Tác chiến bất đối xứng và chiến lược bù đắp lần thứ ba

Print Friendly, PDF & Email

1024px-Safe_detonation_of_IED_Afghanistan_2012-470x260

Nguồn: Benjamin Locks, “Bad Guys Know What Works: Asymmetric Warfare and the Third Offset”, War on The Rocks, 13/07/2015

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

“Chỉ có hai cách để chống lại quân đội Mỹ: thực sự ngu ngốc (trong tác chiến quy ước) hay áp dụng tác chiến bất đối xứng”

Thiếu tướng H.R. McMaster

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang chuẩn bị những nền tảng quan trọng nhằm thiết kế chiến lược bù đắp lần thứ ba (third offset strategy) tập trung chủ yếu vào yếu tố công nghệ. Đồng thời, họ cũng đang nỗ lực lật sang một chương mới các cuộc phiêu lưu quân sự kéo dài 12 năm ở Iraq và Afghanistan. Trong giai đoạn dịch chuyển từ chiến tranh quy mô nhỏ sang những cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, Bộ Quốc phòng và toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng đối mặt với rủi ro lớn khi tập trung quá nhiều thời gian và tiền bạc vào mối đe doạ chống xâm nhập, chống tiếp cận (A2/AD) gây ra bởi Trung Quốc tại khu vực Tây Thái Bình Dương mà quên đi sự chuẩn bị cho tác chiến bất đối xứng – đặc biệt chống lại các nhóm chủ thể phi nhà nước phức tạp hay các cường quốc sử dụng những chiến thuật tương tự.

Những chủ thể nguy hiểm kể trên đang ngày càng cố gắng sử dụng những công nghệ kết hợp giữa quốc phòng và khu vực thương mại. Điều này thúc đẩy Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng phải bắt đầu tập suy nghĩ giống như đối thủ, phải biết cách chống lại và đồng thời tạo ra được những công nghệ và chương trình quốc phòng mang tính kết hợp thông qua chiến lược bù đắp lần thứ ba. Lịch sử hậu Thế chiến thứ hai của nước Mỹ cho thấy các xung đột cường độ thấp chống lại quân nổi dậy hay các nước nhỏ thường xuyên xảy ra. Chúng tác động tiêu cực tới lợi ích của Hoa Kỳ, tạo ra nhiều gánh nặng và giúp các kẻ thù trong tương lai có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với quân đội Hoa Kỳ.

Chúng ta đã thấy nước Mỹ khổ sở như thế nào tại Iraq và Afghanistan, điều khiến cho Washington lưỡng lự trong việc sử dụng bộ binh trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant (ISIL), và làm thế nào mà các chiến thuật nổi dậy ở Iraq đã được truyền tới Afghanistan và các chiến trường khác. Nếu như Hoa Kỳ muốn biến các cuộc chiến chống nổi dậy và chiến tranh hỗn hợp (hybrid warfare) trở thành các mối đe doạ ít nghiêm trọng hơn trong tương lai, chúng ta cần phải chi nhiều tiền hơn cũng như phải học hỏi lại cách thức bảo vệ quyền lợi của mình ở nước ngoài trước các địch thủ tương lai.

Các chiến lược và chiến thuật của Nga hay Trung Quốc, chưa kể tới Iran hay ISIL, có nhiều điểm chung với các lực lượng nổi dậy hơn là kiểu chiến tranh tổng lực quy ước với sự tham gia của không quân và hải quân mà quân đội Hoa Kỳ mong đợi. Sự bùng nổ của công nghệ thương mại, được tái điều chỉnh cho phù hợp với các khả năng quốc phòng và được hỗ trợ bởi các hệ thống và chương trình huấn luyện mang tính nhà nước, nhấn mạnh thêm cho xu hướng này. Các hiểu biết đặc trưng liên quan tới năng lực và yêu cầu trang thiết bị quốc phòng của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh cho thấy nền công nghiệp quốc phòng có thể đóng vai trò quan trọng giúp nhận diện và áp dụng các công nghệ mang tính thương mại phục vụ lợi ích quốc gia – cũng như đối phó với những đối thủ vốn có thể sử dụng các công nghệ hỗn hợp tương tự để chống lại Hoa Kỳ.

