Phép màu kinh tế Trung Quốc đang chấm dứt ra sao?

Print Friendly, PDF & Email

chinaeco

Nguồn: Ruchir Sharma, “How China Fell Off the Miracle Path”, The New York Times, 03/06/2016

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Donald J. Trump đã gióng chuông báo động về Trung Quốc trong nhiều năm qua, gán cho họ biệt danh là một kẻ “côn đồ” về kinh tế lâu nay đã “ăn vụng bữa trưa của chúng ta.” Trọng tâm chính trong những đòn tấn công của ông Trump là Bắc Kinh đã thao túng đồng tiền của mình để giữ tỷ giá rẻ và giúp các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc có lợi thế không công bằng. Nhưng câu chuyện này đã lỗi thời. Trung Quốc bây giờ là một mối đe dọa đối với nước Mỹ không phải vì họ mạnh mà bởi vì họ mong manh.

Bốn tác động chính đã định hình sự hưng thịnh và suy vong của các quốc gia kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và không có điều nào có lợi cho Trung Quốc.

Nợ đã tăng nhanh đến mức báo động ở các nước đang trỗi dậy, đặt biệt là Trung Quốc. Tăng trưởng thương mại đã sụp đổ ở mọi nơi, một đòn đau với những nước xuất khẩu hàng đầu, lại tiếp tục được dẫn dắt bởi Trung Quốc. Nhiều nước đã quay về đường lối cai trị chuyên chế trong một nỗ lực nhằm chống lại cuộc suy thoái toàn cầu, và không ai làm đến mức tự hủy hoại chính mình như Trung Quốc. Và vì những lý do không liên quan đến cuộc sụp đổ năm 2008, mức tăng trưởng nhân lực trong độ tuổi lao động đang chậm dần, và thậm chí ở mức âm ở Trung Quốc, làm hao mòn nguồn nhân lực.

Tăng trưởng ở mức 6% một năm là một điều rất khó khăn đối với bất kỳ một quốc gia nào, nhưng không phải bất khả thi đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, trong một nỗ lực để vượt qua mục tiêu đó, Bắc Kinh đã bơm những khoản nợ vào những dự án lãng phí, và đang tự đào cho mình một cái hố sâu. Nền kinh tế giờ đang chậm lại và sẽ còn giảm tốc hơn nữa khi Trung Quốc buộc phải giảm gánh nặng nợ, một điều không thể tránh khỏi. Bước tiếp theo có thể là một sự giảm tốc sâu rộng hơn và thậm chí là một cuộc khủng hoảng kinh tế, điều sẽ đem đến những hệ quả toàn cầu bởi vì bảy năm kích thích kinh tế đã biến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thành một gã khổng lồ bị bơm căng quá mức.

Ở Bắc Kinh, sự tự tin đã lùi bước nhường chỗ cho những âu lo. Người dân địa phương thường nhận biết được rắc rối nhanh hơn các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ là những người đầu tiên tháo chạy trước một cuộc khủng hoảng. Người Trung Quốc đã chuyển ra khỏi đất nước một số tiền kỷ lục ở mức 675 tỉ đôla vào năm 2015, và một phần là để mua bất động sản nước ngoài. Nếu Trung Quốc đang “ăn vụng” bữa trưa của Mỹ, người dân nước họ sẽ không có đổ xô mua những căn hộ phòng thân ở New York hay San Francisco. Bắc Kinh giờ không còn tính đến chuyện giữ đồng tiền họ rẻ như lời buộc tội của ông Trump nữa, mà giờ họ đang cố gắng một cách khó khăn để giữ đồng nhân dân tệ đang dần suy yếu khỏi lao dốc thêm do đồng tiến mất giá sẽ làm người dân Trung Quốc càng mất tự tin và làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng.

Nguồn gốc của những vấn đề hiện tại của Trung Quốc khởi điểm vào những tháng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Khi tôi thăm Bắc Kinh vào tháng 9 năm đó, ngay trước khi Phố Wall sụp đổ, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng thành phố khá bình yên. Bắc Kinh vừa tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè, và trong quá trình chuẩn bị họ đã tạm đóng cửa những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và nới lỏng kiểm duyệt. Bầu trời trong sạch hơn và những cuộc nói chuyện cũng thẳng thắn hơn so với ngày hôm nay.

Trung Quốc có lý do chính đáng cho sự tự tin của họ. Giống như Nhật, Hàn Quốc và những phép màu kinh tế châu Á khác, Trung Quốc đã tạo nên một đợt tăng trưởng kéo dài ở mức hai con số bằng cách đầu tư vào những ngành công nghiệp xuất khẩu. Nhưng thủ tướng lúc bấy giờ là Ôn Gia Bảo không tự mãn. Ông cảnh báo rằng sau ba thập niên phát triển công nghiệp nặng, Trung Quốc đã trở nên “thiếu ổn định” và “thiếu cân bằng,” với quá nhiều nhà máy nhả khói. Nhiều người trong giới tinh hoa Trung Quốc nhận ra rằng với thu nhập trên đầu người tăng lên mức trên 8.000 đôla Mỹ, đất nước của họ sẽ đối mặt với một đợt giảm tốc tự nhiên, tương tự như Nhật và Hàn Quốc khi họ đạt được mức thu nhập tương tự. Cùng lúc đó, những người bên ngoài có những trao đổi nhiều hy vọng về việc Trung Quốc tiến hóa thành một nước dân chủ khi họ trở nên giàu hơn, tương tự như những phép lạ châu Á trước kia.

