“Chủ nghĩa hòa bình tích cực” và tác động đến cục diện khu vực

Print Friendly, PDF & Email

janpan

Tác giả: Nguyễn Văn Bình

Sau sự bùng nổ những năm 1980, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào tình trạng giảm phát liên tục trong hai thập niên vừa qua với mức tiêu dùng yếu và tăng trưởng thấp bất chấp các nỗ lực liên tục của các chính quyền Nhật Bản kế tiếp nhau từ năm 1992 đến năm 2012 nhằm đưa nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái. Khó khăn kinh tế cộng vởi tỉ lệ nợ công ngày càng cao (233% GDP năm 2012) và thảm họa kép động đất và hạt nhân vào năm 2011 đã khiến Nhật Bản ngày một lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, tưởng chừng không lối thoát. Kinh tế trì trệ, cùng với cách xử lý thiếu quyết đoán của chính quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc đã khiến vị thế quốc tế của Nhật Bản suy giảm theo và tạo ra một tâm lý bi quan trong người dân nước này.

Với khẩu hiệu phục hưng nước Nhật, ông Abe và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 11 năm 2012 và bầu cử Thượng viện tháng 7 năm 2013. Một năm sau khi đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng khủng hoảng bằng chính sách “ba mũi tên phát triển kinh tế” được biết với tên gọi “Abenomics”, tháng 9 năm 2013 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục mục tiêu phục hưng nước Nhật bằng ý tưởng “chủ nghĩa hòa bình tích cực” với  chủ trương chủ động đóng góp cho hòa bình.[1]

Chủ nghĩa hòa bình tích cực

Mục tiêu của chủ nghĩa hòa bình tích cực

Mục tiêu mà chính sách này hướng tới là một quốc gia theo “chủ nghĩa hoà bình tích cực”. Đó là một quốc gia mà trong mọi hoàn cảnh không bao giờ sử dụng lực lượng quân sự để đạt được tham vọng quốc gia, nhưng không làm giảm sự đóng góp của lực lượng quân sự tương xứng với sức mạnh quốc gia để xây dựng và duy trì hòa bình trong cộng đồng quốc tế. Với chủ trương theo đuổi lý tưởng của chủ nghĩa hòa bình tích cực, Nhật Bản sẽ: (1) không đặt mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự và sẽ tự kiềm chế sức mạnh quân sự ở mức thấp nhất có thể, kể cả trong giai đoạn chuyển tiếp; (2) kiềm chế những hoạt động quân sự trong tất cả các trường hợp trừ các trường hợp phòng vệ, hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế và hợp tác với các quốc gia khác trong khuôn khổ hiến pháp cho phép, và (3) chủ động đóng vai trò tích cực phù hợp với sức mạnh quốc gia bằng cả các hình thức quân sự và phi quân sự trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.[2]

Để làm được điều này, Nhật Bản cần tiến hành cùng một lúc ba nhiệm vụ: (i) tháo gỡ các rào cản pháp lý đang hạn chế vai trò của lực lượng quốc phòng nước này; (ii) Chuyển đổi từ một nền quốc phòng thiên về phòng thủ một cách bị động sang một nền quốc phòng chủ động phòng thủ; (iii) tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng quốc phòng của mình. Cụ thể, Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng thủ tập thể, thay đổi cách giải thích điều 9 Hiến pháp từ bỏ chiến tranh, cho phép quân đội Nhật “tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng” với các quốc gia khác và tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Cơ sở hình thành “chủ nghĩa hòa bình tích cực”

Sự hình thành ý tưởng “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” dựa trên thực tế khó có thể chấp nhận là Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với trình độ khoa học công nghệ cao nhưng vị thế của nước này trên trường quốc tế lại không cao bằng một số nền kinh tế nhỏ hơn mình (Anh, Pháp) nên không đóng góp được nhiều cho hòa bình quốc tế. Một ví dụ điển hình là trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Nhật Bản đã đóng góp một số lượng tiền khổng lồ lên đến 13 tỉ USD, để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng không thật sự đóng góp nguồn nhân lực và kết quả là vẫn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ rằng tất cả những gì quốc gia này làm chỉ là chi tiền. Ngoài ra chủ trương hòa bình một cách bị động đã làm suy yếu tiềm lực quân sự của Nhật Bản khiến cho nước này bị cả những quốc gia có trình độ khoa học công nghệ kém phát triển hơn mình đe dọa và gây sức ép.

