5 hiểu lầm về nền kinh tế Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

china-economy

Nguồn: Eswar S. Prasad, “5 myths about China’s economy”, The Washington Post, 07/01/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung

Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc ’vỡ trận’, như những gì đã diễn ra vào tuần qua, thị trường thế giới không thể nào không bị ảnh hưởng. Nhưng chúng ta phải lo ngại đến mức nào về kinh tế Trung Quốc? Đây có thể là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng thông tin về thị trường này vẫn còn rất mù mờ và thường bị hiểu lầm. Đây là 5 quan niệm sai lầm phổ biến nhất.

  1. Những mất mát của thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ánh một nền kinh tế suy yếu

Chỉ số Shanghai Composite lao dốc trong tuần qua có liên quan đến một bản báo cáo chỉ ra rằng lĩnh vực chế tạo của nước này đang co hẹp, và khiến mối lo âu về nền kinh tế Trung Quốc càng lan rộng.

Nhưng dù quả thực mức tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại, thị trường chứng khoán của nước này không phản ánh nhiều về tình trạng sức khỏe tổng thể của nền kinh tế. Tổng giá trị của tất cả cổ phiếu trao đổi trên các sàn giao dịch của Trung Quốc chỉ đến mức 1/3 GDP (so với 100% hoặc hơn tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ). Phần lớn các cổ phiếu này đại diện cho các doanh nghiệp chế tạo và xây dựng, những ngành gặp khó khăn gần đây. Nhưng lĩnh vực dịch vụ, thu nhập hộ gia đình và tiêu thụ vẫn đang giữ vững khá tốt.

Thêm vào đó, trong khi thị trường chứng khoán Thượng Hải đã sụt giảm đến gần 40 phần trăm kể từ mức đỉnh vào tháng 6/2015, nhưng mức đỉnh này là kết quả của một đợt tăng chóng mặt vào nửa đầu của năm 2015, một phần nhờ các biện pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán của chính phủ. Vì thế các mức điểm của các chỉ số chứng khoán quan trọng của Trung Quốc bây giờ gần bằng với mức một năm trước, và mang lại mức lợi nhuận không khác gì nhiều mức mà chỉ số S&P 500 cung cấp cho nhà đầu tư trong cùng giai đoạn. Nhưng nói gì thì nói, đầu tư ở Mỹ chắc chắn sẽ không đến mức phải đứng tim như vậy.

  1. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ

Khi người Mỹ nghĩ đến Trung Quốc, họ thường nghĩ đến những mặt hàng tiêu dùng giá rẻ được làm bởi những người lao động lãnh lương thấp. Thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng và chắc chắn sẽ vượt mức 350 tỉ USD vào năm 2015, mức cao nhất từ trước đến giờ. “Trung Quốc đang giết chúng ta,” như câu nói ưa thích của Donald Trump.

Nhưng giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc bị thu hẹp bởi mức độ nhập khẩu các nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian. Ví dụ, giới nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 4 phần trăm vào giá trị của một điện thoại iPhone “Made in China”. Các linh kiện được Trung Quốc nhập đến từ những nước như Đức, Nhật, và Hàn Quốc chiếm đa phần giá trị của điện thoại. Xuất khẩu ròng – xuất khẩu trừ nhập khẩu – chỉ đóng góp một phần khiêm tốn vào mức tăng trưởng của nước này trong thập niên vừa qua.

Lực đẩy kinh tế chủ chốt của Trung Quốc là đầu tư vào vốn vật chất, bao gồm các nhà máy và cơ sở hạ tầng như là đường sá và đường ray xe lửa. Các khoản đầu tư này đã chiếm hơn nửa mức tăng trưởng của Trung Quốc trong thập niên vừa qua.

Thêm vào đó, Trung Quốc hiện không còn là một nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, vì mức lương nhân công ở đây đã tăng nhanh hơn so với ở các nước như Bangladesh và Việt Nam. Thậm chí trong lĩnh vực chế tạo, Trung Quốc đã bắt đầu bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, khi chuyển từ tập trung vào các sản phẩm giá thành thấp, công nghệ thấp như là giày dép hay là dệt may sang các sản phẩm phức tạp hơn với hàm lượng công nghệ cao hơn.

  1. Trung Quốc đang chủ động thao túng đồng tiền của họ

Những phàn nàn về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ là câu nói cửa miệng của những nhà lập pháp Mỹ. “Trung Quốc đã thao túng đồng tiền quá lâu rồi”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Charles Grassly của bang Iowa nói vào mùa hè năm 2015, “… chính quyền dưới thời các Tổng thống của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đã quá rụt rè mà không chịu hành động, và trong lúc ấy Trung Quốc đã kịp tận dụng thời cơ.” Ở phe đối lập, Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Chuck Schumer của New York cũng lập luận rằng “Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã gian lận và dùng nhiều thủ đoạn với đồng tiền của họ, khiến những người lao động Mỹ phải khốn đốn. Họ không những không thay đổi đường lối của họ, chính phủ Trung Quốc thậm chí còn lấn tới nữa”.

