Hậu quả của Cách mạng Văn hóa sau 50 năm

Print Friendly, PDF & Email

917_05_WHA_061_0396

Nguồn: Evan Osnos, “The Cost of the Cultural Revolution, Fifty Years Later”, The New Yorker, 06/05/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thùy Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tuần tới là kỉ niệm 50 năm ngày diễn ra Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Đây là cuộc cách mạng mà mức độ tàn khốc vượt xa so với những gì đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những điểm tương đồng đáng để chúng ta phân tích.

Năm 1979, ba năm sau khi cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản kết thúc, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã có chuyến công du đến Mỹ. Trong một buổi quốc yến, ông ngồi cạnh nữ diễn viên Shirley MacLaine, người đã nói với vị lãnh tụ rằng bản thân bà vô cùng ấn tượng với những gì mắt thấy tai nghe trong chuyến du lịch đến quốc gia này vài năm về trước. Bà nhắc lại cuộc trò chuyện với một nhà khoa học. Ông bày tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Mao Trạch Đông vì đã điều chuyển mình khỏi trường đại học về lao động tại một nông trường như Mao đã làm với hàng triệu trí thức khác. Đặng Tiểu Bình đáp lại rằng: “Ông ta nói dối đấy”.

Ngày 16 tháng 5 tới đánh dấu kỉ niệm 50 năm ngày Cách mạng Văn hóa chính thức bắt đầu khi Chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng cuộc cách mạng nhằm mục đích thanh trừng các thành phần phá hoại và phản động, “tìm ra các đại diện của giai cấp tư sản đang ẩn nấp trong nội bộ Đảng, Chính phủ, quân đội, và các lãnh địa văn hóa khác”, rồi phơi bày chúng dưới “kính viễn vọng và kính hiển vi của Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Đến khi Cách mạng Văn hóa chấm dứt, nó đã để lại rất nhiều hậu quả: khoảng 200 triệu người sống tại các vùng nông thôn bị suy dinh dưỡng kinh niên do nền kinh tế kiệt quệ; có tới hai mươi triệu người bị điều chuyển về các vùng nông thôn; và khoảng 1,5 triệu người đã bị hành quyết hoặc bức tử. Những lời buộc tội thường dựa trên lí lẽ rằng đương sự đã bị vẩn đục bởi các tư tưởng của ngoại bang, bất kể có căn cứ hay không; những thư viện lưu trữ các cuốn sách ngoại văn đã bị phá hủy, và Đại sứ quán Anh thì bị thiêu cháy. Tập Trọng Huân – cha đẻ của Chủ tịch đương nhiệm của Trung Quốc Tập Cận Bình – cũng đã bị lôi ra luận tội trước đám đông mà một trong các tội của ông là đã dám dùng ống nhòm nhìn sang Tây Đức trong một chuyến công du đến Đông Đức.

Trong quá trình điều tra các hậu quả gây ra bởi Cách mạng Văn hóa, điều khó ước lượng nhất không thể được lượng hóa một cách chính xác đến vậy: Cuộc Cách mạng Văn hóa đã ảnh hưởng đến tinh thần của người Trung Quốc như thế nào? Đây vẫn là một vấn đề chưa thể hoặc ít nhất là không dễ để nêu ra tranh luận công khai. Đảng Cộng sản vẫn rất nghiêm khắc hạn chế bất kì cuộc thảo luận nào liên quan đến giai đoạn này với nỗi lo rằng những điều đó sẽ châm ngòi cho một cuộc xét lại toàn diện di sản của Mao cũng như vai trò của Đảng Cộng sản trong lịch sử Trung Quốc. Trong tháng Ba vừa qua, nhằm đón đầu các động thái có thể diễn ra trong ngày lễ kỉ niệm, Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản đã đăng một bài xã luận nhằm cảnh cáo các “nhóm nhỏ lẻ” nhân cơ hội này tạo ra “một sự hiểu lầm hoàn toàn rối loạn về cuộc cách mạng văn hóa”. Bài xã luận nhắc nhở người dân rằng: “mọi cuộc thảo luận đều tuyệt đối không nên xa rời khỏi các quyết sách chính trị và chủ trương của Đảng”.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số người đã và đang cố gắng lật lại lịch sử và xét lại vai trò của họ trong thời kì ấy. Vào tháng Một năm 2014, các học sinh của một trường Trung học Thực nghiệm thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã chính thức ngỏ lời xin lỗi tới các giáo viên của mình vì những gì họ đã gây ra trong làn sóng bạo lực vào tháng 8 năm 1966 khi chính Hiệu phó của trường là cô Biện Trọng Vân (Bian Zhongyun) bị các học sinh của mình đánh đập đến chết. Nhưng những cử chỉ như vậy quả là hiếm. Thường những người ngoài cuộc khó hiểu được vì sao những người còn sống sót sau Cách mạng Văn hóa lại thường cảm thấy không muốn nhắc lại những trải nghiệm vốn đã thay đổi sâu sắc cuộc đời họ đến vậy. Có một lời giải thích là các sự kiện diễn ra trong thời kỳ ấy hỗn mang đến mức nhiều người cảm thấy mang trong mình gánh nặng kép khi vừa là kẻ tội đồ, vừa là nạn nhân. Trước đó, Bao Pu, một tác giả trưởng thành tại Bắc Kinh nhưng hiện sống tại Hong Kong, nói “Mọi người đều cảm thấy mình là nạn nhân. Nếu nhìn vào họ, bạn sẽ thắc mắc rằng “Mày đã làm cái quái gì vậy? Tất cả là lỗi của người khác? Mày không thể đổ hết mọi tội lỗi cho Mao Trạch Đông được. Đúng, ông ta có trách nhiệm, ông ta là kẻ chủ mưu, nhưng để tàn phá toàn bộ đất nước đến mức như vậy – thì cả một thế hệ phải nhìn nhận lại.”