Thủ tướng Shinzo Abe không phải là người đầu tiên nghĩ về việc “chủ động đóng góp cho hòa bình” mà ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cộng đồng ngoại giao và an ninh của đất nước mặt trời mọc đã kêu gọi Nhật Bản chuyển đổi chủ nghĩa hòa bình hậu chiến tranh từ bị động sang chủ động.[3] Tại nhiệm kỳ thủ tướng lần đầu tiên của mình (tháng 4 năm 2007), Thủ tướng Shinzo Abe đã thành lập một ủy ban do cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Shunji Yanai làm chủ nhiệm, nghiên cứu bốn vai trò có thể có của quân đội Nhật Bản. Một là bảo vệ các tàu hải quân Mỹ bị tấn công trong khi đang tham gia các hoạt động tác chiến chung với các tàu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) trong các vùng biển quốc tế; hai là ngăn chặn tên lửa đạn đạo bắn vào Mỹ; ba là bảo vệ nhân viên của những quốc gia khác tham gia các hoạt động hòa bình quốc tế cùng với Nhật Bản; và bốn là hỗ trợ hậu cần – bao gồm cả việc sử dụng vũ lực – cho các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế của các quốc gia khác.

Ủy ban của ông Yanai kết luận rằng để thực hiện vai trò đầu tiên, Nhật Bản cần diễn giải lại Hiến pháp để cho phép thực thi quyền phòng thủ tập thể. Quan điểm này còn cho rằng vai trò thứ ba và thứ tư sẽ trở nên thuận lợi hơn nếu Nhật Bản có thể thực thi quyền phòng thủ tập thể và tham gia “các nỗ lực đảm bảo an ninh chung” của Liên hợp quốc. Ủy ban của ông Yanai cũng chủ trương từ bỏ học thuyết cấm hỗ trợ hậu phương cho các hoạt động tác chiến trực tiếp gắn với việc sử dụng vũ lực vì trong môi trường quốc tế hiện nay, chủ nghĩa hòa bình thường được cho là do các cường quốc thực hiện và triển khai. Đó là nền tảng lý luận vững chắc để Thủ tướng Abe thúc đẩy tư tưởng “chủ nghĩa hòa bình tích cực” sau khi ông quay trở lại nắm quyền. Ngoài ra, những thành công bước đầu của chính sách Abenomics đã khiến Shinzo Abe tự tin triển khai phần còn lại của chiến lược phục hưng nước Nhật của mình: Đó là khôi phục lực lượng quân sự và hiện đại hóa quân đội.

Nguyên nhân thúc đẩy “chủ nghĩa hòa bình tích cực”

Có nhiều lý do khiến Nhật Bản thúc đẩy chủ trương “hòa bình tích cực” nhưng chủ yếu có một số nguyên nhân sau đây. Thứ nhất, Nhật Bản là một trong những bên được hưởng lợi nhiều nhất của trật tự mở sau Chiến tranh thế giới II. Nhưng trong những năm đầu thế kỷ 21 sự trỗi dậy của Trung Quốc, cộng với tham vọng của mình muốn thay đổi trật tự hiện tại (thúc đẩy G2) đang có xu hướng gây ra xung đột, đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Nhật Bản. Ý thức được tình hình này, Nhật Bản tiến hành đoàn kết với Phương Tây để cho Trung Quốc hiểu sự nguy hiểm khi họ nỗ lực thay đổi tình hình hiện nay. Một Nhật Bản, với tư cách cường quốc kinh tế lớn thứ hai trong thế giới phương Tây sau Mỹ, tuyên bố tư tưởng “chủ nghĩa hòa bình tích cực” và quyết tâm duy trì trật tự quốc tế hiện tại, sẽ có tác động lớn đối với Trung Quốc.

Thứ hai, những chỉ trích về việc đóng góp ít cho hòa bình và giảm sự hiện diện quốc tế đã làm giảm sức mạnh mềm của Nhật Bản trong việc hấp dẫn các quốc gia khác. Đó là lý do quốc gia này khẩn trương phát triển một chiến lược an ninh quốc gia vì lợi ích, sự sống còn và thịnh vượng của người dân Nhật Bản và để tăng cường vị thế của Nhật Bản trên thế giới. Những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết khi Nhật Bản trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình tích cực, có một nền quốc phòng mạnh tương xứng với nền kinh tế.

