Kiểu tóc và lập trường của các thủ lĩnh chính trị

Print Friendly, PDF & Email

hair

Nguồn: Ian Buruma, “Hair of the Top Dog”, Project Syndicate, 02/8/2016

Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đã có nhiều bài viết bàn về kiểu tóc khác lạ của Donald Trump, kiểu tóc nhuộm, uốn phồng làm liên tưởng đến hình ảnh quản lý của một hộp đêm bình dân hơn là một ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Liệu còn có gì khác để bàn thêm? Thực tế là vấn đề tóc tai trong chính trị có thể sẽ không đơn giản như vẻ ngoài của nó.

Đáng chú ý là nhiều chính trị gia, đặc biệt là những người thuộc cánh hữu dân túy, có phong cách tóc lạ thường. Silvio Berlusconi, nguyên Thủ tướng Ý, đã sử dụng một cây bút chì để tô đen những chỗ mà sau hai lần cấy tóc của ông vẫn còn bị hói. Thủ lĩnh chính trị mị dân người Hà Lan Geert Wilders đã nhuộm mái tóc phồng kiểu Mozart của ông ta thành màu vàng kim.

Boris Johnson, người đã kích động quần chúng trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, hiện là Ngoại trưởng Anh, luôn lưu để ý để giữ phần tóc mái màu rơm của ông ta luôn trong tình trạng rối xù một cách có chủ đích. Tất cả họ đều ghi điểm với những cử tri căm ghét và oán giận nhóm tinh hoa thành thị chải chuốt.

Khi xưa, người đã khai sinh ra chủ nghĩa dân túy châu Âu hiện đại, cố chính trị gia người Hà Lan Pim Fortuyn, là người hoàn toàn không có tóc. Nhưng chiếc đầu hói bóng lộn của ông ta nổi bật hơn nhiều trong số các kiểu tóc xám được chải chuốt chỉn chu của các chính trị gia dòng chính khác, tương tự như mái tóc rơm dày xộc xệch vàng hoe của Johnson hay mái tóc phồng nhuộm vàng của Trump. (Cần nói thêm rằng, tất cả các chính trị gia nói trên, trừ Berlusconi, đều có tóc màu vàng hoặc nhuộm vàng. Có vẻ tóc màu tối không hợp với những người theo tư tưởng dân túy).

Sự nổi bật là mấu chốt vấn đề. Kiểu tóc lạ hoặc một cái đầu cạo trọc khiến các lãnh đạo theo tư tưởng dân túy được nhận biết dễ dàng. Kiểu xây dựng hình ảnh này phổ biến đối với những nhà độc tài. Hình ảnh của Hitler có thể được mô tả đơn giản với một nhúm tóc nhờn dầu thả giữa trán và một bộ ria hình bàn chải đánh răng. Hình ảnh kỳ quặc nhất của những nhà độc tài đương đại phải kể đến nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, người có phần gáy và hai bên đầu được cạo sạch nhằm mô phỏng kỹ càng kiểu tóc vô sản những năm 1930 của ông nội ông ta. Cha của Kim Jong-un, Kim Jong-il, đã cố bắt chước cách chải tóc ngược ra sau của Elvis Presley mặc dù không mấy thành công.

Tuy nhiên, đôi khi các chính trị gia ở các nền dân chủ cũng có xu hướng “chơi trội” nổi bật. Winston Churchill, hình mẫu của Johnson ở nhiều khía cạnh, luôn mang theo một điếu xì gà lớn ngay cả khi ông không có ý định hút nó. Churchill không thể làm gì nhiều với mái tóc thưa của mình nhưng ông ta chắc chắn ăn vận khác biệt với tất cả những người khác. Thậm chí trong suốt Thế chiến II, không một chính trị gia người Anh nào từng mặc bộ đồ áo liền quần có khóa kéo giống như Churchill. Phong cách lãnh đạm hoặc lập dị một cách cố tình là dấu hiệu của giới quý tộc điển hình, những người cảm thấy không cần phải tuân theo những tiêu chuẩn đúng đắn nhàm chán của tầng lớp trung lưu.

Churchill hiểu rõ một điều mà nhiều chính trị gia dòng chính hiện nay không nắm được. Con đường đi đến trái tim của quần chúng không phải là vờ như thể bạn cũng giống họ. Ngược lại, nếu bạn đến từ tầng lớp thượng lưu, bạn phải nhấn mạnh điều đó, bạn phải biến mình thành một kẻ châm biếm những người sinh ra ở giới thượng lưu, giống như việc những nhà quý tộc xưa kia xem thường những người thuộc tầng lớp tư sản hèn nhát nhưng lại gần gũi với tầng lớp bình dân. Johnson không phải thuộc dòng dõi quý tộc nhưng ông ta học ở trường Eton (một trường nội trú nam nổi tiếng của giới thượng lưu, nơi sản sinh ra 19 vị thủ tướng Anh – NBT) và có thể dễ dàng ra vẻ như một quý tộc, một chiêu thức mà ông ta sử dụng rất hiệu quả.

