Ngô Quyền củng cố nền độc lập (939-944)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Ngô Quyền người xã Đường Lâm tỉnh Sơn Tây [theo An Nam Kỷ Yếu, quê tại  châu Ái, Thanh Hóa], là tướng giỏi của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nên được Tiết độ sứ gả con gái cho; rồi cho giữ Ái Châu. Sau khi phản tướng Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ [937], Ngô Quyền mang quân từ châu Ái ra Bắc, đánh Kiều Công Tiễn; Công Tiễn không chống nổi bèn mang của cải đút lót cho vua Nam Hán để xin cứu viện.

Đối phó với thù trong giặc ngoài, Ngô Quyền ra tay diệt tan bè lũ Kiều Công Tiễn trước, rồi chuẩn bị chiến trận chống Nam Hán. Vua Nam Hán muốn nhân loạn chiếm nước Việt, bèn sai con là Vạn vương Hoằng Thao mang thủy quân sang đánh, riêng Vua Hán đóng quân tại cửa biển để làm thế yểm trợ. Hậu quả Hoằng Thao chết trận, quân tan, vua Hán khóc ròng, rút quân trở về nước, Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang chép về sự kiện này như sau:

Tư Trị, quyển 281, Tấn Cao Tổ năm Thiên Phúc thứ 3 [938],

Tháng 10, tướng cũ của Dương Diên Nghệ [楊延藝][1] là Ngô Quyền mang quân đánh Kiều Công Tiễn tại Giao Châu; Công Tiễn sai sứ hối lộ cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Hán muốn thừa lúc loạn đánh lấy, bèn cho con là Vạn vương Hoằng Thao làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ tiến phong Giao vương, mang quân cứu Công Tiễn; vua Hán đích thân đóng tại cửa biển để làm thế thanh viện. Vua Hán hỏi Sùng văn sứ Tiêu Ích về sách lược, Ích tâu:

‘Nay trời mưa lâm râm suốt tuần, đường biển xa xôi hiểm trở, Ngô Quyền lại là tay kiệt hiệt, nên không thể khinh địch. Đại quân cần từ từ thận trọng, dùng nhiều hướng đạo dân địa phương, mới nên tiến.’

Vua không nghe, ra lệnh Hoằng Thao điều chiến thuyền theo sông Bạch Đằng tiến vào Giao Châu. Lúc này Quyền đã giết Công Tiễn, chiếm toàn Giao Châu, rồi mang quân đánh ngược lại. Trước hết tại cửa biển cho chôn cọc vót nhọn có bọc sắt; lại sai khinh binh khiêu chiến rồi giả thua rút. Hoằng Thao xua quân đuổi; chẳng bao lâu thuỷ triều xuống, tàu vướng cọc sắt không rút lui được, quân Hán thua to, quan quân bị lật tàu chết trôi quá nữa.[2] Hoằng Thao chết, vua Hán gào khóc, thu tàn quân trở về. Trước đó, Tả lang hầu Dung khuyên vua Hán bớt việc binh để yên dân, nay do dùng binh không phấn chấn, bèn qui lỗi cho Dung, sai phá quan tài phơi thây.”[3]

Một bộ sử khác của Trung Quốc, Tân Ngũ Đại Sử do Âu Dương Tu soạn, cũng chép tương tự:

Năm thứ 10 [937], Nha tướng Giao Châu Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ lên ngôi; tướng cũ của Đình Nghệ là Ngô Quyền đánh Giao Châu; Công Tiễn xin quân Nam Hán tiếp viện. Cung phong cho con, Hoằng Thao là Giao vương, ra quân đánh tại sông Bạch Đằng; Cung đóng quân tại cửa biển. Quyền sau khi giết Công Tiễn, đánh ngược ra cửa biển, cắm cọc sắt. Quân của Quyền chờ thuỷ triều lên bèn rút; đợi thuỷ triều xuống bèn quay thuyền  lại đánh, thuyền  quân Nam Hán vướng phải cọc đều lật đổ; Hoằng Tháo chết, Lưu Cung thu tàn quân trở về.” [Tân Ngũ Đại Sử, Quyển 65, Nam Hán, Thế Gia quyển thứ 5][4]

Hộp 1: Yếu tố địa hình trong việc chống lại các cuộc xâm lăng từ phương Bắc

Cùng một dòng, 2 lần đại phá quân địch; một việc ít khi xãy ra trong lịch sử chiến tranh thế giới. Tuy cũng là thủy chiến, cũng đóng cọc trên sông; hơn 300 năm sau [1288] Hưng Đạo vương lại tiêu diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, bắt và giết các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp; chỉ khác một chi tiết là đánh giặc khi chúng rút lui từ trong nội địa Đại Việt ra biển. Một dòng sông khác, cách sông Bạch Đằng không xa; đó là sông Như Nguyệt [sông Cầu], Lý Thường Kiệt từng chế ngự giặc thành công, trong cuộc chiến tranh Lý Tống năm 1076.

