Các nhân vật người Vĩnh Long trong Phong trào Đông Du

Print Friendly, PDF & Email

 

Tác giả: Võ Hoàng Phong

  1. Đặt vấn đề

Với cái nhìn lịch sử, chúng ta biết đến Phan Bội Châu ở tư cách là một lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc, “một bậc anh hùng, một vị thiên sứ, đấng xả thân vì nền độc lập, được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn kính”. Trong cuộc đời cách mạng của cụ, có thể nói “thời huy hoàng” nhất đó là khoảng thời gian cụ dẫn dắt phong trào Đông Du và cũng không quá khi nói phong trào Đông Du có sức ảnh hưởng to lớn đến tiến trình giải phóng dân tộc. Bởi lẽ, sau khi phong trào tan rã thì những nhân vật đã từng tham gia phong trào Đông Du, họ là những nền tảng cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, đơn cử là ông Đặng Ngọ Sinh (Đặng Thúc Hứa) và ông Lưu Khai Hồng (Võ Tùng)…Đến năm 1946, một nhân vật của phong trào Đông Du cũng đã được bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đó là ông Đỗ Văn Y.

Về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du đã có rất nhiều học giả nghiên cứu và đã cho ra những tác phẩm có giá trị cao. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về những nhân vật tiêu biểu của Vĩnh Long tham gia Phong trào Đông Du.

  1. Đôi nét về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du ở Nam Kì

Đôi nét về Phan Bội Châu

Phan Bội Châu sinh năm 1867 mất năm 1940, tên thật là Phan Văn San hiệu là Sào Nam, ngoài ra còn có những bút hiệu khác như Thị Hán, Việt Điểu, Độc Kinh Tử…Ông sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, lúc 8 tuổi đã thông thạo các loại văn cử tử, 13 tuổi thi đỗ đầu huyện, 16 tuổi đỗ đầu xứ Nghệ nên cũng có người gọi ông là xứ San. Năm 1900, ông thi đỗ thủ khoa kì thi Hương ở trường Nghệ.

Từ nhỏ Phan Bội Châu đã sớm có tinh thần yêu nước, ông đã tham gia rất nhiều các phong trào chống Pháp, như khi kinh thành Huế thất thủ ông đã tổ chức một đội “thí sinh quân” gồm 60 người để ứng nghĩa lời kêu gọi của chiếu Cần Vương. Nếu như vào năm 1900, sau khi thi đỗ giải nguyên ông chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng thì năm 1905 đánh dấu sự huy hoàng trong cuộc đời hoạt động của ông. Sự huy hoàng ấy gắn liền với phong trào Đông Du do ông lãnh đạo từ 1905 đến 1908. Trong thời gian này ông đã tổ chức gần 200 thanh niên yêu nước xuất dương sang Nhật học tập nhằm đào tạo ra những nhân tố mới về cả tư tưởng lẫn cách thức để mưu đồ đánh Pháp giành độc lập. Mặc dù phong trào chỉ tồn tại trong khoảng 3 năm  (1905 – 1908) nhưng đã góp phần tạo nên một luồn gió mới cho các phong trào chống Pháp sau khi tiếng súng trên núi Vụ Quang đã tắt. Trải qua nhiều biến cố, từ năm 1911 đến 1926, con đường hoạt động cách mạng của ông tuy có nhiều lần gián đoạn và có những sự biến đổi về mặt tư tưởng, nhưng lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh Pháp giành lại nền độc lập trong ông không bao giờ thay đổi. Từ năm 1926 trở đi, ông bị cách ly với thực tế đấu tranh của dân tộc, tuy vậy ông vẫn cố vươn lên, hy vọng tiếp tục hoạt động cứu nước. Nhưng năm tháng cuối đời, Phan Bội Châu vẫn chan chứa biết bao nỗi niềm thế sự. Cho đến trước ngày mất, ngày 29/10/1940, tại căn nhà ở Bến Ngự, ông vẫn có lời “chúc phường hậu tử tiến mau”.