Nhưng chỉ 2 tuần sau khi tôi rời đi, Lehman Brothers tuyên bố phá sản ở Mỹ, đẩy nền kinh tế thế giới đến suy thoái. Nhu cầu lao dốc trên toàn thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh hoảng sợ, dường như họ lo rằng nếu suy thoái ảnh hưởng đến Trung Quốc, nó sẽ gây nên bất ổn xã hội. Ông Ôn đổi hướng và tiếp tục đi theo mô hình công nghiệp cũ – bơm những khoản đầu tư trị giá hàng ngàn tỉ từ ngân sách nhà nước cho các nhà máy.

Ban đầu thì ván cược này dường như có lý. Vào năm 2009, Trung Quốc một lần nữa vượt mục tiêu tăng trưởng 8% khi phương Tây đang chật vật để phục hồi sau cuộc suy thoái sâu. Mức chi tiêu khổng lồ của Trung Quốc đối nghịch rất rõ ràng với những trì trệ ở Washington, và giới tinh hoa toàn cầu, trong những cuộc tán gẫu tại Davos, Thụy Sĩ vào năm 2011, đã ngợi khen những lợi ích đến từ chủ nghĩa tư bản nhà nước. Theo họ, Trung Quốc chứng minh rằng những quốc gia chuyên chế không bị hạn chế quyền lực có lợi thế trong việc quản lý nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng.

Nhưng giờ nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng đây là lúc Trung Quốc bắt đầu đi chệch khỏi con đường nhiệm màu.

Khi cơn lũ nợ tiếp tục ở Trung Quốc, càng nhiều những khoản cho vay được dồn vào những dự án đầu cơ lãng phí. Thường thì những đợt vay mượn bùng nổ khi có sự hào hứng về một sự đổi mới công nghệ mới như là internet. Nhưng lần này thì đợt cho vay đã được tăng cường dựa trên niềm tin rằng Bắc Kinh do bị ám ảnh về việc đạt được mục tiêu tăng trưởng sẽ ngăn không cho chủ nợ và con nợ thất bại. Và điều này khuyến khích càng nhiều người chơi chất lượng thấp bắt đầu tham gia. Các ngân hàng quốc doanh sớm phải cạnh tranh với các “ngân hàng ngầm,” bao gồm những trang web crowdfunding (góp vốn đầu tư chung) mang lại cơ hội cho những người bình thường được đầu tư vào các khoản nợ với mức mua tối thiểu chỉ 1 nhân dân tệ (15 cent Mỹ), với những hứa hẹn về mức lãi suất tuyệt vời.

Bất chấp các nỗ lực của nhà chức trách Trung Quốc nhằm hướng dòng tiền vào các ngành công nghiệp, họ không bao giờ hoàn toàn dồn sức vào việc ngăn chặn các ngân hàng ngầm cung cấp vốn cho những khoản vay ngày càng đáng nghi ngờ để đầu cơ bất động sản. Khi tôi thăm Thượng Hải vào tháng 8/2010, tôi đã rất bất ngờ khi thấy những dãy chung cư hai, ba lớp dọc đoạn đường dài 110 dặm (176 km) đến Hàng Châu. Đa phần những con nợ lớn nhất là những công ty vỏ bọc do các chính quyền địa phương dựng lên để lách các quy định của quốc gia. Các thành phố nhỏ đang vay mượn để xây dựng những bảo tàng hiện đại, cung thể thao dưới nước, và những khu chung cư vốn vượt quá nhu cầu địa phương và thường trống rỗng như các thành phố ma.

Những nghiên cứu của tôi cho thấy rằng trong 30 cơn sốt nợ tồi tệ nhất trong 50 năm vừa qua, nợ tư nhân, phần lớn được nắm bởi các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, đã tăng trong năm năm trước đó ở mức ít nhất là 40% GDP. Trong cả 30 trường hợp, nền kinh tế giảm tốc rất nhanh, thường là hơn một nửa, trong năm năm tiếp theo.

Cơn sốt nợ của Trung Quốc hiện tại đang ở mức lớn nhất trong các quốc gia mới trỗi dậy từ sau Thế chiến II. Sau khi giữ vững ở mức 150% GDP trong phần lớn giai đoạn tăng trưởng, nợ công và tư bắt đầu tăng từ khi ông Ôn đổi hướng vào năm 2008, chạm mức 230% GDP vào năm 2014. Mức tăng 80% vượt mức tăng của Mỹ trước khi bong bóng vỡ vào năm 2008 gấp 3 lần. Kể từ đó, tỉ lệ nợ của Mỹ trên GDP đã đứng vững. Cho dù nhiều người Mỹ vẫn nghĩ rằng đất nước vẫn bị nhấn chìm trong nợ, gánh nặng của Mỹ không đáng lo như của Trung Quốc bởi vì nó đã ngừng tăng.

