Lê Đại Hành dẹp loạn, phạt Tống, bình Chiêm

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vua Lê Đại Hành họ Lê tên Hoàn, người đất Ái Châu [Thanh Hóa],[1] làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; khi quân Tống xâm lược nước ta, đem quân ra chống cự thắng lợi, rồi thay nhà Đinh làm vua; ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941 – 1005]. Vua trừ nội loạn lên ngôi, đuổi giặc ngoại xâm yên dân, trong nước thanh bình.

Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy hạt chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào; đến ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu [941], sinh ra vua. Bà mẹ thấy con tướng mạo khác thường, lại nhân giấc mộng suy ra, bảo với mọi người rằng:

Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó“.

Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên Quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói:

Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được“.

Lại thấy cùng họ, nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn, tỏ ra phóng khoáng, có chí lớn. Vua Đinh Tiên Hoàng khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 1 nghìn quân sĩ, thăng dần đến chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ.

Tháng 10 năm Kỷ Mão [979] Vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị thích khách giết, bấy giờ vua nối dõi Đinh Toàn mới 6 tuổi; Lê Hoàn nhiếp chính, xưng là Phó vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết. Trước đó khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu Dương thị nghe tin, lo sợ bảo Hoàn rằng:

Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi việc trừ nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau“.

Hoàn nói:

Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết biến họa thế nào, đều phải đảm đương trách nhiệm“.

Rồi lo chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô.[2] Điền, Bặc thua chạy, lại đem quân thủy ra đánh. Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Điền tại trận, bắt được Bặc đóng cũi đưa về kinh sư, kể tội rằng:

Tiên đế mắc nạn, thần và người đều căm thẹn. Ngươi là bề tôi con lại nhân lúc tang tóc bối rối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con có đâu như thế?”.

Bèn chém đầu đem bêu cho công chúng thấy. Điền, Bặc đã chết, quân Phạm Hạp mất hết khí thế, tan chạy về hương Cát Lợi ở Bắc Giang; Hoàn dẫn quân đuổi theo, bắt sống được Phạm Hạp đem về Kinh sư.

Bấy giờ, Vua Tống Thái Tông Trung Quốc thấy tình trạng nước ta Vua bị giết, trong nước có loạn, muốn thừa dịp mang quân xâm lăng. Lại nhân nội bộ triều Tống, hai viên tân, cựu Tễ tướng Lư Đa Tốn và Triệu Phổ hiềm khích với nhau; Lư Đa Tốn tâu vua đày Hầu Nhân Bảo, cháu ngoại Triệu Phổ làm Tri Ung châu [Nam Ninh, Quảng Tây], không được trở về kinh đô. Nhân Bảo sợ bị chết già tại Ung châu, nên nhân loạn tại nước Đại Cồ Việt, bèn dâng sớ xin về kinh đô để tâu trình chi tiết. Không muốn cho Nhân Bảo về triều, Lư Đa Tốn xin Vua sai Hầu Nhân Bảo mang quân đi đánh An Nam gấp, như “sấm sét không kịp bịt lỗ tai”, để tạo thế bất ngờ. Thấy có lý, Vua Tống bèn chấp nhận. Sự việc được ghi lại trong bộ sử Tục Tư Trị Trường Biên[3] như sau:

Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]

Tháng 6, Thái thường bác sĩ tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo; nhân người cha tên Ích sống tại Lạc Dương, có nhà lớn ruộng tốt, sống nhàn du thích thản, không muốn làm quan, vợ là em gái của Triệu Phổ, Phổ là Tễ tướng, Nhân Bảo làm quan tại phân ty tây kinh. Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, nên tâu vua cho Nhân Bảo làm Tri Ung Châu, trong vòng 9 năm không được trở về kinh. Nhân Bảo sợ thời gian kéo dài chết già nơi xa xôi ngoài Ngũ Lãnh, bèn dâng sớ tâu rằng:

‘Chủ soái Giao Châu bị hại, nước này có loạn, có thể mang quân lấy được; xin ban chiếu chỉ cho về kinh, trực tiếp tâu, khiến tình trạng được rõ ràng.’