Thứ ba, những mối đe dọa về an ninh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với nước này. Chứng kiến sự gia tăng mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và sự quyết đoán ngày càng gia tăng với các hành động khiêu khích xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Trung Quốc trong thời gian gần đây, người Nhật đã hiểu rằng tư tưởng phi quân sự hóa có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của họ. Thêm vào đó, toàn cầu hóa và những tiến bộ trong khoa học công nghệ đã làm gia tăng những mối đe dọa mới ngoài chiến tranh. Vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 cho thấy rằng thậm chí các chủ thể phi quốc gia như là Al Qaeda giờ đây cũng có khả năng phá vỡ trật tự thế giới.

Từ viễn cảnh này, chủ trương theo đuổi “chủ nghĩa hòa bình tích cực” được ủng hộ bởi hai khía cạnh. Một là khuyến khích, phát triển tiềm lực cần thiết để phòng thủ đất nước và hợp tác với các quốc gia khác giúp tăng cường an ninh của Nhật Bản chống lại những mối đe dọa quân sự từ bên ngoài. Hai là, giúp Nhật Bản can dự tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế nhằm thúc đẩy các chuẩn mực toàn cầu.

Bản chất của chủ nghĩa hòa bình tích cực

Từ những phân tích trên có thể thấy ý tưởng về “chủ nghĩa hòa bình tích cực” có vai trò như một tuyên bố của Nhật Bản rằng: Quốc gia này sẽ góp phần duy trì ổn định, trật tự thế giới bằng những sáng kiến trong lĩnh vực an ninh. Do đó, bản chất của khái niệm “chủ nghĩa hòa bình tích cực” là tìm kiếm tính chính danh quốc tế cho các nỗ lực ở cấp độ quốc gia nhằm sửa đổi hiến pháp và phát triển tiềm lực quân sự của Nhật Bản. Cụ thể nước này sẽ khôi phục lực lượng quân sự thông qua việc sửa đổi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, sửa đổi Điều 9 Hiến pháp từ bỏ chiến tranh, cho phép Lực lượng Phòng vệ thực hiện quyền tự vệ tập thể để tăng cường vị thế an ninh – quốc phòng của Nhật Bản trong khu vực và trên trường quốc tế.

Thực tế đã cho thấy, hòa bình và trật tự không thể tồn tại mà không có sức mạnh. Để xây dựng và chủ động đóng góp cho hòa bình, Nhật Bản phải chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ (SDF) thành một lực lượng có thể tham gia các hoạt động hòa bình quốc tế. Bên cạnh đó, Nhật Bản cần phải tham gia vào phát triển công nghệ quân sự quốc tế nói chung. Chiến lược quốc gia của Nhật Bản nên ưu tiên phối hợp với các quốc gia chia sẻ những tư tưởng, giá trị chung và muốn duy trì trật tự thế giới hiện tại như là Mỹ, Liên minh Châu Âu, ASEAN, Canada và Úc… Đây là những chủ thể có vai trò lãnh đạo trong các nỗ lực duy trì hòa bình thế giới và theo nghĩa này, là đối tác mà một Nhật Bản có tư tưởng chủ nghĩa hòa bình nên hợp tác nhiều hơn về mặt quân sự. Phát triển sâu hơn mối quan hệ quốc phòng và tăng cường hợp tác toàn cầu về an ninh, kinh tế là phù hợp với lợi ích quốc gia của Nhật Bản cũng như sự ổn định toàn cầu.

Qúa trình triển khai

Các chiến lược gia Nhật Bản cho rằng trong khuôn khổ của ý tưởng “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, nước này không nên chỉ xem xét các chính sách thông thường và luật lệ liên quan đến an ninh quốc gia mà còn cần phát triển các biện pháp và kỹ năng cần thiết để đối phó với những mối đe dọa hiện hữu và các vấn đề của bản thân nó càng nhiều càng tốt. Cho đến nay, các bước đi cần thiết đã được Nhật Bản triển khai một cách tuần tự.

