Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (26/05/2015)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Liên quan đến bản báo cáo quân sự Trung Quốc thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Phó Giáo sư Andrew S. Erickson thuộc Đại học Hải chiến Hoa Kỳ đã thảo luận và làm rõ hơn một số vấn đề trong báo cáo.

Về vấn đề biển Đông, theo ông Erickson, những nỗ lực gần đây của Trung Quốc không ngoài tham vọng độc chiếm vùng biển này. Với lực lượng hải quân, hải cảnh hùng hậu và lực lượng dân quân biển duy nhất trên thế giới, Bắc Kinh muốn sử dụng ưu thế này để ép các nước trong khu vực phải chấp nhận giải quyết tranh chấp theo điều kiện của mình. Là một quốc gia thường xuyên “quá cảnh” sang biển Đông, Hoa Kỳ đã nhận thấy sự thay đổi trong mức độ khiêu khích của Trung Quốc. Điển hình như vụ tiêm kích J-11 của Trung Quốc bay “cắt mặt” máy bay P-8 của Hoa Kỳ năm 2014 và mới đây là vụ tàu chiến nước này theo dõi và xua đuổi tàu tuần duyên cũng như máy bay tuần thám của Washington trên khu vực Trường Sa hồi tuần vừa rồi. Ông Erickson lo ngại, với tốc độ xây đảo nhân tạo như hiện nay, nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Đông, tần suất các vụ “va chạm” với Hoa Kỳ có thể sẽ còn tăng thêm.

Đề cập đến hạm đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Trung Quốc, Erickson cho rằng mặc dù số lượng SSBN có tăng nhưng vẫn còn những nhược điểm chết người. Bắc Kinh vẫn chưa sở hữu được công nghệ chế tạo động cơ độ ồn thấp và những kỹ thuật liên quan nhằm bảo đảm tính bí mật của tàu ngầm khi hoạt động. Ngược lại, trong khi đó, Lực lượng Pháo binh – Tên lửa chiến lược (Nhị pháo) của Trung Quốc lại sở hữu những tên lửa đạn đạo liên lục địa. Do đó, theo ông Erickson, ngay trước khi các SSBN của Trung Quốc thật sự hoạt động hiệu quả, Bắc Kinh đã sở hữu khả năng răn đe hạt nhân đáng kể.

Bắc Kinh cũng được cho là đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội và rút ngắn khoảng cách với Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong lĩnh vực hải quân, khác với Hoa Kỳ, hải quân Trung Quốc chỉ mới mở rộng tầm hoạt động ra các đại dương trong một vài năm gần đây. Dẫu vậy, môi trường tác chiến của lực lượng này vẫn chỉ quanh quẩn ở các vùng biển gần, như Hoàng Hải, Hoa Đông và biển Đông. Ông Erickson cho rằng Trung Quốc sẽ còn nhiều vấn đề phải cân nhắc trước khi có thể hiện thực hóa tham vọng sở hữu hạm đội “biển xanh”. Trước hết là các vấn đề quốc nội, sự ổn định trong nước vẫn là mục tiêu lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiếp đến là giải quyết các vấn đề ở những vùng biển gần trong bối cảnh Bắc Kinh đang khiến các nước láng giềng đề phòng nhiều hơn.

Như đã nhắc ở các phần trước, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “cưỡng ép ở cường độ thấp” trên biển Đông nhằm tránh xảy ra xung đột quân sự. Một trong những công cụ đó là các tàu tuần tra bán vũ trang và không vũ trang. Bắc Kinh được cho là sở hữu lực lượng bảo vệ bờ biển xa bờ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, một trong số đó là việc thiếu các máy bay tuần tra biển.

Dựa trên những tuyên bố chủ quyền (vô lí) của Trung Quốc, có thể thấy các máy bay tuần tra của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển (MLE) phải dàn trải trên một khu vực rất rộng. Tuy nhiên, số lượng các máy bay tuần tra chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Sau khi được thành lập, Cảnh sát biển Trung Quốc (hải cảnh – CCG) chịu sự quản lý liên hợp của Cục Quản lý đại dương Quốc gia (SOA) và Bộ Công an (MPS). Số máy bay tuần tra mà CCG đang có ít hơn 12 chiếc, phần lớn là của lực lượng hải giám (CMS). Trong số này có 6 máy bay cánh bằng Y-12, một sản phẩm của Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Tầm hoạt động của Y-12 là 1.300km (khoảng 700 hải lý), ngắn hơn nhiều so với máy bay HC-144A (2.000 hải lý) và HC-130J (4.300 hải lý) của Tuần duyên Hoa Kỳ.

6 máy bay tuần tra cho một khu vực hơn 3 triệu km vuông – một sự thiếu hụt quá lớn. Để khắc phục yếu điểm này, lãnh đạo CCG đã tuyên bố sẽ tăng số lượng máy bay, cả về số lượng và chủng loại. Tháng 11 năm 2014, Chuẩn Đô đốc Wang Qiuyu đã đến thăm một công ty con của AVIC ở Tây An và thảo luận về hợp đồng mua một biến thể tuần tra biển của máy bay MA-60. Nhiều khả năng CCG cũng có thể mua một số lượng lớn máy bay AG-600 của AVIC. Với tầm hoạt động 4.500km, AG-600 có thể tiến hành tuần tra gần như toàn bộ biển Đông từ các sân bay trong đất liền.