Nhận được tờ sớ vua rất mừng, mệnh cho dịch trạm gọi đến. Lúc mệnh chưa thi hành, thì Đa Tốn bèn tâu:

‘Giao Chỉ nội bộ nhiễu loạn, đây là lúc trời bắt diệt vong. Triều đình nên thừa lúc không ngờ, mang quân tập kích, như sét đánh không kịp bịt tai. Nay nếu gọi Nhân Bảo về triều, tất tiết lộ cơ mưu, bọn man biết được, dựa vào sông núi dự bị, thì không dễ gì chiếm. Chi bằng giao cho Nhân Bảo thi hành cấp tốc, ước tính công việc, tuyển tướng đều quân Kinh Hồ [Hồ Bắc, Hồ Nam] 1,2 vạn, tiến nhanh đuổi dài, thế tất vạn toàn, dễ hơn bẻ cành khô, củi mục’.

Nhà Vua cho là phải.”[4]

Vua Tống Thái Tông bèn ra lệnh cho các đạo quân thủy bộ từ Ung châu [Nam Ninh], Liêm châu, và kinh sư lên đường viễn chinh, dưới quyền chỉ huy của Hồng Nhân Bảo:

“Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]

Ngày Đinh Vị tháng 7 mùa thu [19/8/980], dùng Nhân Bảo làm Thủy lục chuyển vận sứ Giao Châu; Đoàn luyện sứ Lan Châu Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Hác Thủ Tuấn, Án bí khố sứ Trần Khâm Tộ, Tả giám môn vệ tướng quân Thôi Lượng, tổng phối trí lộ binh mã Ung Châu. Thứ sử Ninh Châu Lưu Trừng, Quân khí khố phó sứ Giả Thực, Cung phụng quan cáp môn chi hầu Vương Soạn, Tổng phối trí lộ binh mã Liêm Châu; thủy lộ cùng tiến đánh dẹp. Ngày Canh Tuất [22/8] bọn Toàn Hưng vào từ biệt; mệnh Tiến sứ Lương Huýnh tiễn tướng sĩ hành doanh tại vườn Ngọc Tân.”[5]

Bấy giờ quan tại Lạng Châu [Lạng Sơn] nước Đại Cồ Việt nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn mang quân đi đánh giặc, dùng người ở Nam Sách Giang[6] là Phạm Cư Lạng làm đại tướng quân. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng:

Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn“.

Quân sĩ nghe vậy đều hô:

Vạn tuế “.

Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn[7] khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, năm thứ nhất [980], giáng phong vua cũ Đinh Toàn làm Vệ Vương.

Tháng 10 vua sắp phát binh, trước đó sai nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang Tống giả làm thư của Vệ Vương Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban cho mệnh lệnh chính thức, ý muốn hoãn binh nhà Tống. Nhưng lúc này vua Tống đang điều quân sang đánh nước ta, nên dìm đi không trả lời; sự việc chép trong Trường Biên như sau:

“Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]

Ngày Canh Tý tháng 11 [10/12/980], Lê Hoàn sai Nha hiệu Giang Cự Sâm [Vọng], Vương Thiệu Tộ mang sản vật địa phương đến cống; vẫn lấy tên Đinh Toàn dâng biểu, tự bảo rằng theo lời xin của tướng lại quân dân lãnh Tiết độ hành quân tư mã, tạm lãnh việc quân vụ; xin triều đình chính thức ban mệnh. Bấy giờ quân Tôn Toàn Hưng đã khởi hành, vua xét ý Hoàn muốn hoãn binh, nên dìm không đáp.”[8]

Sử nước ta, Toàn Thư chép về cuộc chiến như sau:

Mùa xuân, tháng 2, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng.[9] Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế.” (Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 1)

