15/06/1215: Đại Hiến chương Magna Carta ra đời

Print Friendly, PDF & Email

150122105524_magna_carta_624x351_bbc_nocredit

Nguồn:Magna Carta sealed,” History.com (truy cập ngày 14/6/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1215, sau một cuộc nổi dậy của tầng lớp quý tộc Anh chống lại chế độ của vua John, ông đã đóng con dấu của Hoàng gia Anh lên một văn bản gọi là Magna Carta, hay “Đại Hiến chương.” Với bản chất là một hiệp ước hòa bình giữa John và các lãnh chúa, văn bản này bảo đảm rằng nhà vua sẽ tôn trọng các quyền và đặc quyền phong kiến, đề cao sự tự do của nhà thờ, và duy trì luật pháp của quốc gia. Mặc dù mang tính chất phản động hơn là tiến bộ trong thời kỳ đó, Magna Carta lại được các thế hệ sau xem là nền tảng cho sự phát triển của nước Anh dân chủ sau này.

John được tấn phong làm vua nước Anh sau cái chết của anh trai là vua Richard I năm 1199. Triều đại của John được đặc trưng bởi sự thất bại. Ông đánh mất vùng đất tước Normandy dưới tay vua Pháp và đánh thuế hà khắc lên giới quý tộc Anh để bù đắp cho những chuyến phiêu lưu thất bại của mình. Ông gây sự với Giáo hoàng Innocent III và bán nhà thờ để bổ sung cho ngân khố quốc gia đã cạn kiệt. Sau sự thất bại của chiến dịch giành lại Normandy năm 1214, Stephen Langton, tổng giám mục Canterbury, đã đứng lên kêu gọi các lãnh chúa đang bất mãn yêu cầu một hiến chương tự do từ vua John.

Năm 1215, các lãnh chúa nổi dậy chống lại sự lạm dụng luật lệ và phong tục của vua John. Phải đối mặt với một lực lượng vượt trội, vua John không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận những yêu cầu của họ. Những vị vua Anh trước đó đã ban cho các lãnh chúa những ưu đãi đáng kể, nhưng những hiến chương đó diễn đạt rất mơ hồ và được ban ra một cách tự nguyện. Nhưng văn bản được soạn thảo cho vua John vào tháng 6 năm 1215 đã buộc nhà vua phải đảm bảo cụ thể các quyền và đặc quyền của các lãnh chúa và sự tự do của nhà thờ. Ngày 15 tháng 6 năm 1215, vua John gặp các lãnh chúa ở Runnymede bên bờ sông Thames và đóng con dấu của mình lên Điều khoản của các Lãnh chúa, mà sau khi sửa đổi đã được chính thức ban bố dưới tên gọi Magna Carta.

Hiến chương bao gồm lời mở đầu và 63 điều khoản, chủ yếu điều chỉnh những mối quan hệ phong kiến ít có tác động bên ngoài nước Anh ở thế kỷ 13. Tuy nhiên, văn bản này đáng chú ý ở chỗ nó ngụ ý có những luật lệ mà chính nhà vua cũng bị ràng buộc phải tôn trọng, do đó loại bỏ bất cứ tuyên bố quyền lực tối thượng nào của hoàng gia Anh trong tương lai. Đáng quan tâm nhất đối với những thế hệ sau này là điều 39 của Đại Hiến chương, theo đó “Không một người tự do nào phải chịu cảnh bị bắt, bị cầm tù, bị tước đoạt tự do hoặc trục xuất, đi đày, truy nã cho tới khi nào có bản án của những công dân khác xử người đó theo đúng luật của xứ sở.” Điều khoản này được tán dương như sự đảm bảo ban đầu của việc xét xử bằng bồi thẩm đoàn và nguyên tắc habeas corpus, và thúc đẩy Thỉnh nguyện thư về quyền (Petition of Right) năm 1628 và Đạo luật Bảo thân (Habeas Corpus Act) năm 1679.

Sau khi Magna Carta được ban hành, một cuộc nội chiến đã nổ ra trong cùng năm đó khi vua John làm ngơ những nghĩa vụ của mình theo quy định của Đại Hiến chương. Tuy nhiên, sau khi vua John lâm bệnh và qua đời năm 1216, Magna Carta được ban hành lại với một số sửa đổi bởi con trai của vua John là vua Henry III, sau đó được ban hành lại một lần nữa năm 1217. Cũng trong năm đó, lực lượng nổi dậy của các lãnh chúa đã bị lực lượng của nhà vua đánh bại. Năm 1225, vua Henry III tự nguyện ban hành Magna Carta lần thứ ba, và nó chính thức đi vào luật thành văn của nước Anh.

Magna Carta là chủ đề của rất nhiều sự phóng đại lịch sử; nó không thành lập nên Quốc hội như một số người tuyên bố, và cũng chỉ đề cập một cách mơ hồ đến những lý tưởng dân chủ tự do của những thế kỷ sau đó. Tuy nhiên, là một biểu tượng của chủ quyền tối cao của pháp quyền, Đại Hiến chương có tầm quan trọng cơ bản cho sự phát triển của hiến pháp nước Anh. Bốn bản Magna Carta gốc năm 1215 vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay: một bản được lưu giữ tại Nhà thờ Lincoln, một trong Nhà thờ Salisbury, và hai trong Bảo tàng Anh.