Nước Mỹ không có một tầng lớp quý tộc thực thụ. Địa vị có vẻ gắn với vấn đề tiền bạc. Một trong những bí quyết cho sự nổi tiếng của Trump đó là việc ông ta khoe khoang về khối tài sản được cho là kếch xù của ông ta. Ông ta thậm chí còn thổi phồng nó lên nếu cần thiết. Những chiếc ghế vàng lố bịch trong những ngôi nhà được thiết kế theo kiểu lâu đài của Vua Louis XIV của Trump là một sự bắt chước thô tục phong cách quý tộc.

Cả Fortuyn, với một địa vị khiêm nhường hơn ở Hà Lan, và Berlusconi, trên một chính trường phức tạp hơn ở Ý, đều có những chiêu thức tương tự. Những người dân ấp ủ ước mơ có những thứ như vậy đều ngưỡng mộ họ vì điều đó. Giúp xác định ước mơ cho những người dân không dư giả gì mấy là chìa khóa cho thành công của chủ nghĩa dân túy.

Vấn đề chính đó là việc những chính trị gia này có vẻ không giống với những chính trị gia dòng chính ôn hòa và nhàm chán. Thậm chí những người trong dòng chính cũng phải hành xử như thể người đứng ngoài, những người có thể cùng với những người dân bình thường chống lại các chính trị gia dòng chính. Sự kỳ dị – phong cách thượng lưu khác người, cuộc sống phô trương, những câu đùa quá lố, sự thô lỗ có chủ đích cùng những kiểu tóc khác thường – là một thứ tài sản giúp họ tranh cử.

Tôi không chắc là những người nào xem Trump như một mối đe dọa lớn đối với cả nước Mỹ và thế giới có đánh giá đúng mức điều này không. Người ta đã nói nhiều về không khí ôn hòa và có lý trí tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ so với giọng điệu hô hào khoa trương và “đen tối” của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa. Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thổng Joe Biden và bản thân bà Hillary Clinton là những hình ảnh mẫu mực của phẩm chất cao quý so với những tuyên bố gây sốc và lối hành xử giống Mussolini của Trump.

Những người ủng hộ Clinton, ở Đại hội đảng và ở những nơi khác, có ý công kích Trump bằng sự nhạo báng, biện pháp từng được Voltaire sử dụng để chống lại các giáo điều của Giáo hội Công giáo La Mã. Sự nhạo báng có thể là một vũ khí lợi hại. Vào những năm 1920, các nhà báo như H.L. Mencken đã khiến những người theo trào lưu Cơ Đốc giáo chính thống trông có vẻ rất ngớ ngẩn trong cái nhìn của nước Mỹ đến nỗi những người này quyết định không tham gia vào chính trị trong nhiều thập niên.

Tất cả sự khoe khoang khoác lác, sự chướng tai gai mắt, những thị hiếu thô tục tầm thường và vẻ ngoài dị thường của Trump rõ ràng đều là những chủ đề phù hợp cho sự mỉa mai châm biếm. Những diễn viên hài như Jon Stewart đã không ngại ngần chế giễu Trump một cách thẳng thừng. Nhưng sự mỉa mai châm biếm và nhạo báng sẽ không thuyết phục được những người yêu mến Trump vì chính sự quái dị của ông ta. Điều đó khiến Trump tách biệt với các chính trị gia dòng chính mà người dân khinh miệt. Sự hấp dẫn của lãnh đạo không đòi hỏi sự kiềm chế trong lời nói, vẻ ngoài hay cách hành xử. Trump càng trở nên kỳ dị, những người ủng hộ càng quý mến ông ta. Và các diễn viên hài kịch tài ba ở New York càng nhạo báng Trump, những người hâm mộ càng đoàn kết lại ủng hộ ông ta.

Đây chính là một điều trái khoáy trong thời đại của chủ nghĩa dân túy thịnh nộ hiện nay. Những tranh luận có cơ sở và sự lạc quan chính trị hiện nay có thể được coi như những đặc tính tiêu cực, điển hình cho giới tinh hoa tự mãn, không biết đến sự lo lắng của người dân, những người cảm thấy bị thiệt thòi. Những lập luận có lý trí đã không thuyết phục được 51,9% cử tri Anh bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu. Có thể nó cũng sẽ không có tác dụng trong việc ngăn cản một gã hề nguy hiểm và kém hiểu biết với một kiểu tóc kỳ quặc và tất cả những thứ khác nữa trở thành Tổng thống Mỹ.

Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Đại học Bard. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder ở Amsterdam: “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance and Year Zero: A History of 1945.”

Copyright: Project Syndicate 2016 – Hair of the Top Dog
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]