Anh, Pháp, Liên Xô, Mỹ Thế chiến II, 1939-1945 Bretton Woods, 1944; Liên Hiệp Quốc, 1945; Potsdam, 1945
1945-1991 Mỹ, Liên Xô Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Chiến tranh Lạnh, 1945-1991 NATO/Quan hệ Đối tác vì Hòa bình, 1995; Tổ chức Thương mại Thế giới, 1995
1991- Mỹ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật, Nga, Ấn Độ Một nền hòa bình lạnh hay chiến tranh bá quyền, 2015-2025? Một chế độ an ninh mới để giữ gìn trật tự thế giới?

Để giải thích việc cuộc chiến đã diễn ra dai dẳng và kiệt quệ thế nào, chúng ta hãy quay lại khuôn khổ phân tích được giới thiệu trong Chương 1. Chúng ta có thể xâu chuỗi để hiểu được những nguồn gốc của cuộc chiến bằng cách tìm hiểu những cơ chế nhân quả hoạt động trên những cấp độ phân tích khác nhau, và đặt chúng trong một trình tự thời gian. Bằng cách nghiên cứu Thế chiến I từ nhiều cấp độ theo thời gian, chúng ta có thể nhận biết để tránh xa những lời giải thích ngây thơ và chỉ dựa trên một nhân tố diễn giải cho sự kiện phức tạp này.

Nguyên nhân của Thế chiến I

Những nguyên nhân sâu xa của Thế chiến I có thể được tìm thấy ở cấp độ phân tích cá nhân. Một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc người Serbia tìm cách giải phóng người Xla-vơ tại khu vực Balkan khỏi ách thống trị của Áo đã ám sát Hoàng tử Franz Ferdinand, người thừa kế ngai vàng Hapsburg của Đế quốc Áo-Hung, tại Sarajevo vào ngày 28 tháng 6 năm 1914. Sự cố này gây ra một loạt các động thái và phản ứng đối phó của các nhà lãnh đạo chính trị ở Áo, Đức, và Nga, những người tự cho rằng bản thân mình là tốt là có đạo đức trong khi tự gắn hình ảnh ma quỷ cho kẻ thù của họ. Thay vì dành thời gian để hoạch định cẩn thận các chính sách không gây ra nguy cơ chiến tranh, thì họ đã có những quyết định mang tính đáp trả và định mệnh nhằm nắm lấy lựa chọn phù hợp đầu tiên chứ không phải lựa chọn tối ưu (Williamson 1988). Hành vi bốc đồng của họ trong vài tuần tiếp theo đã khiến cho cuộc tranh chấp cục bộ trước đây giữa Áo và Serbia trở thành một xung đột lớn khủng khiếp.

Vụ hoàng tử Áo bị ám sát đã cho Áo một cơ hội để làm suy yếu Serbia, vì Vienna xem sự kiện này là nguồn gốc cho việc kích động tình trạng ly khai trong cộng đồng người Xla-vơ rộng lớn của vương triều Hapsburg nhằm phá hoại quyền lực của đế chế này. Vào ngày 25 tháng 7, Serbia bác bỏ tối hậu thư của Áo yêu cầu quan chức của Áo phải được cho phép tham gia vào cuộc điều tra của Serbia về âm mưu ám sát, cũng như việc trừng phạt thủ phạm. Sự cự tuyệt của Serbia đã khiến Áo tuyên chiến và bắn phá Belgrade. Đáp ứng lời thỉnh cầu giúp đỡ từ Serbia, Nga đã huy động lực lượng dọc theo biên giới Áo và Đức. Đến lượt mình, Đức tuyên chiến với Nga và đồng minh của nước này là Pháp. Khi quân đội Đức tràn vào Bỉ vào ngày 4 tháng 8 nhằm tấn công vào sườn của quân đội Pháp, Anh tuyên chiến với Đức. Cuối cùng, 32 quốc gia trên sáu châu lục đã vướng vào cuộc xung đột.

