Một góc nhìn khác về vai trò lịch sử của Đặng Tiểu Bình

Print Friendly, PDF & Email

Corbis-U1954083-19

Nguồn: Michael Sheridan, “Deng Xiaoping: A Revolutionary Life by Alexander V Pantsov with Steven I Levine”, The Sunday Times, 21/7/2015.

Biên dịch: Dương Trường Phúc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một cái nhìn thẳng thắng đối với Đặng Tiểu Bình cho thấy ông không hề là một người ôn hòa.

Đặng Tiểu Bình là một trong số rất ít người làm thay đổi thế giới. Ông là một gã khổng lồ của thế kỷ 20, nhà cách mạng và nhà cải cách đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu. Ông cũng là một tên bạo chúa không hề có chút nhân đạo và chịu một phần trách nhiệm đối với cái chết của hàng triệu người. Tính đến nay, đây là cuốn tiểu sử hay nhất viết về ông.

Cả hai tác giả, vốn đều là học giả, đã rất khéo léo chọn cách kể chuyện theo thời gian. Cuốn sách được viết một cách rõ ràng, thẳng thắn, dẫn dắt người đọc đi qua những “gai góc” chủ nghĩa Marx và Trung Hoa học  một cách nhẹ nhàng. Nó được điểm xuyết bởi những giai thoại sống động và ngắn gọn. Đó là một cuốn sách cân bằng và không ngần ngại trình bày sự thật.

Cuốn sách nghiên cứu về một người nông dân bé nhỏ, mạnh mẽ đến từ Tứ Xuyên  – miền Tây Nam Trung Quốc, một người đàn ông kiên cường và tàn bạo, người đã hút hai gói thuốc lá mỗi ngày và ăn những món nhiều vị cay của quê mình cho đến khi qua đời năm 1997.

Ông sinh năm 1904 trong một gia tộc chính trị. Cha ông là Đặng Văn Minh (Deng Wenming), là một địa chủ khá giả và là hội viên của một hội nhóm hoạt động bí mật nhằm khích động lật đổ triều đình quân chủ.

Ông Đặng thừa hưởng sự bất mãn đó của cha mình. Ông đi học ở Trùng Khánh, một thành phố nhộn nhịp và huyên náo bên bờ sông Dương Tử. Năm 16 tuổi, nhờ vào sự hy sinh tài chính của gia đình, ông đã xuống thuyền xuôi dòng Dương Tử, qua vùng Tam Hiệp huyền thoại và xuất dương sang Pháp.

Tại đây, ông đã làm việc trong những nhà máy thép ở Le Creusot và tìm đến chủ nghĩa cộng sản thông qua nhận thức về sự bất bình và phẫn uất trước sự đối xử bất công đối với những công nhân Trung Quốc đồng hương. Trong số đó có một thanh niên tự tin và có tầm nhìn tên là Chu Ân Lai, người sau này cùng ông đạt đến đỉnh cao của quyền lực.

Ông đã đền đáp lại cha mẹ mình bằng cách phản bội họ. Cam kết đi theo cách mạng, ông đã lấy tiền cho Đảng Cộng sản và cự tuyệt tình cảm với họ. Thái độ thờ ơ với mọi người cũng là một tính cách trọn đời của ông.

Alexander Pantsov and Steven Levine đã dựa nhiều vào các hồ sơ cũ của Liên Xô để theo dõi những gì xảy ra sau đó. Năm 1926, phấn khích với những tư tưởng của Leon Trotsky về cách mạng thế giới, ông từ Paris được cử sang Moskva để học tập tại Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông. Trở lại Trung Quốc, ông tham gia hoạt động bí mật cùng những người Bolshevik, tại đây ông đã gặp Mao Trạch Đông.

Phần đầu tiên của cuốn sách này rất quan trọng. Nó để lại ấn tượng trong tâm trí người đọc bằng hai điều. Thứ nhất, Đặng là một người theo chủ nghĩa Marx đúng nghĩa và đi theo hình tượng của người Nga; ông tôn trọng Stalin và ngưỡng mộ câu nói của Marx rằng “vũ lực là bà đỡ của mọi xã hội cũ đương thai nghén một xã hội mới”. Điều còn lại là việc Đặng đã phục vụ Mao một cách mù quáng, xem ông ta là một nhân vật cấp tiến theo lẽ tự nhiên, và các tội ác của ông chỉ là phương tiện để hướng tới các mục đích.

