Phân tích chiến lược của Nhà nước Hồi giáo

Print Friendly, PDF & Email

isis

Nguồn: Fawaz A. Gerges, “The Strategic Logic of the ISIS”, Project Syndicate, 09/08/2016

Biên dịch: Nguyễn Thùy Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tiếp tục đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với không chỉ khu vực Trung Đông, mà còn đối với toàn thế giới. Dù các nỗ lực của Mỹ và đồng minh đã ít nhiều làm suy yếu ISIS, việc phá tan hoàn toàn tổ chức này lại là một bài toán nan giải, và các cuộc tấn công khủng bố do chúng tạo cảm hứng tiếp tục diễn ra tại các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, từ Brussels cho tới Bangladesh.

Để tìm ra cách thức tiêu diệt tận gốc ISIS, trước hết chúng ta cần hiểu thấu đáo chiến thuật của nó. Có một điều rõ ràng là dù cho các cuộc tấn công khủng bố quốc tế liên quan tới ISIS có vẻ như mang tính ngẫu nhiên, thì thực ra cuộc thánh chiến toàn cầu của tổ chức này có một logic chiến lược đàng hoàng.

ISIS đang chiến đấu vì sự tồn vong của nó. Nó không có đủ tiềm lực tài chính lẫn nhân lực để tiến hành một cuộc chiến tranh truyền thống với liên minh do Mỹ dẫn đầu và các lực lượng vũ trang đồng minh tại địa phương – hoặc có thể nhưng sẽ không cầm cự được lâu. Vì vậy “vũ khí” lợi hại nhất của tổ chức này chính là các thông điệp giành được cảm tình của những nhóm người nhất định – thông thường là những thanh niên cảm thấy bị gạt ra lề xã hội, mất niềm tin, và gặp nhiều khó khăn. Họ cư ngụ tại các quốc gia khác nhau trên thế giới từ Trung Đông tới châu Âu và nhiều nơi khác. Và ISIS đã rất giỏi trong việc khai thác lực lượng nhân lực này.

Các phát ngôn viên của ISIS đã liên tục kêu gọi thành viên và những người ủng hộ mình trên khắp thế giới tấn công vào kẻ thù của chúng, đặc biệt là tại các quốc gia phương Tây. Việc xúi giục lôi kéo các cá nhân đơn độc, các tín đồ tại gia và các nhóm địa phương có mối quan hệ chặt chẽ gây ra các vụ tấn công tại các địa điểm xa xôi và khó đoán trước chính là thứ vũ khí tối hậu của phe yếu thế hơn trong các cuộc chiến phi đối xứng. Chiến thuật này cho phép ISIS hưởng lợi từ các cuộc tấn công mà không phải chịu bất kì một tổn thất nào.

Những lợi ích này rất lớn. Các cuộc tấn công đã làm sao lãng sự chú ý của dư luận khỏi các thất bại của ISIS tại Syria và Iraq, và thậm chí còn làm cho chúng có vẻ như đang mạnh lên. Điều này không chỉ tăng khả năng thâu nạp thêm chiến binh và kích động các phần tử khủng bố mới mà còn gây tác động đến tâm lí của cư dân các quốc gia phía liên minh chống ISIS. ISIS hy vọng rằng, khi tổn thất về nhân mạng và kinh tế gây ra bởi cuộc chiến chống lại chúng ngày càng tăng lên ở các nước này, đặc biệt là tại các quốc gia châu Âu, người dân có thể sẽ quay ra phản đối các can thiệp quân sự của chính phủ tại Iraq và Syria.

Và khi áp lực ngày càng gia tăng lên ISIS – đặc biệt là tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, và Raqqa, thành phố Syria được ISIS chọn làm thủ đô cho nhà nước tự xưng của chúng – thì các lời kêu gọi kích động tấn công sẽ ngày càng tăng. Nếu xét sự hưởng ứng rộng rãi các lời kêu gọi này – từ San Bernardino đến Nice – thì hậu quả có thể rất tàn khốc.

Lẽ đương nhiên, ISIS không chỉ dựa hoàn toàn vào chiến lược kích động này. Song song đó chúng còn chiêu mộ các chiến binh giỏi từ khắp mọi nơi trên thế giới như Tunisia, Ma-rốc, Libya, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Bỉ và Anh, rồi sau đó biệt phái các chiến binh này đi thực hiện các chiến dịch khủng bố đặc biệt, như những gì đã xảy ra tại Istanbul, Brussels, và Paris. Theo các báo cáo đáng tin cậy, ISIS thậm chí còn đang thành lập một chi nhánh hải ngoại chuyên trách việc lên kế hoạch cho các chiến dịch khủng bố quốc tế ở nước ngoài.

