Giải mã kết quả trưng cầu Hiến pháp mới của Thái Lan

Print Friendly, PDF & Email

thailand-votes-in-referendum

Nguồn: Patrick Jory, “The real meaning of Thailand’s constitutional referendum”, East Asia Forum, 31/08/2016

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý gần đây của Thái Lan dường như đã cho thấy một chiến thắng dễ dàng của phe ủng hộ Hiến pháp mới. 61% cử tri đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp, trong khi 39% còn lại bỏ phiếu phản đối. 58% cử tri cũng đã trả lời đồng ý với câu hỏi thứ hai, vốn được chèn thêm vào phút cuối, về việc liệu một thủ tướng không do dân bầu có thể được bổ nhiệm bởi một phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện hay không.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này thực ra ít mang tính kết luận rõ ràng hơn chúng ta tưởng.

Tỷ lệ cử tri đi bầu là 59%, thấp hơn mức 80% mà quân đội đã mong đợi, và cũng thấp hơn trung bình số cử tri đi bầu trong sáu cuộc tổng tuyển cử gần đây, khi mà các đảng chính trị thân Thaksin đã liên tục giành chiến thắng. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã cao hơn một chút so với con số 58% cử tri đi bầu vào cuộc trưng cầu dân ý năm 2007. Đồng thời, số phiếu đồng ý đã tăng 2%, còn số phiếu không đồng ý đã giảm gần 4%.

Mặc dù không có bằng chứng gian lận bầu cử nào được phát hiện, đây cũng không hẳn là một cuộc trưng cầu dân ý tự do và công bằng. Chính quyền quân sự đã cấm mọi hoạt động vận động bỏ phiếu. Phe phản đối Hiến pháp mới chưa từng có cơ hội để thuyết phục người dân. Hàng loạt những người bất chấp lệnh cấm đã bị bắt giữ, bị giam cầm và bị kết án. Cũng bởi vì lệnh cấm mà nhiều cử tri đã không biết được trong Hiến pháp mới thực ra sẽ gồm những gì. Trong khi đó, chính quyền quân sự đã bày tỏ một cách công khai, thông qua sự kiểm soát đối với truyền thông đại chúng và ảnh hưởng của họ đối với các quan chức, rằng họ mong đợi Hiến pháp mới sẽ được thông qua.

Xét bối cảnh đó, con số 36% cử tri trong số những người đủ điều kiện bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới khó mà được xem là biểu hiện cho sự ủng hộ mạnh mẽ đối với bản Hiến pháp hoặc cho chính quyền quân sự đứng sau nó.

Tuy nhiên, nó cũng không phải là một con số “ảo”. Vậy làm thế nào chúng ta có thể giải thích được vai trò của một cuộc bỏ phiếu mà rõ ràng là phản dân chủ?

Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng, không giống như trong giai đoạn 1950 – 1980, quân đội Thái Lan ngày nay không tự mình điều hành đất nước. Họ nhận được sự ủng hộ đáng kể từ một số thành phần trong xã hội. Họ nhận được sự ủng hộ với mức độ khác nhau từ người Thái thuộc tầng lớp trung và thượng lưu, bộ máy công chức nhiều quyền lực, bộ máy tư pháp, cơ quan quản lý và giảng viên các trường đại học, cũng như các tập đoàn lớn của người Thái gốc Hoa. Vì lý do lịch sử, họ cũng giành được sự ủng hộ tại vùng thượng và trung của miền nam Thái Lan.

Vai trò thực sự của quân đội Thái Lan ngày nay là trở thành đội vũ trang tiên phong của cái mà nhà khoa học chính trị Fred Riggs gọi là “chính thể quan liêu” (the bureaucratic polity) vốn dĩ đã thống trị Thái Lan kể từ những năm 1950. Lịch sử cho thấy, các thành viên của chính thể quan liêu luôn cho rằng mình đang phục vụ đức vua, chứ không phải mình là các “công chức” (civil servants, hay người phục vụ nhân dân). Ngay bản thân từ công chức trong tiếng Thái – kha ratchakan– cũng có nghĩa đen là “tôi tớ của nhà vua.”

Chính thể quan liêu đảm bảo rằng phần lớn nhất trong ngân sách của nhà nước sẽ được chi cho Bangkok. Các trường phổ thông, đại học, bệnh viện, cũng như các cơ hội việc làm tốt nhất, tất cả đều chỉ có ở thủ đô. Dân chủ hóa chính trường Thái Lan sẽ đe dọa điều này. Vậy nên cũng chẳng ngạc nhiên khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu Bangkok đều phản đối dân chủ hóa.

Các khuynh hướng phản dân chủ này cũng có nguồn gốc tôn giáo và văn hóa.

Việc các kha ratchakan giữ những địa vị cao trong xã hội Thái Lan được biện minh trên cơ sở tôn giáo rất khéo léo, nhờ vào học thuyết Phật giáo cổ xưa về “công đức” (bun). Người nghèo phải sống nghèo khổ vì họ có ít công đức – đó là sự tích lũy những việc thiện mà họ làm trong kiếp này và cả các kiếp trước. Về mặt đạo đức, người nghèo thấp kém hơn so với người giàu.

