Tại sao cuộc chiến ở Syria và Iraq dai dẳng?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Christopher R. Hill, “Masters of War in Syria and Iraq”, Project Syndicate, 27/10/2016.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Thảm kịch của hai thành phố khu vực Trung Đông- Aleppo ở Syria và Mosul ở Iraq- đã nói lên sự thiếu đồng thuận căn bản trong khu vực và rộng hơn là trong cộng đồng quốc tế. Sự thiếu trật tự trong trật tự quốc tế khiến việc chấm dứt những xung đột này ngày càng khó khăn.

Khi cuộc xung đột đẫm máu này thật sự chấm dứt ở Syria, sẽ không có những cuộc diễu binh khải hoàn, không có những khoảng khắc thở phào của cả nước. Điều có lẽ sẽ xảy ra là một sự sắp xếp chính trị trong đó giữ nguyên đường biên giới của Syria nhưng để các địa phương tự trị nhằm phản ánh tính đa dạng và – ít nhất trong thời điểm này – sự thiếu niềm tin lẫn nhau giữa các nhóm thiểu số và tôn giáo khác nhau. Sẽ không có ai vui mừng. Không có nền tảng cho một nhà nước dân sự, và không có những thể chế để xây dựng đồng thuận xã hội hay chế độ pháp quyền.

Cho đến khi những quy tắc căn bản đó được hình thành, cuộc chiến sẽ không bao giờ thật sự chấm dứt. Việc ngừng bắn chỉ có tác dụng tốt nhất – và kéo dài nhất – khi những người tham chiến thật sự hiểu rằng một tập hợp những quy tắc được đồng thuận bởi cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn sẽ là nền tảng định hình cho tương lai quốc gia họ.

Cuộc chiến Syria không phải là chưa có tiền lệ trong khu vực. Cuộc nội chiến Lebanon (Li-băng) thậm chí còn dai dẳng hơn: từ năm 1975 đến 1990, gây nên lượng thương vong và người tị nạn tương tự cuộc chiến Syria, và khi mọi thứ kết thúc, có thể là số hiệp ước ngừng bắn bất thành bằng nhau. Cuộc nội chiến Syria thậm chí còn chưa dài bằng một nửa cuộc chiến khủng khiếp kia; và những người tham chiến cũng không có dấu hiệu mệt mỏi vì nó.

Cộng đồng quốc tế có lẽ sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến Syria nhiều hơn cuộc nội chiến Lebanon vì ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn của nó. Làn sóng người tị nạn ban đầu được kiềm chế trong khu vực lân cận, đặc biệt là Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, hay thậm chí là Iraq. Nhưng không lâu sau, những người tị nạn bắt đầu tháo chạy qua Châu Âu và những nơi khác, gây nên những bất ổn chính trị ở các nước nằm ngoài vùng xung đột. Việc nhóm người tị nạn đông đúc vượt qua biên giới của nước Châu Âu này tới nước Châu Âu khác nhanh chóng trở thành phép ẩn dụ cho cái khiến rất nhiều người Châu Âu giận dữ ở thời đại toàn cầu hóa này.

Việc thiếu đồng thuận quốc tế về Syria, phản ánh qua việc các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể nhất trí về phương án kế tiếp, đã khiến tình trạng Syria trở nên xấu đi. Liên tục được các nước Trung Đông bổ sung lực lượng tham chiến (những nước có vẻ không có niềm tin vào hệ thống quốc tế), và với sự tham chiến trực tiếp của Nga, cuộc khủng hoảng đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Việc Nga can thiệp dưới danh nghĩa tổng thống Basar al-Assad càng hủy hoại thêm quan hệ Mỹ-Nga, điều có thể khích động hiểm họa ở những nơi khác trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và người đồng cấp Sergey Lavrov của Nga tính đến thời điểm này đã thất bại trong việc tìm kiếp bất cứ phương án khả thi nào nhằm chấm dứt cuộc chiến.

Người ta mong chờ ngày mà Kerry và Lavrov bước ra khỏi phòng đàm phán để thông báo với thế giới rằng họ đã tán thành với nhau về một nhóm các quy tắc sẽ định hướng cho tương lai của Syria và sẽ hành động để đạt được đồng thuận với các thành viên khác của cộng đồng quốc tế và với chính những người tham chiến. Chỉ khi những người tham chiến nhìn thấy tương lai sau cuộc chiến, hiệp ước ngừng bắn mới có thể tiến triển. Không ai muốn trở thành người cuối cùng phải tử trận khi tương lai đã rõ ràng.

Ở Mosul, tình trạng xung đột không phải là một cuộc nội chiến. Không giống ở Syria, nơi những người tham chiến phải có sự đánh đổi, ở Mosul, cuộc chiến chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi Giáo (ISIS) là một cuộc chiến mang tính chất xóa sổ. Và, trái ngược với cuộc tấn công của người Nga và Syria ở Aleppo, những người Ả-rập ở Iraq, người Kurd và các cố vấn người Mỹ có lẽ đã làm việc trong nhiều tháng để dự đoán các vấn đề và để đảm bảo thành công trước khi cuộc chiến bắt đầu.

Nhưng rõ ràng có nhiều thứ đáng giá đang gặp nguy hiểm trong chiến dịch Mosul bên cạnh việc tiêu diệt ISIS. Tùy vào cách mà nó kết thúc, chúng ta sẽ biết liệu Iraq sẽ trở thành một quốc gia (thống nhất) đa giáo phái hay một tập hợp các nhóm giáo phái và các vùng lãnh thổ sắc tộc biệt lập nhau. Người Sunni có vẻ không muốn tham gia chính quyền ở Baghdad vốn bị chi phối bởi người Shia chiếm đa số, mặc dù quân đội Iraq (cùng với người Kurd) đang đóng vai trò lớn nhất trong trận chiến chống lại ISIS.

Như thể sự chia rẽ giữa người Sunni và người Shia trong Iraq còn chưa đủ phức tạp, một vết rạn nứt sâu sắc và rắc rối hơn đã xuất hiện – đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ loay hoay với bản sắc của mình cũng như với đường biên giới bị áp đặt từ bên ngoài của nó. Tuyên bố cực kỳ tai hại của Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng đất nước của ông vẫn chưa chấp nhận đường biên giới phía nam với tỉnh Ninewa của Iraq đã tồn tại 100 năm nay đã làm phức tạp hóa khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò trong quá tình hàn gắn của Iraq. Người Ả-rập vẫn luôn nghi ngờ sâu sắc rằng người Thổ muốn nhiều hơn ngoài việc bảo vệ cộng đồng người Thổ thiểu sổ và người Ả-rập Sunni trong cuộc xung đột này. Giờ đây, Erdogan đã xác nhận những nghi ngờ này, và điều đó đã tạo ra nhiều cơ hội để bạo lực gia tăng ở Iraq.

Cách mà cuộc chiến ở Aleppo và Mosul kết thúc sẽ góp phần làm rõ những công việc tiếp theo. Nhưng cho tới lúc Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, và những nước khác (Châu Âu) có thể cùng nhau tạo ra một nhóm các quy tắc để hướng khu vực tới hòa bình, cuộc tàn sát vẫn sẽ tiếp diễn.

Christopher R.Hill, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á, là Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, và Ba Lan, Phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ về Kosovo, Nhà đàm phán của Hiệp định hòa bình Dayton, và là Nhà đàm phán chính của Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên từ 2005 – 2009. Ông hiện là Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Korbel, Đại học Denver, và tác giả của cuốn Outpost.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Masters of War in Syria and Iraq
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]