Viễn cảnh khủng hoảng nước toàn cầu và hình mẫu Israel

Print Friendly, PDF & Email

lettbw

Tác giả: Seth M. Siegel

Bạn sẽ không nhớ đến nước cho đến khi giếng của bạn cạn khô. – Bob Marley

Mặc dù có cái tên bí hiểm, nhưng Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (CIA) không có một hoạt động nào gọi là bí mật. Đó là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ thận trọng và trang nghiêm, nó giống như một câu lạc bộ giảng viên đại học hoặc một think tank (viện nghiên cứu chính sách) hơn là một cơ quan gián điệp như tên gọi của nó. Hội đồng này đưa ra các bản báo cáo, một số là tuyệt mật, tổng hợp thông tin từ các cơ quan tình báo khác nhằm giúp quan chức chính phủ và các nhà hoạch định chính sách có viễn kiến về các vấn đề sắp xảy đến. Vì vậy, sẽ là một điều kỳ lạ khi tổ chức kỳ cựu này phát hành một báo cáo được gọi là tối mật, sau đó giải mật một phần với kết luận rằng thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng nước kéo dài.

Hậu quả của khủng hoảng nước

Những phần đầu tiên của cuộc khủng hoảng này đã được cảm nhận. Chúng ta không còn ngạc nhiên khi nghe về một đợt hạn hán ở đây, tầng nước ngầm bị hút quá mức ở kia, hoặc các bất ổn xã hội ở một nước nào đó mà chúng ta không thường nghĩ tới. Nhưng nếu báo cáo tình báo kia là đúng, thì vấn đề sẽ nhanh chóng trở nên trầm trọng. Vấn đề không còn là “nếu” mà là “khi nào.” Bản báo cáo dự đoán trong vòng chưa đầy một thập kỷ các nước quan trọng đối với Mỹ và an ninh toàn cầu sẽ có nguy cơ “sụp đổ nhà nước.” Chỉ có hai điều không biết được trong báo cáo là độ nghiêm trọng của tình trạng đổ vỡ và trong bao lâu nữa thì chúng ta sẽ sớm cảm nhận những thứ này.

Thiếu nước có thể không xảy ra ở khắp mọi nơi, nhưng hầu như không một ai không bị ảnh hưởng trong dài hạn. Hai mươi phần trăm dân số thế giới – khoảng 1,5 tỷ người – sẽ là nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng nước thế giới lần này. Sáu trăm triệu trong số họ đã bắt đầu hứng chịu tình trạng thiếu nước. Cuối cùng, sáu mươi phần trăm bề mặt trên Trái đất sẽ bị biến đổi. Ban đầu, sự cạn kiệt nguồn nước sẽ đe dọa cả thị trường thực phẩm ở Mỹ lẫn toàn cầu, dẫn đến giá lương thực tăng cao trên toàn thế giới.

Do việc trích xuất và tạo ra năng lượng cần rất nhiều nước, bản báo cáo dự đoán “các khó khăn về nước sẽ cản trở” sản lượng năng lượng. Điều này đã bắt đầu xảy ra ở Brazil – đầu máy kinh tế của Nam Mỹ. Báo cáo viết tiếp: “Năng lực của các quốc gia trọng điểm sản xuất lương thực và tạo ra năng lượng” sẽ biến đổi thế giới như chúng ta biết, “đặt ra rủi ro cho thị trường lương thực toàn cầu và làm mất cân bằng tăng trưởng kinh tế.” Khi năng lượng ít sẵn có hơn, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Giá lương thực cao hơn cùng với tăng trưởng kinh tế chậm hơn là một công thức đã được kiểm chứng cho tình trạng bất ổn xã hội.

Cuộc khủng hoảng nước không phải là một vấn đề của “các nước đang phát triển” dành cho các tổ chức cứu trợ quốc tế đang hoạt động tại địa điểm xa xôi. Các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ và các cường quốc kinh tế thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ đang trải qua tình trạng thiếu nước có thể sớm gây ra tác động lớn đến nền kinh tế và ổn định chính trị. Tương lai về nước tại Hoa Kỳ, và ngay hiện tại ở các bang phía tây, cũng là một điểm bùng phát. Khan hiếm nước đang dần chuyển hóa thành các cuộc khủng hoảng nước toàn diện, trực tiếp hoặc gián tiếp, sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi người ở Mỹ, bất kể nơi sinh sống, bất kể họ có chi tiêu bao nhiêu cho thực phẩm, bất kể cách kiếm sống của họ.

