Trách nhiệm bảo vệ (Responsibility to Protect)

Print Friendly, PDF & Email

responsibility-to-protect1-640x360

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

“Trách nhiệm bảo vệ” (Responsibility to Protect – R2P) là một chuẩn tắc hay tập hợp các nguyên tắc cho rằng chủ quyền quốc gia không phải là một đặc quyền bất khả xâm phạm mà là một trách nhiệm, đặc biệt là trong việc bảo vệ người dân của quốc gia đó khỏi các thảm họa nhân đạo và các tội ác chống lại loài người. Trong trường hợp một quốc gia không thể đảm đương các trách nhiệm này, cộng đồng quốc tế có thể nghĩa vụ hỗ trợ hoặc can thiệp để giúp bảo vệ người dân khỏi các nguy cơ trên.

Thảm họa diệt chủng ở Rwanda năm 1994 khiến hơn 800.000 người chết một phần bắt nguồn từ sự chậm trễ và thất bại của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế trong phản ứng đối với thảm họa này. Chính vì vậy, sau đó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã nêu lên vấn đề khi nào thì cộng đồng quốc tế cần can thiệp vào một quốc gia để bảo vệ cho người dân quốc gia đó trước các thảm họa nhân đạo?

Vào tháng 09 năm 2000, chính phủ Canada đã thành lập Ủy ban Quốc tế về Can thiệp và Chủ quyền Quốc gia (International Commission on Intervention and State Sovereignty – ICISS) để nghiên cứu vấn đề trên. Vào tháng 12 năm 2001, ICISS đưa ra báo cáo đề xuất khái niệm “Trách nhiệm bảo vệ”. Theo đó, đề xuất về khái niệm này dựa trên ba trụ cột cơ bản:

  • Thứ nhất, mỗi quốc gia tự chịu trách nhiệm cơ bản và trước tiên đối với việc bảo vệ người dân của mình trước nạn diệt chủng, các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại và thanh lọc sắc tộc.
  • Thứ hai, cộng đồng quốc tế có bổn phận hỗ trợ các quốc gia hoàn thành trách nhiệm này.
  • Thứ ba, cộng đồng quốc tế chỉ nên sử dụng các biện pháp nhân đạo, ngoại giao cũng như các biện pháp hòa bình phù hợp nhằm bảo vệ thường dân trước các thảm họa trên. Tuy nhiên nếu một quốc gia không thể bảo vệ người dân của mình và trong thực tế là thủ phạm gây nên những tội ác đó thì cộng đồng quốc tế phải sẵn sàng thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực tập thể thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, để can thiệp và bảo vệ những người dân bị ảnh hưởng.

Sau khi ra đời, từ một khái niệm gây nhiều tranh cãi, “Trách nhiệm bảo vệ’ đã dần trở thành một chuẩn tắc mới được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Theo đó, Liên Hiệp Quốc đã thông qua nhiều văn bản về vấn đề này và vào tháng 7 năm 2009 đã tổ chức một cuộc tranh luận tại Đại Hội đồng, trong đó đa số các quốc gia bày tỏ ủng hộ chuẩn tắc mới được hình thành này. Trước đó, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới năm 2005 và Nghị quyết S/RES/1674 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đề cập và khẳng định sự ủng hộ đối với “Trách nhiệm bảo vệ” và làm rõ hơn phạm vi và đối tượng áp dụng của chuẩn tắc. Vào tháng 01 năm 2009, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đã đưa ra báo cáo có tên gọi “Thực hiện Trách nhiệm Bảo vệ” nhằm làm rõ các nguyên tắc trong việc áp dụng và triển khai chuẩn tắc mới này.