Đất nước Việt Nam ta núi sông hiểm trở không thiếu, tại địa danh sông Chi Lăng [thượng lưu sông Thương], vua Lê Đại Hành dụ bắt giết Hồng Nhân Bảo, chấm dứt cuộc chiến tranh vào Lý Tống năm 981; lại gần 500 năm sau [1427], dưới thời chống quân Minh, tướng Liễu Thăng mang đại quân sang cứu viện, bị nghĩa quân của Vua Lê Lợi đánh tan tại ải Chi Lăng.

Kỵ binh là sở trường của quân phương Bắc, đạo quân của Nùng Trí Cao dưới thời Tống từng hoành hành tại 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông như chỗ không người; chỉ trong vòng 2 tháng, đánh chiếm hàng chục châu quận trong đó có thành lớn Ung châu [Nam Ninh]; nhưng cuối cùng bị Địch Thanh dùng kỵ binh đánh tan trong một buổi sáng, tại cánh đồng bằng phẳng Qui Nhân Phố dưới chân núi Côn Lôn. Trong cuộc chiến tranh Lý Tống Quách Quì dùng 1 vạn kỵ binh; thời nhà Trần, quân Mông Cổ dưới quyền Trấn nam vương Thoát Hoan sử dụng ưu thế kỵ binh hầu mong nuốt chửng nước ta; nhưng địa thế nước ta khó có thể dàn trận lớn bằng kỵ binh, lại bị quân ta đánh tiêu hao người, ngựa, bằng chiến tranh hầm hố, nên hai lần xâm lăng đều bị thất bại. Thời hiện đại gọi xe tăng thiết giáp là kỵ binh [Armoured cavalry], địa thế tại Việt Nam miền Bắc, và Trung phần lớn núi rừng, miền Nam đất mềm nhiều sinh lầy, nên thiết giáp chỉ phụ cho bộ binh; chứ không thể dàn hàng ngang hàng trăm chiếc để làm chủ chiến trường, như quân Đồng Minh và Đức từng tung hoành tại sa mạc châu Phi thời Thế chiến thứ 2.

Trong chiến tranh Nga Nhật năm 1905, hạm đội Nga trú an toàn tại hải cảng Cam Ranh nước ta, Nhật không có cách gì tiêu diệt, cuối cùng phải dùng biện pháp ngoại giao với Pháp, đuổi tàu Nga ra khỏi lãnh hải Việt Nam để đánh. Hải trình huyết mạch quốc tế từ ngàn xưa đến nay chạy dọc theo biển Đông tức ven biển miền Trung; Cam Ranh nước ta là vị trí chiến lược tối quan trọng, với vũ khí hiện đại có thể kiểm soát hải trình này, và chống lại các thế lực vượt trội ta ngoài biển khơi.

***

Sau khi dẹp xong ngoại xâm, năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền tự xưng Vương, đóng đô tại Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội ngày nay; lập Dương thị làm hoàng hậu. Dương Hậu là con gái Dương Diên Nghệ; thời Ngô Quyền còn làm nha tướng được Diên Nghệ gả con gái cho.

Năm Giáp Thìn [944] Ngô Vương Quyền mất. Lúc bệnh nguy kịch, trối trăng dặn Dương Tam Kha, em ruột Dương hậu, giúp con mình là Xương Ngập nối ngôi.

Sử thần Lê Văn Hưu đời Trần có lời bàn về Ngô Quyền, tuy ngắn nhưng nội dung có thể tóm tắt được sự nghiệp:

Lê Văn Hưu nói:

Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.” [ ĐạiViệt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại kỷ, quyển 5]

Sau khi Ngô vương mất, Tam Kha cướp ngôi của cháu, tiếm xưng là Bình vương; Xương Ngập sợ, chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương.[5] Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô Vương Quyền là Xương Văn làm con mình. Các con vợ thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Kiền Hưng còn nhỏ, đều theo Dương hậu.