Quan niệm rằng người nghèo có ít công đức dễ dàng được dùng để lý giải cho nạn tham nhũng – lời phàn nàn lớn nhất của tầng lớp trung lưu về chính trị dân chủ. Bởi các chính trị gia là đại diện của những người có ít công đức hoặc những kẻ tham nhũng, nên chính bản thân họ cũng chẳng thể thoát khỏi những vết nhơ của tham nhũng. Nền dân chủ theo số đông – cai trị bởi nhân dân – lại có mâu thuẫn với học thuyết Phật giáo, vì nó đồng nghĩa với sự cai trị bởi những kẻ có ít công đức. Ngược lại, vì quân đội và các quan chức đều phục vụ nhà vua, người có công đức nhiều nhất trong vương quốc, nên họ được xếp hạng đạo đức cao hơn. Tất nhiên, không phải tất cả người Thái đều là những Phật tử nhiệt thành, nhưng quan niệm này vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc.

Sự cần thiết của một chính phủ được điều hành bởi những người “giàu công đức” đã trở thành khẩu hiệu tập hợp lực lượng của tầng lớp tinh hoa bảo thủ kể từ khi khủng hoảng bắt đầu vào năm 2006. Lời nói đầu trong dự thảo Hiến pháp mới đã tuyên bố rõ ràng rằng nó được xây dựng để ngăn chặn những kẻ “vô đạo đức” lên nắm quyền điều hành đất nước.

Ngoài ra, sự phân tách chính trị giữa Bangkok và các tỉnh còn ẩn chứa khía cạnh sắc tộc. Sử gia Chris Baker đã chỉ ra rằng tầng lớp trung lưu ở đây chủ yếu là người Thái gốc Hoa, “hầu như không có mối gắn kết nào với nông thôn Thái Lan.” Đối với nhiều người trong số họ, nông thôn là “vùng bí ẩn và vì thế, cũng là nơi đáng sợ.” Nỗi sợ hãi này lại càng gia tăng vào khoảng tháng 4 – tháng 5 năm 2010, khi hơn 100.000 người biểu tình áo đỏ, phần nhiều đến từ các vùng phía bắc và đông bắc, đã tiến vào Bangkok để gây sức ép buộc chính phủ do giới tinh hoa dựng lên phải từ chức. Các cuộc biểu tình đã bị quân đội đàn áp đẫm máu, khiến gần 100 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương. Một trong những nhà lãnh đạo quân sự của cuộc đàn áp, Tướng Prayut Chan-ocha, đã dẫn đầu cuộc đảo chính năm 2014 và bây giờ là thủ tướng.

Đây là Hiến pháp thứ 20 của Thái Lan chỉ trong vòng 84 năm, tức là mỗi bản Hiến pháp chỉ tồn tại trung bình hơn bốn năm. Chính tần suất thay đổi Hiến pháp sau các cuộc đảo chính quân sự đã làm xuống cấp ý nghĩa của chúng. Thay vì thiết lập vĩnh viễn một khuôn khổ pháp lý cơ bản cho đất nước, Hiến pháp [ở Thái Lan] hầu như chỉ là những nỗ lực của nhóm đảo chính và những người ủng hộ họ để kéo dài một cách hợp pháp quyền lực mà họ giành được bằng vũ lực.

Nhưng cuộc tranh luận về bản Hiến pháp mới này đang diễn ra vào một thời điểm đặc biệt trong sự phát triển của chính trị Thái Lan hiện đại. Sau 70 năm tại vị, triều đại của vua Bhumibol đang đi dần đến hồi kết. Kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế bị lật đổ vào năm 1932, hai quan điểm cạnh tranh lẫn nhau về tính chính danh đã thường xuyên “xung đột” với nhau. Một bên cho rằng quyền lực hợp pháp do quốc vương nắm giữ, được quản lý bởi các quan chức hoàng gia và được bảo vệ bởi quân đội. Quan điểm còn lại thì cho rằng quyền lực xuất phát từ người dân và được thực hiện bởi chính quyền do họ bầu ra. Thế nhưng, cuộc xung đột này chưa bao giờ được giải quyết.

Liệu sự thống trị chính trị của chính thể quan liêu có thể tiếp tục sống sót sau quá trình kế vị hoàng gia? Liệu tính chính danh mà chế độ quân chủ đã trao cho nó và lực lượng quân đội bảo vệ nó có tiếp tục được duy trì dưới triều đại của vị vua mới hay không? Mức độ đàn áp kể từ cuộc đảo chính 2014, nỗ lực thông qua bản dự thảo Hiến pháp để ngăn chặn một cách hợp pháp các chính phủ dân cử và tiếp tục củng cố quyền lực của chính thể quan liêu, cũng như các nỗ lực mà chế độ đã thực hiện nhằm buộc cuộc trưng cầu dân ý diễn ra thành công, tất cả cho thấy rằng chế độ chính trị ở Thái Lan và những người ủng hộ nó vẫn chưa thể nào được xác định chắc chắn.

Trong điều kiện như thế, không chắc rằng Hiến pháp mới sẽ tồn tại lâu dài hơn so với những bản hiến pháp tiền nhiệm của nó.

Tiến sĩ Patrick Jory là Giảng viên cao cấp về Lịch sử Đông Nam Á tại Trường Lịch sử và Triết học, Đại học Queensland.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]