Phong trào Đông Du ở Nam Kì

Là “con đẻ” của Duy Tân hội, với sự hoạt động tích cực khắp cả nước của các hội viên, phong trào Đông Du bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào những năm đầu của thế kỉ XX. Nhưng khi bắt đầu phong trào Đông Du, số lượng người tham gia của Nam kì hầu như bằng không. Trong hồi kí của mình Phan Bội Châu viết “Du học tuy chưa được bao nhiêu người nhưng Trung Kì, Bắc Kì đã thấy có người, không bảo là không ảnh hưởng. Duy chỉ có Nam Kì còn vắng ngắt nên tính cách vận động mới xong”.

Sau khi tính kế đưa sự ảnh hưởng của phong trào Đông Du tới Nam Kì, Phan Bội Châu đã cho dịch và in  “Ai cáo Nam Kì”  dùng làm tài liệu vận động nhân dân Nam Kì theo Đông Du. Với chỉ 4 câu khởi đầu của bài, nhưng đã tác động cực kì to lớn đến nhân dân Nam Kì:

Than ôi! Lục tỉnh Nam Kì!

Ngàn năm cơ nghiệp còn gì hay không?

Mịt mù một giải non sông,

Hỡi ai, ai có đâu lòng chăng ai?…

Từ khi được sự vận động của cụ, nhân dân Nam Kì bắt đầu biết đến và bắt đầu tham gia phong trào. Trong hồi kí, cụ viết “Nam Kì phụ lão vài người đến Hương Cảng, các thảy đều bí mật xuất cảnh nên không dám ở lâu, yêu cầu được gặp ông”.

Trở lại việc Phan Bội Châu phải tính cách vận động nhân dân Nam Kì, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quy tụ lực lượng, cũng như các du học sinh cho việc xuất dương, ta thấy còn có những nguyên nhân từ lịch sử xa xưa. Bởi lẽ, đất Nam Kì là đất phát tích của các chúa Nguyễn, nơi đây là vùng đất dồi dào về nhân lực và vật lực giúp ích rất lớn cho việc Đông Du. Bằng chứng là trong giai đoạn phong trào Đông Du diễn ra từ năm 1905 đến 1908, chỉ tính riêng Nam Kì đã đóng góp tới 4 vạn tiền Đông Dương cho quỹ du học. Trong niên biểu Phan Bội Châu viết “Gửi nhiều nhất là Nam Kì tiếp đến là Trung Kì và Bắc Kì”. Với những sự đóng của Nam Kì mà phong trào Đông Du có những nền tảng vững chắc hơn để thực hiện. Trong hồi kí Phan Bội Châu viết về việc trù liệu vấn đề tài chính cho việc du học, lúc bấy giờ tài chính hạn hẹp, sức tiếp tế trong nước rất hèn mỏng “duy chỉ có Nam Kì học phí có dồi dào chút đỉnh, nhờ đó mà múc bên kia, xối bên nọ…”. Với những dẫn chứng trên đủ cho ta thấy Nam Kì có những đóng góp không nhỏ cho Đông Du. Bên cạnh tài lực, thì con người Nam Kì cũng có những tố chất nhất định, được Phan Bội Châu nhận xét trong hồi kí như sau “Người Nam Kì có ý phác thành…”, tức người phương nam có sự thành thực và chất phác, từ đó có thể vận động họ theo Đông Du và đào tạo ra lớp kế cận gồm những du học sinh xuất sắc cho việc phục vụ mục tiêu cách mạng trong thời gian sau.

Phong trào Đông Du ở phía Nam cũng sôi nổi không kém gì Trung và Bắc kì, trong những lần vào Nam ra Bắc của mình Phan Bội Châu đã đưa những tư tưởng mới về Đông Du vào sâu trong những làng quê Nam Bộ, cho đến khi phong trào phát triển mạnh thì “ Nghe đâu ở Nam Kì, có bậc cha mẹ sau khi hay tin con trốn đi du học hồi đêm, thì sáng hôm sau gia đình hô hoán là con trúng gió đột ngột qua đời, rồi giả đám tang che mắt bọn quan lại địa phương”. Điều này cho thấy nhân dân Nam Kì, đã rất có tinh thần tham gia Đông Du trong đó Vĩnh Long được xem là lá cờ đầu.

