Ai là người hùng thực sự của nền kinh tế toàn cầu?

Print Friendly, PDF & Email

world-economy

Nguồn: Dani Rodrik, “The Real Heroes of the Global Economy”, Project Syndicate, 13/11/2013.

Biên dịch: Lê Hoàng Giang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Những nhà hoạch định chính sách kinh tế ngày nay nếu muốn tìm kiếm mô hình thành công để học hỏi theo thì rõ ràng có rất nhiều lựa chọn. Được dẫn dắt bởi Trung Quốc, hàng loạt các nước mới nổi và đang phát triển đã ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng cao kỷ lục trong thập niên vừa rồi, đặt ra tiền lệ để các nước khác đi theo. Dù nhìn chung các nền kinh tế phát triển cao đã và đang vận hành kém cỏi hơn nhiều, song cũng có những ngoại lệ nổi bật, ví dụ như Đức và Thụy Điển. Lãnh đạo các nước này thường nói: “Hãy làm như chúng tôi, và các bạn cũng sẽ phát triển”.

Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng mô hình tăng trưởng vốn được ca tụng của những nước này không thể nào lặp lại được trong mọi trường hợp, vì chúng phải dựa vào nguồn thặng dư thương mại lớn để kích thích các ngành sản xuất hàng hóa cũng như toàn bộ nền kinh tế. Thặng dư tài khoản vãng lai của Thụy Điển đã đạt mức trung bình rất cao là 7% GDP trong thập niên vừa qua; Đức cũng đạt mức trung bình là gần 6% trong cùng khoảng thời gian đó.

Mức thặng dư thương mại rất lớn của Trung Quốc – trên 10% GDP vào năm 2007 – đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, xuống còn khoảng 2,5% GDP. Khi mức thặng dư giảm thì tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế cũng giảm theo – quả thực là gần như giảm liên tục. Phải khẳng định rằng tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc vẫn còn tương đối cao, ở mức trên 7%. Nhưng mức tăng trưởng như vậy phản ánh một sự gia tăng chưa từng có – và không bền vững – về đầu tư nội địa lên đến gần 50% GDP. Khi đầu tư trở về mức bình thường, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ còn chậm lại nữa.

Rõ ràng là tất cả các quốc gia không thể cùng có thặng dư thương mại cùng một lúc. Trên thực tế, các nền kinh tế thành công đạt được mức tăng trưởng siêu hạng là nhờ các nước khác đã chọn không làm theo mô hình của họ.

Nhưng người ta sẽ không thể biết được điều đó nếu giả sử họ nghe những lời mà bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schäuble ca ngợi về những phẩm chất của đất nước ông. Schäuble gần đây đã viết “Vào cuối những năm 1990, [Đức] rõ ràng là ‘người bệnh’ của châu Âu”. Điều đã giúp nước này xoay chuyển tình thế, theo như ông nói, là tự do hóa thị trường lao động và hạn chế chi tiêu công.

Trên thực tế, mặc dù đúng là Đức đã có một số cải cách nhưng các nước khác cũng vậy, và thị trường lao động của Đức về cơ bản trông không mấy linh hoạt hơn so với các nền kinh tế khác ở châu Âu. Tuy nhiên, một điểm khác biệt lớn là bước ngoặt trong cán cân thương mại của Đức, trong đó mức thâm hụt hàng năm trong những năm 1990 đã chuyển thành một lượng thặng dư lớn trong những năm gần đây, nhờ có những đối tác thương mại của Đức trong khu vực đồng euro và, gần đây hơn, là cả thế giới. Như Martin Wolf của tờ Financial Times cũng như nhiều người khác đã chỉ ra, nền kinh tế Đức đã hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu.

Nhiều quốc gia khác đã tăng trưởng nhanh chóng trong những thập niên gần đây mà không phải dựa vào thặng dư thương mại. Nhưng phần lớn các quốc gia này lại phải chịu đựng tác hại từ một hội chứng đối nghịch: phụ thuộc quá mức vào dòng vốn vào, thứ có thể tạo ra tăng trưởng tạm thời bằng cách kích thích tín dụng và tiêu dùng trong nước. Nhưng những nền kinh tế tiếp nhận dòng vốn này lại dễ bị tác động bởi tâm lý thị trường tài chính và hiện tượng vốn tháo chạy bất ngờ – như đã xảy ra gần đây khi các nhà đầu tư dự đoán có sự thắt chặt chính sách tiền tệ ở Hoa Kỳ.

