Hiểm họa từ việc án binh bất động ở Syria

Print Friendly, PDF & Email

20160220_LDP002_0

Nguồn:The peril of inaction, The Economist, 20/02/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang & Nguyễn Hồng Ánh

Trong một cuộc chiến tranh khốc liệt như ở Syria, một số bài học đau thương trở nên rõ ràng hơn cả: cuộc chiến càng kéo dài, càng trở nên đẫm máu, càng nhiều quốc gia bị kéo vào vòng xoáy và, những phương án lựa chọn để chấm dứt, hoặc ít nhất là kìm hãm cuộc chiến càng trở nên nan giải hơn. Nhưng có lẽ bài học lớn nhất là sự vắng mặt của Mỹ đã tạo ra một khoảng trống bị các lực lượng nguy hiểm lấp đầy: chiến binh thánh chiến, các lực lượng dân quân Shia và giờ là một nước Nga đang ngày càng liều lĩnh hơn.

Syria là nơi hội tụ gớm ghiếc của nhiều cuộc chiến trong một cuộc chiến: một cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài; một cuộc đụng độ giáo phái giữa người Sunni và Alawite (và các đồng minh dòng Shia); một cuộc tàn sát nội bộ giữa những người Sunni Ả Rập; một cuộc đấu tranh giành chốn nương thân của người Kurd; một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Iran; và một cuộc so tài địa chính trị giữa một nước Mỹ e dè và một nước Nga đang trỗi dậy.

Trong mớ hỗn độn đẫm máu này, Vladimir Putin đã chọn cách đứng về phía Bashar al-Assad và trục Shia. Sức mạnh không quân của tổng thống Nga đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Lực lượng ủng hộ Assad đã cắt đứt một hành lang tiếp tế huyết mạch từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các khu vực tại Aleppo do quân nổi loạn nắm giữ. Assad đang chuẩn bị bao vây nơi vốn dĩ trước đây là thành phố lớn nhất của Syria. Người tị nạn một lần nữa đang đổ dồn vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiều người sẽ ở lại Syria. Trong một loạt diễn biến ngoại giao gồm ngừng bắn, cứu trợ nhân đạo và dàn xếp chính trị, Nga hiện đang là quốc gia đưa ra luật chơi, giống như điều mà Mỹ đã làm sau khi can thiệp vào các cuộc chiến tranh ở Balkan thập niên 1990. Chính sách của Tổng thống Barack Obama tại Syria – mong muốn Assad ra đi mà không sẵn lòng dùng mọi biện pháp để lật đổ vị tổng thống này – đã thất bại thảm hại. Có vẻ như Assad sẽ thắng Obama. Nhưng cuộc chiến sẽ không kết thúc. Thật vậy, nó trở nên mỗi lúc một tồi tệ hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày một lún sâu vào cuộc chiến. Quốc gia này đã nã pháo một cách có hệ thống vào người Kurd ở Syria. Điều này khiến họ gắn kết với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã vội vàng tiếp tục cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người Kurd từ trước tới giờ vẫn là những đồng minh thân tín nhất của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Gần đây, họ đã nghiêng về phía Nga và ông Assad, giúp cắt đứt hành lang tới Aleppo trong nỗ lực hợp nhất hai địa phận của người Kurd dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Để ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út đã triển khai máy bay quân sự, công bố tập trận tại chính quê nhà với sự tham gia của các quốc gia đối tác dòng Sunni gồm Ai Cập, Ma-rốc và Pakistan. Ả-rập Xê-út đã đề nghị gửi lực lượng đặc nhiệm tới Syria, sát cánh cùng lực lượng của Mỹ, với lý do nêu ra là chống IS. Các nhà ngoại giao hiện bàn luận về sự trở lại của “cuộc chiến Charlie Wilson”, một chiến dịch do Mỹ, Ả Rập Xê-út và Pakistan phối hợp tiến hành nhằm trao tên lửa Stinger cho các nhóm Afghanistan chiến đấu chống lực lượng Liên Xô trong những năm 1980. Liệu Ả-rập Xê-út có trao cho lực lượng Sunni vũ khí chống máy bay để làm giảm sức mạnh không quân của Nga?

Đáng báo động nhất là nguy cơ chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay phản lực của Nga; Nga cần trả đũa và một cơ hội nhằm chia rẽ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nóng nảy với các đồng minh NATO. Nga đã tiến hành một đợt “tập trận đột xuất” ở miền nam nước này.

Vì vậy, Syria đặt ra những mối nguy hiểm ngày càng gia tăng đối với phương Tây: Tên lửa chống máy bay sẽ tăng vọt, cho phép chiến binh thánh chiến sử dụng chống lại các máy bay của phương Tây; các quốc gia như Li-băng và Jordan sẽ sụp đổ; dòng người tị nạn sẽ gây mất ổn định cho Liên minh châu Âu; NATO có thể lại rơi vào một cuộc chiến với Nga; Putin sẽ càng được khích lệ để thách thức phương Tây ở các khu vực khác; và ông sẽ truyền cảm hứng cho những kẻ độc tài ở khắp mọi nơi.

Khống chế bất ổn

Phương Tây nên thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-Rập Xê-Út kiềm chế: rủi ro từ chiến tranh với Nga và từ các cuộc tấn công của chiến binh thánh chiến là quá cao. Mỹ nên cố gắng thuyết phục người Thổ và người Kurd hòa thuận thay vì đối đầu. Dù vậy, để những mong muốn đó có sức ảnh hưởng, Mỹ cần phải nỗ lực hơn nữa ở Syria. Nếu Assad và Nga thành công trong việc biến chiến tranh thành một sự lựa chọn giữa chế độ Assad đương thời và các chiến binh thánh chiến tồi tệ nhất, thì đó sẽ là một thảm họa. Hầu hết người Syria đều thuộc dòng Sunni và nhiều người trong số họ sẽ không bao giờ hòa giải với Assad. Nếu các nhóm chiến binh chủ đạo bại trận, họ sẽ hoặc bị đẩy tới châu Âu hoặc rơi vào tay các chiến binh thánh chiến. Do đó những người dân thường Sunni cần được hỗ trợ.

Bi kịch từ sự yếu đuối của ông Obama là ở chỗ những hành động vốn dĩ từng khả thi – như thiết lập một vùng cấm bay hoặc tạo ra khu vực an toàn –  giờ đây lại có nguy cơ gây nên đụng độ với Nga. Những vùng nhân đạo không được tuyên bố công khai vẫn còn khả năng được hiện thực hóa. Ứng phó tối ưu của Obama là phải nghiêm túc xem xét chính sách của mình: tạo ra một lực lượng ôn hòa để đẩy lùi Nhà nước Hồi giáo ở miền đông Syria. Điều này cần có sự giúp sức của các quốc gia Hồi giáo Sunni; cung cấp cho quân nổi dậy ôn hòa một vùng hậu phương để từ đó thiết lập căn cứ địa cho một chính phủ thay thế dưới sự bảo trợ của không quân Mỹ hiện tại; và khiến tuyên bố của Nga về việc chống lại các chiến binh thánh chiến trở thành trò nói dối.

Phương Tây sẽ phải gây áp lực với Nga, bắt đầu từ việc gia hạn lệnh trừng phạt của EU vào mùa hè này. Putin đã sử dụng vũ lực một cách khôn ngoan. Phản ứng của phương Tây không nhất thiết phải bị giới hạn ở Syria.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]