Để dần tháo gỡ những rào cản pháp lý ngăn chặn sự phát triển của lực lượng quốc phòng nước này, ngày 5 tháng 12 năm 2013, nhóm làm việc của liên minh cầm quyền (LDP và Đảng Công Minh) đã thông qua nguyên tắc kiểm soát xuất khẩu vũ khí cho phép Nhật Bản xuất khẩu vũ khí trong các trường hợp “phục vụ mục đích an ninh quốc gia”. Như vậy trên thực tế Nhật Bản đã từ bỏ Ba nguyên tắc cấm xuất khẩu vũ khí năm 1967. Cùng với chủ trương đó, trong Hội nghị Cấp cao Nhật Bản – EU lần thứ 21 được tổ chức tại Tokyo vào tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Sinzo Abe cũng đưa các sáng kiến như: thiết lập Hội đồng An ninh quốc gia; công thức của Chiến lược An ninh quốc gia xem xét lại các cơ sở pháp lý về an ninh bao gồm vấn đề thực hành quyền phòng thủ tập thể.[4] Ngày 27 tháng 11 năm 2013, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Luật về thiết lập Hội đồng An ninh Quốc gia (một cơ quan có 60 thành viên có tổ chức gần giống với mô hình của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ). Ngày 1 tháng 7 năm 2014, Nội các Nhật Bản tiếp tục thông qua “Quyết định của nội các về Phát triển Luật an ninh để đảm bảo sự tồn tại của Nhật Bản và bảo vệ người dân”.

Cùng với việc tháo gỡ các rào cản pháp lý, Nhật Bản tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường hiện đại hóa quân đội nước này. Các cơ chế hợp tác an ninh – quốc phòng hiện có như thỏa thuận giữa Nhật Bản và Mỹ tại các cuộc họp Uỷ ban Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật(2+2) tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược chung. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng với các quốc gia ASEAN và Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh biển và mua bán vũ khí. Trong thông cáo chung của Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản vừa qua, hai bên đã tái khẳng định lập trường chung trước những thách thức trong khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề an ninh biển. Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, Nhật Bản cũng đẩy mạnh đầu tư vào việc trang bị vũ khí cho Lực lượng phòng vệ nước này. Mới đây (ngày 29 tháng 8 năm 2014), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chính thức thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng tăng thêm 3,5% so với năm 2014, lên mức 5.050 tỷ Yên (tương đương 48,7 tỷ USD) cho năm tài khóa 2015 (bắt đầu từ tháng 4 năm 2015). Phần ngân sách tăng thêm sẽ được dùng cho việc mua sắm và đầu tư nghiên cứu phát triển các thiết bị quân sự mới để bảo vệ các hòn đảo xa. Ngoài các biện pháp trên, hiện tại Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và các loại vũ khí quy ước công nghệ cao để chống lại những mối đe dọa như Triều Tiên, thiết lập hệ thống phòng thủ cho quần đảo Nansei (các đảo phía nam) và các khu vực đảo khác đang có nguy cơ phải đối mặt với sự mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Tác động đối với cục diện khu vực

Những động thái hiện nay cho thấy trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không chỉ hỗ trợ quân Mỹ tiến hành tiếp tế vũ khí, mà còn sử dụng vũ khí để xua đuổi và đáp trả hành động quân sự của các quốc gia khác. Sau khi hoành thành sửa đổi các điều luật (dự kiến cuối năm 2014), Nhật Bản có thể sử dụng quân đội trong những trường hợp sau:

  • Bảo vệ tàu chiến Mỹ bị một nước thứ ba tấn công gần vùng biển của Nhật trước khi có sự tấn công trực tiếp vào Nhật Bản, bởi hợp tác với quân đội Mỹ là cần thiết để đảm bảo an ninh của chính Nhật Bản.
  • Buộc dừng các tàu để kiểm tra nếu nghi ngờ các tàu này chở vũ khí tới một nước thứ ba đang tấn công các tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế gần Nhật Bản mà cuộc chiến này nhiều khả năng lan tới Nhật Bản.
  • Phát hiện và bắn hạ tên lửa bay qua các đảo của Nhật Bản về phía các khu vực thuộc lãnh thổ của Mỹ và theo yêu cầu của Mỹ.
  • Bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước ngoài: giải cứu công dân Nhật Bản tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi họ bị tấn công và sử dụng vũ khí trong trường hợp cần thiết để bảo vệ các công dân đó.
  • Rà phá bom mìn ở Trung Đông: Kế hoạch hiện đang được cân nhắc này sẽ cho phép quân đội Nhật tham gia các nỗ lực rà phá bom mìn của Liên hợp quốc nhằm đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải ở Trung Đông như eo biển Hormuz…