Vậy Hoa Kỳ nên phản ứng như thế nào trước những động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông? Thượng nghị sĩ Randy J. Forbes, Chủ tịch tiểu ban quân dịch biển và lực lượng viễn dương đồng thời là đồng Chủ tịch tiểu ban nòng cốt về vấn đề Trung Quốc của Quốc hội (Congressional China Caucus) đã có đưa ra một số khuyến nghị. Trước hết, Hoa Kỳ cần phải khiến Trung Quốc nhận thức được rằng mọi hành động sử dụng vũ lực và cưỡng ép sẽ bị Washington phản đối mạnh mẽ. Bất chấp quan hệ kinh tế giữa hai nước có ở mức nào, Tổng thống Hoa Kỳ nên sớm nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc. Lầu Năm Góc cũng cần phải xem các giải pháp quân sự là một lựa chọn rộng hơn cho toàn bộ chính phủ. Hoa Kỳ cũng cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định triển khai lực lượng quân sự nhằm ngăn chặn và chống lại các hành động của Trung Quốc mà không làm phức tạp thêm tình hình.

Washington cũng cần phải kiên định với quan điểm tự do hàng hải và hòa bình cũng như giải quyết tranh chấp đa phương. Bằng cách liên tục gửi máy bay và tàu chiến đến các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền vô lý, Hoa Kỳ có thể gửi thông điệp mang ý nghĩa phản đối. Để làm được điều này, Washington cần phải điều chỉnh lại cơ cấu lực lượng hải quân đồng thời đưa các nguồn lực bổ sung cho lực lượng hải quân vốn đã bị quá tải bởi quá nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Thêm vào đó, Hoa Kỳ nên thể hiện sự ủng hộ đối với các quốc gia đang có tranh chấp hoặc đối đầu với Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, cần phải khuyến cáo các quốc gia này không được làm tình hình căng thẳng thêm. Thêm vào đó, Washington nên tìm cách đa phương hóa vấn đề biển Đông bằng cách thu hút sự chú ý các tổ chức quốc tế và một số quốc gia bên ngoài khu vực tranh chấp, ví dụ như Nhật Bản. Hoa Kỳ cũng cần phải khuyến khích ASEAN trở thành một mặt trận thống nhất, sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ trước các hành động sai trái của Trung Quốc. Nói ở mức độ rộng hơn, Hoa Kỳ cần phải chứng minh cho các đồng minh cũng như các đối tác trong khu vực rằng họ đang duy trì một sự cân bằng quyền lực nhằm ngăn chặn bá quyền Trung Quốc.

Một số tin vắn đáng chú ý:

Hoa Kỳ đang thiết kế “hậu duệ” của máy bay do thám huyền thoại SR-71. Từng được biết đến là máy bay do thám nhanh nhất mọi thời đại, người kế thừa SR-72 cũng không vừa khi sở hữu tốc độ March 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh). Trong suốt nhiều năm qua, các kỹ sư của Lockheed Martin và Aerojet Rocketdyne đã cùng thiết kế SR-72. Theo Lockheed, SR-72 có thể được trang bị vào năm 2030. Việc phát triển SR-72 cho thấy quân đội Hoa Kỳ đang tập trung đầu tư mạnh vào các hệ thống trinh sát hiện đại, trong nỗ lực nhằm phá vỡ thế trận “chống xâm nhập/chống tiếp cận” của Trung Quốc.

Hải quân Việt Nam đang đàm phán mua trực thăng của AgustaWestland. Andrew Symonds, phó chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của AgustaWestland tiết lộ công ty đang tiếp thị một vài máy bay trực thăng phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Trong số này có các loại AW109, AW139 và biến thể trực thăng chống ngầm AW159. Theo ông Symonds, một phái đoàn hải quân Việt Nam dự kiến sẽ đến Anh vào cuối năm nay để tiếp tục thương thảo các yêu cầu. Việc trang bị trực thăng chống ngầm phương Tây phù hợp với xu hướng hiện đại hoá trong tương lai khi Việt Nam được cho là đã ký hợp đồng mua mới 2 tàu chiến lớp Sigma của Hà Lan.

Bên cạnh AgustaWestland, trong triển lãm Quốc phòng hàng hải quốc tế (IMDEX) tổ chức tại Singapore, công ty đóng tàu Constructions Mécaniques de Normandie (CMN) đã chào hàng mẫu thiết kế chiến hạm tàng hình mới mang tên C Sword 90 cho hải quân Việt Nam và Malaysia. CMN đang nhắm tới các khách hàng tiềm năng là những quốc gia đang có kế hoạch mua sắm các loại tàu tuần tra ven biển. C Sword 90 là loại tàu tuần tra đa năng có thiết kế tàng hình, có thể mang được các loại tên lửa chống hạm, chống tàu ngầm và một pháo chính tuỳ biến. Thông tin này đáng chú ý trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành hiện đại hoá hải quân, cũng như đa dạng hoá nguồn cung vũ khí. Tuy nhiên, khả năng Việt Nam lựa chọn loại tàu này không cao xét trên ba yếu tố: (1) giá thành; (2) cơ cấu danh mục vũ khí hải quân đang và sẽ sở hữu; (3) độ tin cậy của hệ thống khí tài. Trong đó, yếu tố giá cả đóng một vai trò quan trọng.