Donald Trump và những “chú hề” trên đường tranh cử

Print Friendly, PDF & Email

470223858

Nguồn: Ian Buruma, “Clowns on the Campaign Trail,” Project Syndicate, 03/08/2015.

Biên dịch: Hoàng Hải Hà | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Donald Trump, ông trùm bất động sản và người dẫn chương trình truyền hình thực tế, còn có biệt danh là “The Donald,” ít có khả năng trở thành tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ. Ông ta là người ồn ã, thô thiển, thiếu hiểu biết về hầu hết mọi chuyện, và trông lố bịch với kiểu tóc bờm ngựa vàng đầy vẻ tự cao tự đại. Ngay cả những thành viên nhiệt tình của Đảng Cộng hòa cũng coi ông như một “thằng hề đua tài,” xem chiến dịch của ông ta như một “tiết mục xiếc.” Tờ The Huffington Post coi chiến dịch tranh cử của Trump là tin giải trí.

Tuy nhiên, hiện tại Trump đang bỏ xa tất cả các đối thủ tranh cử khác của Đảng Cộng hòa. Ngay cả trong nền chính trị Hoa Kỳ vốn có thể rất lạ lùng thì đây vẫn là điều khác thường. Điều gì giải thích cho sự ủng hộ dành cho Trump? Có phải tất cả những người ủng hộ ông ta đều “điên rồ,” như Thượng nghị sĩ John McCain đã mô tả họ theo một cách có lẽ là thiếu khôn ngoan?

Những người chỉ trích Trump lập luận rằng ông ta đang đánh vào bản năng của những cử tri bất mãn vốn ghét người nước ngoài (đặc biệt là người Mexico), không tin tưởng vào các chủ ngân hàng (hoặc có thái độ đó với bất cứ ai có học vấn cao hơn), và vẫn không thể quên được việc bầu một vị có bố là người da đen (tức Obama) làm tổng thống. Nói như diễn viên hài Jon Stewart thì Trump là “thẻ căn cước của nước Mỹ,” hoặc ít nhất đại diện cho một số lượng lớn người Mỹ, đa phần là da trắng, đã có tuổi, và sống ở những thị trấn nhỏ.

Giờ thì mọi chuyện có thể là như vậy. Tuy nhiên, Trump là một phần của hiện tượng lớn hơn trong thế giới dân chủ. Những cử tri bất mãn có mặt ở khắp nơi, dù là Hoa Kỳ, châu Âu, hay Ấn Độ. Nhưng họ không chỉ quay lưng với các đảng chính trị chủ đạo và đi theo những người theo chủ nghĩa dân túy hứa hẹn sẽ quét sạch những nhân vật chóp bu thối nát khỏi trung tâm quyền lực, mà họ còn có chung thị hiếu đối với những chính trị gia diễn trò, hay những tên hề nếu như bạn thích gọi thế.

Beppe Grillo, một diễn viên hài chuyên nghiệp đích thực, hiện đứng đầu đảng chính trị lớn thứ hai của Ý (Đảng Phong trào 5 sao, M5S). Mục tiêu của ông là lật đổ nền tảng chính trị của đất nước và làm tan vỡ Liên minh châu Âu bằng việc đưa Ý ra khỏi khu vực đồng euro.

Tất nhiên, xét về khía cạnh nào đó thì người dân Ý đã ba lần bầu các nhân vật hài lên làm thủ tướng. Một nhà tỷ phú bất động sản khác là Silvio Berlusconi, người bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc ca sĩ hát ”nhạc sến” (crooner) trên tàu biển du lịch, thậm chí còn táo bạo hơn nhiều so với Trump. Ông ta đã làm chủ được truyền thông đại chúng – theo đúng nghĩa đen vì ông ta đã sở hữu phần lớn ngành này ở Ý. Cũng như với The Donald, nhiều người, đặc biệt là đàn ông, thích Berlusconi chính bởi những phát ngôn và hành động thái quá của ông ta.

Diễn viên hài truyền hình có tên Victor Trujillo, nhưng được biết tới nhiều hơn bằng nghệ danh “Brozo – tên hề kinh dị”, đã trở thành nhà bình luận chính trị có ảnh hưởng nhất ở Mexico. Tại Hà Lan, quốc gia thường không nổi tiếng với những tên hề chính trị gia, làn sóng chủ nghĩa dân túy ban đầu được dẫn dắt bởi Pim Fortuyn, một gã đồng tính bốc đồng có những màn xuất hiện trước công chúng đầy khiêu khích, và luôn mang tính giải trí. Một lần nữa, tài năng phát ngôn gây sốc của ông là vốn quý chứ không phải là trở ngại. Sau cái chết bất ngờ của Fortuyn vào năm 2002 (do bị ám sát), Geert Wilders, cựu ca sĩ nhạc rock với những lọn tóc nhuộm vàng bạch kim, đã tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời chủ nghĩa dân túy Hà Lan.