Trớ trêu thay, chế độ chuyên chế đã giúp dẫn dắt Trung Quốc trong những năm kinh tế tăng trưởng giờ có thể là tác nhân gây xói mòn sự ổn định của nền kinh tế. Nghiên cứu của tôi cho thấy rằng so với các nước dân chủ, các chính phủ chuyên chế tạo nên mức tăng trưởng không ổn định, và đó là rủi ro ở Trung Quốc lúc này. Những dữ liệu từ năm 1950 đến nay cho thấy những thay đổi cực đoan từ tăng trưởng nhanh sang chậm xảy ra thường xuyên hơn với các chế độ chuyên chế. Trong danh sách 36 nước đã trải qua những vòng xoáy tăng trưởng và suy thoái nhanh chóng, ba phần tư là các quốc gia chuyên chế.

Bởi vì các chính phủ này không phải đối mặt với những giới hạn quyền lực, họ có thể thúc đẩy quá mức các giai đoạn tăng trưởng nhanh. Nhưng họ cũng có thể đi chệch hướng và không ai có thể sửa sai. Trong các giai đoạn bùng nổ đầu tiên dưới thời Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh làm điều mà các chế độ chuyên chế làm tốt nhất, đó là đàn áp việc chống đối phát triển nhanh, hướng tiền tiết kiệm của người dân vào việc xây dựng các nhà máy phục vụ xuất khẩu và lấy đất để xây cầu đường nhằm vận chuyển hàng sản xuất đến thị trường. Nhưng quá trình ra quyết định trên, tập trung vào một nhóm nhỏ ở Bắc Kinh, cho phép chính quyền đổi hướng một cách hấp tấp vào năm 2008 và thông qua chiến dịch cho vay vốn đang đưa Trung Quốc đi vào con đường ngày càng bất ổn của nợ cao và tăng trưởng thấp.

Trong những chuyến đi đến Trung Quốc gần đây của tôi, tôi luôn trông chờ Bắc Kinh quay trở về thực tại, nhưng điều đó không xảy ra. Khi nền kinh tế ngày càng tăng trưởng không ổn định, giới chức trách đã cố quản lý chu kỳ kinh tế một cách cứng rắn hơn và điều này đã lan qua thị trường tài chính. Vào cuối năm 2014, với hy vọng giúp các công ty khó khăn có một cú hích, Bắc Kinh bắt đầu ca ngợi việc mua chứng khoán như một hành động yêu nước. Hàng triệu người Trung Quốc đăng ký để chơi chứng khoán lần đầu tiên, nhiều người chỉ mới tốt nghiệp cấp ba, và bắt đầu vay mượn để mua chứng khoán khi giá tăng. Khi bong bóng vỡ vào tháng 6 năm ngoái, Bắc Kinh đã không cho phép thị trường sụp đổ như năm 2008. Họ buộc người dân không được bán hay là phê phán chứng khoán. Nhưng thị trường vẫn sụp đổ.

Sau đó, hội nghị Davos cuối cùng cũng đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có thể ra lệnh cho nền kinh tế phải tăng trưởng trở lại hay không. Dường như bài học sẽ được tiếp thu ở Trung Quốc, nhưng khi tôi đến thăm vào tháng Tư, các nhà chức trách lại bắt đầu một chiến dịch kích cầu mới, và nợ vẫn tăng nhanh gấp ba lần tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, người dân vẫn kể về mức giá bất động sản tăng chóng mặt ở Thượng Hải và Bắc Kinh và thậm chí ở các thị trường không nhiều người biết đến như giá hợp đồng tương lai của xà thép. Mục đích của họ là tiếp tục nhảy theo thị trường cho đến khi dòng tiền vay ngừng chảy.

Nền kinh tế thế giới bây giờ chỉ cách suy thoái một cú sốc. Trong thời kỳ hậu Thế chiến II, tất cả các đợt suy thoái trước kia đều được khởi nguồn bởi một cuộc lao dốc ở Mỹ, nhưng đợt suy thoái tiếp theo chắc chắn sẽ bắt đầu bằng một cú sốc ở Trung Quốc. Bằng việc kích thích kinh tế mạnh tay, Trung Quốc là nhân tố lớn nhất đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu trong thập niên qua, nhưng nó cũng rất mong manh. Thời kỳ tăng trưởng kỳ diệu của Trung Quốc đã chấm dứt, và giờ đây họ đối diện với lời nguyền của nợ nần.

Ruchir Sharma là trưởng phòng chiến lược toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management. Bài viết này được trích từ cuốn sách sắp xuất bản “The Rise and Fall of Nations”.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]