Tại sao việc Áo hạn chế người tị nạn gây tranh cãi?

Print Friendly, PDF & Email

20160305_blp503

Nguồn: “Why Austria’s asylum cap is so controversial“, The Economist, 29/02/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Châu Âu được chia làm hai nửa theo cách mà các quốc gia ở châu lục này đối xử với lượng người người tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, động thái của Áo nhằm giới hạn lượng người tị nạn được tiếp nhận tại biên giới phía nam của mình ở mức 80 người mỗi ngày và hạn chế số lượng người mỗi ngày được đi qua Áo để xin tị nạn tại Đức ở mức 3.200 người đã làm dấy lên sự phẫn nộ.

Sau khi Áo, một quốc gia nằm trên tuyến đường di cư từ vùng Balkan vào Đức, công bố kế hoạch của mình, Dimitris Avramopoulos, Ủy viên Châu Âu phụ trách Di cư, Nội vụ và Quyền công dân, đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Áo để phản đối. Động thái này, theo ông, là “rõ ràng không phù hợp” với luật pháp EU. Ngài Bộ trưởng đã trả lời trên truyền hình rằng: “Họ có cố vấn pháp lý của họ và tôi có cố vấn pháp lý của tôi”.

Công ước Geneva và Hiến chương về các quyền cơ bản của EU đã nêu rõ rằng tị nạn là một quyền. Các nhà hoạt động nhân quyền lập luận rằng một ngưỡng giới hạn là đi ngược lại tinh thần của các văn bản nêu trên; còn các luật sư thì biết rằng, dù cho các quyền đó có cơ bản đến bao nhiêu, chúng không bao giờ là tuyệt đối. Tuy nhiên, dường như Áo đang coi thường một số chỉ thị của EU. Một chỉ thị trong đó (đã được Áo bỏ phiếu thông qua) nói rằng các đơn xin tị nạn phải được đăng ký chính thức (tức là, phải được đánh số) không quá mười ngày sau khi được nộp; do đó một ngưỡng giới hạn hàng ngày có vẻ sẽ khiến việc tuân thủ điều đó trở nên khó khăn. Năm ngoái, khoảng 700.000 người đã di cư vào Áo và khoảng 90.000 đã nộp đơn xin tị nạn. Theo một quy định khác, người tị nạn được cho là phải nộp đơn xin tị nạn tại “quốc gia an toàn” đầu tiên mà họ tới, thay vì di chuyển sang một quốc gia khác.

Tuy nhiên, rất không may, các nguyên tắc của EU hiện đã gặp khó khăn trong quá trình thực thi do cuộc khủng hoảng nhập cư của châu Âu. Năm 2011, các thẩm phán châu Âu đã chỉ trích Hy Lạp khi quốc gia này không thể thực hiện việc đăng ký các đơn xin tị nạn tại biên giới. Họ cho biết, tất cả các đơn xin tị nạn chỉ được phép nộp vào một ngày trong mỗi tuần tại một đồn cảnh sát ở Athens. Gần đây hơn, Ủy ban châu Âu chỉ trích Hy Lạp vì đã không thể kiểm soát biên giới của mình và để cho người nhập cư di chuyển lên phía bắc. Năm 2011, Italia đã ban hành hàng ngàn giấy phép tạm trú cho những người Tunisia khi họ nhập cư vào bờ biển của Ý, điều cho phép những người này đi tiếp tới khắp châu Âu. Để phản ứng lại, Pháp đã đóng cửa biên giới với Italia. Không có hành động nào được thực hiện.

Ông Avramopoulos kiên quyết cho rằng các biện pháp của Áo là bất hợp pháp, nhưng chưa rõ ngài dự định sẽ làm gì về điều này. Bộ phận pháp lý của Ủy ban châu Âu đang tập hợp bằng chứng cho vụ kiện của họ, nhưng các thẩm phán có thể không bao giờ thụ lý nó. Những tranh luận tức tối có vẻ sẽ có nhiều khả năng diễn ra hơn so với các hành động pháp lý. Trong khi đó, động thái của Áo đã khiến những người di cư trên khắp khu vực Balkan tiến chậm hơn đến biên giới. Các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố rằng họ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào đầu tháng Ba với Thổ Nhĩ Kỳ để nỗ lực tìm kiếm các giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng này.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]