Tam Kha sai Quan sứ Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi lùng Xương Ngập: trước sau đến ba lần đều không bắt được. Được tin Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập giấu trong động núi; Tam Kha  cho sục sạo, cuối cùng vẫn không tìm thấy. Tam Kha lại sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cùng Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình.[6] Khi đi đến huyện Từ Liêm, Xương Văn bảo hai Quan sứ rằng:

Đức trạch của Tiên vương[7] ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả. Chẳng may Tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình vương là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, còn tội gì hơn nữa! Nay lại sai chúng ta đi đánh các ấp vô tội kia, may mà được, nếu họ không phục thì làm thế nào?

Hai Quan sứ Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc trả lời:

Tướng quân bảo như thế nào chúng tôi cũng xin vâng mệnh“.

Xương Văn bảo:

Ý tôi muốn đem quân quay về đánh úp Bình Vương để phục lại cơ nghiệp của tiền nhân, có nên không?“.

Hai Quan sứ đều cho là phải. Bấy giờ mới trở về đánh úp được Tam Kha; mọi người muốn giết đi, nhưng Xương Văn bảo:

Bình vương đối với ta cũng có ơn, nỡ nào đem giết?

Rồi giáng Tam Kha xuống làm Trương Dương công, nhân chỗ ở ấy cho làm thực ấp;[8] Tam Kha tiếm ngôi 6 năm.

Năm Tân Hợi (951) Ngô Xương Văn lên ngôi xưng là Nam Tấn vương; rồi sai sứ đón Xương Ngập ở thôn Trà Hương về kinh đô, cùng nhau trông coi việc nước. Sau đó Thiên Sách vương Xương Ngập chuyên quyền, nên Nam Tấn vương không tham dự chính sự nữa. Do đó hai anh em có sự xích mích; đến năm Giáp Dần [954], Xương Ngập mất, Nam Tấn vương mới chính mình cầm quyền; rồi sai sứ sang xin mệnh chúa Nam Hán là Lưu Thạnh phong chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ kiêm An Nam đô hộ; Tư Trị Thông Giám chép:[9]

“Chu Thế Tông Hiển Đức năm thứ nhất [954]                                          

Tháng giêng [2/954], trước kia Tĩnh hải tiết độ sứ Ngô Quyền mất, con là Xương Ngập lập. Xương Ngập mất, em là Xương Văn [昌文] lập. Tháng này mới bắt đầu xin mệnh Nam Hán; Nam Hán phong Xương Văn Tĩnh hải quân tiết độ sứ kiêm chức An Nam đô hộ.”[10]

Năm Ất Sửu [965], Nam Tấn vương đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Quân đến nơi, cắm thuyền, lên bộ đánh nhau; Nam Tấn vương bị trúng tên mai phục chết; trị vì được 15 năm.

Nhà Ngô mất. Ngô Vương Quyền khởi lên từ năm Kỷ Hợi, mất năm Giáp Thìn, được 6 năm [939-944]; Nam Tấn Xương Văn lên ngôi từ năm Tân Hợi đến năm Ất Sửu [951-965], được 15 năm (951-965); tổng cộng là 21 năm

Từ khi Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thổ hào các nơi đua nhau nổi dậy. Xương Văn tuy lấy lại được nước, nhưng hai anh em bất hòa, không thể thống nhất được; đến khi đi đánh Thái Bình, bị chết trận, từ đó trong nước rối loạn. Một viên tướng người họ Ngô là Ngô Xương Xí tụ tập quân giữ Bình Kiều. Nha tướng nhà Ngô là Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang. Thổ hào các nơi khác cũng nổi lên mỗi người giữ một nơi, ai cũng xưng hùng trưởng. Sau Tiên Hoàng nhà Đinh nổi lên, dẹp yên được cả, từ đấy giang sơn mới thống nhất.

Các hùng trưởng cát cứ các nơi, sử gọi là Thập Nhị Sứ Quân, xin liệt kê như sau:

1. Trần Lãm, tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải khẩu [thị xã Thái Bình];

2. Kiểu Công Hãn tự xưng là Kiểu Tam Chế, giữ Phong Châu [huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú];

3. Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình, giữ Nguyễn Gia Loan ở Tam Đái [huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú];

4.Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm [Ba Vì, Hà Tây];

5. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại [huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc];

6. Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du [tỉnh Bắc Ninh];

7. Lữ Đường tự xưng là Lữ Tá Công, giữ Tế Giang [huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc];

8. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt [Thanh Trì, Hà Nội];

9. Kiểu Thuận tự xưng là Kiểu Lệnh Công, giữ Hồi Hồ [huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú];

10. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu [huyện Kim Thị, tỉnh Hải Hưng].