Cho dù quân đội Hoa Kỳ sở hữu nhiều lợi thế về mặt công nghệ, các nhóm nổi dậy tại Iraq và Afghanistan đã chứng minh sự dẻo dai của mình khi đối mặt với những chiến dịch quân sự quy mô lớn. Những nhóm như vậy liên tục đổi mới về mặt chiến thuật và chiến lược bởi vì chúng được nuôi dưỡng trong môi trường chiến trận, và chiến bại, đối với bản thân chúng, mang lại những hệ quả mang tính sống còn. Những đổi mới về mặt quân sự của các nhóm này phát triển nhanh bất cứ khi nào đối mặt với khó khăn. Các nhóm nổi dậy sử dụng các công nghệ mang tính thương mại kết hợp với mục đích quân sự, đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Tại Iraq, các nhóm này sử dụng các thiết bị và dịch vụ di động rẻ và mang tính thương mại hoá cao cùng với các loại chất nổ đơn giản để tạo ra các loại thiết bị nổ tự tạo. Với các thiết kế đến từ Iran, quân nổi dậy tạo ra các loại thiết bị xâm nhập có sức công phá cao, gây thiệt hại lớn cho quân đội Hoa Kỳ. Trong tương lai, các nhóm nổi dậy có khả năng đưa vào trang bị các loại thiết bị bay không người lái mang tính thương mại hoặc các công nghệ mang yếu tố nhà nước. Điều này có thể ngăn chặn ưu thế của Hoa Kỳ trong chiến tranh cường độ thấp như việc sử dụng các loại máy bay không người lái như MQ-9 Reapers hay Blackhawks ở tầm chiến lược. Hezbollah hiện tại đã có khả năng sử dụng các loại tên lửa đối hạm để chống lại Israel, và Hamas đang cố gắng phát triển các thiết bị bay không người lái “cảm tử”.

Và không chỉ có những chủ thể phi quốc gia mới sử dụng các loại công nghệ thương mại hay các chiến lược phi đối xứng để đạt được mục tiêu quân sự. Trung Quốc cũng đã sử dụng các đội tàu đánh cá để trợ giúp cho các tuyên bố chủ quyền của mình tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, và có thể sử dụng công cụ đó để thu thập tin tức tình báo, trinh sát, giám sát cũng như các hoạt động mang tính tấn công trong thời chiến. Nga cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng các chiến thuật phi truyền thống để chiếm đóng Crimea và miền đông Ukraine.

Với các công nghệ mới đến từ cả khu vực thương mại lẫn quân sự như công nghệ không người lái, công nghệ thông tin hay công nghệ nhận dạng, tác chiến phi đối xứng sẽ vươn tầm tác động tới tất cả các loại chiến trường bởi các chủ thể cả lớn và nhỏ. Nếu như chiến lược bù đắp lần thứ ba sắp tới đây không thể nhấn mạnh được tính đa dạng, các chiến thuật và chiến lược bất đối xứng cũng như tiềm năng đổi mới công nghệ của đối thủ, quân đội Hoa Kỳ sẽ gặp phải vô số rủi ro không cần thiết khi can dự vào các dạng xung đột phổ biến nhất trong tương lai.

Lý do tại sao lợi thế công nghệ của chúng ta ở Iraq và Afghanistan đã không biến thành các lợi thế về mặt chiến lược là bởi vì các công nghệ mà chúng ta đã sử dụng không được thiết kế để áp dụng cho loại hình chiến tranh đó. Ví dụ, các loại đạn dẫn dường có độ chính xác cao, một trong những át chủ bài trong các chiến dịch chống nổi dậy/khủng bố, đầu tiên được thiết kế sử dụng trong chiến lược bù đắp lần thứ hai để tiêu diệt lực lượng thiết giáp hùng hậu của Liên Xô trong một cuộc chiến tranh trên đồng bằng Trung Âu. Các loại đạn chính xác cao này đã chứng minh tính hiệu quả bằng việc tiêu diệt hoàn toàn quân đội Iraq theo mô hình Xô Viết trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.