Đất nước Trung Quốc ngày nay đang ở giữa một cơn sốt chính trị được biểu hiện dưới hình thái của những động thái quyết liệt chống tham nhũng và việc bóp nghẹt những luồng tư tưởng trái chiều. Nhưng không vì thế mà có thể kết luận một cuộc Cách mạng Văn hóa thứ hai đang chuẩn bị được tái diễn. Mặc dù có hàng ngàn người đã bị bắt giữ, nhưng phạm vi của những gì đang diễn ra lại bé hơn nhiều, và những so sánh quá hời hợt tiềm ẩn nguy cơ khiến mức độ tàn khốc của Cách mạng Văn hóa không được nhận thức một cách trọn vẹn. Ngoài ra, còn có những khác biệt về mặt chiến thuật như: thay vì sử dụng quần chúng nhân dân để tấn công các đối thủ trong nội bộ Đảng như Mao Trạch Đông đã từng kêu gọi “pháo đả tư lệnh bộ” (oanh tạc các tổng hành dinh – NBT), Tập Cận Bình sử dụng chiến lược thắt chặt sự kiểm soát nhằm củng cố nội bộ Đảng và quyền lực của ông ta. Ông ta đã tái cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo để đảm bảo quyền lực cao nhất nằm trong tay mình, bóp chết tự do tư tưởng và truyền thông, rồi, lần đầu tiên, đã truy lùng những kẻ phê phán chính phủ kể cả khi họ đang sống ngoài Trung Hoa đại lục. Vài tháng gần đây, các cơ quan an ninh đã bắt giữ các đối tượng này tại Thái Lan, Myanmar và Hong Kong.

Dù vậy vẫn có những điểm tương đồng sâu sắc hơn giữa giai đoạn hiện nay với giai đoạn Tập mới trưởng thành thành một thanh niên thời Cách mạng Văn hóa. Những tương đồng này cho thấy một số đặc điểm của hệ thống Lê-nin-nít dười thời Mao Trạch Đông đã tồn tại dai dẳng đến mức nào. Tập, với những động thái liên tiếp nhằm truy lùng và tiêu trừ các kẻ thù của mình, đã gợi lại câu hỏi mà Lênin coi là quan trọng nhất: “Kto, Kovo?” -“Ai, Ai?” Nói cách khác, trong mọi sự tương tác, vấn đề mấu chốt là phe nào thắng còn phe nào bại. Mao Trạch Đông và thế hệ dưới thời của ông – những người lớn lên trong thời kì kham khổ, không thể nào chấp nhận việc chia sẻ quyền lực hay chủ nghĩa đa nguyên; ông ta kêu gọi “vạch ra chiến tuyến rõ ràng giữa chúng ta và kẻ thù”. “Ai là bạn? Ai là thù?”. Điều này, theo lời Mao Trạch Đông là “câu hỏi quan trọng đầu tiên cần đặt ra với bất kì cuộc cách mạng nào.” Trên nhiều phương diện, Trung Hoa ngày này khác rất nhiều so với thời Mao Trạch Đông, nhưng riêng đối với câu hỏi trên, Tập Cận Bình đã có rất nhiều điều giống với người tiền nhiệm của mình.