Với vai trò triển khai được mở rộng như vậy, “chủ nghĩa hòa bình tích cực” chắc chắn sẽ tác động đến nhiều khía cạnh cục diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cụ thể:

Thúc đẩy chạy đua vũ trang

Mặc dù “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” và những nỗ lực chủ động đóng góp cho hòa bình của Nhật Bản trong khuôn khổ hợp tác quốc tế nhận được sự đồng thuận của nhiều quốc gia trên thế giới, ý tưởng này không tránh khỏi gây ra quan ngại cho một số nước khu vực. Do những bài học của lịch sử, các quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc không thể không quan ngại về an ninh của mình một khi Nhật Bản hiện đại hóa quân đội. Các quốc gia này cho rằng khi Thủ tướng Shinzo Abe nói về vai trò và vị trí của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế trong khuôn khổ “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, ông chủ yếu nhằm vào Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang có các tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc Tokyo tái vũ trang sẽ khiến các quốc gia này đề phòng hơn bằng cách tăng cường đầu tư phát triển lực lượng quân sự. Điều này sẽ gián tiếp tác động đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, khiến các quốc gia này tăng cường đầu tư cho quốc phòng để thu hẹp khoảng cách và cân bằng lực lượng với Trung Quốc. Chính vì vậy, “chủ nghĩa hòa bình tích cực” sẽ gián tiếp thúc đẩy một làn sóng chạy đua vũ trang trong khu vực. Tuy nhiên, “chủ nghĩa hòa bình tích cực” cũng có khả năng phát động một cuộc chạy đua đóng góp cho hòa bình. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động quyết đoán và tỏ ra xem thường luật pháp quốc tế, Nhật Bản với uy tín xây dựng hơn nửa thập kỷ qua, với chủ trương kêu gọi chủ động đóng góp cho hòa bình, có vẻ sẽ được sự ủng hộ của nhiều quốc gia khu vực.

Khiến Trung Quốc trách nhiệm hơn

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã chuyển chính sách từ “ẩn mình chờ thời” sang “nắm bắt cơ hội”, vươn lên dẫn đầu và phô trương sức mạnh nhằm định hình lựa chọn của các bên khác theo hướng có lợi cho mình. Bắc Kinh coi các liên minh của Mỹ là “tàn dư của Chiến tranh Lạnh”, cần phải được loại bỏ để khôi phục cái mà nước này gọi là “sự cân bằng quyền lực tự nhiên trong khu vực” (nghĩa là: một Trật tự thứ bậc trong đó Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm của Châu Á như trong thời kỳ cận đại).

Mục tiêu chiến lược Châu Á của Trung Quốc là làm xói mòn uy tín của Mỹ với vai trò người bảo đảm an ninh khu vực. Bất kể các tuyên bố ngoại giao của Bắc Kinh như thế nào, “Quan hệ Cường quốc Kiểu mới” thực chất hướng tới việc Mỹ công nhận quyền bá chủ của Trung Quốc ở Châu Á nhằm hạn chế vai trò, sự hiện diện của Washington tại khu vực và gạt các đồng minh truyền thống của Mỹ (đặc biệt là Nhật Bản) ra bên lề. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc đã khiến người dân Nhật Bản thức tỉnh và ủng hộ chủ trương tái vũ trang của chính quyền Shinzo Abe. Những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo với Nhật Bản gần đây đã gián tiếp giúp chính quyền Shinzo Abe theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường” mà thực chất là khôi phục lực lượng quân sự của nước này. Hơn bất cứ quốc gia nào Trung Quốc hiểu rằng việc Nhật Bản tái vũ trang sẽ là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục khiêu khích, gây sức ép với Kokyo, không bao lâu nữa quân đội Nhật sẽ phát triển tương xứng với tiềm lực kinh tế. Và một khi lực lượng quân sự của Nhật Bản được phát triển tương xứng với tiềm lực kinh tế thì không chỉ những hòn đảo trên biển Hoa Đông mà ngay cả an ninh của Trung Quốc đại lục cũng sẽ bị đe dọa. Cách duy nhất để hạn chế Nhật Bản tái vũ trang hiện nay là không chọc giận nước này. Đó là lý do, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã bớt hiếu chiến hơn trong các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Ngày 7 tháng 11 năm 2014, Bắc Kinh đã nhất trí với Tokyo về 4 điểm để khôi phục và phát triển quan hệ Trung – Nhật. Từ đó có thể thấy, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, bằng việc không khiêu khích các quốc gia láng giềng trong các tranh chấp lãnh thổ cũng như trong quan hệ mọi mặt với các quốc gia này.

