Tại sao Anh hoãn xây nhà máy điện nguyên tử khổng lồ?

Print Friendly, PDF & Email

55-The problem with Britain’s (planned) nuclear-power station

Nguồn:The problem with Britain’s (planned) nuclear-power station“, The Economist, 07/8/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong nhiều năm, chính phủ Anh đã phải nóng lòng chờ đợi để EDF, một công ty điện được vận hành bởi Chính phủ Pháp, chấp thuận toàn bộ khoản đầu tư 18 tỷ EUR (24 tỷ USD) để xây dựng Hinkley Point C (HPC), một nhà máy điện hạt nhân ở tây nam nước Anh. Lợi ích liên quan là rất lớn. Nhà máy này sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất nước Anh, và có thể là nhà máy điện đắt nhất trong lịch sử. Nó có thể tạo ra hơn 25.000 việc làm và nhằm cung cấp 7% nhu cầu điện của nước Anh. Nó cũng là một biểu tượng mạnh mẽ của mối quan hệ đối tác công nghiệp giữa Anh với Pháp và Trung Quốc. Vì vậy, khi hội đồng quản trị của EDF vào ngày 28/7 cuối cùng đã quyết định tiến hành dự án, rượu sâm banh ở Somerset đã ngay lập tức được ướp lạnh. Vậy tại sao sau đó chính phủ mới của Theresa May lại đột nhiên dừng dự án này lại? Và điều này phải chăng có nghĩa là HPC sẽ có một số phận bi đát?

Có lẽ là không, mặc dù đó là điều nên xảy ra. Những phản đối của bà May chủ yếu là vì một phần ba dự án được cam kết tài trợ bởi một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vốn cũng đang hy vọng sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân của riêng mình tại Bradwell, Essex. Điều này gợi lên những mối quan ngại về an ninh. Một EDF nợ nần chồng chất sẽ không thể xây dựng HPC nếu không có sự hỗ trợ tài chính đó [từ Trung Quốc]. Nhưng nếu khi không còn lựa chọn nào khác ngoài Trung Quốc, chính phủ của bà May có thể tự mình tài trợ một phần cho dự án này.

Vấn đề lớn hơn (mặc dù có vẻ như không phải là vấn đề lớn đối với bà May) là khía cạnh kinh tế của dự án này. Một khoản trợ cấp đã được thống nhất vào năm 2013 với mức khổng lồ là 92,5 EUR cho mỗi megawatt giờ, khi nhu cầu điện của nước Anh, cũng như giá bán buôn điện, được dự kiến sẽ đi vào một quỹ đạo tăng ổn định. Tuy nhiên kể từ đó thì mọi thứ lại đi ngược lại. Văn phòng Kiểm toán Quốc gia, một cơ quan giám sát chi tiêu, nói rằng với giá bán buôn hiện nay, trợ cấp cho EDF sẽ vào mức gần 30 tỷ EUR trong hơn 35 năm. Số tiền này nhiều hơn gần năm lần so với mức dự kiến khi thỏa thuận này được ký kết.

Đó có thể là một sự lãng phí tiền của khổng lồ, và không chỉ vì các lò phản ứng mà EDF đề nghị lắp đặt tại HPC là đã quá hạn và quá ngân sách ở cả hai dự án ở Phần Lan và Pháp, nơi chúng đang được xây dựng. Khi nhà máy được xây dựng và khoản trợ cấp bắt đầu lấp đầy túi của EDF, nó sẽ buộc những người trả hóa đơn điện vào việc trợ giá trong 35 năm, điều có vẻ thậm chí sẽ trở nên đắt hơn nữa khi chi phí cho các công nghệ năng lượng sạch khác, chẳng hạn như năng lượng gió và mặt trời, đang tiếp tục giảm.

Hơn nữa, nguồn năng lượng “dựa trên nhu cầu tối thiểu” linh hoạt mà HPC sẽ cung cấp có thể trở nên lỗi thời khi các loại năng lượng thay thế tái tạo trở nên rẻ hơn. Bởi vì năng lượng gió và mặt trời là những nguồn năng lượng không liên tục, tùy thuộc vào thời tiết và thời điểm trong ngày, chúng cần nguồn năng lượng dự trữ linh hoạt có thể được bật và tắt một cách nhanh chóng. Hiện nay loại tốt nhất được cung cấp cho mục đích này là bởi các tuabin khí đốt. Trong vài thập kỷ tới, pin hoặc các công nghệ khác có thể được cung cấp với giá cả phải chăng, đủ để thực hiện công việc này một cách sạch hơn và tốt hơn.

Tuy nhiên, đối với các chính trị gia thì tất cả những điều đó là quá phức tạp. Họ thích những lời hứa đơn giản để đưa ra cho các cử tri, chẳng hạn như sự cần thiết của những dự án tốn kém kiểu Hinkley Point để khiến đèn không bị tắt. Cũng có một yếu tố đáng hoài nghi; việc phê duyệt bất kỳ dự án lớn nào cũng sẽ tạo ra việc làm mới cho các cử tri. Hệ quả, như hóa đơn tiền điện cao hơn và tác động chèn ép đối với các nguồn năng lượng rẻ hơn, sẽ chỉ xuất hiện một hoặc nhiều thập niên sau đó. Nhưng lúc đó thì các chính trị gia đã “hạ cánh an toàn” từ lâu rồi.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]