Phối kiểm với Trường Biên sử Trung Quốc, xác nhận thủy quân Trung Quốc chiến thắng tại cửa sông Bạch Đằng, nhưng không liên lạc được với bộ binh.  Cũng tương tự với Toàn Thư, chép bị mắc mưu trá hàng, chủ tướng Tôn Toàn Hưng bị giết; riêng tù binh như Quách Quân Biện thì Trường Biên ghi vào năm Tống Ung Hy thứ 3 [986], Sứ thần Lý Nhược Chuyết sang nước ta nhận về.[10] Lại chép thêm quân Tống lúc trở về, rã ngũ cướp phá; các tướng lãnh bị xử tử, trách phạt nặng nề. Sự kiện ghi trong 2 văn bản dưới đây:

“Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]

Ngày Tân Mão tháng 12 [30/1/981], hành doanh Giao Châu báo phá hơn vạn quân giặc, chém 2.345 thủ cấp.”[11]

Trường Biên, quyển 22. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 6 [981]

Tháng 3, hành doanh Giao Châu báo đánh phá quân giặc vạn 5 ngàn tại cửa sông Bạch Đằng, chém hơn 1.000 thủ cấp, lấy được 200 chiến thuyền, áo giáp hàng vạn. Ngay lúc đó Hầu Nhân Bảo đốc suất tiền quân tiến trước; bọn Tôn Toàn Hưng đóng quân tại Hoa Bộ 70 ngày để đợi Lưu Trừng, Hầu Nhân Bảo đốc thúc nhưng không đi. Khi Trừng đến, cùng theo đường thủy bộ đến thôn Đa La nhưng không gặp giặc, lại tự tiện trở về Hoa Bộ. Giặc hứa hàng để dụ Nhân Bảo; Nhân Bảo tin nên bị hại. Có 2 quân thua trận chạy về ấp chợ, đoạt tiền dân, bị Chuyển vận sứ Chu Vị bắt chém; những kẻ đến sau đều ra lệnh cởi áo giáp đi vào, dân mới yên. Lúc bấy giờ quân trải qua lam chướng, lại có nhiều người chết; Chuyển vận sứ Hứa Trọng Tuyên chuyển thư tâu Nhân Bảo tử trận, lại xin ban sư; không đợi báo, chia quân đồn trú tại các châu, mở kho ban thưởng, cấp cho thuốc men; rồi bảo rằng: “Nếu chờ cho phép, thì mấy vạn người đều chất thây nơi đồng rộng”.

Tiếp đó dâng sớ tự đàn hặc, chiếu thư khen [Trọng Tuyên] và chấp thuận; sai sứ hặc tội bọn Trừng. Rồi Vương Soạn bị bệnh chết, Trừng và Giả Thực bị giết tại chợ Ung Châu. Bắt bọn Toàn Hưng vào ngục, xử tử Toàn Hưng; Trần Khâm Tộ, Hác Thủ Tuấn, Thôi Lượng đều bị trách phạt, giao cho chức Đoàn luyện phó sứ, Khâm Tộ tại Khánh châu; Thủ Tuấn tại Từ châu; Lượng tại Lam châu. Truy tặng Nhân Bảo Thị lang bộ Công, cho 2 con ra làm quan.”[12]

Nhân Chuyển vận sứ Điền Tích dâng sớ can gián việc gây hấn với nước ta, Vua Tống Thái Tông đưa lời biện bạch, và hứa chấm dứt chiến tranh:

Ngày Nhâm Dần tháng 9 [8/10/981], dùng Điền Tích làm Chuyển vận phó sứ Hà Bắc nam lộ, Tích vào triều từ biệt, nhân tiến dâng mật tấu như sau:

“…Nay Giao Chỉ chưa lấy được, chiến sĩ không lập được công, sách Xuân Thu[13] chép “Quân mệt, phí tiền tài” binh thư cho rằng “quân lính yếu nhụt, nhuệ khí tỗn thương”. Thần nghe thánh nhân không ham mở rộng cường thổ, chỉ mong mở rộng đức trạch; nếu thanh danh giáo hóa vươn ra, thì kẻ phương xa tự tìm đến. Thần đọc Hàn Thi Ngoại Truyện chép thời Chu Thành Vương, sứ Việt Thường trải qua mấy lần thông dịch đến cống. Chu Công hỏi lý do, thì bảo rằng:

‘Nước tôi 3 năm nay không thấy gió bão, mưa lụt, biển không có sóng giữ. Chắc Trung Quốc có thánh nhân, nên đến triều kiến.’