Quan niệm một mất một còn đó đang ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khác, bao gồm Mỹ. Ta dễ dàng bật cười khi đọc tin rằng tháng trước để kỉ niệm “Ngày Giáo dục An ninh Quốc phòng”, chính phủ Trung Quốc đã cho phát hành các tấm áp phích cảnh báo các nữ nhân viên làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước về rủi ro khi hẹn hò với người nước ngoài với lí do là những người nước ngoài đó có thể là gián điệp. Tấm áp phích hoạt hình có tên gọi “Tình yêu nguy hiểm” vẽ lên câu chuyện về một tình yêu không có hậu giữa cô Tiểu Lí – một công chức đem lòng yêu anh David – một học giả nước ngoài có mái tóc đỏ để rồi kết cục là đưa cho anh ta các tài liệu mật nội bộ.

Ngoài ra còn các tin đáng quan ngại khác như: hồi tháng Tư, sau nhiều năm các lãnh đạo cấp cao đưa ra lời cảnh báo rằng các tổ chức phi chính phủ có khả năng đang tìm cách đầu độc xã hội Trung Hoa bằng các luận điểm phản động của Tây phương, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật cho phép siết chặt quản lý các hoạt động của họ. Đạo luật này trao thêm nhiều quyền hạn cho cảnh sát nước này nhằm giám sát các quỹ, hội từ thiện, các tổ chức vận động chính sách dù nhiều trong số đó đã hoạt động tại quốc gia này nhiều thập niên qua. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã cảnh báo rằng nếu đạo luật này được thông qua sẽ khiến họ không thể hoạt động và họ hiện đang xem xét liệu có nên duy trì sự hiện diện dưới các quy định mới này hay không.

Năm mươi năm sau Cách mạng Văn hóa, khi Trung Quốc một lần nữa bị thôi thúc phải tự cách ly khỏi các ảnh hưởng ngoại bang, ta hoàn toàn có thể cho rằng các hậu quả có thể nghiêm trọng hơn thực tế. Vào mùa thu năm nay, Nhà xuất bản Đại học Harvard sẽ xuất bản một cuốn sách lịch sử mới có nhan đề Unlikely Partners: Chinese Reformers, Western Economists, and the Making of Global China [Các đối tác bất thường: Các nhà Cải cách Trung Quốc, các nhà Kinh tế phương Tây và việc tạo dựng một Trung Quốc toàn cầu hóa] viết bởi Julian Gewirtz, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oxford. Cuốn sách ghi lại câu chuyện ít người biết đến về việc các trí thức và lãnh đạo Trung Quốc, khi nhận thấy nguy cơ suy sụp của nền kinh tế nước nhà vào cuối thời kì Cách mạng Văn hóa, đã tìm đến sự trợ giúp từ các nhà kinh tế học nước ngoài nhằm tái thiết đất nước.

Giai đoạn từ 1976 đến 1993 diễn ra một loạt các cuộc trao đổi, hội nghị và hợp tác, khi mà các trí thức phương Tây không phải tìm cách thay đổi Trung Quốc mà thay vào đó là giúp đỡ họ để quốc gia này tự thay đổi. Và họ có những đóng góp không thể thiếu để giúp Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc kinh tế toàn cầu như ngày hôm nay. Gewirtz nói với tôi rằng:“Các nhà cầm quyền Trung Quốc đã phụ trách quá trình này – họ đã tìm kiếm nguồn ý tưởng phương Tây nhưng không áp dụng chúng một cách bừa bãi. Tuy vậy họ đã cởi mở đón nhận luồng ảnh hưởng từ phương Tây để rồi thực sự đã bị ảnh hưởng sâu sắc”.“Câu chuyện lịch sử này không nên bị quên lãng. Và vào thời điểm mà cả nền kinh tế lẫn xã hội Trung Quốc có khả năng rơi vào trạng thái bấp bênh, thay vì cô lập tri thức và nghi ngờ thế giới như những gì có vẻ đang diễn ra, việc quay lại thái độ cởi mở và xây dựng quan hệ đối tác với phương Tây là cách tốt nhất để tránh bị rơi vào một thảm họa tồi tệ khác.”

Evan Osnos là nhà báo người Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Harvard và trở thành cây viết của tạp chí The New Yorker từ năm 2008. Cuốn Age of Ambition: Chasing Fortune, Truth, and Faith in the New China đã mang lại cho ông Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ cho thể loại Phi hư cấu năm 2014.

Xem thêm:

Cách mạng Văn hóa: Thảm họa bị ‘lãng quên’

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]