Đằng sau hai đòn giáng vào nền dân chủ phi tự do

Print Friendly, PDF & Email

1362728303_0

Nguồn: Andrés Velasco, “Two blows against illiberal democracy”, Project Syndicate, 23/12/2015.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Số chính phủ dân cử cạnh tranh cho danh hiệu tồi tệ nhất thế giới hiện đã giảm đi hai. Robert Mugabe của Zimbabwe vẫn nắm quyền, cũng như Viktor Orbán của Hungary. Ba Lan đang dần trở nên phi tự do, và các chế độ khắp từ Bắc Phi đến dãy Hindu Kush (ở Afghanistan) vẫn còn nằm trong danh sách các ứng cử viên đó.

Nhưng 12 năm chuyên quyền ngạo mạn dưới thời Néstor và Cristina Kirchner vừa kết thúc tại Argentina. Và một thất bại đáng kinh ngạc trong các cuộc bầu cử quốc hội chắc chắn sẽ đánh dấu khởi đầu của việc kết thúc 16 năm chủ nghĩa Chavez gây bất ổn ở Venezuela. Chừng đó là đủ lý do để ăn mừng.

Tại Venezuela, mọi thứ đều có lợi cho Tổng thống Nicolás Maduro, người được Hugo Chávez chọn làm người kế tục: tùy ý bỏ tù các lãnh đạo đối lập, dùng các băng nhóm côn đồ đe dọa những người biểu tình chống chính phủ, và những gì Human Rights Watch lịch sự gọi là “các hành động hung hăng nhằm giảm sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông tham gia vào các chương trình quan trọng.”

Tuy nhiên, phe đối lập đã giành được hai phần ba số ghế trong quốc hội một viện này. Điều đó giúp các đối thủ của Maduro có đủ đa số cần thiết để sửa đổi hiến pháp, loại bỏ các thẩm phán và nhà quản lý chính sách bị chính trị hóa, và, nếu cần thiết, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để loại bỏ Maduro.

Hai tuần trước đó, các cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Argentina cũng làm nên điều kỳ diệu, mang lại chiến thắng suýt soát cho Mauricio Macri trong vòng hai. Vợ chồng tổng thống Kirchner không bao giờ áp dụng những chính sách cực đoan của Chavez đến mức bắt giữ đối thủ hoặc đóng cửa các đài truyền hình. Nhưng họ đã không ngần ngại sử dụng quyền lực của chính quyền để duy trì quyền lực, quấy rối báo chí đối lập, thao túng điều tra pháp lý, và xoá bỏ sự độc lập của ngân hàng trung ương.

Với nền kinh tế đi ngang ở Argentina và rơi tự do ở Venezuela, và tỷ lệ lạm phát ở cả hai nước thuộc loại cao nhất trên thế giới, vấn đề túi tiền rõ ràng đã ảnh hưởng tới những kết quả bầu cử bất ngờ này. Các chu kỳ bùng nổ và suy thoái chuẩn mực này đưa ra một cách giải thích hợp lý: những chính trị gia đương nhiệm chỉ có thể thắng cử nếu doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa cơ bản ở mức cao. Theo cách hiểu này, một khi giá dầu và đậu tương bị sụp đổ, không có trò hề phản dân chủ nào ngoài việc đình chỉ bầu cử (được đồn đại khắp Venezuela) là có thể cứu các lãnh đạo dân túy khỏi thất bại.

Tuy nhiên, cách giải thích này là quá đơn giản. Mặc dù doanh thu ngân sách giảm, cả hai chính phủ đều không giảm chi tiều nhằm giành chiến thắng. Tại Argentina, thâm hụt ngân sách là 7% GDP. Tại Venezuela, không có ai chắc chắn, mặc dù một số tin rằng nó có thể là một con số khổng lồ: 24% GDP. Nhưng cử tri sẽ không để mình bị mua chuộc.

Đó là điều dễ hiểu. Rốt cuộc, không có khoản tiền nào từ chính phủ có thể bù đắp được những cảm giác bất an ở nhà và trên phố. Tỷ lệ giết người ở Venezuela, gần 54 vụ trên 100.000 người, gấp hơn hai lần ở Brazil và Mexico (2 nước đều có rất nhiều vụ giết người). Tại Argentina, với truyền thống là một đất nước thanh bình, tội phạm liên quan tới ma túy đã gia tăng. Đánh bại các băng đảng ma túy là một trong ba khẩu hiệu tranh cử của Macri (không nghèo đói và chấm dứt tham nhũng là hai khẩu hiệu còn lại).

Nhưng, một lần nữa, không một lý do duy nhất nào có thể giải thích các kết quả bầu cử.