Như chuỗi các hành động diễn ra nhanh chóng và gần như máy móc này cho thấy, sự kết hợp các nguyên nhân sâu xa hơn mới chính là nguồn gốc tạo ra một tình huống nguy hiểm mà những chính khách vụng về ở Vienna, Berlin và St. Petersburg sau đó đã khơi ngòi. Ở cấp độ phân tích quốc gia, nhiều nhà sử học xem sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt ở khu vực Đông Nam châu Âu, đã tạo ra xu thế dư luận phổ biến làm cho chiến tranh có khả năng xảy ra. Các nhóm dân tộc tôn vinh nét riêng biệt trong di sản của tộc người họ bắt đầu tranh đấu cho xứ sở của mình trước các tộc người khác. Các thành kiến sắc tộc bị kìm hãm lâu nay đã nhanh chóng xuất hiện, ngay cả trong số các lãnh đạo chính trị. Ví dụ Ngoại trưởng Nga Sergei Sazonov, tuyên bố “xem thường” Áo, và Hoàng đế Đức Wilhelm II khẳng định: “Ta ghét những người Xla-vơ” (Tuchman 1962).

Tình trạng bất ổn trong nước kích động những tình cảm mạnh mẽ về bản sắc dân tộc này, làm cho người ta khó có thể nhìn nhận sự việc từ góc độ khác. Với niềm tin rằng mình đang phát huy danh dự quốc gia, người Áo không thể hiểu được lý do tại sao người Nga gọi họ là những kẻ gây hấn. Sự vô cảm của người Đức đối với cảm giác của người khác làm cho họ không thể hiểu được “sức mạnh từ sự tự tôn của dân tộc Nga, đó chính là nỗi sợ hãi bị sỉ nhục nếu họ cho phép người Đức và Áo tiêu diệt Serbia – quốc gia nhỏ bé được Nga bảo trợ, và mức độ dữ dội trong cơn thịnh nộ của người Nga” (White 1990). Chính vì mỗi bên dèm pha đặc điểm của đối phương như vậy nên các biện pháp ngoại giao thay thế cho chiến tranh đều đã tan biến.

Ở cấp độ phân tích hệ thống, một mạng lưới các liên minh cứng nhắc và các kế hoạch chiến tranh lồng vào nhau đã nhanh chóng làm lan rộng cuộc chiến từ một đầu của châu Âu lục địa đến đầu còn lại. Trong suốt thập kỷ trước vụ Franz Ferdinand bị ám sát, các liên minh quân sự châu Âu đã trở nên phân cực, trong đó Liên minh Trung tâm (Triple Alliance) Đức, Áo – Hung và Đế chế Ottoman đối đầu với Liên minh Hiệp ước (Triple Entente) Pháp, Anh và Nga. Ngay khi Nga huy động lực lượng đáp trả lại cuộc tấn công của Áo vào Serbia, thì những cam kết liên minh kéo lần lượt từng cường quốc châu Âu vào cuộc chiến.

Một nhân tố tiềm ẩn khác dẫn tới sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất là sự trỗi dậy của sức mạnh của Đức và thách thức mà nước này đặt ra cho người Anh. Mặc dù Đức đã không trở thành một quốc gia thống nhất mãi cho đến năm 1871, nhưng họ đã phát triển và sử dụng sự giàu có thịnh vượng của mình để tạo ra một cỗ máy quân sự tuyệt vời. Với tư cách là người đứng đầu của nền công nghiệp và sức mạnh quân sự của châu Âu lục địa, Hoàng đế Wilhelm II đã công bố vào năm 1898 rằng Đức mang trong mình “những nhiệm vụ lớn lao ở bên ngoài những ranh giới hạn hẹp của châu Âu già cỗi.” Theo khái niệm weltpolitik (chính sách thế giới), Đức bắt đầu xây dựng một lực lượng hải quân mạnh để đạt được sự nể trọng trên toàn cầu. Được cảnh báo mối đe dọa này có thể làm phương hại đến lợi ích hàng hải của mình, Anh đã thiết lập quan hệ chính thức với Pháp và Nga. Vì tin rằng Anh, Pháp, và Nga đang cố gắng bao vây Đức, Wilhelm đã vũ trang nhiều hơn và tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Áo-Hung.

Đức không phải là cường quốc nổi lên duy nhất vào đầu thế kỷ. Nga cũng đã bành trướng, và trở thành một mối đe dọa cho Đức vào thời điểm đó. Sự suy yếu của Đế chế Áo – Hung, đồng minh duy nhất của Đức, đã làm cho Berlin ngày càng lo lắng. Do đó Đức phản ứng mạnh mẽ đối với vụ ám sát Hoàng tử Ferdinand. Tin chắc rằng một cuộc chiến ngắn, cục bộ và thành công tại Balkan sẽ vực dậy được Áo – Hung và làm yếu đi ảnh hưởng của Nga tại châu Âu, Wilhelm trao cho người Áo một “tấm séc trắng” để nghiền nát Serbia.