Như vậy thấy rằng không cần dùng thêm binh, tự nhiên nội phụ. Giao Châu ở nơi biển lam chướng, chiếm được như thu hoạch ruộng đá. Xin Bệ hạ nghĩ đến chinh chiến quân lính lao khổ, phải tiêu dùng nhiều, thương người, tiếc sức, không đồn trú binh khiến tiêu phí của cải; tu sửa đức, khai phục đất hoang, không vơ vét trong nước để lo chinh chiến bên ngoài, gấp ban chiếu cho họ, khoan hồng bỏ việc đánh dẹp; hà tất phải mệt nhọc giận dữ đối với man nhỏ bé phương nam; đó là một trong những điều đại thể…..”

Vua ban cho chiếu thư rằng:

“Xét nội dung tấu thư đưa lên, dùng điển tích cũ để can gián việc hiện tại, có những điều phạm bề trên nhưng không che dấu, ở địa vị phải trình bày những điều nên làm, hoặc cải bỏ, can đảm dám nói, phản tỉnh suy tư, đáng khen. Nhưng việc nước, xét có những nguyên nhân. Trẫm cho rằng Giao Chỉ xưng là phiên thần, đời đời lo chức cống; mới đây nghe tin tặc thần soán đoạt, hại cả gia đình chủ soái, bèn cử binh để cứu giúp; không phải vì tham đất đai, nay bỏ việc can qua….”.[14]

***

Về việc bất hòa với nước Chiêm Thành; kể từ khi vua Đinh Tiên Hoàng mất đến dưới thời vua Lê Đại Hành, trong vòng 4 năm xảy ra 3 vụ:

-Vụ thứ nhất vào cuối năm 979, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng bị thích khách giết; thủ phạm “cõng rắn cắn gà nhà ” là con rể Đinh Tiên Hoàng, Phò mã Ngô Nhật Khánh. Do Tiên Hoàng lấy mẹ Nhật Khánh làm vợ, nên y thù hận; thừa dịp vua Đinh mất, xui người Chiêm Thành vào cướp phá Đại Cồ Việt, Toàn Thư chép như sau:

Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác[15] và Tiểu Khang,[16] qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là  cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gã cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới[17] rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng:

‘Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta’.

 Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng bang hà, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp.”

-Vụ thứ hai, do nước Chiêm Thành bắt giữ Sứ thần Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành bèn mang quân rửa hận, đánh đến tận kinh đô nước này:

Nhâm Ngọ, năm thứ 3 (982).

Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế[18] tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.” (Toàn Thư, Bản Kỷ q.1, trang 16 a)

Có lẽ muốn biểu dương lực lượng để răn đe kẻ thù phương Bắc, nên sau khi chiến thắng Vua đưa một số tù binh cho nhà Tống:

Trường Biên quyển 23. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 [982]

Tháng 12 nhuần, trước đó Giao châu muốn đem 93 người Chiêm Thành bị nước này bắt, đem hiến [Trung Quốc]. Thiên tử lệnh cho Quảng châu giữ những người này lại, cấp cho y phục, lương thực trở về nước, cùng chiếu dụ Vương nước này. Đến nay nước Chiêm Thành sai sứ cửi voi đến cống sản vật địa phương; chiếu thư cho giữ voi tại Nam Hải [Quảng Đông].”[19]

-Vụ thứ ba, về lý do cuộc hành quân đánh Chiêm Thành trong vụ này, Toàn Thư chép rằng có một viên quan tên là Lưu Kế Tông trốn tại Chiêm Thành nên vua Lê Đại Hành sai con nuôi đi đánh:

Quý Mùi, Thiên Phúc/ năm thứ 4[ 983 ], (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 8). …Trước kia vua đi đánh Chiêm Thành, Quảng Giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại nước ấy. Đến đây, vua sai người con nuôi (không rõ tên) đi bắt được Kế Tông, đem chém.”

