Kinh tế chính trị quốc tế (International Political Economy)

Print Friendly, PDF & Email

Political-Economy

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Kinh tế chính trị quốc tế là môn học nghiên cứu về sự tương tác giữa các yếu tố kinh tế và chính trị trong quan hệ quốc tế. Nói một cách chung nhất, kinh tế có thể được hiểu là hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm và của cải, còn chính trị là tập hợp các thể chế và quy tắc mà theo đó các mối quan hệ tương tác về xã hội và kinh tế giữa các chủ thể được điều chỉnh. Đối với nhiều người khác nhau, khái niệm “kinh tế chính trị” cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Có người cho rằng kinh tế chính trị là ngành học nghiên cứu cơ sở chính trị của các hoạt động kinh tế, những cách thức mà các chính sách của chính phủ tác động đến hoạt động của thị trường. Nhiều người khác lại cho rằng trọng tâm của kinh tế chính trị là nghiên cứu các cơ sở kinh tế của các hành động chính trị, cách thức mà các lực lượng kinh tế tác động và góp phần định hình các chính sách chính trị của các chính phủ. Tuy nhiên hai cách nhìn này có thể nói không mâu thuẫn, trái ngược nhau mà bổ trợ cho nhau bởi lẽ chính trị/ nhà nước và kinh tế/ thị trường là hai chủ thể luôn có sự tương tác thường xuyên với nhau, ở cả cấp độ trong nước cũng như quốc tế.

Cho tới những năm 1970, kinh tế chính trị quốc tế vẫn là một môn học không được chú ý nhiều. Thay vào đó, những thách thức về chính trị và chiến lược thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn là mối bận tâm chủ yếu của các quốc gia công nghiệp hóa lẫn các quốc gia đang phát triển. Đến đầu thập niên 1970, quan hệ quốc tế bắt đầu thay đổi khi một loạt các sự kiện quốc tế như khủng hoảng dầu lửa năm 1973, sự sụp đổ hệ thống Bretton Woods, hay yêu sách của các nước đang phát triển về việc thiết lập một Trật tự Kinh tế Quốc tế Mới (NIEO) buộc các nhà hoạch định chính sách cũng như các học giả phải quan tâm hơn tới sự tương tác giữa các yếu tố chính trị và kinh tế trong các sự kiện quan hệ quốc tế.

Bên cạnh đó, về mặt học thuật, những thách thức được đặt ra bởi mức độ phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với Mỹ, đã được phân tích trong một cuốn sách năm 1968 của Richard Cooper có tên gọi Kinh tế học của sự phụ thuộc lẫn nhau (The Economics of Interdependence). Cooper cho rằng các quốc gia cần phải phối hợp và cộng tác nhiều hơn nữa trong bối cảnh các vấn đề kinh tế trong nước của các quốc gia ngày ngày bị tác động và chi phối bởi các chính sách và sự kiện ở các quốc gia khác. Công trình của Cooper sau đó được phát triển hơn nữa bởi các nghiên cứu của Robert Keohane và Joseph Nye trong cuốn sách xuất bản năm 1977 Quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau: Chính trị thế giới trong thời kỳ chuyển đổi (Power  and Interdependence: World Politics in Transition).

Tất cả các công trình nghiên cứu này cho rằng một kỷ nguyên mới của quan hệ quốc tế đã ló dạng, trong đó quan hệ quốc tế không còn đơn thuần là một cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước. Ngược lại, các vấn đề kinh tế, các kênh liên lạc mới, và các mô hình hợp tác mới đang giúp hình thành một nền chính trị thế giới mới mà trong đó các tổ chức quốc tế sẽ đóng một vai trò chủ đạo, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia phục vụ các lợi ích kinh tế. Chính từ những cơ sở lý thuyết và thực tiễn này môn học Kinh tế chính trị quốc tế ngày ngày càng được quan tâm và từ những năm 1970 dần nổi lên trở thành một tiểu ngành trong ngành học quan hệ quốc tế.

Trên phương diện lý thuyết, Kinh tế chính trị quốc tế có ba cách tiếp cận chính, đó là chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa trọng thương và chủ nghĩa Marx. Mỗi trường phái lý thuyết này đều có những lý luận riêng và những quan điểm phân tích và giá trị riêng về các mối quan hệ kinh tế – chính trị toàn cầu.

Chủ nghĩa tự do đề cao thị trường tự do, nơi mà vai trò của việc trao đổi và thị trường tự nguyện được nhấn mạnh là hiệu quả và cần được bảo vệ. Các nhà tự do cho rằng thương mại tự do và sự chu chuyển tự do của các dòng vốn sẽ bảo đảm vốn đầu tư được đưa đến nơi nào mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Thương mại tự do cũng đóng vai trò hết sức quan trọng do nó cho phép các nước khai thác được các lợi thế so sánh của mình. Cũng theo các nhà tự do, sự trao đổi tiền tệ tự do và các thị trường mở sẽ giúp tạo ra một hệ thống giá cả toàn cầu vận hành như một bàn tay vô hình, bảo đảm phân phối hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế thế giới hiệu quả và công bằng. Chính vì vậy trật tự trong nền kinh tế toàn cầu chỉ nên ở mức tối thiểu và vai trò cao nhất của các chính phủ và các thể chế là giúp bảo đảm cho sự vận hành của thị trường được trôi chảy và suôn sẻ.