Sự ủng hộ vô điều kiện của Đức đối với Áo – Hung đã cho thấy một sự tính toán sai lầm nghiêm trọng, vì nó đã củng cố mối quan hệ giữa Pháp và Nga, hai cường quốc đồng minh của nhau trên biên giới phía tây và đông của Đức. Dưới cái gọi là Kế hoạch Schlieffen, các tướng lĩnh của Đức từ lâu đã chuẩn bị lực lượng quân sự dựa trên tiền đề rằng trong trường hợp chiến tranh với cả Pháp và Nga, quân đội Đức đầu tiên sẽ đánh bại Pháp và sau đó quay lại tấn công vào Nga – đội quân lớn hơn nhưng di chuyển chậm hơn. Họ lập luận rằng, cách nhanh nhất để đè bẹp người Pháp là xuyên qua nước Bỉ trung lập theo một chuyển động hình vòng cung rộng và tấn công Pháp từ phía Bắc, nơi mà hàng phòng thủ của quốc gia này yếu nhất. Nhưng khi Đức xông vào Bỉ, Anh bước vào cuộc chiến và đứng trên cùng chiến tuyến với Pháp và Nga. Nhận thức được tầm quan trọng của thảm họa đang diễn ra, Ngoại trưởng Anh Sir Edward Grey kêu than: “Những ngọn đèn đang dần bị dập tắt trên khắp châu Âu; và chúng ta sẽ không nhìn thấy chúng được thắp sáng một lần nữa cho đến cuối cuộc đời này.”[3]

Hệ quả của Thế chiến I

Thế chiến I làm thay đổi bộ mặt của châu Âu. Hậu quả là ba đế chế – Áo – Hung, Nga và Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) – sụp đổ, và thay vào đó các quốc gia độc lập Ba Lan, Tiệp Khắc, và Nam Tư xuất hiện. Thêm vào đó, Phần Lan, Estonia, Latvia và Litva được thành lập (tham khảo Bản đồ 4.1). Chiến tranh cũng góp phần giúp những người Bolsheviks lật đổ Nga Hoàng vào năm 1917, một sự thay đổi chính phủ và hệ tư tưởng vốn đã để lại những hệ quả kéo dài trong suốt 70 năm tiếp theo.

 (Vui lòng download văn bản để xem bản đồ)

Bản đồ 4.1 Thay đổi về lãnh thổ tại châu Âu sau Thế chiến I

Thế chiến I phân định lại biên giới châu Âu. Bản đồ phía bên trái chỉ ra những đường biên giới vào đêm trước cuộc chiến vào năm 1914, cũng như các thành viên của hai liên minh đối lập được hình thành. Bản đồ phía bên phải chỉ ra những đường biên giới mới vào năm 1920, với chín quốc gia mới thành lập từ cuộc chiến. Nguồn: Trích từ Strategic Atlas, Comparative Geopolitics of the World’s Powers, tái bản, tác giả Gerard Chaliand và Jean-Pierre Ragau. Bản quyền © 1990 của Gerard Chaliand và Jean-Pierre Ragau. In lại dưới sự cho phép của Nhà xuất bản HarperCollins.

Thế chiến I gợi lên nỗi khiếp sợ đối với chiến tranh và các lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực chính trị biện minh cho tình trạng vũ trang, liên minh bí mật, và quyền lực chính trị. Phí tổn nhân lực và vật lực đáng kinh ngạc trong bốn năm trước đó khiến nhiều đại biểu dự hội nghị hòa bình 1919 được triệu tập tại Versailles, ngoại ô Paris, phải đánh giá lại niềm tin của họ về khả năng quản lý nhà nước. Thời gian đã chín muồi cho một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng trật tự thế giới. Thất vọng với chủ nghĩa hiện thực, nhiều người đã quay qua chủ nghĩa tự do để được hướng dẫn về cách quản lý tương lai toàn cầu.