Hãy xem xét Ấn Độ, nước mà cho đến gần đây vẫn là một ví dụ được ca ngợi về thành công kinh tế. Tỉ lệ tăng trưởng của Ấn Độ trong thập niên vừa qua liên quan nhiều tới chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng và tài khoản vãng lai suy yếu – từng ghi nhận mức thâm hụt trên 5% GDP vào năm 2012, trong khi trước đó vẫn còn ở mức thặng dư thời kỳ đầu những năm 2000. Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là một quốc gia không còn được ca tụng nữa, cũng phải dựa vào mức thâm hụt tài khoản vãng lai hàng năm rất lớn, lên tới 10% GDP vào năm 2011.

Ở nhiều nơi khác, những nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước đây – như Armenia, Belarus, Moldova, Gruzia, Litva, và Kosovo – đã tăng trưởng nhanh chóng từ đầu những năm 2000. Nhưng hãy nhìn vào mức thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình của họ từ năm 2000 đến 2013 – dao động từ thấp nhất là 5,5% GDP ở Litva đến cao nhất là 13,4% ở Kosovo – và sẽ thấy rõ rằng đây không phải là những mô hình nên học hỏi theo.

Câu chuyện ở châu Phi cũng tương tự như vậy. Những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của lục địa này là những nền kinh tế đã sẵn lòng và có khả năng cho phép tồn tại một mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn trong khoảng từ năm 2000 đến 2013: trung bình là 26% GDP ở Liberia, 17% ở Mozambique, 14% ở Chad, 11% ở Sierra Leone, và 7% ở Ghana. Tài khoản vãng lai của Rwanda đã suy yếu một cách đều đặn, với tỉ lệ thâm hụt giờ đã vượt quá 10% GDP.

Cán cân tài khoản vãng lai của thế giới cuối cùng phải có tổng bằng không. Trong trường hợp tối ưu, mức thặng dư của các nước theo đuổi hình thức tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu sẽ tương ứng với mức thâm hụt của các nước theo đuổi hình thức tăng trưởng dựa vào nợ. Còn trên thực tế, không có cơ chế nào có thể bảo đảm liên tục được trạng thái cân bằng đó; chính sách kinh tế của các quốc gia có thể (và thường đúng là) không tương thích với nhau.

Khi một số nước muốn giảm thâm hụt nhưng các nước khác lại không muốn giảm thặng dư, kết quả sẽ là tình trạng thất nghiệp được “xuất khẩu” sang các nước khác và khuynh hướng giảm phát (giống như tình hình hiện nay). Còn khi một số nước muốn giảm thặng dư nhưng các nước khác lại không muốn giảm thâm hụt, kết quả sẽ là dòng vốn bị “đột ngột dừng lại”, và khủng hoảng tài chính. Khi cán cân tài khoản vãng lai ngày càng mất cân bằng, mỗi giai đoạn trong chu kỳ này lại càng để lại hậu quả nặng nề hơn.

Những người hùng thực sự của nền kinh tế toàn cầu – những hình mẫu mà các nước khác nên học hỏi theo – là những quốc gia có nền kinh tế phát triển tương đối tốt trong khi chỉ duy trì tỉ lệ mất cân bằng cán cân tài khoản vãng lai ở mức thấp. Những nước như Áo, Canada, Philippine, Lesotho, và Uruguay không thể sánh bằng những quốc gia vô địch về tỉ lệ tăng trưởng của thế giới, vì họ không vay mượn quá mức hay duy trì một mô hình kinh tế theo chủ nghĩa trọng thương. Mô hình kinh tế của những nước này không có gì nổi trội và thường ít được chú ý đến. Nhưng nếu không có chúng thì nền kinh tế toàn cầu sẽ còn khó kiểm soát hơn cả bây giờ.

Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Thế giới tại Trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard. Ông là tác giả của các cuốn sách One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth (Princeton University Press, 2009) và, gần đây nhất, là The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy (W. W. Norton & Company, 2012).

Copyright: Project Syndicate 2013 – The Real Heroes of the Global Economy