Nhưng trong biểu văn gửi cho vua Tống thì xưng rằng Chiêm Thành mang mấy vạn quân sang cướp phá; xét ra Chiêm Thành mới thua bại vào năm trước, chưa có khả năng làm điều này:

Trường Biên, quyển 24. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 [983]

Tháng 5, Giao châu tâu nước Chiêm Thành mang mấy vạn quân thủy bộ voi ngựa đến cướp phá; bèn điều động quân dưới quyền đánh đuổi, bắt và chém mấy ngàn tên.”[20]

***

Trải qua trên 1.000 năm lịch sử, có nhiều lời bàn về vua Lê Đại Hành, nhưng tựu trung chưa có ý kiến nào vượt qua nhận xét của Sử gia đời Trần, Lê văn Hưu; vậy xin trân trọng chép vào đây:

Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên noi theo họ Lý.”[21]

—————–

Chú thích

[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư xin viết tắt là Toàn Thư [Bản Kỷ, q. 1] chép Lê Hoàn người đất Ái Châu, tức Thanh Hóa ngày nay. Đại Việt sử lược (q.1, 18b) chép Lê Hoàn người Trường Châu, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Đại Việt sử ký tiền biên (q.1) phần chính văn bản chép Lê Hoàn người Ái Châu, nhưng phần cước chú lại ghi Lê Hoàn người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm nay thuộc tỉnh Hà Nam.

[2] Tây Đô: Vì Lê Hoàn người Ái Châu [Thanh Hóa], sau lên ngôi đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình; cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô.

[3] Tục Tư Trị Thông Giám, Soạn giả Lý Đào đời Tống, xin viết tắt là Trường Biên.

[4] 太常博士、知邕州侯仁寶,因其父益居洛陽,有大第良田,優游自適,不欲親吏事。其妻,趙普之妹也,普為宰相,仁寶得分司西京。盧多遜與普有隙,因白上以仁寶知邕州, 凡九年不得代。仁寶恐因循死嶺外,乃上疏言:「交州主帥被害,其國亂,可以偏師取之,願乘傳詣闕面奏其狀,庶得詳悉。」疏至,上大喜,令馳驛召,未發,多遜遽奏曰:「交阯內擾,此天亡之秋也,朝廷出其不意,用兵襲擊,所謂疾雷不及掩耳。今若先召仁寶,必泄其謀,蠻寇知之,阻山海預為備,則未易取也。不如授仁寶以飛輓之任,因令經度其事,選將發荊湖士卒一二萬人,長驅而往,勢必萬全,易於摧枯拉朽也。」上以為然。

[5] 秋七月丁未,以仁寶為交州路水陸轉運使,蘭州團練使孫全興、八作使郝守濬、鞍轡庫使陳欽祚、左監門衛將軍崔亮為邕州路兵馬都部署,寧州刺史劉澄、軍器庫副使賈湜、供奉官閤門祗候王僎為廉州路兵馬都部署,水陸並進討。庚戌,全興等入辭,命引進使梁迥餞行營將士於玉津園。

[6] Nam Sách: nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

[7] Long cổn: áo vua mặc, thêu rồng chầu.

[8] 十一月庚子朔,黎桓遣牙校江巨瀮、王紹祚齎方物來貢,仍為丁璿上表,自言徇將吏軍民之請【九】,已攝節度行軍司馬,權領軍府事,乞朝廷賜以真命。時,孫全興等出師既踰時,上察其意止欲緩兵,寢而不報。

[9] Sông Chi Lăng: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, viết tắt Cương Mục [Chính biên q.1, tr. 18] chú sông Chi Lăng tức sông Thương, đoạn chảy qua Chi Lăng, Lạng Sơn.