Hai người đã chia sẻ những chiến thắng quân sự của Hồng quân, từ những thất bại trong cuộc Vạn lý Trường chinh những năm 1930 cho đến chiến thắng năm 1949. Đặng nổi danh như là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một câu chuyện mà các tác giả đã kể lại rất hay nhưng ngắn gọn. Tuy nhiên, chỉ sau khi nhà nước Trung Hoa mới ra đời thì phẩm chất chính trị của Đặng mới biểu hiện đầy đủ. Nhiều đặc tính quan trọng giúp ông xây dựng sự nghiệp chính trị của mình. Đầu tiên, ông là một kẻ không có lòng thương hại. Năm 1950, Mao áp đặt số án tử hình một cách tùy tiện, và Đặng, lúc đó đang làm lãnh đạo ở tỉnh Tứ Xuyên, đã háo hức hoàn thành điều đó. Theo lời các tác giả, khắp Trung Quốc đã có hai triệu người “phản cách mạng” bị giết chết.

Thứ hai, ông không hề ngần ngại. Với Đặng, chủ nghĩa cộng sản yêu cầu bạo lực và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng. Ông đã sát cánh với Mao – Người cầm lái vĩ đại – đưa Trung Quốc vào nạn đói quy mô lớn trong những năm 1958-1962,  thời kỳ có thêm hàng triệu người nữa thiệt mạng. Theo chỉ thị của Mao, ông đã lãnh đạo cuộc thanh trừng phe “hữu khuynh” và giới trí thức.

Tới lúc Mao qua đời năm 1976, Trung Quốc rơi vào sự hỗn loạn gây nên bởi phe cực tả. Trong các cuộc đấu tranh bè phái diễn ra sau đó, Đặng đã rũ bỏ các đồng minh và lật đổ các đối thủ để vươn lên nắm quyền.

Một số nhà sử học cho rằng di sản của Đặng được xác định bởi những gì ông đã làm sau đó. Ezra Vogel, một học giả người Mỹ hết lòng ngưỡng mộ Đặng Tiểu Bình đã dành phần lớn của cuốn tiểu sử đồ sộ về Đặng in năm 2011 để nói về thời kỳ “cải cách và mở cửa” bắt đầu thực hiện từ năm 1978 khi Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 xác định chính sách của Đảng chuyển từ đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế.

Một điều hiểu lầm về Đặng Tiểu Bình, người ba lần bị thanh trừng, là ông là người tương đối ôn hòa. Các tác giả cho thấy điều này là không đúng. Cuộc đời nhiều thăng trầm đã tôi luyện sự cứng cỏi cho Đặng. Ở đây, các tác giả đã vượt trội hơn Vogel, họ cho thấy rằng Đặng vẫn là người theo chủ nghĩa Marx. Ông cũng không muốn làm cho Trung Quốc tự do hay theo chủ nghĩa tư bản. Khi khởi động sự mở rộng kinh tế khổng lồ, ông đã muốn Trung Quốc trở thành thứ như hiện tại, đó là một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa được vận hành bởi một chính quyền độc tài. Chính sách “Bốn hiện đại hóa” nổi tiếng của ông – trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật – vẫn sẽ luôn mang theo “đặc sắc Trung Quốc”.

Đặng không có thời gian cho “hiện đại hóa thứ năm”- tức nền dân chủ – thứ mà những người bất đồng chính kiến đòi hỏi. Trong bối cảnh đó, cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, sự kiện được các học giả thuật lại một cách thẳng thắn nhưng phù hợp, là nhất quán với cuộc đời tàn nhẫn của Đặng. Họ cho rằng Thiên An Môn đã làm hoen ố di sản Đặng Tiểu Bình trong mắt hầu hết người Trung Quốc (Đặng rời quyền lực từ năm 1992). Một người viếng thăm ông sau cuộc thảm sát đã nhìn thấy ông rơi nước mắt – nhưng là cho những người lính. Những người biện hộ đã cố gắng khẳng định rằng ông đã cứu Trung Quốc khỏi sự hỗn loạn. Cuốn sách này khinh miệt ý kiến đó.

Đối với các hiểu lầm khác, một điều thú vị là khi ta phát hiện ra rằng Đặng Tiểu Bình đã không phải là tác giả của câu nói “không quan trọng mèo trắng hay mèo đen, miễn nó bắt được chuột”. Và các nói thực dụng “hãy tìm kiếm sự thật từ thực tế” thường được quy cho Đặng nhưng thực tế là một lời truyền đạt của Mao, người lúc còn sống cũng như khi đã chết luôn được tôn sùng hơn Đặng.

Đây là bài điểm cuốn sách Deng Xiaoping: A Revolutionary Life của hai tác giả Alexander V. Pantsov và Steven I Levine, NXB Oxford University Press ấn hành tháng 5/2015.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]