Đối với việc áp dụng trên thực tế, Liên minh Châu Phi là tổ chức quốc tế đầu tiên đi tiên phong trong việc đưa vào thực hiện chuẩn tắc này. Cụ thể, hiến chương thành lập năm 2005 của Liên minh Châu Phi đã quy định rằng việc bảo vệ các quyền con người và quyền dân tộc là một mục tiêu cơ bản của Liên minh và Liên minh có quyền “can thiệp vào một quốc gia thành viên theo quyết định của Hội đồng trong trường hợp xảy ra các tình huống nghiêm trọng, cụ thể là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại”. Cũng trong năm 2005, Liên minh Châu Phi đã thông qua Đồng thuận Ezulwini, trong đó coi Trách nhiệm bảo vệ là một công cụ nhằm giúp ngăn chặn các tội ác quy mô lớn. Gần đây hơn, Trách nhiệm bảo vệ cũng là cơ sở để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết ngày 18 tháng 03 năm 2011 cho phép dùng các biện pháp vũ lực nhằm bảo vệ thường dân Lybia và ngăn chặn quân đội của Tổng thống Moammar Gaddafi trấn áp phe nổi dậy. Ngay sau đó các chiến dịch không khích lực lượng của Tổng thống Gaddafi do NATO cầm đầu đã được tiến hành.

Mặc dù vậy, chuẩn tắc mới này cũng gặp phải một số chỉ trích và tiếp tục tạo nên các tranh luận. Ví dụ, những người phản đối chuẩn tắc này cho rằng Trách nhiệm bảo vệ vi phạm chủ quyền của các quốc gia và có thể bị các nước lớn lợi dụng làm vỏ bọc nhằm can thiệp vào các quốc gia yếu hơn. Tuy nhiên chỉ trích này đã bị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phản bác khi ông chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế chỉ can thiệp trực tiếp vào một quốc gia mà không cần sự chấp thuận của quốc gia đó khi quốc gia đó hoặc cho phép hoặc là người thực hiện các tội ác quy mô lớn chống lại nhân loại. Khi đó quốc gia liên quan đã không còn thực thi đầy đủ trách nhiệm của một quốc gia có chủ quyền và Trách nhiệm bảo vệ cần được áp dụng để giúp “củng cố” chủ quyền của quốc gia đó.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng phạm vi của Trách nhiệm quá hẹp khi chỉ tập trung vào bốn loại tội ác là diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại và thanh lọc sắc tộc. Sau khi cơn bão Nargis tràn vào Myanmar năm 2008, chính phủ Myanmar lúc đó đã lưỡng lự, thậm chí từ chối tiếp nhận viện trợ cũng như các tình nguyện viên quốc tế khiến cho số lượng người dân thiệt mạng tăng cao, không chỉ trực tiếp vì cơn bão mà còn vì các vấn đề phát sinh như thiếu lương thực thực phẩm, thuốc men… Điều này đã làm dấy lên ý kiến cho rằng Trách nhiệm bảo vệ cần được áp dụng vào việc bảo vệ các thường dân trong các thảm họa thiên nhiên như trường hợp cơn bão Nargis. Tuy nhiên cho đến nay đa số ý kiến đều cho rằng phạm vi áp dụng của Trách nhiệm bảo vệ cần được xác định rõ ràng và nằm trong phạm vi hẹp. Tại cuộc tranh luận tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 07 năm 2009, ý kiến này đã được tái khẳng định khi nhiều người quan ngại việc mở rộng phạm vi áp dụng sẽ làm giảm tính hiệu quả của Trách nhiệm bảo vệ.

Cuối cùng, một số quan ngại cũng được nêu lên xung quanh vấn đề sử dụng các biện pháp quân sự nhằm thực thi Trách nhiệm bảo vệ. Những người chỉ trích cho rằng các biện pháp quân sự không nên được sử dụng vì nó vi phạm chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên những người ủng hộ chuẩn tắc này cho rằng các biện pháp quân sự là cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả của việc can thiệp và cũng chỉ được sử dụng như biện pháp cuối cùng nhằm chấm dứt các tội ác quy mô lớn. Song song với cuộc tranh luận này, một vấn đề được đặt ra là cần xác định rõ những tiêu chí cụ thể giúp Hội đồng Bảo an quyết định khi nào thì có thể cho phép sử dụng các biện pháp quân sự.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).