Bên cạnh các kiểu tóc kỳ dị (Berlusconi đầu hói đã nhuộm luôn da đầu của ông ta), những nhà chủ nghĩa dân túy mới còn có nhiều điểm chung khác. Cho dù họ có là tỷ phú hay không, họ đều có chung thái độ thù địch đối với cái gọi tầng lớp tinh hoa vốn làm họ có cảm giác bị xa lánh trong xã hội. Wilders and Trump, cũng như một số người khác trong nhóm, cùng tìm cách lợi dụng tình cảm chống người nhập cư phổ biến ở cử tri. Trump đã gọi những người Mexico ở Hoa Kỳ là “những kẻ hiếp dâm.” Wilders muốn cấm kinh Koran và ngăn cản người Hồi giáo di cư vào Hà Lan. Nhưng đây cũng là một phần của sự oán giận nhắm vào giới chóp bu vốn bị chỉ trích vì ngay từ đầu đã cho phép người nước ngoài nhập cư.

Ở châu Âu, thái độ ác cảm đối với người nhập cư hay người Hồi giáo có thể nhanh chóng chuyển thành sự thù địch đối với Liên minh châu Âu, vốn được xem như một thành trì khác nơi giới tinh hoa đã bám rễ. Đây là điểm chung giữa Wilders và Grillo.

Nhưng tôi nghĩ có một nguyên nhân cơ bản hơn giải thích tại sao những “tên hề chính trị” lại đang thành công. Nhiều người đã chán ngấy với giới chính khách chuyên nghiệp. Trong quá khứ, các chính trị gia cánh tả thường xuất thân từ các công đoàn, trong khi giới bảo thủ là những thương nhân hoặc địa chủ giàu có. Mỗi tầng lớp xã hội đều có những lợi ích riêng, chúng được đại diện bởi các đảng phái với những khác biệt rõ ràng về ý thức hệ.

Tuy nhiên, mọi người đang dần nhận ra rằng không có sự khác biệt giữa các chính trị gia của đảng này với đảng khác. Họ được đưa vào một rổ bằng các khái niệm chung như “Washington,” “Brussels,” hay “phố Wall.”

Quan điểm này bị thổi phồng quá mức, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Quốc gia này thực sự sẽ trở thành một nơi hoàn toàn khác dưới sự lãnh đạo của một tổng thống Đảng Cộng hòa, nhất là khi các Đảng viên Cộng hòa đang chiếm đa số ở cả hai viện của Quốc hội.

Nhưng điều chắc chắn đúng ở nhiều nơi là những khác biệt về tư tưởng hầu như đã sụp đổ. Phe dân chủ xã hội cầm quyền trong các chính phủ liên minh với phe bảo thủ ủng hộ tự do kinh tế (laissez-faire). Chủ nghĩa tân tự do đang ngự trị. Đời sống chính trị ngày càng giống như một hệ thống lừa đảo mà qua đó các thành viên của cùng một tầng lớp chính trị đua tranh nhau để giành chỗ đứng, thay vì chiến đấu vì sự thắng lợi của các hệ tư tưởng, hay vì những lợi ích tập thể tầm cỡ hơn.

Bởi vậy mà Chủ nghĩa Trump hay Chủ nghĩa Grillo là một cuộc nổi dậy chống lại giới chính trị gia chuyên nghiệp. Trump không chỉ cố gắng chạy đua chức tổng thống với các ứng cử viên Đảng Dân chủ, mà còn cạnh tranh với giới chính trị gia lâu năm trong chính đảng của ông ta. Những người ủng hộ ông ta chán ghét các thỏa hiệp giữa những người đứng đầu Đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Washington. Với họ, sự hợp tác giữa hai đảng là không cần thiết trong việc quản trị một quốc gia rộng lớn và đa dạng; mà nó là một hình thức tham nhũng.

Đó là lý do tại sao 5 năm trước họ đã bỏ phiếu cho các chính trị gia Đảng Trà, những người muốn đóng cửa chính phủ hơn là đạt được một thỏa thuận với Đảng Dân chủ. Và đó cũng là lý do tại sao họ lại tung hô một kẻ to mồm khoe mẽ như Trump.

Tuy nhiên, nếu thiếu sự thỏa hiệp thì nền dân chủ sẽ trở nên không thể quản trị được. Hoa Kỳ đang bị vấn đề này đe dọa nghiêm trọng. Ngay cả khi Trump sẽ không trở thành vị tổng thống tiếp theo thì sự phá hủy của chủ nghĩa dân túy cũng đã xuất hiện.

Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và mới đây là cuốn Year Zero: A History of 1945.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Clowns on the Campaign Trail