  1. Những nhân vật tiêu biểu ở Vĩnh Long tham gia Đông Du

Như đã trình bày, trong phong trào Đông Du ở Nam Kì, Vĩnh Long được xem là lá cờ đầu. Xin đơn cử một vài dẫn chứng để chứng minh điều này. Trong năm 1905, ở mỗi miền hình thành các trung tâm tuyển chọn người đi du học, miền Trung có Nghệ – Tĩnh, miền Bắc có Hà Nội – Hà Đông và Nam Định, ở Nam Kì có Gia Định, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Theo Nguyễn Thúc Chuyên trong quyển 157 nhân vật xuất dương trong phong trào Đông Du thì ở Nam Kì số người xuất dương du học nhiều nhất là ở Vĩnh Long. Xin dẫn chứng bảng thống kê sau:

Nam Kì Trung Kì Bắc Kì
Tỉnh Số lượng Tỉnh Số lượng Tỉnh Số lượng
Vĩnh Long 23 Thanh Hóa 05 Hà Nội 06
Đồng Tháp 09 Nghệ An 32 Hà Tây 04
Trà Vinh 03 Hà Tĩnh 13 Nam Định 08
Cần Thơ 02 Huế 02 Thái Bình 01
Kiên Giang 02 Quảng Nam 07 Bắc Ninh 04
Tp. Hồ Chí Minh 04 Quảng Ngãi 03 Hưng Yên 02
Long An 01 Bình Định 01 Hải Phòng 01
Chưa xác định được tỉnh 03 Chưa xác định được tỉnh 04 Chưa xác định được tỉnh 07

Dựa vào bảng thống kê trên ta thấy Vĩnh Long là tỉnh có số lượng người theo phong trào Đông Du xuất dương lớn thứ hai cả nước chỉ sau Nghệ An, quê hương của phong trào này. Sau đây xin liệt kê các nhân vật tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long tham gia phong trào Đông Du:

