Muhammad bin Salman làm thay đổi chính trị Saudi Arabia ra sao?

Nguồn:The rise of Muhammad bin Salman”, The Economist, 14/11/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Saudi Arabia đã bắt giữ rất nhiều quan chức hàng đầu, đến mức mà khách sạn Ritz-Carlton nơi được dùng để giam giữ họ đã không còn phòng trống. Từ ngày 04/11/2017, hơn 200 người bao gồm các hoàng tử, bộ trưởng và doanh nhân đã bị bắt giữ. Khách sạn Marriott ít sang trọng hơn đã được trưng dụng để giam giữ số lượng bị quá tải. Được tuyên bố là một chiến dịch chống tham nhũng nhưng việc giam giữ cũng mang lại cảm giác không thể nhầm lẫn đó là một cuộc thanh trừng các kẻ thù chính trị. Những thay đổi ngoạn mục khác cũng đang được tiến hành khi đất nước này đẩy mạnh cải cách kinh tế và văn hoá. Phụ nữ sẽ được phép lái xe từ mùa hè năm sau. Các rạp chiếu phim có thể sớm được mở cửa lần đầu tiên sau hàng thập niên, tương tự là các cơ sở du lịch mới. Saudi Arabia muốn xây dựng một khu kinh tế trị giá 500 tỷ đô la trên bờ biển tây bắc đất nước. Trung tâm của tất cả những thay đổi này là Muhammad bin Salman (còn được biết đến rộng rãi với tên viết tắt MBS), vị thái tử trẻ đã sẵn sàng trở thành nhà cai trị nhiều quyền lực nhất của Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ. Làm thế nào ông lại tích lũy được nhiều ảnh hưởng đến vậy?

Vua Abdel-Aziz, người sáng lập nhà nước Saudi Arabia hiện đại, có hàng chục người thừa kế nam. Để giảm sự cạnh tranh trong gia đình lớn của mình, ông đã thiết lập một đường kế vị ngang, với quyền lực được chuyển từ người con trai này sang người con trai kế tiếp. Một trong số này, Vua Saud, bị phế truất vào năm 1964, một phần vì những lo sợ rằng ông muốn con trai kế vị mình. Các thành viên hoàng tộc khác cũng nắm giữ các lĩnh vực khác nhau: một hoàng tử giám sát quân đội, một vị khác thì nắm giữ bộ ngoại giao. Nhưng những người con của Vua Abdel-Aziz đều đã già. Người trẻ nhất hiện nay đang trong khoảng 70 tuổi. Vị vua hiện tại, Salman, đang ngày càng già yếu.

Chế độ lão trị này đang phải vật lộn với nhiệm vụ điều hành một quốc gia hiện đại, trẻ trung, với 59% trong số 20 triệu dân dưới 30 tuổi. Vua Salman bắt đầu giải quyết vấn đề này vào năm 2015 bằng cách phong một thành viên của thế hệ trẻ – cháu trai của mình, Muhammad bin Nayef – làm thái tử. Muhammad bin Nayef chỉ nắm giữ cương vị này trong hai năm. Vua Salman đã phế truất Nayef vào tháng 6 và thay thế bằng người con trai yêu thích của ông là Muhammad bin Salman. Điều này đánh dấu lần đầu tiên một quốc vương Saudi Arabia chính thức cố gắng chuyển giao quyền lực cho con mình theo kiểu cha truyền con nối.

Vị thái tử mới tốn rất ít thời gian để củng cố quyền lực. Sau những cải tổ gần đây, được sắp đặt nhân danh người cha già yếu của mình, Thái tử Muhammad và các đồng minh đã kiểm soát cả ba nhánh của an ninh quốc gia. Đây mới là lần thứ hai trong lịch sử Saudi Arabia khi Bộ trưởng Ngoại giao là một thường dân, một nhà ngoại giao có được cương vị của mình nhờ hai cha con vua Salman. Vào tháng 9/2017, cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người chỉ trích, trong đó có hai học giả Hồi giáo tên tuổi. Thông điệp mang tính đe dọa của những vụ bắt giữ dường như đã được tiếp nhận. Quyết định của nhà vua chấm dứt lệnh cấm lái xe đối với phụ nữ, được ban bố sau những vụ bắt giữ này, thu hút rất ít sự phản đối, ngay cả từ giới chức tôn giáo bảo thủ. Cũng không có nhiều sự phàn nàn về cuộc thanh trừng này. Nhà vua Saudi từ lâu đã là Người thứ nhất trong những người đồng hàng (Primus inter pares), nhưng Thái tử Muhammad đang phá vỡ sự cân bằng tinh tế này. Mặc dù tự coi mình như một nhà cải cách trẻ tuổi, ông thực ra đang biến Saudi Arabia thành một chế độ quân chủ tuyệt đối thực thụ.

Những người biện hộ cho vị thái tử nói rằng những thay đổi đột ngột này là cần thiết. Trong một kỷ nguyên giá dầu thấp, Saudi Arabia cần đa dạng hóa nền kinh tế. Hàng thập niên tham nhũng đã tiêu tốn của vương quốc này không biết bao nhiêu tỷ đô la. Không giống như nhiều người cùng trang lứa, Thái tử Muhammad được coi là một người chăm chỉ và trong sạch. Nhưng hành động của ông cho đến nay vẫn gây bất ổn. Ông đã thể hiện mong muốn tiến hành những hành động phiêu lưu không được suy tính thấu đáo ở nước ngoài, từ một cuộc chiến tranh tốn kém ở Yemen cho đến cuộc phong tỏa bất thành đối với quốc gia láng giềng Qatar, điều đã không đạt được mấy kết quả ngoài việc làm chia rẽ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Về đối nội, ông đang chấm dứt một thời kỳ dài của nền chính trị đồng thuận vốn giúp đảm bảo sự ổn định.

Thái tử Muhammad chỉ mới 32 tuổi, ít hơn cha mình 49 tuổi. Có thể ông sẽ lãnh đạo vương quốc trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên danh sách các kẻ thù của ông đã trở nên khá dài.