Lý thuyết gây tranh cãi của Piketty về sự trỗi dậy của ISIS

Print Friendly, PDF & Email

6582-1n8qj03

Nguồn: Jim Tankersley,”The most controversial theory for what’s behind the rise of ISIS”, The Washington Post, 30/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một năm sau khi tác phẩm gây bão dày 700 trang có tựa đề “Tư bản trong thế kỷ 21” dẫn đầu danh sách bán chạy nhất nước Mỹ, tác giả của nó – Thomas Piketty – đã đưa ra một luận điểm mới về bất bình đẳng thu nhập. Quan điểm này có thể còn gây nhiều tranh cãi hơn cả cuốn sách của ông, hiện vẫn tiếp tục gây ra nhiều cuộc tranh luận trong giới chính trị và kinh tế.

Quan điểm mới mà Piketty giải thích gần đây trên tờ báo tiếng Pháp Le Monde như sau: Bất bình đẳng là động lực chính gây ra nạn khủng bố Trung Đông, bao gồm những cuộc tấn công mà Nhà nước Hồi giáo (ISIS) gây ra tại Paris đầu tháng này – và các quốc gia phương Tây phải tự trách mình vì đã gây nên sự bất bình đẳng đó.

Piketty viết rằng hệ thống chính trị và xã hội Trung Đông đã bị làm cho dễ bị sụp đổ bởi sự tập trung phần lớn của cải có được nhờ dầu mỏ vào một số ít nước có dân số nhỏ. Nếu nhìn vào khu vực giữa Ai Cập và Iran – bao gồm cả Syria – bạn sẽ thấy một số vương quốc dầu mỏ kiểm soát đến 60 – 70% trữ lượng, trong khi chỉ khoảng hơn 10% trong tổng số 300 triệu người sống tại đó (Piketty không chỉ rõ ông đang nói về nước nào, nhưng xét từ nghiên cứu năm ngoái về sự bất bình đẳng Trung Đông mà ông là đồng tác giả thì dường như ông đang muốn nói tới Qatar, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Ả-rập Xê-út, Bahrain và Oman. Theo số liệu của ông, các nước này chiếm khoảng 16% dân số toàn vùng trong năm 2012 và gần 60% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực)

oil2
Tỉ lệ dân số và của cải của so với khu vực của một số nước Trung Đông.

Sự tập trung của cải quá nhiều vào những nước có tỷ lệ dân số ít như vậy, theo ông, đã khiến cho khu vực này trở thành nơi “bất bình đẳng nhất trên hành tinh.”

Trong những vương quốc đó, ông tiếp lời, chỉ một nhóm người nhỏ kiểm soát phần lớn của cải, trong khi số đông – bao gồm phụ nữ và người tị nạn – bị giữ trong tình trạng “bán nô lệ”. Những điều kiện kinh tế đó, ông nói, đã trở thành những sự biện hộ cho thánh chiến, cùng với những thương vong của hàng loạt cuộc chiến tại khu vực, vốn bị làm cho kéo dài bởi các cường quốc phương Tây.

Danh sách của ông bắt đầu với cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất mà ông cho rằng đã gây ra hậu quả là các lực lượng đồng minh đem trả dầu mỏ “cho các tiểu vương Ả-rập”. Mặc dù ông không tập trung quá nhiều phân tích vào việc kết nối các ý tưởng đó, ngụ ý rõ ràng ở đây là sự tước đoạt kinh tế và nỗi kinh hoàng chiến tranh đã làm lợi cho một số ít các cư dân của khu vực này, và đã kết hợp với nhau để trở thành thứ ông gọi là “thùng thuốc nổ” cho chủ nghĩa khủng bố trên khắp khu vực.

Piketty đặc biệt gay gắt khi ông đổ lỗi cho phương Tây về sự bất bình đẳng trong khu vực, và sự tồn tại của những vương quốc vốn càng làm kéo dài vấn nạn đó: “Đây là những đế chế được hỗ trợ cả về quân sự và chính trị bởi các thế lực phương Tây, những nước quá mãn nguyện khi được trao một ít mẩu vụn tiền thông qua các khoản tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá mà họ nhận được hoặc việc bán một vài thứ vũ khí. Không ngạc nhiên gì khi những bài học của chúng ta về công lý xã hội và dân chủ chẳng được chào đón mấy bởi giới trẻ Trung Đông.”

Nạn khủng bố bắt nguồn từ bất bình đẳng, Piketty nói tiếp, có thể được đẩy lùi tốt nhất bằng phương thức kinh tế.

Để có sự tín nhiệm từ những nước không có phần trong sự thịnh vượng của khu vực, các nước phương Tây nên thể hiện rằng họ quan tâm đến sự phát triển xã hội của khu vực nhiều hơn là tới những lợi ích tài chính và những mối quan hệ với các dòng họ trị vì ở đây. Cách để làm được việc này, theo ông, là đảm bảo rằng thu nhập dầu mỏ Trung Đông tài trợ cho “sự phát triển của khu vực”, bao gồm tăng cường giáo dục hơn nữa.

Ông kết luận bằng việc liên hệ với tình hình nước Pháp, chỉ trích sự phân biệt chủng tộc của nước này trong việc tuyển dụng những người nhập cư, cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao trong các cộng đồng dân nhập cư. Ông cho rằng châu Âu phải quay lưng với chính sách “thắt lưng buộc bụng” và tăng cường mô hình hội nhập cũng như tạo công ăn việc làm. Ông cũng lưu ý thêm rằng lục địa này đã từng tiếp nhận 1 triệu người nhập cư mỗi năm trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Luận điểm của ông chưa nhận được nhiều sự chú ý ở Mỹ cho đến giờ. Nó dựa trên một số nguyên tắc gây tranh cãi, đặc biệt là câu hỏi mức độ bất bình đẳng ở Trung Đông như thế nào so với phần còn lại của thế giới – một vấn đề bắt rễ sâu từ các thống kê kinh tế nghèo nàn của khu vực. Trong bài báo năm ngoài của mình, Piketty và đồng tác giả đã kết luận rằng bất bình đẳng trên thực tế là khá cao.

“Dưới một số giả định hợp lý,” theo phần tóm lược của bài báo, “nhóm 10% thu nhập cao nhất (tại Trung Đông) có thể chiếm đến hơn 60%, và nhóm 1% thu nhập cao nhất có thể chiếm hơn 25% thu nhập toàn vùng (so với 20% ở Mỹ, và 11% ở Tây Âu, và 17% ở Nam Phi).”

oil1
Tỉ lệ thu nhập của top 1% dân số giàu nhất. Theo số liệu này, khu vực Trung Đông còn bất bình đẳng hơn cả Hoa Kỳ. Nguồn: Source: Alvaredo and Piketty (2014), World Income Database WAPO.ST/WONKBLOG

Trên thực tế, đó sẽ là những mức độ bất bình đẳng gây ra xung đột. Chúng là mức trần của những viễn cảnh mà Piketty đặt ra trong bài báo. Liệu chúng có phải là nguyên nhân gốc rễ của Nhà nước Hồi giáo hay không là một cuộc tranh luận rất có thể mới chỉ đang bắt đầu.

Jim Tankersley là phóng viên phụ trách mảng chính sách kinh tế của tờ The Washington Post.

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2014/12/13/vi-sao-dang-tro-lai-ki-nguyen-thinh-vuong/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]