Nhập cư làm thay đổi nhà nước phúc lợi Thụy Điển ra sao?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:How immigration is changing the Swedish welfare state”, The Economist, 23/06/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Căng thẳng đang dâng cao khi tác giả bài viết này đến Thụy Điển vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu vào cuối năm 2015. Mặc dù hầu hết người Thụy Điển vui vẻ chấp nhận 163.000 người tị nạn đến nước họ vào năm đó, những người dân còn lại tỏ ra ít chào đón hơn. Ở Malmo, một thành phố miền Nam có nhiều người nhập cư, một người thu ngân trong một cửa hàng địa phương đã tỏ ra vô cùng tức giận. “Họ đến đây vì phúc lợi và các lợi ích,” ông nói, trước khi nói với tác giả bài viết này là hãy “biến đi”. Giọng điệu như vậy trước đây từng chỉ dành riêng cho các chính trị gia cực hữu của đảng Dân chủ Thụy Điển, những người đã lợi dụng cuộc khủng hoảng di dân để thu hút thêm sự ủng hộ. Kể từ đó chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách của nhà nước phúc lợi Thụy Điển để phù hợp với thời đại: vừa giúp đỡ hàng trăm ngàn người tị nạn vừa cố gắng làm giảm bớt những lập luận như vậy của cánh hữu. Vậy điều gì đang thay đổi?

Người Thụy Điển rất tự hào về nhà nước phúc lợi của họ. “Mô hình Scandinavia” là sự kết hợp của mức thuế cao, khả năng thương lượng tập thể và nền kinh tế tương đối mở. Kết quả là các tiêu chuẩn sống tuyệt vời, mức lương cao và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới ở mức ấn tượng (ngày nghỉ phép chăm sóc con của cha mẹ được quy định hào phóng cho cả hai giới). Danh tiếng của nhà nước phúc lợi Thụy Điển khiến các chính trị gia cánh tả ở các quốc gia khác phải ghen tị: Bernie Sanders đã trích dẫn Thụy Điển, và nước láng giềng Đan Mạch, là mô hình lý tưởng của ông về “dân chủ xã hội”.

Tuy nhiên, hệ thống này từ lâu đã cần được cải cách. Giống như nhiều nước châu Âu, Thụy Điển có một lực lượng lao động ngày càng già. Nhiều thập niên ít xây dựng đã khiến giá nhà ở tại Stockholm và các thành phố khác tăng vọt. Mức tiền lương cao khiến cho nhiều công nhân không có kỹ năng, cả người Thụy Điển lẫn người nhập cư, bị đẩy ra rìa của thị trường lao động.

Phản ứng đầu tiên của chính phủ liên minh trung-tả đối với dòng người tị nạn quá lớn vào năm 2015 là đóng cửa biên giới với Đan Mạch. Đây được xem là một biện pháp cực đoan: Phó Thủ tướng Asa Romson đã khóc khi công bố động thái này tại một cuộc họp báo. Kể từ đó Thụy Điển đã cố gắng để điều chỉnh chi tiêu phúc lợi.

Trước đây, những người xin tị nạn không thành công nhận được một khoản trợ cấp tiền mặt hàng tháng khoảng 1.200 SEK (140 đô la Mỹ) và nhà ở; quy định này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái. Vào ngày 31/5, chính phủ đã bỏ phiếu để hạn chế số ngày nghỉ phép của cha mẹ đối với người nhập cư: trước đây người tị nạn có thể xin toàn bộ số ngày nghỉ phép được trả lương đầy đủ (48 ngày cho mỗi đứa trẻ dưới 8 tuổi). Bây giờ họ chỉ có thể làm như vậy nếu đứa trẻ dưới một tuổi. Đối với các gia đình lớn, các lợi ích sẽ bị hạn chế nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, những điều chỉnh này không giải quyết được vấn đề lớn nhất mà Thụy Điển phải đối mặt khi cố gắng hòa nhập người nhập cư: thị trường lao động cứng nhắc. Nhiều người tị nạn không có các kỹ năng hoặc các mối liên hệ để gia nhập lực lượng lao động. Thụy Điển là quốc gia có khoảng cách việc làm lớn nhất giữa người lao động bản địa và người sinh ra ở nước ngoài. Điều này gây thiệt hại cho nhà nước phúc lợi không chỉ bởi sẽ có ít người lao động nước ngoài đóng thuế hơn, mà còn bởi vì một số người Thụy Điển, chẳng hạn như người thu ngân cay nghiệt ở Malmo, tỏ ra phẫn nộ với những người láng giềng mới và mất lòng tin vào nhà nước. Nếu Thụy Điển muốn duy trì vị thế đặc biệt của mình – với mức sống cao và thái độ hào phóng đối với những người chạy trốn bom đạn – thì họ cần phải có những thay đổi lớn hơn nữa.