Kiều dân: Mỏ vàng của các quốc gia

Print Friendly, PDF & Email

image-20150512-22539-1hivvcc

Nguồn: Ricardo Hausmann, “The Diaspora Goldmine,” Project Syndicate, 25/06/2015.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Nhiều quốc gia có lượng người di cư đáng kể nhưng không mấy nước tự hào về điều này. Nói cho cùng thì con người ta ít khi phải di cư khi đất nước họ tốt đẹp, do đó cộng đồng hải ngoại thường là lời nhắc về những thời khắc đen tối của một quốc gia.

Ví dụ, trong năm 2010, El Salvador, Nicaragua, và Cuba có hơn 10% dân số sống ở nước ngoài. Và con số này không bao gồm các thế hệ con cháu của những người di cư. Phần lớn những đợt di cư này diễn ra vào thời điểm xảy ra nội chiến hay cách mạng. Ở những nơi khác, di cư ra nước ngoài với số lượng lớn diễn ra trong bối cảnh có thay đổi chính trị, như khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở châu Âu.

Có nhiều sắc thái tình cảm trong mối quan hệ giữa những người di cư và quê hương, bao gồm sự mất lòng tin, oán giận, ghen tị, và thù hận. Nói theo cách thông tục thì di cư được mô tả như là giai đoạn mà một quốc gia “đánh mất” một phần dân số nhất định.

Nhưng những người bỏ nước ra đi đã không biến mất. Họ đang sống và tích cực đóng góp cho xã hội. Kết quả là họ có thể trở thành tài sản vô giá không chỉ cho đất nước họ nhập cư và quan trọng hơn là cho quê hương của họ.

Một liên kết quan trọng là kiều hối, với tổng số khoảng 500 tỉ USD mỗi năm trên toàn thế giới. Những nước nhận kiều hối lớn nhất là Ấn Độ, Mexico, và Philippines. Đối với các nước như Armenia, El Salvador, Haiti, Honduras, Jamaica, Kyrgyzstan, Lesotho, Moldova, Nepal, và Tajikistan, tiền kiều dân gửi về tương đương với hơn một phần sáu của thu nhập quốc dân – con số này thường lớn hơn giá trị xuất khẩu. Và số tiền này có thể làm nhiều việc tốt, như đã nêu trong nghiên cứu của Dilip Ratha từ Ngân hàng Thế giới.

Nhưng tiềm năng kinh tế quan trọng của cộng đồng hải ngoại không chỉ giới hạn trong phạm vi kiều hối. Theo ghi chép của nhà sử học quá cố Philip Curtin, kể từ khi có cuộc sống đô thị từ một thiên niên kỷ trước, các mạng lưới thương mại thường có sự tham gia của các thương gia cùng sắc tộc sống ở nước ngoài. Người Hy Lạp, người Phoenicia, các thương gia xuyên sa mạc Sahara, các thương đoàn Bắc Âu, người Do Thái, người Armenia, Hoa kiều, và các Công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh đã tổ chức nhiều hoạt động thương mại của thế giới thông qua các mạng lưới như vậy. Mặc dù đôi khi các thương nhân nước ngoài này có sức mạnh chính trị ở nước sở tại, nhưng họ thường yếu thế và phải chịu phân biệt đối xử (ở hải ngoại).

Nhà kinh tế Avner Greif lập luận rằng việc các mạng lưới thương mại đồng sắc tộc tồn tại bền bỉ trong suốt lịch sử đã phản ánh khả năng của họ trong việc thực thi các hợp đồng thương mại dù cách xa nhau trong khi các khuôn khổ thể chế sẵn có không thể làm vậy một cách chắc chắn. Họ có thể thiết lập sự tin tưởng giữa người xuất khẩu và nhập khẩu bởi vì họ có thể trừng phạt các hành vi mang tính cơ hội. Đối với một cộng đồng liên kết chặt chẽ, cái giá của uy tín và các hình thức trừng phạt xã hội vượt qua cách trở địa lý: quỵt tiền hàng có thể có nghĩa là không thể dựng vợ gả chồng cho con một cách tốt đẹp được.

Kể từ thời đó đến nay, các thể chế pháp lý đã phát triển để thúc đẩy thương mại phi nhân cách (impersonal trade). Các nhà xuất khẩu và các nhà nhập khẩu không còn cần phải hiểu biết lẫn nhau vì họ có thể làm ăn theo hợp đồng có hiệu lực pháp lý.