Trong khi đó, chủ nghĩa trọng thương là trường phái tương phản hoàn toàn với chủ nghĩa tự do và chia sẻ các giả định của chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa trọng thương cho rằng nền kinh tế thế giới là một đấu trường cạnh tranh giữa các quốc gia tìm cách tối đa hóa sức mạnh và quyền lực tương đối của mình. Vì lý do này mà mục tiêu của mỗi quốc gia là tối đa hóa sự thịnh vượng và nền độc lập của mình bằng cách bảo đảm khả năng tự cung tự cấp của mình trong những ngành công nghiệp then chốt và thực hiện chính sách bảo hộ thương mại (thuế quan và các hạn chế khác đối với hàng nhập khẩu), trợ cấp, và các khoản đầu tư có chọn lựa trong nền kinh tế nội địa. Theo các nhà trọng thương, một vài quốc gia trong hệ thống quốc tế có nhiều quyền lực và sức mạnh hơn những quốc gia khác và những quốc gia mạnh nhất là người định ra các quy tắc và giới hạn của hệ thống thông qua bá quyền, liên minh, hoặc cân bằng quyền lực.

Cuối cùng, chủ nghĩa Marx cũng coi nền kinh tế thế giới là một đấu trường của sự cạnh tranh, nhưng không phải giữa các quốc gia với nhau mà là giữa các giai cấp. Theo đó, các mối quan hệ kinh tế thế giới có thể được giải thích là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa những “kẻ áp bức và bị áp bức”. Những kẻ áp bức hay các nhà tư bản là những người sở hữu những “phương tiện sản xuất” (thương mại và công nghiệp) trong khi những người bị áp bức là giai cấp công nhân. Cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp xuất hiện bởi các nhà tư bản tìm cách gia tăng lợi nhuận, khiến họ phải tìm cách bóc lột giai cấp công nhân hơn nữa. Trong quan hệ quốc tế, “mối quan hệ giai cấp” trong hệ thống tư bản chủ nghĩa được phản ánh thông qua mối quan hệ giữa “vùng lõi” (các nước công nghiệp) và “vùng ngoại vi” (các quốc gia đang phát triển), và các mối quan hệ trao đổi không bình đẳng giữa hai nhóm chủ thể này. Tình trạng kém phát triển và nghèo đói ở các quốc gia Thế giới thứ ba được giải thích là kết quả của những cấu trúc về kinh tế, xã hội và chính trị của trật tự tư bản chủ nghĩa toàn cầu mà ở đó sự vận hành của các xã hội phản ánh lợi ích của những người sở hữu phương tiện sản xuất.

Một điều cần ghi nhận là ba cách tiếp cận này đã luôn tiến hóa qua thời gian, tương tự là việc vận dụng các cách tiếp cận này trong việc giải thích các sự kiện, hiện tượng của đời sống kinh tế – chính trị thế giới. Ví dụ, trong giai đoạn xảy ra cuộc Đại Suy thoái (1929-1933), các tư tưởng kinh tế của John Maynard Keynes đã được ủng hộ, theo đó tư tưởng tự do cổ điển về kinh tế được thay thế bởi quan điểm cho rằng nhà nước cần đóng vai trò lớn hơn trong việc điều chỉnh nền kinh tế và đảm bảo phúc lợi cho người dân. Keynes cho rằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế có thể điều tiết thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm giúp duy trì và kích thích tăng trưởng, đưa hệ thống tư bản chủ nghĩa vượt qua được các cuộc khủng hoảng kinh tế và các bất ổn chính trị – xã hội đi kèm.

Tư tưởng của Keynes cũng đã được áp dụng ở cấp độ quốc tế khi hệ thống Bretton Woods được hình thành với các thể chế giúp điều phối hoạt động nền kinh tế thế giới, tiêu biểu là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên sau hơn hai thập kỷ thành công, hệ thống Bretton Woods đã dần bộc lộ những điểm yếu, trở nên bất ổn và sụp đổ vào năm 1973, mở đầu cho thời kỳ hệ thống tỷ giá hối đoái được thả nội.

Đi cùng với sự thoái trào của tư tưởng kinh tế của Keynes là sự xuất hiện của các tư tưởng kinh tế theo trường phái tân tự do nhấn mạnh vai trò tự điều tiết của thị trường, với các đại diện tiêu biểu là Friedrich Hayek và Milton Friedman. Các tư tưởng này được áp dụng trong các chính sách kinh tế của các chính quyền như Ronald Reagan hay Margaret Thatcher, mang lại sự ổn định và tăng trưởng đáng kể cho các nền kinh tế Anh, Mỹ từ những năm 1980. Tuy nhiên từ khi xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế những năm 2007-2008, các chính sách kinh tế theo đường lối tân tự do lại thoái trào và nhường chỗ cho các chính sách mang hơi hướng trọng thương hay thể hiện tư tưởng của John M. Keynes, trong đó nhà nước quay trở lại đóng vai trò lớn hơn trong việc điều tiết nền kinh tế.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).