20/05/1956: Mỹ thả thành công bom nhiệt hạch từ trên không

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:United States drops hydrogen bomb over Bikini Atoll,” History.com (truy cập ngày 19/05/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 20 tháng 5 năm 1956, Mỹ tiến hành thử nghiệm thả từ trên không một quả bom nhiệt hạch được cải tiến, từ một chiếc máy bay trên đảo nhỏ Namu thuộc Đảo san hô vòng Bikini ở Thái Bình Dương. Cuộc thử nghiệm thành công chứng tỏ bom nhiệt hạch là một vũ khí hàng không khả thi và cuộc chạy đua vũ trang đã bước thêm một bước tiến dài.

Lần đầu tiên Mỹ thử nghiệm bom nhiệt hạch là vào năm 1952 tại Quần đảo Marshall, cũng nằm trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quả bom đó cùng những quả bom trong những lần thử nghiệm sau đó đều lớn và khó sử dụng nên chỉ có thể kích nổ từ mặt đất. Ứng dụng thực tiễn của việc thả bom lên lãnh thổ quân địch chỉ khả dĩ trên lý thuyết cho đến khi cuộc thử nghiệm tháng 5 năm 1956 thành công.

Quả bom nhiệt hạch thả trên Đảo san hô vòng Bikini được mang bởi một chiếc máy bay ném bom B-52 và thả từ độ cao hơn 15 km và phát nổ ở độ cao gần 4,6 km. Quả bom này mạnh hơn những quả bom được thử nghiệm trước đó và đương lượng nổ ước tính khoảng 15 megaton hoặc hơn (1 megaton tương đương sức nổ của 1 triệu tấn thuốc nổ TNT). Những người quan sát nói rằng quả cầu lửa mà vụ nổ gây ra có đường kính ít nhất gần 6,5 km và ánh sáng phát ra lớn gấp 500 lần ánh sáng mặt trời.

Cuộc thử nghiệm của Mỹ thành công đồng nghĩa với việc cuộc chạy đua vũ trang đã leo thang đáng kể. Liên Xô thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên của họ năm 1953, ít lâu sau khi Mỹ thử nghiệm lần đầu năm 1952. Tháng 11 năm 1955, Liên Xô thả thành công một quả bom nhiệt hạch từ máy bay ở một vùng hẻo lánh của Siberia. Dù nhỏ hơn và sức công phá thấp hơn nhiều (ước tính khoảng 1,6 megaton) so với quả bom mà Mỹ thử nghiệm trên Đảo san hô vòng Bikini, thành công của người Nga đã thúc đẩy Mỹ phải vội vã tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch trên Đảo san hô vòng Bikini.

Vụ nổ khổng lồ trên không năm 1956 đã khiến giới khoa học và môi trường lo ngại về những tác động của việc thử vũ khí hạt nhân đối với đời sống của con người và động vật. Trong những năm sau đó, một phong trào ủng hộ lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân trên không đã nổi lên ở Mỹ cùng nhiều nơi khác. Cuối cùng, Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân hạn chế, được Mỹ, Liên Xô, và Anh ký năm 1963, đã cấm hoàn toàn việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên không và dưới nước.