  1. Trần Văn An (Trần Phúc An; Trần Huy Thánh) (1897 – 1941). Quê quán: Tổng Bình Phú, Trà Ôn, Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 10 tuổi (1907). Ông được xếp vào học trường tiểu học Koshikawa. Đến năm 1909 chuyển sang trường Rekiser.
  2. Lâm Bình, quê quán Tam Bình Vĩnh Long, xuất dương sang Nhật năm 1907. Ông có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ tiền bạc gửi sang Nhật cho du học sinh Đông Du.
  3. Hoàng Văn Cát (Hoàng Văn Chất) quê quán Tam Bình Vĩnh Long, là hội viên của hội duy tân Đông Du. Xuất dương sang Nhật năm 1907. Có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt là ông đã gửi con trai của mình ở lại Nhật học. Về sau hoạt động bị bại lộ, ông bị Pháp bắt giam và qua đời trong ngục.
  4. Lâm Cần, quê quán Tam Bình Vĩnh Long là con trai của Lâm Bình, xuất dương sang Nhật năm 1907. Học ở trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin). Ông đã đóng góp 2000 đô la vào quỹ du học.
  5. Nguyễn Xương Chi (Nguyễn Mạnh Chi; Nguyễn Tổ Chi; Nguyễn Mạch Chi), quê quán tỉnh Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907, học trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin). Năm 1913, sau khi bị trục xuất khỏi Nhật, ông theo Cường Để sang châu Âu.
  6. Hoàng Hữu Trí, quê quán tỉnh Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907. Ông là lớp đầu tiên của thanh niên Nam Kì sang Nhật, được xếp vào lớp đặc biệt của trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin). Năm 1908 bị trục xuất khỏi Nhật.
  7. Hoàng Công Đán, quê quán tỉnh Vĩnh Long, là một nhân sĩ tích cực của phong trào Duy Tân Đông Du ở Nam Kì. Xuất dương sang Nhật năm 1908. Sau khi về nước ông đã vận động đóng góp được 200.000 đô la cho phong trào. Tháng 5/1908 bị Pháp bắt giam.
  8. Trần Văn Định (1866 – 1911) hiệu là Tri Chỉ quê quán Bình Phú, Trà Ôn, Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907 cùng hai con trai là Trần Văn An và Trần Văn Thư. Sau khi về nước ông đã ra sức vận động trên dưới 60 học sinh sang Nhật. Ông bị Pháp bắt năm 1910 nhưng sau đó được thả ra do đấu tranh của nhân dân Nam Kì. Ông mất vào tháng 6/1911 do làm việc quá sức khi vận động tuyên truyền cho phong trào Đông Du.
  9. Hoàng Vĩ Hùng (1894 – 1917) quê quán Tam Bình Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907 khi mới 13 tuổi được xếp vào trường tiểu học Rekisen. Ở đây ông nổi tiếng học giỏi không bao giờ rớt xuống quá hạng 5. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật, trong quá trình hoạt động không may ông bị lây bệnh truyền nhiễm và mất năm 23 tuổi.
  10. Hoàng Hưng (Hoàng Văn Nghị) quê quán Tam Bình Vĩnh Long, xuất dương sang Nhật năm 1907. Bị Pháp đày đi Côn Đảo năm 1913. Sau khi được trả tự do ông trở về Vĩnh Long tiếp tục hoạt động và làm quản lí tàu Vĩnh Thuận chạy đường thủy Vĩnh Long – Sài Gòn.
  11. Lưu Do Hưng (Lưu Đỗ Hưng) quê quán Trà Ôn Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907 được xếp vào lớp đặc biệt của trường Đồng Văn thư viện. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật ông theo Cường Để sang Xiêm cuối năm 1908.
  12. Lý Liễu (1892 – 1936), quê quán Tam Bình Vĩnh Long. Xất dương sang Nhật năm 1907 lúc 15 tuổi. Được xếp vào lớp Đặc biệt của trường Đồng Văn thư viện. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật ông sang Trung Quốc tham gia chế tác đạn dược sau đó bị Pháp bắt và đem về nhà lao Hỏa Lò Hà Nội. Sau đó ông vượt ngục sau một thời gian bôn ba với lòng luôn hướng về cách mạng, ông bỏ vợ con trở về Nam Kì hoạt động. Từ năm 1929 – 1934 thì bị Pháp bắt và đày đi Côn Đảo và mất trong ngục năm 44 tuổi.
  13. Bùi Mộng, quê quán Vĩnh Thanh Vĩnh Long nay thuộc Cần Thơ. Xuất dương sang Nhật năm 1908, sau đó bị Pháp bắt, sau một thời gian giam giữ ông được trả tự do. Cuối đời ông mất tại Cần Thơ.
  14. Trần Ngọ quê quán Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật ông sang Trung Quốc hoạt động. Sau đó bị Pháp bắt đem về nhà giam Hỏa Lò, sau đó bị đày sang Nam Mỹ.
  15. Bùi Chi Nhuận hiệu Mộng Vũ quê quán Nhật Tảo, Tân An, Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật ông theo Phan Bội Châu sang Xiêm hoạt động sau đo bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo năm 1913.
  16. Trần Chí Quân quê quán Trà Ôn Vĩnh Long xuất dương sang Nhật Năm 1907, được xếp vào lớp đặc biệt của trường tiểu học Koshikawa.
  17. Phạm Văn Tâm quê quán Châu Thành Vĩnh Long là một công chức giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông tham gia phong trào Đông Du và được Phan Bội Châu cử làm hội trưởng của hội “Việt Nam Thương Đoàn công hội” một tổ chức có nhiệm vụ tiếp đón học sinh đưa sang Nhật. Năm 1910, ông bị Pháp bắt ở Tân Gia Ba cùng với Cường Để. Năm 1913, sau khi được trả tự do. Ông là người có công đưa Cường Để đi Mỹ Tho và Vĩnh Long một cách an toàn.
  18. Đặng Bỉnh Thành mất năm 1914 quê quán Trà Ôn Vĩnh Long. Ông giỏi tiếng Hán và tiếng Pháp. Xuất dương sang Nhật năm 1907, ông là người chịu trách nhiệm in ấn tài liệu tuyên truyền cho phong trào Đông Du gửi về Nam Kì. Ông bị Pháp bắt năm 1908 sau đó được trả tự do đến năm 1914 ông lại bị Pháp bắt ở Hương Cảng sau đó đày ra Côn Đảo và mất trong ngục.
  19. Hoàng Quang Thành quê quán Trà Ôn Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907, học trường Đồng Văn thư viện. Ông được giao nhiệm vụ làm ủy viên của kỉ luật bộ ủy viên thuộc tổ chức nội bộ du học sinh tại Nhật. Sau khi bị Pháp bắt ông được trả tự do đến năm 1913, ông về Vĩnh Long và có công che giấu Cường Để ở đây.
  20. Trương Duy Toản (1885 – 1957), quê quán Tam Bình Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907, ông làm phiên dịch cho Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật, ông được Cường Để cử sang Pháp gặp Phan Chu Trinh sau đó bị Pháp bắt đưa về Khám Lớn Sài Gòn. Về sau được trả tự do.
  21. Lâm Tỷ quê quán Tam Bình Vĩnh Long, xuất dương sang Nhật năm 1907, học trường Đồng Văn thư viện khoa Tiếng Anh. Ông đã đóng góp 2.000 đô la vào quỹ du học. Năm 1913 bị Anh bắt tại Hồng Kông, sau đó được trả tự do. Ông là người cùng với Cường Để hoạt động từ Anh sang châu Âu.
  22. Hoàng Hữu Văn, quê quán tỉnh Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1908, học trường Đồng Văn thư viện. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật ông trở về quê nhà và tiếp tục hoạt động.
  23. Nguyễn Truyện (1892 – 1914) quê quán Tam Bình Vĩnh Long. Xuất dương sang Nhật năm 1907. Sau khi bị trục xuất ông sang Hương Cảng hoạt động. Sau đó bị Pháp bắt đem về nhà giam Hỏa Lò Hà Nội, kết án chung thân. Tuy nhiên, ông giả vờ ốm và dùng dao tự rạch bụng tự tử năm 1914, khi đó ông 22 tuổi.
  24. Nguyễn Thị Xuyến (Hiệu Trưng) quê quán tỉnh Vĩnh Long. Là vợ của Hoàng Hưng xuất dương sang Nhật năm 1907, sau đó bà được cử về Nam Kì làm nhiệm vụ liên lạc cho phong trào Đông Du. Nhà bà là nơi liên lạc, tiếp đón và tổ chức đưa các thanh niên Nam Kì sang Nhật.