Thung lũng San Joaquin ở California là trung tâm của ngành nông nghiệp cao cấp. Có nhiều nho, cam, đào, rau, quả hạnh nhân, quả hồ trăn được sản xuất ở đây hơn bất cứ nơi nào khác trên Mỹ. Nhưng nhiều nơi ở thung lũng này đã dùng cạn nước và toàn thung lũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng. Nguồn cung dồi dào của California không còn đảm bảo. Hiện tại, giá của các sản phẩm này đã tăng và chế độ hạn chế nước ngày càng nghiêm ngặt đã được áp đặt lên lối sống vô tư thỏa mái một thời ở California.

California không phải là bang duy nhất đang trong tình trạng nguy hiểm. Kể từ khi kết thúc Thế Chiến II, một hồ chứa nước ngầm tự nhiên khổng gọi là tầng nước ngầm High Plains đã trở thành động lực then chốt cho nông nghiệp của tám bang có vùng đồng bằng rộng lớn. Các loại cây lương thực cơ bản trồng ở đó như lúa mì, ngô, đậu nành, và lúa mạch cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, và ngũ cốc để sản xuất thực phẩm. Các loại cây trồng này cũng là một ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Tầng nước ngầm cung cấp nước cho trồng trọt này không ngừng bị rút cạn quá mức, nghiêm trọng tới mức mà các phần của nó đã cạn khô.

Mặc dù nước trong tầng nước ngầm High Plains là một tài nguyên tái tạo, phải mất hàng ngàn năm để mưa và tuyết có thể lấp đầy phần nước đã bị rút cạn từ thập niên 1950 khi quá trình bơm hút nước bắt đầu. Tệ hơn nữa, thay vì làm chậm sự suy giảm, chỉ trong những năm đầu của thế kỷ này, tầng nước ngầm High Plains đã giảm thêm khoảng một phần ba của tổng lượng nước rút lên trong thế kỷ 20. Sự vững chắc tài chính và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, không chỉ riêng những người nông dân ở Colorado, Nebraska, Kansas, Texas, và các bang khác, nơi sự mất nước đang gia tăng.

Mực nước hồ Mead sẽ sớm trở nên thấp dưới ngưỡng có thể bơm lên, ảnh hưởng đến sản lượng thủy điện cho các tiểu bang ở phía Tây Nam. Cũng như California, nhiều cộng đồng ở Arizona và Nevada đã áp đặt các hạn chế sử dụng nước do gia tăng dân số đã vượt quá khả năng cấp nước, ngay cả khi các nguồn cung cấp nước địa phương liên tục bị đánh thuế vượt khung.

Không chỉ hạn hán đe dọa tương lai nước của Mỹ. Ô nhiễm cũng đang làm thu hẹp các tài nguyên sẵn có. Để dẫn ra một ví dụ, nguồn nước ngọt lớn nhất bang Florida – các suối và tầng nước ngầm Manatee – đã bị nhiễm bẩn bởi tưới tiêu nông nghiệp và đòi hỏi xử lý tốn kém để giữ an toàn nước uống.

Các khủng hoảng về nước và cơ sở hạ tầng hầu như luôn tránh được, cũng như các yếu tố của cuộc khủng hoảng này có thể được cách ly bằng các hành động hợp lực của chính phủ, doanh nghiệp, và các lãnh đạo dân sự. Một số nước vẫn sẽ được hưởng nguồn cung cấp nước liên tục, ngay cả khi họ phải gánh chịu hậu quả của thế giới bên ngoài. Nhưng chắc chắn rằng nhiều quốc gia sẽ bỏ lỡ những cảnh báo, đây không chỉ là các nước đang phát triển thường gặp với các vấn đề về tài nguyên và cơ sở hạ tầng. Các vấn đề về nước đại diện cho sự quản trị yếu kém, và có rất nhiều sự quản trị yếu kém.

Nguyên nhân khủng hoảng nước

Có một vài xu hướng vĩ mô – năm trong số đó được nhấn mạnh ở đây – là động lực chính cho cuộc khủng hoảng nước trước mắt, rất nhiều trong số này đã được gây ra trong một thời gian dài. Không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ một xu hướng nào trong số đó sắp kết thúc hoặc chững lại.

Dân số. Dân số thế giới không ngừng phát triển.  Việc giảm tỉ lệ sinh đã được thực hiện ở nhiều nước, nhưng điều đó không xem xét đến yếu tố tuổi thọ trung bình tăng ở hầu hết các nơi so với chỉ vài thập kỷ trước. Dân số thế giới hiện giờ đạt hơn bảy tỷ, dự kiến sẽ không chững lại cho đến năm 2050 khi nó đạt 9,5 tỷ người. Cho dù 2,5 tỷ người dôi ra này có ăn hoặc tắm ít đến như thế nào thì chắc chắn rằng việc tìm kiếm, làm sạch, và cung cấp thêm phần nước cho những nhu cầu cơ bản sẽ là một thách thức.

Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu. Dân số thế giới không chỉ tăng thêm; mà còn giàu có hơn. Hàng trăm triệu người trước đây sống trong cảnh nghèo túng đã vươn tới tầng lớp trung lưu, xu hướng này vẫn đang diễn ra. Có 1,4 tỷ người trung lưu trên thế giới vào năm 2000. Con số này đã lên đến hơn 1,8 tỷ người vào năm 2009. Đến năm 2020, dân số tầng lớp trung lưu trên thế giới được dự báo sẽ tăng đến khoảng 3,25 tỷ người. Đây là tin tốt lành cho nhân loại, nhưng là tin xấu cho việc cung cấp nước trên toàn cầu.

Tắm gội hàng ngày, hồ bơi sân sau, và những bãi cỏ xanh mà những người đang giàu hơn này hưởng thụ sẽ tạo thêm áp lực lên nguồn cấp nước, nhưng không thấm vào đâu so với thói quen ăn uống đi cùng với lối sống trung lưu. Người dân sống trong nghèo đói cùng cực có xu hướng dùng khẩu phần ăn dựa trên rau quả và ngũ cốc; còn những người ở tầng lớp trung lưu hầu hết có chế độ ăn giàu protein. Để nuôi được một cân thịt bò cần sử dụng nhiều nước hơn mười bảy lần so với việc trồng một cân ngô.

Việc trở thành tầng lớp trung lưu không chỉ có ăn uống. Năng lượng cần để vận hành xe ô tô, điều hòa không khí, máy tính và các thiết bị gia dụng khác, giờ đã là chuẩn mực của cuộc sống trung lưu, tiêu tốn một lượng nước gần như không thể tưởng tượng nổi. Cần vài lít nước sạch để có thể tạo ra một lít dầu, dù được sản xuất nội địa hay ở nước ngoài. Khí thiên nhiên và dầu đá phiến đòi hỏi hàng triệu gallon (~ 3,8 triệu lít) nước cho mỗi địa điểm. Nước Mỹ ngày nay là một nhà sản xuất năng lượng lớn, hàng tỉ gallon nước được tiêu thụ cho việc này ở Mỹ mỗi ngày.

Biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ bề mặt hồ chứa và sông ngòi tăng lên, dẫn tới sự bốc hơi nhanh hơn. Nhiệt độ cao cũng đòi hỏi nhiều nước hơn để tưới cho cây trồng. Quy luật mưa cũng đang thay đổi: Khoảng thời gian giữa các trận mưa tăng lên trong khi cường độ của mỗi trận mưa giảm. Thời gian cách quãng giữa các trận mưa dài hơn dẫn tới đất trên bề mặt bị cứng lại. Khi mưa đến, phần lớn nước chảy ra cống và sông ngòi hoặc đọng trên mặt đất chờ bốc hơi, cả hai con đường này đều dẫn tới mất nước do nước mưa không thể thấm xuống đất.

Nước nhiễm bẩn. Ô nhiễm cũng làm suy giảm lượng nước sẵn có. Trồng thực phẩm cho rất nhiều người và làm thức ăn cho quá nhiều động vật đòi hỏi một lượng cực lớn phân bón và thuốc trừ sâu. Một phần trong số đó được mang đi bởi nước tưới, hoặc nước mưa, đi vào tầng nước ngầm, chảy vào ao hồ, sông ngòi. Các kỹ thuật trích xuất năng lượng như dầu đá phiến không chỉ cần đến một lượng lớn nước, mà các hóa chất phụ gia sử dụng trong quá trình khai thác đang bị cáo buộc gây ra ô nhiễm vùng dự trữ nước uống gần đó. Cho dù cáo buộc này có chính xác hay không, chắc chắn rằng hóa chất đang thấm vào nguồn nước ở mọi nơi trên thế giới. Một số các hợp chất công nghiệp là chất gây ung thư. Bất kể việc nước đang bị nhiễm bẩn theo cách nào, việc đảo ngược thiệt hại cho các tầng nước ngầm và hồ chứa là rất tốn kém, và ở thời điểm này là không khả thi. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, chúng bị mất đi, đôi khi vĩnh viễn.

Rò rỉ nước. Cuối cùng, một lượng cực lớn nước máy bị thất thoát mỗi ngày tại các thành phố trên khắp thế giới vì rò rỉ, mở họng nước cứu hỏa, trộm cắp, và bỏ bê. London thất thoát khoảng ba mươi phần trăm nước và Chicago mất vào khoảng một phần tư. Một vài thành phố lớn ở Trung Đông và châu Á có thể thất thoát đến sáu mươi phần trăm lượng nước trong hệ thống của họ mỗi năm do cơ sở hạ tầng bị hỏng; thất thoát năm mươi phần trăm không phải là hiếm. Thành phố New York đã giảm thất thoát nước do rò rỉ, nhưng vẫn mất hàng tỷ gallon (1 gallon xấp xỉ 3,8 lít), với một loạt các chỗ rò rỉ khó sửa chữa làm mất 35 triệu gallon nước mỗi ngày. Những tổn thất này có thể không nhìn thấy, nhưng chúng là cực lớn.