Thập kỷ sau Thế chiến I là đỉnh cao của chủ nghĩa lý tưởng tự do. Những ý tưởng của Woodrow Wilson về trật tự thế giới, như ông đã trình bày trong bài phát biểu “Mười bốn điểm” vào tháng Một năm 1917, bám trụ vào một niềm tin cho rằng bằng cách tái trật tự hệ thống thế giới theo những nguyên tắc tự do, thì cuộc Đại chiến (tên gọi khác của Thế chiến I lúc bấy giờ) sẽ là “cuộc chiến chấm dứt mọi chiến tranh.” Đề xuất chính của Wilson là xây dựng một Hội Quốc Liên được cho là sẽ đảm bảo nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Những đề xuất khác của ông bao gồm tăng cường luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở tự quyết và thúc đẩy dân chủ, giải trừ quân bị, và tự do thương mại.

Tuy nhiên, khi các đại biểu tham gia hội nghị hòa bình bắt đầu công việc của họ, những lưỡi dao của lợi ích quốc gia nhỏ hẹp bắt đầu gọt đi tầm quan trọng của triết lý tự do làm nền tảng cho những đề xuất của Wilson. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bị xúc phạm bởi vị tổng thống Mỹ giáo điều. George Clemenceau, vị Thủ tướng Pháp theo chủ nghĩa hoài nghi, càu nhàu “Đức Chúa trời đã thỏa mãn với chỉ Mười Điều Răn, mà Wilson lại có đến mười bốn điều.”

Khi những cuộc đàm phán tại hội nghị được tiến hành, chính trị quyền lực cứng rắn chiếm ưu thế. Cuối cùng, các đại biểu chỉ sẵn lòng ủng hộ những yếu tố nào trong đề xuất Mười Bốn Điểm mà phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ. Sau những cuộc tranh luận đáng kể, Hội Quốc Liên của Wilson được ghi vào hiệp ước hòa bình với Đức, mở màn cho 440 điều sau đó. Phần còn lại của hiệp ước là về sự trừng phạt, nhằm tước đi vị thế cường quốc của đất nước này. Những hiệp ước tương tự sau đó cũng được áp lên Áo – Hung và những đồng minh thời chiến khác của Đức.

Hiệp ước Versailles phát triển từ một mong muốn trả thù. Nói một cách ngắn gọn, quân đội Đức đã bị cắt giảm mạnh, họ bị cấm sở hữu pháo hạng nặng, máy bay quân sự, hoặc tàu ngầm, và các lực lượng quân đội của nước này đã bị cấm thâm nhập vùng Rhineland. Đức cũng phải nhượng phần lãnh thổ ở phía tây cho Pháp và Bỉ, ở phía nam cho quốc gia mới là Tiệp Khắc, và ở phía đông cho các quốc gia mới là Ba Lan và Litva. Ở nước ngoài, Đức bị mất tất cả các thuộc địa. Cuối cùng, trong điều khoản nhục nhã nhất của hiệp ước, Đức bị buộc phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến và bị buộc tội phải trả phí tổn cho các thiệt hại. Người ta cho rằng khi biết tới những điều khoản khắc nghiệt của hiệp ước, vị hoàng đế lưu vong Đức đã tuyên bố rằng “cuộc chiến chấm dứt các cuộc chiến khác đã sản sinh ra một nền hòa bình để kết thúc những nền hòa bình khác.”

Thế chiến thứ hai

Thất bại của Đức trong Thế chiến I và việc bị sỉ nhục bằng những điều khoản trong Hiệp ước Versailles đã không dập tắt được khát vọng bá chủ của nước này. Ngược lại, còn làm khát vọng đó trở nên mạnh mẽ hơn. Do vậy các điều kiện đã chín muồi cho một cuộc chiến thứ hai giữa các cường quốc trong thế kỷ 20, nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa phe Trục gồm ba quốc gia Đức, Nhật và Ý chống lại “liên minh lớn” gồm bốn cường quốc hợp nhất với nhau bất chấp những hệ tư tưởng xung khắc, chủ nghĩa cộng sản đối với trường hợp của Liên Xô và chủ nghĩa tư bản dân chủ trong trường hợp Anh, Pháp và Mỹ.

Số phận của thế giới xoay quanh kết quả của nỗ lực khổng lồ nhằm đánh bại phe Trục. Phe Đồng minh đã giành được thắng lợi, nhưng phải trả một chi phí quá khủng khiếp: 53 triệu người chết trong suốt sáu năm chiến đấu (tham khảo Murray và Millet 2000). Để hiểu rõ nguồn gốc của cuộc xung đột mang tính tàn phá này, một lần nữa chúng ta sẽ nghiên cứu những nhân tố nhân quả hoạt động ở những cấp độ phân tích khác nhau đã khớp với trình tự thời gian như thế nào.