4. Kết luận

Trong sự thất bại và bế tắc của khuynh hướng cứu nước phong kiến khi tiếng súng trên núi Vụ Quang không còn những năm đầu thế kỉ XX, phong trào Đông Du đã mở ra những đường hướng mới, những tư tưởng mới chống Pháp. Phong trào không chỉ có ảnh hưởng đến Trung Kì và Bắc Kì, Đông Du do Phan Bội Châu dẫn dắt còn có ảnh hưởng đến Nam Kì, đặc biệt là ở Vĩnh Long. Trong những lần vào Nam ra Bắc của cụ Phan Bội Châu, ông đã từng đến Vĩnh Long và gây dựng cơ sở phong trào Đông Du ở đây. Từ đó Vĩnh Long đã có những người tham gia phong trào Đông Du như đã trình bày và có những đóng góp đáng kể cho phong trào này. Bài viết chỉ dừng lại ở việc liệt kê các nhân vật tiêu biểu chứ không đi sâu vào chi tiết từng nhân vật do hạn chế về tài liệu. Thiết nghĩ việc đào sâu nghiên cứu về các nhân vật cụ thể trong những nhân vật tiêu biểu này cũng là một hướng nghiên cứu hay. Mong rằng sẽ có những bài viết đi theo hướng này.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thúc Chuyên, 157 nhân vật xuất dương trong phong trào Đông Du, NXB Nghệ An, 2007
  2. Chương Thâu, Nghiên cứu Phan Bội Châu, NXB Chính trị Quốc gia, 2004
  3. Chương Thâu, Phan Bội Châu niên biểu, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001
  4. Chương Thâu, Phan Bội Châu trong dòng thời đại bình luận và hồi ức, NXB Nghệ An, 2007

Võ Hoàng Phong là sinh viên Khoa Sư phạm chuyên ngành Sư phạm Lịch sử, Trường Đại Học Cần Thơ.

Bài do tác giả gửi cho Dự án Nghiên cứu Quốc tế. Một phiên bản của bài viết đã được đăng trên trang Nghiên cứu Lịch sử.

Hình: Thành viên Phong trào Đông du. Nguồn: Trung tâm Văn hóa Pháp cung cấp.