Cần cải cách hệ thống thương mại quốc tế như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

0,,16748212_303,00

Nguồn: Dani Rodrik, “A Progressive Logic of Trade”, Project Syndicate, 13/04/2016.

Biên dịch: Chu Tuấn Việt

Hệ thống thương mại toàn cầu chưa bao giờ được ưa thích rộng rãi tại Hoa Kỳ. Kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới hay vô số các thỏa thuận thương mại khu vực như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều không được công chúng Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng sự chống đối (thương mại toàn cầu) dù rộng khắp lại cũng rất phân tán.

Hiện nay sự khác biệt là thương mại quốc tế đã trở thành một tâm điểm trong các cuộc tranh luận chính trị. Các ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ Bernie Sanders và Donald Trump đều biến việc phản đối các thỏa thuận thương mại thành nguyên tắc chủ yếu trong các chiến dịch vận động tranh cử của họ. Và xét theo giọng điệu của các ứng viên khác, việc công khai ủng hộ toàn cầu hóa trong bầu không khí chính trị hiện nay sẽ là hành động tự sát trong bầu cử.

Dù luận điệu dân túy phản đối thương mại tự do có thể là quá mức, nhưng ít người có thể phủ nhận rằng sự bất bình ẩn dưới chúng là có thật. Không phải tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Nhiều gia đình lao động tại Mỹ đã tan nát vì ảnh hưởng của hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và những nền kinh tế khác. Và những người kiếm lợi nhiều nhất là các nhà tài phiệt và lao động trình độ cao có thể tận dụng lợi thế khi thị trường mở rộng hơn. Dù không phải là động lực duy nhất (hoặc thậm chí chưa phải là quan trọng nhất), nhưng toàn cầu hóa vẫn là một nhân tố đáng kể dẫn tới tình trạng bất bình đẳng tại các nền kinh tế phát triển.

Lý do khiến vấn đề thương mại mang tính chính trị nổi bật là nó thường tạo ra những quan ngại về bất bình đẳng theo cách mà một nhân tố chính khác – đó là công nghệ – không tạo ra. Khi tôi mất việc vì đối thủ của tôi cải tiến và giới thiệu một sản phẩm tốt hơn, tôi có ít lý do để oán trách. Nhưng nếu họ làm việc đó bằng cách thuê ngoài việc sản xuất từ những công ty nước ngoài mà những công ty này sử dụng các phương thức vi phạm luật Hoa Kỳ – ví dụ như cấm công nhân tổ chức và khiếu nại tập thể – thì tôi có thể thực sự cảm thấy bực bội.

Ông Sanders đã ủng hộ mạnh mẽ việc tái đàm phán các hiệp định thương mại để phản ánh rõ hơn lợi ích của người lao động. Nhưng những lập luận như vậy ngay lập tức gặp phải sự phản đối cho rằng bất cứ sự bế tắc hoặc hủy bỏ các thỏa thuận thương mại nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trên thế giới do sẽ làm mất đi cơ hội thoát nghèo của họ thông qua tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Trên trang tin tức nổi tiếng và nghiêm túc Vox.com đã có một bài viết với tiêu đề ‘’Nếu bạn là người nghèo ở một nước khác, đây là điều đáng sợ nhất mà Bernie Sanders từng nói’’.

Nhưng những quy định thương mại vốn nhạy cảm hơn trước các mối quan ngại về xã hội và bình đẳng tại các nước phát triển lại không hoàn toàn mâu thuẫn với tăng trưởng kinh tế tại các nước nghèo. Những người ủng hộ toàn cầu hóa đã gây hại đáng kể cho mục tiêu của họ khi định hình vấn đề thành một sự lựa chọn cực đoan giữa một bên là các thỏa thuận thương mại hiện có và một bên là sự tồn tại dai dẳng của nạn đói nghèo toàn cầu. Và những người cấp tiến không cần tự buộc mình phải đưa ra sự đánh đổi không mong muốn như vậy.

Thứ nhất, lập luận cho rằng thương mại đã làm lợi cho các nước đang phát triển bỏ qua một đặc trưng rất quan trọng trong kinh nghiệm phát triển của các nước này. Các nước tận dụng thành công những lợi thế mà toàn cầu hóa mang lại, như Trung Quốc và Việt Nam, đã áp dụng một chiến lược kết hợp việc thúc đẩy xuất khẩu và một loạt các chính sách vi phạm các quy định thương mại hiện hành. Trợ cấp, các yêu cầu nội địa hóa, quy định về đầu tư, và tất nhiên là cả các rào cản nhập khẩu, đều có ý nghĩa then chốt trong việc hình thành các ngành công nghiệp mới, đem lại giá trị cao hơn. Những nước thuần túy dựa vào tự do thương mại (Mexico là ví dụ dễ thấy nhất) thì suy yếu dần.

