Krugman: Hãy chấm dứt tình trạng chảy máu của Hy Lạp!

Print Friendly, PDF & Email

greece-nai-support_3366524b

Nguồn: Paul Krugman, “Ending Greece’s Bleeding”, New York Times, 5/7/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp.

Châu Âu đã tránh được một viên đạn vào ngày Chủ nhật vừa qua. Đi ngược lại nhiều dự đoán, các cử tri Hy Lạp ủng hộ mạnh mẽ việc chính phủ của họ từ chối những đòi hỏi của các chủ nợ. Và ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Liên minh Châu Âu cũng nên thở phào nhẹ nhõm.

Dĩ nhiên, các chủ nợ không muốn độc giả nhìn nhận sự việc như vậy. Được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bản tin kinh doanh, cốt truyện của họ là việc thất bại trong nỗ lực buộc Hy Lạp chấp thuận các đòi hỏi là một chiến thắng của sự phi lý và vô trách nhiệm thay vì những lời khuyên có căn cứ.

Nhưng chiến dịch uy hiếp – thông qua những nỗ lực làm hoảng loạn người dân Hy Lạp bằng cách cắt giảm các nguồn tài chính cho ngân hàng và đe dọa về xảy ra hỗn loạn trong quần chúng, tất cả với mục tiêu gần như rõ ràng là đẩy chính phủ cánh tả đương nhiệm ra khỏi chính quyền – là một khoảnh khắc đáng xấu hổ tại Châu Âu, châu lục vốn đã tuyên bố tin tưởng vào các nguyên tắc dân chủ. Nếu chiến dịch đó thành công, và ngay cả khi những chủ nợ hoàn toàn có lý, thì đây sẽ là một tiền lệ vô cùng tồi tệ.

Đã vậy, những chủ nợ thực ra không hề có lý. Sự thật là những chuyên gia tự phong của châu Âu giống như những bác sỹ thời trung cổ, nhất quyết phải làm chảy máu các bệnh nhân của mình– và khi cách chữa trị của họ càng làm bệnh nhân yếu hơn, thì họ lại tiếp tục yêu cầu phải chảy máu nhiều hơn.[1]

Nếu cuộc bỏ phiếu của Hy Lạp có kết quả “Chấp thuận”, nó sẽ rất có thể đưa đất nước này rơi vào tình trạng nhiều năm nữa chịu đựng những chính sách chưa có hiệu quả và trên thực tế, theo tính toán số học, không thể có hiệu quả: thắt lưng buộc bụng có thể làm thu hẹp nền kinh tế nhanh hơn cả giúp nó giảm nợ, vì thế mọi sự chịu đựng đều vô nghĩa. Chiến thắng áp đảo của phe “Không chấp thuận” ít nhất cũng tạo ra một lối thoát khỏi cái bẫy này.

Nhưng cuộc chạy trốn này có thể được quản lý như thế nào? Liệu có cách nào để Hy Lạp vẫn có thể tiếp tục nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu? Và liệu việc này có phải là điều họ mong muốn hay không?

Câu hỏi ngay trước mắt có liên quan đến các ngân hàng của Hy Lạp. Trước cuộc trưng cầu dân ý, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt các nguồn tiền bổ sung, do đó càng đẩy cao sự hoảng loạn và buộc chính phủ Hy Lạp phải tạm đóng cửa các ngân hàng và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. ECB giờ đây đối mặt với một lựa chọn vô cùng khó xử: nếu nối lại việc cấp các khoản tài chính như thường lệ, điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận hành động đóng băng trước đó có mục đích chính trị, nhưng nếu không làm, thì ECB trên thực tế sẽ đẩy Hy Lạp vào tình thế phải sử dụng một đồng tiền mới.

Cụ thể, nếu tiền không bắt đầu chảy từ Frankfurt (trụ sở chính của ECB) tới, Hy Lạp sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu phải trả tiền lương và hưu bằng các giấy ghi nợ (i.o.u.s), trên thực tế sẽ như một loại tiền phát hành song song – và sẽ sớm đổi thành đồng Drachma (đơn vị tiền tệ của Hy Lạp – ND).