Tập hợp lực lượng trở nên quyết liệt hơn

Các cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay đang tích cực vươn ra thế giới để tìm kiếm thị trường, nguồn tài nguyên và các căn cứ, cạnh tranh quyền lực và tầm ảnh hưởng, chèn ép và tranh giành ở các khu vực khác nhau trên thế giới, qua đó hình thành những quan hệ đối tác tự nhiên để phòng ngừa. Các nước này duy trì các liên kết an ninh hiện có, thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo cùng chiến thuật tập hợp lực lượng để có thể tự chủ hành động. Những cường quốc hiện tại cũng đều đang tìm cách củng cố vị thế và chiến lược của mình. Chính sách “tái cân bằng” của Mỹ, Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, Chính sách “Hướng Tây” của ASEAN, Chính sách “Hướng Bắc” của Úc và hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản với Úc, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ là những minh chứng cho xu hướng này.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản với chính sách Abenomics và tư tưởng “chủ nghĩa hòa bình tích cực” thông qua việc tăng cường liên kết với các quốc gia khu vực về cả kinh tế lẫn an ninh – quốc phòng đã góp phần làm cho xu thế tập hợp lực lượng, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trở nên quyết liệt hơn. Tuy nhiên đây được xem là nhân tố tích cực vì nó sẽ góp phần khiến các quốc gia phải hành xử có trách nhiệm hơn để có được sự ủng hộ của các nước nhỏ. Ví dụ như liên minh Canberra-Tokyo, Manila-Tokyo, Tokyo-Hà Nội, và Tokyo-New Delhi đang tạo đối trọng với các liên kết của Trung Quốc. Trên thực tế, các bên tham gia “trò chơi cân bằng” này với Trung Quốc (như Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, và Indonesia) sẽ có thêm sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Giảm khả năng hình thành G2

Lý do Bắc Kinh đề xuất G2 là do Trung Quốc cho rằng họ là quốc gia duy nhất có khả năng cạnh tranh vị thế với Mỹ về cả sức mạnh kinh tế và quân sự. Nhật Bản tuy là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và có trình độ khoa học công nghệ cao nhưng vẫn không được coi là đối thủ cạnh tranh vị thế với Trung Quốc vì lực lượng quân sự của Nhật Bản không được đầu tư phát triển. Tuy nhiên đó chỉ là trước đây, bởi hiện tại “tư tưởng chủ nghĩa hòa bình tích cực” đang mở đường cho Nhật Bản phát triển lực lượng quân sự tương ứng với tiềm năng kinh tế và không bao lâu nữa nước này sẽ lại là đối thủ cạnh tranh vị thế cường quốc thứ hai thế giới với Trung Quốc.

Thậm chí nếu xét về quốc lực tổng hợp, Nhật Bản còn có nhiều điểm mạnh hơn Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh mềm. Trung Quốc dường như tin rằng nếu nước này đạt được “sức mạnh tổng thể quốc gia” mọi thứ sẽ đi vào trật tự và các nước sẽ đi theo quỹ đạo của mình. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy việc chỉ có “sức mạnh tổng thể quốc gia” sẽ không giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu mà cường quốc muốn trở thành siêu cường thì phải có sự ủng hộ của các quốc gia vừa và nhỏ. Việc Nhật Bản chủ động xây dựng hòa bình đang khiến nước này có được sự ủng hộ của các quốc gia vừa và nhỏ khu vực. Sự ủng hộ này cũng sẽ là một nhân tố quan trọng quyết định giúp Nhật Bản đạt được vị thế siêu cường, dần trở thành đối thủ cạnh tranh vị thế cường quốc thứ hai thế giới với Trung Quốc. Điều này sẽ giúp thúc đẩy trật tự thế giới đa cực một cách tự nhiên và làm giảm khả năng hình thành G2 do khoảng cách giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga về quốc lực tổng hợp là không quá lớn.