Nếu Mosul và Raqqa thất thủ trong năm tới như dự đoán, hàng ngàn chiến binh ISIS còn sống sót sẽ quay trở về quê hương, nơi có vẻ chúng sẽ tiếp tục tiến hành cuộc chiến với các cuộc tấn công khủng bố của mình. Và hậu quả là, năm tới hẳn sẽ là một năm đẫm máu không kém gì năm vừa qua.

Phía nào sẽ “đứng mũi chịu sào” khi ISIS đang điên cuồng chống trả? Mỹ đứng đầu danh sách kẻ thù của ISIS. Nhưng việc phái các chiến binh vượt qua một chặng đường dài từ Trung Đông đến Mỹ lại là một thách thức về mặt hậu cần. Chưa kể chỉ có khoảng 100 người Mỹ chiến đấu cho ISIS, có nghĩa rằng ở Mỹ, việc kích động các cuộc tấn công ở đây sẽ là chiến thuật chính của ISIS.

Các quốc gia Châu Âu và Hồi giáo sẽ là các mục tiêu dễ dàng hơn, không chỉ là về mặt địa lý. Đa số các tay súng của ISIS là người Ả-rập, và 4.000 người Châu Âu đã gia nhập tổ chức này.

Trong số các quốc gia Châu Âu thì Pháp, quốc gia đang đảm đương vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống lại ISIS, sẽ là quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Pháp đã gánh chịu thương vong nhiều hơn tất cả các người nước giềng của mình cộng lại, với 235 người đã bị giết trong 18 tháng qua.

Một trong các lí do là tại Pháp, một bộ phận lớn cộng đồng Hồi giáo tại đây cảm thấy mình bị tách biệt và kì thị, khiến việc tuyển mộ của ISIS trở nên dễ dàng hơn tại đây. Khoảng 1.200 người Pháp đã tham gia ISIS, trở thành đội quân phương Tây đông đảo nhất của tổ chức này. Thêm vào đó còn có các lỗ hổng nghiêm trọng về an ninh nội địa khiến cho khả năng xảy ra các cuộc tấn công khác trong tương lai có vẻ cao hơn.

Các quốc gia Trung Đông cũng bị ISIS đưa vào tầm ngắm– đặc biệt là các chế độ do người Shia đứng đầu ở Iraq và Syria, cùng nước đồng minh Iran. Đây được coi là mục tiêu hàng đầu của ISIS. Rốt cục, để xây dựng được một nhà nước hồi giáo, ISIS cần phải kiểm soát được lãnh thổ. Các cuộc chiến đấu chống lại Mỹ, Châu Âu và thậm chí Israel đều phải bị trì hoãn cho đến khi một Nhà nước Hồi giáo Sunni được thành lập tại vùng lãnh thổ trung tâm của người Ả-rập.

Do vậy, điều quan trọng là các lãnh đạo Phương Tây không được để cho các mối nguy an ninh đến từ các cuộc tấn công khủng bố làm phân tâm khỏi mục tiêu phá hủy nhà nước tự trị của ISIS tại Iraq và Syria. Nhưng, thậm chí khi nhiệm vụ đó đã hoàn thành, ISIS vẫn sẽ sử dụng hệ tư tưởng của nó như một thứ vũ khí nhằm thu hút các chiến binh để phục vụ cho cuộc chiến tranh du kích tại Iraq và Syria, cũng như cho các cuộc tấn công khủng bố ở nước ngoài.

Đó là lý do tại sao cần chặt đứt nguồn dưỡng khí về xã hội và ý thức hệ của ISIS vốn đã giúp chúng trỗi dậy đáng gờm như ngày hôm nay. Điều này cũng có nghĩa đã đến lúc phải giải quyết nền chính trị bất ổn tại Trung Đông, bao gồm cả các nguyên nhân (như sự đối đầu địa chiến lược giữa Saudi Arabia do Sunni lãnh đạo và Iran do người Shia dẫn dắt), cũng như các triệu chứng của nó (bao gồm các cuộc nội chiến nổ ra khắp vùng lãnh thổ trung tâm của người Ả-rập). Chỉ có như vậy người Hồi giáo Ả-rập và cộng đồng quốc tế mới có thể đánh bại được ISIS cũng như những tổ chức tương tự như chúng.

Fawaz A. Gerges là giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London và là tác giả của cuốn “ISIS: A History” (Lịch sử ISIS).

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Strategic Logic of the ISIS
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]