11. Ngô Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều [huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa][11]

12. Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ Đỗ Động [Thanh Oai, tỉnh Hà Tây].

Ba nhân vật lịch sử phải chịu trách nhiệm về loạn 12 sứ quân cuối triều Ngô trước hết phải kể đến Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu, dùng binh đánh dân vô tội; kế đến Ngô Xương Văn vì tình riêng không có thái độ dứt khoát với Dương Tam Kha, nuôi dưỡng kẻ phản bội; và Ngô Xương Ngập được em đón về lại giành chức của em. Các biến cố xảy ra khiến nhân tâm chia rẽ, chính quyền mới bắt đầu xây, điều hành lỏng lẻo, không có kỷ cương, là những nguyên nhân chính gây nên loạn Thập Nhị Sứ Quân.


Chú thích

[1] Dương Đình Nghệ: vì chữ Đình [] và chữ Diên [延] viết giống nhau, nên có sách chép là Dương Diên Nghệ.

[2] Lợi dụng thủy triều để tranh thắng, điều quan trọng là thời gian phải chính xác. Lịch sử thế giới ca tụng danh tướng MacArthur đã thành công trong cuộc đổ bộ bất ngờ nguy hiểm tại hải cảng Inchon cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 25 dặm vào ngày 15/10/1950; cắt bán đảo Triều Tiên làm 2, khiến quân Bắc Hàn trên đường tấn công tại phía nam bị đánh tan, loại ra ngoài vòng chiến. Các nhà quân sự Bắc Hàn lúc bấy giờ cho rằng cảng Inchon nước cạn không thể dùng tàu đổ bộ, nên không chú ý đề phòng; nhưng họ không tính đến nước thủy triều lên cao trong một vài giờ, và tướng MacArthur đã dám chọn thời gian nghiệt ngã bất ngờ đó để tranh thắng. Thời MacArthur có đồng hồ chính xác từng giây, hải quân Hoa Kỳ thống kê mức thủy triều lên xuống từng phút; mà vẫn bị coi là liều lĩnh. Riêng Ngô vương phải sai người cắm cọc sắt như thế nào để lúc thủy triều lên địch không phát hiện được, thủy triều rút có thể đâm thủng thuyền giặc, rồi thời gian rút lui, thời gian tấn công cần phải chính xác; công việc tính toán về thủy triều cũng phải làm như MacArthur thực hiện khoảng 1.000 năm sau; so sánh như vậy mới thấy được Ngô vương là một thiên tài về quân sự.

[3] 楊延藝故將吳權自愛州舉兵攻皎公羨於交州,公羨遣使以賂求救於漢。漢主欲乘其亂而取之,以其子萬王弘操為靜海節度使,徙封交王,將兵救公羨,漢主自將屯於海門,為之聲援。漢主問策於崇文使蕭益,益曰:「今霖雨積旬,海道險遠,吳權桀黠,未可輕也。大軍當持重,多用鄉導,然後可進。」不聽。命弘操帥戰艦自白籐江趣交州。權已殺公羨,據交州,引兵逆戰,先於海口多植大□弋,銳其首,冒之以鐵,遣輕舟乘潮挑戰而偽遁,弘操逐之,須臾潮落,漢艦皆礙鐵杙不得返,漢兵大敗,士卒覆溺者太半;弘操死,漢主慟哭,收餘眾而還。先是,著作佐郎侯融勸漢主弭兵息民,至是以兵不振,追咎融,剖棺暴其屍。益,仿之孫也。

[4] 十年,交州牙將皎公羨殺楊廷藝自立,廷藝故將吳權攻交州,公羨來乞師。龑封洪操交王,出兵白藤以攻之。龑以兵駐海門,權已殺公羨,逆戰海口,植鐵橛海中,權兵乘潮而進,洪操逐之,潮退舟還,轢橛者皆覆,洪操戰死,龑收余眾而還。

[5] Trà Hương: thuộc huyện Kim Thành, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

[6] Thôn Thái Bình: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

[7] Chỉ Ngô Quyền.

[8] Thực ấp: ấp được phong, có quyền thu thuế và hoa lợi.

[9] Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang, quyển 291.

[10] 初,靜海節度使吳權卒,子昌岌立。昌岌卒,弟昌文立。是月,始請命於南漢,南漢以昌文為靜海節度使兼安南都護.

[11] Danh sách và vị trí Thập Nhị Sứ Quân, căn cứ vào Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục tiền biên quyển 5; riêng Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, bản điện tử, trang 34; chép Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều thuộc tỉnh Hưng Yên.