Tương lai Địa chính trị Châu Á

“Chủ nghĩa hòa bình tích cực” với sự tái vũ trang của Nhật Bản sẽ góp phần định hình tương lai địa chính trị Châu Á, đặc biệt là tác động qua lại giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Sự bất cân bằng sức mạnh giữa các cường quốc dẫn đến việc mỗi bên sẽ thiết lập các liên kết linh hoạt, tạm thời với những bên khác khi lợi ích của họ có điểm đồng; tận dụng sự ủng hộ của một bên để chống lại bên khác khi có xung đột quyền lợi; ngăn chặn hai bên khác hình thành liên minh chống lại mình bởi các nước có xu hướng cạnh tranh, liên minh và liên kết lại khi mục tiêu song trùng.

Trong bối cảnh đó, chủ trương tích cực đóng góp cho hòa bình bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật Bản sẽ góp phần duy trì cán cân quyền lực đủ mạnh nhằm ngăn chặn các hành động hăm dọa và xâm lấn, đồng thời trấn an bạn bè và đồng minh đang phải đối mặt với một Trung Quốc đầy tự tin với quyết tâm thiết lập vị thế thống trị trên lục địa Châu Á. Sự nổi lên của Nhật Bản sẽ góp phần làm tăng khả năng hình thành cục diện đa cực tại khu vực mà trong đó các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, không nước nào tạo được khoảng cách đủ lớn về quốc lực tổng hợp để có thể vượt lên cạnh tranh với Mỹ. Với cục diện đa cực đó, các thể chế đa phương trong khuôn khổ ASEAN sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề của khu vực. ASEAN với các thể chế đa phương sẵn có như EAS, ADMM +, ARF, ASEAN+3 …sẽ tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của mình do có được sự ủng hộ của tất cả các bên. Vì vậy  hòa bình và ổn định sẽ tiếp tục được duy trì nhờ các thể chế đa phương cùng các cơ chế giải quyết tranh chấp của trật tự thế giới hiện tại.

Thay cho lời kết  

Tuy nhiên không điều gì là chắc chắn trong cuộc sống cũng như vũ đài chính trị – dù là trong nước hay quốc tế. Tương lai không phải là một đường thẳng mà đầy rẫy những bước ngoặt, vấp ngã, thất bại, điều bất ngờ và sự trái ngược, không liên tục và phi tuyến tính. Trong thế giới của thế kỷ 21, “chiến tranh hay hòa bình” không còn là một câu hỏi phù hợp đối với an ninh quốc gia. Việc ngăn chặn các hành động quân sự và quản lý các cuộc xung đột cục bộ, các vấn đề an ninh phi truyền thống đã xuất hiện như những nhiệm vụ mới, đòi hỏi mỗi quốc gia cần đóng góp giải quyết với một mức độ tương xứng với sức mạnh của mình. Từ góc độ này, tư tưởng “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” được đưa ra không chỉ để nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà còn phát huy vai trò tương xứng của Nhật Bản trên trường quốc tế. Suy cho cùng điều này cũng gián tiếp liên quan đến lợi ích của Nhật Bản bởi nếu cộng đồng quốc tế không thể đối phó với những thách thức mới, không có gì đảm bảo rằng trật tự thế giới hiện tại mà Nhật Bản muốn duy trì sẽ tiếp tục tồn tại./.

ThS. Nguyễn Văn Bình công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 100, tháng 3/2015.

—————-

[1] Kamiya MatakeA Nation of Proactive Pacifism — National Strategy for Twenty-first-Century JapanJapan Foreign Policy Forum, 20/1/2014

[2] Stephen Harner, “Abe’s ‘Active Pacifism’ Foreign Policy Falling Flat; Will Not Get Meeting With Xi”, Forbes, 5/07/2014

[3] Leika Khiara and Sui-Lee Wee, “China’s Xi, Japan’s Abe hold landmark meeting”, Reuters, 10, 11, 2014

[4] Shinichi Kitaoka, “Japan’s new national security policy based on ‘proactive pacifism’” Nickei Asian Review, 6/2/2014