Nguyên nhân của Thế chiến II

Sau khi Đức đầu hàng vào năm 1918, một hiến pháp dân chủ đã được soạn thảo bởi một cuộc họp quốc hội lập hiến tại thành phố Weimar. Nhiều người Đức không mấy nhiệt tình đối với Cộng hòa Weimar. Chính phủ mới không chỉ ghi sâu trong tâm trí của họ về việc bị làm nhục bởi Hiệp ước Versailles, mà họ còn phải chịu đựng sự chiếm đóng của Pháp tại vùng Ruhr công nghiệp vào năm 1923, nhiều cuộc nổi loạn chính trị khác nhau, và sự sụp đổ của nền kinh tế vốn đã đổ nát vào năm 1929. Trước cuộc bầu cử quốc hội năm 1932, hơn một nửa số cử tri đã ủng hộ các đảng cực đoan – những tổ chức coi thường quản trị dân chủ. Đảng lớn nhất trong số đó là Đức Quốc xã, hay còn gọi là Đảng công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa.

Vào ngày 30 tháng Một năm 1933, nhà lãnh đạo Đức Quốc xã, Adolf Hitler, được bổ nhiệm làm thủ tướng của Đức. Chưa đầy một tháng sau, tòa nhà Reichstag (Quốc hội) bị đốt cháy trong trong một hoàn cảnh bí ẩn. Hitler dùng vụ cháy đó để biện minh cho một sắc lệnh khẩn cấp cho phép ông đình chỉ các quyền dân sự và tạo điệu kiện để hành động chống lại cộng sản và các đối thủ chính trị khác. Khi tất cả những thành phần đối lập chủ chốt trong quốc hội đã bị loại bỏ, các nhà lập pháp của Đức Quốc xã đã thông qua một đạo luật cho phép đình chỉ hiến pháp và giao quyền lãnh đạo độc tài cho Hitler.

Trong cuốn sách của mình năm 1924 với tựa đề Mein Kampf (“Cuộc đấu tranh của tôi”), Hitler kêu gọi Đức phục hồi vùng lãnh thổ bị Hiệp ước Versailles lấy đi, sáp nhập người Đức sống ở các vùng đất lân cận, và xâm chiếm Đông Âu. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên cầm quyền, ông ta gầy dựng một hình ảnh yêu chuộng hòa bình, bằng việc ký một hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan vào năm 1934. Năm sau đó, các mục tiêu ban đầu đề ra trong Mein Kampf đã được đưa lên đầu chương trình nghị chính sách đối ngoại của Hitler: Năm 1935, ông ta bác bỏ các điều khoản quân sự của Hiệp ước Versailles; năm 1936, ông ra lệnh quân đội tiến vào khu vực phi quân sự Rhineland; tháng Ba 1938, ông sáp nhập Áo; và trong tháng 9 năm 1938, ông yêu cầu kiểm soát Sudetenland, một khu vực của Tiệp Khắc nơi có nhóm thiểu số dân tộc Đức sinh sống. Để giải quyết các câu hỏi về người Đức ở Sudetenland, một cuộc họp đã được triệu tập tại Munich, với sự tham dự của Hitler, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, và các nhà lãnh đạo của Pháp và Ý (trớ trêu thay, Tiệp Khắc không được mời). Tin tưởng rằng việc xoa dịu[4] sẽ trì hoãn quá trình bành trướng của Đức, Chamberlain và những người khác đã đồng ý yêu cầu của Hitler.

Thay vì thỏa mãn Đức, sự xoa dịu trên đã khuyến khích Hitler đẩy mạnh hơn việc thay đổi hiện trạng quốc tế. Nhật và Ý đã cùng tham gia với ông ta trong nỗ lực này. Nhật xâm lược Mãn Châu vào năm 1931 và Trung Quốc đúng năm 1937; Ý tấn công Ethiopia năm 1935 và Albania năm 1939. Thêm vào đó, cả Đức và Ý can thiệp vào cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha về phía phe phát xít, lãnh đạo bởi Tướng Francisco Franco.