Trong bài luận gây ảnh hưởng viết năm 1997 “Sự nổi lên của các nền dân chủ phi tự do” của mình, Fareed Zakaria đặt ra thuật ngữ “dân chủ phi tự do” để mô tả những nước tổ chức bầu cử (với mức độ công bằng khác nhau) để lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ, nhưng đồng thời lại hạn chế các quyền tự do dân sự và các quyền tự do dân chủ. Dưới thời Chávez và Maduro, Venezuela đã trở thành một nền dân chủ hoàn toàn phi tự do. Dưới thời vợ chồng nhà Kirchner, Argentina cũng đi theo hướng đó. Tuy nhiên, các nhân vật học theo các nhà độc tài này đã bị đánh bại thích đáng.

Cuối cùng, những gì Argentina và Venezuela cho thấy – và đây là tin xấu cho những người như Orbán và Tổng thống Nga Vladimir Putin – chính là sự mong manh cố hữu của các nền dân chủ phi tự do trong vai trò một hệ thống chính trị. Dưới chế độ toàn trị, các trí thức, các đảng tự do, và các tổ chức xã hội dân sự bị nghiền nát. Trong các nền dân chủ phi tự do, họ bị sách nhiễu, nhưng hầu hết đều sống sót.

Thêm vào đó là công nghệ hiện đại đã làm cho liên lạc và tổ chức quần chúng trở nên ít tốn kém và dễ dàng, và các nhà chuyên chế tham vọng phải đối mặt với một hỗn hợp bất ổn. Khi hoàn cảnh khách quantương quan lực lượng (cho phép tôi sử dụng hai khái niệm lỗi thời) cho phép, người dân sẽ hành động.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra ở Argentina và Venezuela trong thời gian chuẩn bị diễn ra các cuộc bầu cử gần đây. Tại tỉnh Buenos Aires, nơi có gần 40% số cử tri của Argentina sinh sống, María Eugenia Vidal, một thành viên 42 tuổi từ đảng của Marci, đã dễ dàng đánh bại cựu chánh văn phòng của Cristina Kirchner để trở thành nữ thống đốc đầu tiên của tỉnh. Các tổ chức cơ sở tỏ ra có vai trò then chốt trong việc đánh bại bộ máy chính trị địa phương theo đường lối Peronist, nổi tiếng là mạnh nhất Argentina. Tại Venezuela, sinh viên đại học và các tổ chức phi chính phủ thiết kế các hệ thống giám sát bầu cử để dễ dàng phát hiện các gian lận tiềm tàng của chính phủ hơn.

Những nỗ lực để biến các nền dân chủ trở thành phi tự do cũng đang sụp đổ ở các nơi khác thuộc Mỹ Latinh. Người dân Ecuador đã xuống đường để phản đối các nỗ lực nhằm đắc cử vô thời hạn của Tổng thống Rafael Correa. Tại Nicaragua, liên minh giữa Tổng thống Daniel Ortega của phe Sandinista với các doanh nghiệp địa phương đáng ngờ và hợp đồng bí ẩn nhằm xây dựng một con kênh mới xuyên qua Trung Mỹ giữa ông và một doanh nhân Trung Quốc đang gặp cản trở.

Và Tổng thống Bolivia Evo Morales, được cho là mưu mẹo nhất trong nhóm theo chủ nghĩa dân túy, đang lặng lẽ xoay chiều. Ông đã chơi một trận đấu bóng đá giao hữu với Macri đêm trước lễ nhậm chức của vị tân tổng thống.

Ở Argentina và Venezuela, rốt cuộc điều có lẽ quan trọng nhất chính là mong muốn của cử tri được sống trong cái mà người ta có thể gọi một quốc gia bình thường. Điều đó có nghĩa là một đất nước mà các tổ chức chính phủ lặng lẽ làm việc, các tổng thống không đe dọa công dân của mình hay có những bài phát biểu dài tới ba giờ mà các đài truyền hình bị buộc phải phát đi, mọi người có thể đi trên phố mà không sợ hãi, và nền kinh tế đừng ngấp nghé trên bờ vực sụp đổ tài chính.

Nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi người Argentina được nhiều người yêu mến María Elena Walsh từng sáng tác một bài hát ngắn mang tên “The World Upside Down” (Thế giới đảo lộn), trong đó những tên trộm làm quan tòa, năm chỉ dài một tháng, trẻ con mọc râu và ria, và chó rơi lên trời chứ không xuống đất. Ở Argentina và Venezuela, một thế giới như thế có thể sắp kết thúc; vì lợi ích của công dân các nước này, mong rằng nó sẽ sớm thành hiện thực.

Andres Valesco, cựu ứng viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Chile, là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Quốc tế tại Trường các Vấn đề công và quốc tế, Đại học Columbia.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Two blows against illiberal democracy

Hình: Tổng thống Venezuela Maduro và cựu Tổng thống Argentina Kirchner. Nguồn: Elmundo.es.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]