Đó là lý do tại sao các hiệp định thương mại với các quy định chặt chẽ hơn thực chất sẽ vừa làm lợi và vừa có hại cho các nước đang phát triển. Trung Quốc lẽ ra đã không thể theo đuổi chính sách công nghiệp hóa thành công phi thường như vậy nếu như nước này bị trói buộc bởi các quy định theo kiểu WTO trong các thập niên 1980 và 1990. Với TPP, Việt Nam nhận được một số bảo đảm sẽ tiếp tục được thâm nhập thị trường Hoa Kỳ (các rào cản hiện có của Hoa Kỳ đã ở mức tương đối thấp), nhưng đổi lại, sẽ phải tuân thủ các quy định hạn chế các biện pháp trợ cấp, bảo hộ bằng sáng chế, và các quy định về đầu tư.

Thứ hai, lịch sử không hề cho thấy các nước nghèo cần phải được các nền kinh tế phát triển ưu đãi bằng các rào cản rất nhỏ hoặc dỡ bỏ hẳn rào cản mới có thể hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa. Thực tế là các ví dụ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu thành công nhất đến nay – Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc – đều xảy ra khi mà mức thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ và EU ở mức trung bình, và cao hơn mức thuế hiện nay.

Vậy nên đối với những người cấp tiến đang lo ngại cả về vấn đề bất bình đẳng tại các nước giàu và đói nghèo tại phần còn lại của thế giới, tin tốt lành là thực ra họ có thể thúc đẩy cả hai mục tiêu. Nhưng để làm được như vậy, chúng ta cần mạnh mẽ thay đổi cách tiếp cận trong các thỏa thuận thương mại.

Hệ thống thương mại toàn cầu đang được vận hành bởi một lô-gic trọng thương kỳ quặc: anh hạ thấp các hàng rào thương mại của anh, đổi lại tôi cũng giảm các rào cản của tôi. Cách tiếp cận này thành công đáng kể trong thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nhưng nó không có nhiều tác động kinh tế. Bây giờ khi mà nền kinh tế thế giới đã rất mở, quan điểm “trao đổi cơ hội tiếp cận thị trường cho nhau’’ tạo ra nhiều vấn đề hơn là giúp giải quyết các thách thức.

Đã đến lúc áp dụng một lô-gic khác, đó là ‘’trao đổi không gian chính sách’’. Các nước dù giàu hay nghèo đều cần phải có được một không gian lớn hơn để theo đuổi các mục tiêu của riêng họ. Nước nghèo cần tái cấu trúc nền kinh tế và thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, và nước giàu cần giải quyết được các quan ngại trong nước về bất bình đẳng và công bằng trong phân phối thu nhập. Điều này bắt buộc phải giảm tốc một chút cỗ xe toàn cầu hóa.

Cách tốt nhất để tạo ra sự tái thiết kế về mặt thể chế như vậy là soạn lại các quy định đa phương. Ví dụ, điều khoản về ‘’các biện pháp tự vệ’’ của WTO có thể được mở rộng để cho phép áp đặt các hạn chế thương mại (phải tuân thủ các quy định thủ tục) trong các trường hợp hàng hóa nhập khẩu rõ ràng mâu thuẫn với các chuẩn mực xã hội trong nước. (Tôi thảo luận các chi tiết cụ thể trong cuốn sách The Globalization Paradox [Nghịch lý toàn cầu hóa] của tôi). Tương tự, các hiệp định thương mại có thể tích hợp cơ chế ‘’hộp phát triển’’ [development box] để cung cấp cho các nước nghèo quyền tự chủ cần thiết nhằm thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế.

Những người cấp tiến không nên đi theo lối lập luận sai lầm và phản tác dụng là đặt lợi ích của người nghèo trên thế giới đối nghịch với lợi ích của các tầng lớp thấp và trung lưu tại các nước giàu. Với sự vận dụng sáng tạo các thể chế, hệ thống thương mại toàn cầu có thể được tái định hình để đem lại lợi ích cho cả hai bên./.

Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy và gần đây nhất là cuốn Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.

Copyright: Project Syndicate 2016 – A Progressive Logic of Trade
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]