Mỗi thách thức này (tăng dân số, sự giàu có tăng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, cơ sở hạ tầng bị rò rỉ, và những thứ khác) đều có thể khắc phục. Sự tập trung, ý chí, sáng tạo, nhân sự có trình độ, và tiền bạc đều là các yêu cầu bắt buộc. Lẽ ra tất cả các nước đều nên chú trọng tới các thách thức này, nhưng không phải nước nào cũng làm vậy. Tuy nhiên những vấn đề này đều có thể được xử lý, thậm chí giải quyết được.

Nhu cầu tăng lên còn số lượng thì hạn chế không nhất thiết phải kìm hãm tăng trưởng kinh tế hay dẫn đến bất ổn chính trị. Việc thiếu một nguồn cung cấp nước tự nhiên, hoặc giảm lượng mưa, không nhất thiết quyết định vận mệnh của một quốc gia. Nếu được xử lý một cách khôn ngoan, những giới hạn này có thể thúc đẩy một quốc gia và tạo ra nhiều cơ hội mới.

Israel: Hình mẫu cho thế giới trong cơn khủng hoảng

Sáu mươi phần trăm của Israel là sa mạc, và phần còn lại là bán khô cằn. Từ khi thành lập vào năm 1948, dân số của nước này đã tăng hơn mười lần, một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thời kỳ sau Thế Chiến II. Israel xuất phát điểm nghèo nàn, nhưng giờ đây sở hữu một nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Mức sống trung lưu là tiêu chuẩn thông thường ở Israel. Lượng mưa hàng năm của nó – ban đầu cũng không nhiều lắm – đã giảm hơn một nửa. Tuy nhiên, mặc cho khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, Israel không những không bị khủng hoảng nước mà còn tạo ra thặng dư nước. Đất nước này thậm chí còn xuất khẩu nước sang một số nước láng giềng.

Cuốn sách này “Let there be water” giải thích cách thức một đất nước nhỏ bé phát triển cách tiếp cận về nước một cách tinh tế, rất lâu trước khi giành được độc lập. Qui hoạch và giải pháp công nghệ về nước đã là trung tâm trong mọi giai đoạn phát triển đất nước. Thậm chí trước cả khi trở thành một cường quốc về nước, Israel đã sử dụng bí quyết về nước để giúp gây dựng mối quan hệ trên toàn thế giới.

Có những quốc gia đã đặt vấn đề về nước một cách nghiêm túc và lập kế hoạch dài hạn, đặc biệt là Úc và Singapore. Tại Mỹ, một vài tiểu bang như Nevada và Arizona đã lên kế hoạch cho sự thiếu nước từ rất lâu, kể cả như vậy thì hai bang này vẫn liên tục phải chạy đuổi theo nhu cầu và các mối hiểm họa phía trước.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi thứ Israel đã thực hiện trong điều kiện cung ứng nước của họ đều phù hợp với tất cả mọi nơi, mọi người. Các quốc gia có đất đai rộng lớn khác biệt về quy mô hoặc địa hình so với một đất nước nhỏ bé như Israel. Một số quốc gia không có sa mạc hoặc họ có mùa mưa kéo dài hoặc có sự phong phú hồ nước và sông ngòi. Nền kinh tế của một số nước không thể trang trải tất cả các chi tiêu cơ sở hạ tầng mà Israel phải gánh chịu. Mặc dù vậy, một vài phần của những việc Israel đã thực hiện có thể giúp biến đổi công việc quản lý nước ở mọi quốc gia. Ngoài ra, sự tập trung và ưu tiên về nước trong ý thức dân tộc của Israel có thể là một nguồn cảm hứng cho các nhà lãnh đạo và người dân tham gia ở khắp mọi nơi không phân biệt vị trí địa lý hay sự giàu nghèo.

Sẽ là khôn ngoan hơn nếu thế giới lên kế hoạch cho tình trạng thiếu nước và bảo tồn nước từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng vẫn chưa phải là quá muộn để bắt đầu ngay bây giờ.

Bài viết được trích từ cuốn sách “Con đường thoát hạn” kể về cuộc chiến thoát hạn của Israel và người Do Thái, dự kiến sẽ được Đại sứ quán Israel và Alphabooks đồng phát hành mùa hè 2016.

Xem thêm:

#71 – Tình trạng khủng hoảng nước ngày một trầm trọng ở Châu Á