Mặt khác, giả sử ECB nối lại việc cho vay như thường lệ, và khủng hoảng ngân hàng tại Hy Lạp bớt căng thẳng, thì câu hỏi về làm thế nào để phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn còn tồn tại.

Trong những cuộc đàm phán thất bại vốn dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý vào chủ nhật vừa qua, điểm mấu chốt vẫn là đòi hỏi của Hy Lạp về việc được miễn trừ nợ vĩnh viễn, để có thể tháo gỡ mây mù che phủ nền kinh tế của nước này. Hội đồng 3 bên (“troika”) – nhóm 3 cơ quan gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung Ương châu Âu (ECB), và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đại diện cho quyền lợi của các nước cho vay – đã từ chối, ngay cả khi giờ đây chúng ta biết rằng một một trong những thành viên của hội đồng là IMF, đã độc lập kết luận rằng nợ của Hy Lạp là không thể trả được. Nhưng giờ đây khi nỗ lực loại liên minh chính phủ cánh tả ra khỏi chính quyền đã thất bại, liệu hội đồng này có xem xét lại?

Tôi không thể trả lời được – và dù thế nào đi nữa vẫn có lập luận khá cứng rắn rằng việc Hy Lạp rút khỏi khu vực châu Âu là lựa chọn tốt nhất trong những lựa chọn xấu mà quốc gia này đang có.

Thử tưởng tượng rằng Hy Lạp chưa bao giờ sử dụng đồng tiền chung euro và chỉ ấn định giá trị đồng drachma theo đồng euro. Những phân tích kinh tế cơ bản sẽ khuyên họ phải làm gì vào thời điểm này? Câu trả lời áp đảo sẽ là phải phá giá đồng tiền– làm rớt giá đồng drachma, vừa nhằm khuyến khích xuất khẩu và vừa thoát khỏi chu kỳ giảm phát.

Dĩ nhiên, Hy Lạp không còn đồng tiền riêng của mình nữa, và rất nhiều nhà phân tích đã từng nhận định rằng việc sử dụng đồng euro là một bước đi không thể đảo ngược– và sau cùng, bất cứ sự ám chỉ nào về khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ châm ngòi cho việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng và một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng tại thời điểm này khủng hoảng tài chính đã xảy ra, vì thế cái giá lớn nhất cho việc ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đã được trả. Vậy thì bây giờ hãy bàn đến những cái được.

Liệu việc ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu của Hy Lạp cũng sẽ có hiệu quả như trường hợp phá giá rất thành công của Iceland vào năm 2008 – 2009 hay việc từ bỏ chính sách (tỉ giá cố định) 1 đồng peso đổi 1 đồng đô-la của Argentina năm 2001 – 2002 không? Rất có thể là không – nhưng hãy xem những lựa chọn khác là gì. Trừ khi Hy Lạp được miễn giảm nợ đáng kể, mà ngay cả khi đó, thì việc rời khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn là lối thoát hợp lý duy nhất khỏi cơn ác mộng kinh tế không hồi kết của nước này.

Và phải hiểu rõ rằng nếu cuối cùng Hy Lạp có rời khu vực đồng tiền chung châu Âu, điều đó cũng không có nghĩa rằng người Hy Lạp là những người xấu tại châu Âu. Vấn đề nợ của Hy Lạp phản ánh việc cho vay vô trách nhiệm cũng như mượn tiền vô trách nhiệm, và dù thế nào đi nữa, người dân Hy Lạp đã nhiều lần phải trả giá cho những sai lầm của chính phủ nước này. Nếu họ không thể thành công với đồng tiền chung của khu vực châu Âu, đó là bởi vì đồng tiền này không mang lại lối thoát nào cho những đất nước gặp rắc rối. Điều quan trọng bây giờ là phải làm những việc cần làm để chấm dứt tình trạng chảy máu này.

Paul Krugman, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008, là giáo sư kinh tế và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton.

———————–

[1] Ở châu Âu thời trung cổ, thủ thuật hút máu (bloodletting) được nhiều thầy y sử dụng khi chữa trị cho bệnh nhân, dựa trên niềm tin rằng máu và dịch cơ thể cần phải được giữ cân bằng mới giữ cho cơ thể khỏe mạnh và đẩy lùi bệnh tật (NHĐ).