Tuy nhiên, thứ vũ khí này lại không mang lại bất cứ lợi thế chiến lược nào ở Iraq và Afghanistan bởi vì kẻ thù không sử dụng thiết giáp. Chiến lược của quân nổi dậy là tiến hành các đợt tấn công quy mô nhỏ, với các thiết bị nổ tự tạo và những kẻ đánh bom tự sát chống lại liên quân, khiến chúng ta từ từ cạn lực và phải rút lui. Khi các công nghệ thương mại và quân sự phát triển và trở nên phổ biến, các nhóm nổi dậy và các lực lượng quân đội hỗn hợp sẽ có nhiều nguồn lực để tiến hành một chiến lược bất đối xứng, trừ khi chúng ta phát triển các biện pháp phản công.

Những người ủng hộ chiến lược bù đắp lần thứ ba dựa trên nền tảng về một cuộc chiến tranh quy ước giữa các quốc gia với nhau mong muốn phát triển công nghệ nhằm chống lại chiến lược A2/AD. Theo Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách, các thành tố chính của một chiến lược bù đắp mới cần phải bao hàm cả các công nghệ cho phép quân đội Hoa Kỳ hiện diện một cách lâu dài, đảm bảo giữ vững đối trọng với các đối thủ sỡ hữu mạng lưới A2/AD mạnh mẽ, đồng thời dựa nhiều hơn vào chính sách răn đe (deterrence) thông qua ngăn chặn (denial) và trừng phạt (punishment). Chiến lược này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, Nga hay thậm chí là Iran, những quốc gia sở hữu tiềm năng phát triển mạng lưới A2/AD ở quy mô lớn và trở thành một tiêu trừng phạt khả dĩ.

Bộ Quốc phòng mong mỏi đầu tư vào những công nghệ tối tân, cùng những khái niệm tác chiến dành cho chiến tranh tổng lực theo sau “Khái niệm chung về Tiếp cận và Kiểm soát trong môi trường toàn cầu” (Joint Concept for Access and Maneuver in the Global Commons), ví dụ như các thiết bị không người lái dưới mặt biển cũng như các loại đạn dược dẫn đường có độ chính xác cao sở hữu tầm tác chiến xa hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy có nguy cơ cản trở quá trình phát triển các loại vũ khí và chiến lược thích hợp hơn giúp đối phó với các địch thủ sử dụng chiến thuật tác chiến hỗn hợp. Các lực lượng nổi dậy hay quân đội hỗn hợp trong tương lai sẽ không sở hữu các khả năng A2/AD nhằm ngăn chặn các máy bay F-35 hay Hạm đội 7. Sẽ là một sai lầm lớn nếu chúng ta đánh giá thấp các địch thủ bất đối xứng. Họ không chi quá nhiều tiền vào các loại vũ khí xa xỉ như Hoa Kỳ.

Một số khoản đầu tư về công nghệ có thể được nêu lên trong chiến lược bù đắp lần thứ ba giúp chống lại các chiến thuật bất đối xứng trong tương lai. Quân đội Hoa Kỳ sẽ cần tới khả năng phát hiện, theo dõi, và đánh bại các loại thiết bị bay không người lái vốn có khả năng gây nên các rủi ro về an ninh tại môi trường có đông dân cư. Quân đội cũng cần các loại thiết bị bay không người lái có khả năng cung cấp nhu yếu phẩm cho binh lính và dân thường tại những vùng chiến sự nóng bỏng. Nếu Hoa Kỳ có thể sở hữu những công cụ giúp ngăn chặn dễ dàng việc tuyển mộ tân binh của các nhóm nổi dậy trên mạng xã hội và lan truyền các thông tin sai lệch trong hàng ngũ của chúng, thì công cụ truyền thông và thu thập thông tin chiến lược của các nhóm này sẽ bị chặn đứng.