[10] Văn bản tại Trường Biên ngày Canh Thân tháng 10 [29/11/986] xác nhận Sứ bộ Lý Nhược Chuyết nhận tù binh Quách Quân Biện về; trong văn bản có đoạn chép: “lại từ khước lễ vật, chỉ nhận sứ giả Quách Quân Biện trước kia bị bắt, mang trở về又卻其私覿,惟取陷蠻使臣鄧君辨以歸”.

[11] 辛卯,交州行營言破賊萬餘眾,斬首二千三百四十五級。

[12] 交州行營言破賊軍萬五千眾於白藤江口,斬首千餘級,獲戰艦二百艘,甲鎧以萬計。於是,侯仁寶率前軍先進,孫全興等頓兵花步七十日以竢劉澄,仁寶屢促之不行。及澄至,并軍由水路抵多羅村,不遇賊,復擅還花步。賊詐降以誘仁寶,仁寶信之,遂為所害。有二敗卒先至邑市,奪民錢,轉運使周渭捕斬之,後至者悉令解甲以入,民乃安。時諸軍冒炎瘴,又多死者,轉運使許仲宣馳奏仁寶戰沒,且乞班師,不待報,即分屯諸州,開庫賞賜,給其醫藥,謂人曰:「若竣報,則此數萬人皆積屍於廣野矣。」乃上章自劾,詔書嘉納之,遣使就劾澄等【六】。會王僎病死,澄與賈湜並戮於邕州市。徵全興等下獄,全興伏誅;陳欽祚、郝守濬,崔亮皆責授團練副使,欽祚慶州,守濬磁州,亮嵐州。贈仁寶工部侍郎,官其二子.

[13] Xuân Thu: sử nước Lỗ, tương truyền do Khổng Tử soạn ra.

[14] 壬寅,以錫為河北南路轉運副使。錫因入辭,直進封事曰….

今交州未下,戰士無功,春秋謂「老師費財」,兵書曰「鈍兵挫銳」。臣聞聖人不務廣疆土,惟務廣德業,聲教遠被,自當來賓。臣嘗讀韓詩外傳,周成王時,越裳九譯來貢,周公問之,曰:「本國天無迅風疾雨,海不揚波三年矣。意者中國有聖人,盍往朝之。」是知不必加兵,自然內附。交州謂之瘴海,得之如獲石田。願陛下念征戍之勞,思用度之廣,愛人惜力,無屯兵以費財,修德服荒,無略內以勤遠,亟詔執事,寬其誅鋤,又何必蕞爾蠻陬,勞於震怒,此大體之一也…。

即賜詔書曰:「省所上書,陳古諷今,有犯無隱,居獻替之地,揚蹇諤之風,尋繹久之,深所嘉尚。然邦國之事,抑有由焉。朕以交趾稱藩,代修職貢,昨聞賊臣篡奪,害其主帥之家,聊舉師徒,用申赴救,非貪土地,尋罷干戈。

[15] Đại Ác: Theo Cương Mục, Đại Ác sau đổi thành Đại An, tại xã Quần Liêu, huyện Đại An, nay là cửa sông Đáy.

[16] Tiểu Khang: theo Cương Mục thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình nay là Cửa Càn.

[17] Nam Giới: tên cửa biển ở phía Nam, gần Chiêm Thành, còn có tên là Cửa Sót, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

[18] Chú thích của bản dịch Toàn Thư: Bê Mi Thuế: Đại Việt sử lược (q.1, 19b) nói là vua Chiêm, Cương mục (CB1, 19a) nói là tướng Chiêm. G.Maspéro khôi phục tên Phạn ngữ của người này là Parames’varavarman I (Le Royaume de Champa); nhưng vẫn coi là giả thuyết vì chưa có cứ liệu xác nhận

[19] 先是,交州欲以占城俘九十三人來獻,上令廣州止其俘,給衣服資糧遣還占城,詔諭其王。於是占城國遣使乘象來貢方物,詔留象於南海。

[20] 交州言占城國水陸象馬數萬來寇,率所部兵擊走之,俘斬以數千計。

[21] Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 1, trang 14 b.