Nhưng loạt chỉ trích từ đồi Capitol gần đây lại xuất phát từ việc Trung Quốc thực hiện chính những yêu cầu mà Mỹ đã kêu gọi họ làm từ lâu: đó là nới lỏng kiểm soát tỷ giá đồng nhân dân tệ, tương xứng so với những đồng tiền khác, cho phép những lực đẩy của thị trường có thể quyết định tự do hơn giá trị của nó . Điều mà Mỹ đã không tính đến là Bắc Kinh sẽ làm điều này một cách khôn ngoan, theo hướng có lợi cho Trung Quốc chứ không phải cho những đối tác thương mại của họ. Thay vì thay đổi chính sách trong thời điểm mà đồng Nhân dân tệ có thể lên giá, dẫn đến tác động xấu đến hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc khi khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn, chính phủ Trung Quốc đã lựa thời điểm mà các lực đẩy của thị trường đang đẩy đồng nhân dân tệ xuống, làm lợi cho xuất khẩu Trung Quốc. Trung Quốc đã không để mình bị lừa, mà họ đang bảo vệ quyền lợi của họ.

Từ tháng 8, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã can thiệp vào thị trường ngoại hối, nhưng để giữ đồng nhân dân tệ không sụt giảm nhiều quá, chứ không phải ngăn nó tăng quá nhanh.

  1. Trung Quốc làm giả số liệu để làm nền kinh tế của họ có vẻ mạnh hơn thực tế

Nhiều nhà phân tích xem các thống kê tăng trưởng của Trung Quốc đơn thuần là những tưởng tượng của các quan chức. Như Tim Worsrtall viết cho Forbes, “Những nhà quan sát am hiểu về thị trường như chúng tôi không tin chút nào vào những thông tin mà họ công khai cho mình.” Tỷ lệ tăng trưởng GDP do chính phủ Trung Quốc công bố thường hay gần một cách bất thường với những mục tiêu tăng trưởng chính thức. Và cho dù tỷ lệ tăng trưởng chính thức của Trung Quốc là 7%, một số nhà kinh tế phương Tây ước tính nó chỉ vào khoảng 3% hoặc ít hơn.

Có rất nhiều nghi vấn chính đáng về số liệu tăng trưởng của Trung Quốc được tính theo từng quý. Những số liệu hiện có về tiêu thụ điện, lượng hàng hóa và mức ngân hàng cho vay đều cho ra mức tăng trưởng thấp hơn so với các số liệu tổng hợp đưa ra. Nhưng qua một khoảng thời gian dài hơn thì các số liệu tăng trưởng chính thức này lại có thể miêu tả một cách hợp lý hơn những gì đang diễn ra trong nền kinh tế, và sẽ ăn khớp với những chỉ số khác như là thu nhập hộ gia đình và mức tiêu dùng.

Với quy mô lớn như hiện nay, khó có thể kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc duy trì tăng trưởng vĩnh viễn ở mức 10% hay hơn thế. Trong ngắn hạn, họ có thể sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ tỷ lệ tăng trưởng ở mức 6-7%. Nhưng trừ khi Trung Quốc chủ động theo đuổi những cải cách hướng về thị trường, bằng không họ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức đã nêu, đặc biệt với một lực lượng lao động đang già đi và ngày càng thu hẹp về số lượng.

  1. Vai trò mới của đồng nhân dân tệ đe dọa vị thế thống trị của đồng đôla Mỹ

Vào tháng 11/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuyên bố là họ sẽ công nhận đồng Nhân dân tệ là một đồng tiền dự trữ chính thức. Động thái này, như tờ Telegraph của Anh đưa tin, làm dấy nên mối lo ngại rằng,  “vị thế thống trị  kinh tế của Mỹ đã đến hồi kết khi đồng tiền của Trung Quốc trỗi dậy.”

Thực tế không hẳn như thế. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chắc chắn đã trở thành một đồng tiền quốc tế quan trọng. Khoảng một phần tư các mặt hàng thương mại của Trung Quốc bây giờ được định giá và chi trả bằng nhân dân tệ, và IMF ước tính khoảng 1% dự trữ ngoại tệ của thế giới được lưu giữ trong các tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ, tức là ở mức cao hơn một số đồng tiền dự trữ khác như đồng franc Thụy Sĩ.

Dù vậy, đồng đôla Mỹ vẫn chiếm đến gần 2/3 dự trữ ngoại tệ toàn cầu, một tỷ lệ thực chất tăng nhẹ so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm những ngân hàng trung ương nước ngoài, sẽ tiếp tục đầu tư vào đồng nhân dân tệ vì mục đích đa dạng hóa. Nhưng để đồng tiền của họ có thể thực sự thách thức được vị thế của đồng đô la, Trung Quốc phải giành được sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi không những cải cách kinh tế mà còn những cải cách luật pháp, thể chế và chính trị. Tất cả những thay đổi này sẽ chưa thể đến trong khoảng thời gian tới, vì thế cho đến bây giờ, vị thế của đồng đôla vẫn vững vàng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]