Một khi Hoa Kỳ chuẩn bị nhận diện nhiều mối đe doạ khác nhau trên nhiều phương diện địa lý khác nhau, cùng với một ngân sách quốc phòng hạn hẹp của chiến lược bù đắp lần thứ ba, thì sự tham gia của đồng minh vào quá trình đầu tư phát triển công nghệ chung là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, khái niệm của các đồng minh về thế nào là đe doạ là khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí địa lý và văn hoá chiến lược. Nhật Bản và Đài Loan lo ngại mối đe doạ đến từ A2/AD của Trung Quốc; Israel và các đồng minh Ả-rập lo ngại chương trình hạt nhân của Iran và ISIL/Al-Qaeda; các nước châu Âu thì lại lo lắng nước Nga và chủ nghĩa khủng bố.

Trong hai chiến lược bù đắp trước đây, các khoản đầu tư quân sự khổng lồ chống lại mối đe doạ từ Liên Xô đã đảm bảo cho các đồng minh NATO rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ và tạp áp lực gia tăng chi tiêu quốc phòng của chính họ. Một sự tập trung hạn chế vào mối đe doạ A2/AD của Trung Quốc sẽ làm an lòng các đồng minh châu Á, nhưng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Trung Đông và NATO sẽ bị ảnh hưởng. Cũng giống như trong trường hợp phát triển loại máy bay F-35, Lầu Năm Góc cần hợp tác chia sẻ chi phí với các đồng minh châu Âu và Trung Đông để đối phó với các công nghệ và chiến thuật bất đối xứng, cũng như giảm bớt chi phí và thúc đẩy hợp tác mang tính chiến lược.

Các công ty quốc phòng có thể đóng vai trò quan trọng, và có thể hưởng lợi thông qua việc đầu tư vào các công nghệ kể trên bởi vì chúng có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh nội địa, thực thi pháp luật, hay giao thông vận tải. Trong tương lai, các cơ quan an ninh trong nước, các nhà máy năng lượng và sân bay sẽ cần sở hữu khả năng nhận diện, theo dõi và tiêu diệt những loại thiết bị bay không người lái có khả năng đe doạ an ninh ở các khu vực dân sự cũng y hệt như những gì mà lực lượng quân đội sẽ làm trên chiến trường. Tương tự, việc nghiên cứu khả năng vận chuyển con người và hàng hoá bằng các thiết bị không người lái có thể mở ra một kỷ nguyên giao thông và hậu cần mới.

Hoa Kỳ đã rút ra được rất nhiều bài học trong việc phát động các chiến dịch chống khủng bố và chống nổi dậy – cũng như hiểu rằng các chiến dịch như vậy khó khăn và tốn kém như thế nào. Đây là một cơ hội có một không hai để có thể đưa ra các quyết định đầu tư thông minh và có trọng điểm phù hợp với các chiến dịch quân sự cường độ thấp vốn là nền tảng trong các cuộc xung đột ở tương lai. Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những thách thức về quân sự và chiến lược to lớn, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương với sự hiện diện của Trung Quốc. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, tác chiến bất đối xứng luôn tồn tại và sẽ luôn trở nên nguy hiểm hơn.

Benjamin Locks là nhà phân tích cấp cao tại Avascent, nơi ông tiến hành nhiều hoạt động quản lý dự án chiến lược khác nhau như: đánh giá các sản phẩm công nghệ thị trường ngách, thẩm định và hỗ trợ các hoạt động mua bán sáp nhập, nghiên cứu thị trường biên và phân tích quá trình tiếp nhận vũ khí cấp độ liên bang ở thị trường nội địa và quốc tế.