Thế nhưng tác động của mạng lưới kinh doanh đồng sắc tộc cũng có thể vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Như nghiên cứu của Hillel Rapoport và các đồng tác giả từ Trường Kinh tế Paris đã chỉ ra, trong điều kiện các yếu tố quyết định thương mại khác không đổi, các nước buôn bán và đầu tư nhiều hơn vào quê hương của kiều dân nhập cư của mình. Trong nghiên cứu gần đây cùng với Dany Bahar, Rapoport cũng chỉ ra rằng các nước trở nên giỏi trong việc sản xuất các sản phẩm mà quê hương của kiều dân nhập cư cũng giỏi trong việc làm ra chúng.

Tôi cho rằng những kết quả này là hệ quả của kiến thức ngầm hoặc bí quyết. Để làm ra các sản phẩm, bạn cần phải biết cách làm, và người ta thường không ý thức được bí quyết đó. Nói cho cùng thì hầu hết chúng ta biết đi xe đạp nhưng không thực sự biết bộ não của chúng ta đã làm gì để đạt được kỳ công đó, hoặc làm thế nào mà não chúng ta phát triển được khả năng này thông qua việc tập đi xe đạp.

Bí quyết này di chuyển qua các vùng miền trong trí não của những người sở hữu nó và được chuyển giao cho người khác tại nơi họ làm việc. Đó là lý do tại sao các món ăn dân tộc được truyền bá thông qua những người di cư chứ không phải là qua sách dạy nấu ăn. Và nó có thể là lý do tại sao các nền kinh tế có nhiều các sắc tộc nhập cư lại phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, hồi cư thường là một nguồn kỹ năng mới quan trọng cho một quốc gia. Trong một nghiên cứu đang thực hiện, Ljubica Nedelkoska từ Trung tâm Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng tiền lương của người Albania bản xứ có xu hướng tăng khi kiều dân hồi hương.

Bằng chứng về tầm quan trọng của những người di cư có ở khắp mọi nơi, nếu bạn chịu để ý. Franschhoek (có nghĩa là “góc Pháp” trong tiếng Nam Phi) là một thung lũng xinh đẹp nằm gần Cape Town, nơi những người Huguenot (những người Pháp thuộc Giáo hội Cải cách Kháng Cách – NHĐ) định cư vào cuối thế kỷ 17. Đó là lý do tại sao các loại rượu vang vẫn được sản xuất tại đây cho đến ngày nay.

Tương tự, Joinville là một thành phố ở miền Nam Brazil, nơi những người Đức thuộc tầng lớp tương đối ít học định cư vào cuối thế kỷ 19. Vì các liên kết văn hóa mà họ và con cháu của họ đã duy trì với mẫu quốc trong hơn 120 năm, thành phố này rất vượt trội trong việc sản xuất các sản phẩm chưa từng được sản xuất khi dân di cư mới đến. Ma-rốc có nhiều trung tâm hỗ trợ khách hàng qua điện thoại (call center) bằng tiếng Pháp có được hợp đồng thông qua họ hàng ở Paris.

Các nước công nghiệp hóa ở Đông Á khai thác các liên kết được tạo ra bởi các mạng lưới Hoa kiều. Các ngành công nghiệp công nghệ cao của Ấn Độ phần lớn được tạo ra bởi Ấn kiều hồi hương và có kết nối sâu sắc với cộng đồng kiều dân. Toàn bộ Israel được tạo ra bởi cộng đồng kiều dân, và ngành công nghệ cao phát triển mạnh của nước này cũng được hưởng lợi từ mối liên hệ sắc tộc bền vững. Ngược lại, nhiều nước Mỹ Latinh có cộng đồng kiều dân lớn ở nước ngoài nhưng có ít những câu chuyện thành công tương tự.

Cộng đồng hải ngoại của một quốc gia và những kiều dân từ nơi khác đến có thể là một tài sản rất lớn cho sự phát triển của họ. Những người di cư không phải là giòi bọ hay sâu nhộng, như Fidel Castro đã dùng để ám chỉ người Cuba ở nước ngoài. Họ là một kênh mà qua đó không chỉ có tiền, mà còn có các kiến ​​thức ngầm có thể luân chuyển, và họ là một nguồn cơ hội đầy tiềm năng cho thương mại, đầu tư, đổi mới, và các mạng lưới nghề nghiệp.

Nhưng kiều dân chỉ có thể tạo ra phép màu kinh tế của họ khi nước chủ nhà chấp nhận họ và quê hương trân trọng họ. Chính phủ các nước cần có một chiến lược kiều dân được xây dựng dựa trên những cảm xúc tự nhiên về bản sắc dân tộc và tình cảm để nuôi dưỡng mạng lưới xã hội này như một nguồn lực phát triển kinh tế.

Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, giáo sư ngành Thực hành phát triển kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế.

Copyright Project Syndicate – The Diaspora Goldmine