Những hành vi xâm lược đã mở đường cho cuộc chiến tranh lớn thứ hai của thế kỷ. Sau khi Đức chiếm đóng phần còn lại của Tiệp Khắc vào tháng 3 năm 1939, Anh và Pháp thành lập một liên minh nhằm bảo về nạn nhân tiềm năng tiếp theo, là Ba Lan. Họ cũng đã mở cuộc đàm phán với Moscow với hy vọng lôi kéo Liên Xô gia nhập liên minh. Sau đó, vào ngày 23 tháng 8 năm 1939, Hitler và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin làm cho thế giới phải choáng váng thông qua việc ký một hiệp ước bất tương xâm. Chắc chắn rằng các nền dân chủ phương Tây sẽ không can thiệp mà không có sự hỗ trợ của Liên Xô, Hitler đã xâm lược Ba Lan vào ngày 01 Tháng Chín năm 1939. Anh và Pháp, giữ lời hứa của họ về việc bảo vệ người Ba Lan, đã tuyên chiến với Đức hai ngày sau đó.

Cuộc chiến nhanh chóng mở rộng. Hitler sau đó nới lỏng lực lượng của mình trên mặt trận các nước Balkan, Bắc Phi và khu vực phía tây.  Những cỗ xe tăng mạnh mẽ của Đức xâm lăng Na Uy và hành quân qua Đan Mạch, Bỉ, Luxemburg và Hà Lan. Họ quét qua hàng phòng thủ của Pháp, tuyến phòng thủ Maginot, và buộc Anh phải sơ tán một lực lượng viễn chinh đóng tại những bãi biển Pháp ở Dunkirk. Paris bị sụp đổ năm 1940, và trong những tháng sau đó, lực lượng không quân Đức nghiền nát Anh nhằm khiến nước này phải khuất phục. Thay vì xâm lược vương quốc Anh, tháng Sáu năm 1941 quân đội Đức Quốc xã đã tấn công Liên Xô, đồng minh cũ của Hitler.

Thành công quân sự của Đức tạo cơ hội cho Nhật có những động thái chống lại Anh, Pháp, Hà Lan và các thuộc địa ở châu Á, với mục đích thay thế ảnh hưởng phương Tây bằng một Khối Thịnh vượng Chung Đại Đông Á dưới sự lãnh đạo của Tokyo. Nhật Bản sau cuộc chinh phục của mình trước đó tại Mãn Châu và phía đông Trung Quốc đã gây áp lực lên chính phủ Vichy của Pháp phải cho phép Nhật đóng căn cứ quân sự tại Đông Dương (nay là Việt Nam, Lào, và Campuchia), điều khiến dầu khí và tài nguyên khoáng sản quan trọng của khu vực Đông Nam Á có thể bị đe dọa. Lo ngại rằng Mỹ sẽ cố gắng ngăn chặn tham vọng của mình, Nhật đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii, vào ngày 07 tháng Mười hai, năm 1941. Gần như ngay lập tức, Đức tuyên chiến với Mỹ. Trong sáu tháng sau đó, Nhật chiếm đóng Philippines, Mã Lai, Miến Điện, và vùng Đông Ấn Hà Lan (bây giờ là Indonesia). Những thách thức quân sự mà Nhật và Đức tạo ra đã kết thúc chủ nghĩa biệt lập[5] của Mỹ, khiến Tổng thống Franklin Roosevelt phải thiết lập một liên minh với Anh và Liên Xô để chống lại phe Trục.

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến nằm ở cấp độ phân tích cá nhân. Tính cách hung bạo của Adolf Hitler và các mưu đồ xâm lược đã gây ra cuộc Thế chiến II. Còn một yếu tố sâu xa hơn khác cũng gây tác động đáng kể. Ở cấp độ phân tích nhà nước, chủ nghĩa dân tộc quá khích, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, và sự sụp đổ của chính quyền dân chủ ở Đức đã tạo ra một môi trường mà tại đó Hitler có thể gia tăng quyền lực (Van Evera 1990-1991). Ngoài ra, niềm tin vào ưu thế của phòng thủ so với tấn công của giới quân sự đã có kinh nghiệm trong Thế chiến I đã làm cho một số quốc gia cảm thấy thỏa mãn bất chấp tình trạng tái vũ trang của Đức. Những chính phủ nào hồi tưởng lại sự leo thang nhanh chóng của các sự kiện trong suốt mùa hè năm 1914 cũng đã do dự khi phản ứng lại hành động của Đức theo cách mà từ đó có thể làm cho cuộc xung đột diễn tiến đi lên theo đường xoắn ốc. Nhớ lại những đau thương do Thế chiến I gây ra, việc nhượng bộ dường như thích hợp hơn so với đối đầu.

Cuối cùng, ở cấp độ phân tích hệ thống, giải pháp hòa bình không khoan dung được thiết lập tại Versailles, chủ nghĩa biệt lập của Mỹ, và sự thất bại của Hội Quốc Liên là những nhân tố quan trọng trong việc giải thích sự bùng nổ của Thế chiến II. Không giống như lúc kết thúc các cuộc chiến tranh Napoleon, khi các đại biểu tại Hội nghị Vienna cho Pháp một chân trong trật tự thế giới mới, Hiệp ước Versailles làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa người chiến thắng và kẻ bại trận. Với việc Mỹ quay về chủ nghĩa biệt lập và Hội Quốc Liên không thể ngăn chặn tình trạng xâm lược, Pháp và Anh đã gặp khó khăn khi phối hợp với nhau để đối phó với Đức. Trong khi Pháp muốn kiềm chế Đức, nước này đã không sẵn sàng hành động mà không có hỗ trợ của Anh. Ngược lại, Anh, đã thấy nhượng bộ là cách để ngăn chặn một vòng luẩn quẩn gây đổ máu mới với Đức. Trong khi đó, Nhật Bản đã nhìn thấy một cơ hội từ chiến thắng quân sự ban đầu của Đức nhằm mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Trung Quốc và hành động chống lại các thuộc địa của Anh, Pháp, và Hà Lan tại Đông Nam Á. Khi cuộc chiến từ từ lan rộng khắp toàn cầu, niềm tin của chủ nghĩa tự do vào khả năng mà luật pháp và tổ chức quốc tế có thể ngăn cản chiến tranh giữa các cường quốc dường như trở nên khá ngây thơ như những nhà chủ nghĩa hiện thực đã nhận xét.

Hệ quả của Thế chiến II

Chiến tranh Lạnh

Nguyên nhân và Diễn biến của Chiến tranh Lạnh

TRANH LUẬN: Liệu ý thức hệ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột Đông-Tây?

Hệ quả của Chiến tranh Lạnh

Tương lai của nền chính trị cường quyền

Thời khắc Đơn cực của Mỹ

Từ Đơn cực đến Đa cực?

ỨNG DỤNG: Hòa nhập, nhưng phòng bị nước đôi

Tóm tắt chương

Bài đọc gợi ý

Câu hỏi tư duy phê phán

Download phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Chu ky chien tranh va hoa binh trong LSTG hien dai.pdf

 


[1] Long-cycle theory: lý thuyết tập trung vào các thời kỳ thịnh suy của cường quốc toàn cầu dẫn đầu như quá trình chính trị trung tâm của hệ thống thế giới hiện đại.

[2]  Hegemon: một quốc gia duy nhất có sức mạnh áp đảo có khả năng sử dụng ảnh hưởng của mình chi phối hệ thống toàn cầu.

[3] Edward Grey biết rằng cuộc chiến ở châu Âu lúc bấy giờ là không thể tránh khỏi, và ông đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi thất bại bao gồm của chính mình với vai trò là một ngoại trưởng, khi không thể ngăn cản cuộc chiến. Ông cũng thấy trước được những hậu quả kinh khủng mà cuộc chiến mang lại, nhiều hơn hệ quả của những xung đột quân sự thông thường. Edward nói câu này khi ông đang quan sát các ngọn đèn bằng gas đang được thắp sáng tại Luân Đôn, ông biết rằng cuộc chiến sắp tới sẽ hủy hoại cuộc sống tốt đẹp của châu Âu và sẽ không thoát khỏi tình trạng này cho đến cuối cuộc đời của ông – ND.

[4]  Appeasement: chiến lược thực hiện những nhượng bộ đối với một quốc gia khác với hy vọng sẽ thỏa mãn được quốc gia đó, và làm cho họ không đòi hỏi thêm.

[5] Isolationism: một chính sách rút khỏi việc tham gia tích cực vào những công việc quốc tế với các chủ thể khác và thay vào đó tập trung vào những nỗ lực quốc gia nhằm quản lý công việc nội bộ

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]