Vị giáo sĩ bị hành quyết ở Ả-rập Saudi là ai?

Print Friendly, PDF & Email

20160109_blp540

Nguồn:Who was the Shia cleric killed in Saudi Arabia?“, The Economist, 04/01/2016.

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Quan hệ giữa người Hồi giáo Sunni và Shia đã xấu đi ở rất nhiều nơi do việc hành quyết một giáo sĩ Shia tên là Nimr Baqr al-Nimr ở Ả-rập Saudi. Sau khi một đám đông xông vào Đại sứ quán Ả-rập Saudi tại Tehran để phản đối, nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran; Bahrain và Sudan cũng cắt quan hệ theo, còn Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với nước này. Về phần mình, Iran cáo buộc Ả-rập Saudi sử dụng cuộc tấn công vào đại sứ quán nước này để gia tăng căng thẳng phe phái vốn đã dâng cao trước vụ hành quyết. Vậy người đàn ông đã bị hành quyết là ai?

Vị giáo sĩ này đã được mô tả bởi những người ủng hộ như là một con người hòa bình nhưng phải trả một cái giá khủng khiếp cho việc đứng lên chống lại chế độ quân chủ hà khắc của người Sunni. Nhưng ông ít được biết đến bên ngoài nơi sinh sống của ông. Các đại sứ quán phương Tây, dù nhìn chung lên án việc giam giữ tàn bạo và xử tử ông, cũng đôi khi không biết chắc liệu ông là một người ủng hộ nhân quyền hay là một người ủng hộ chế độ cai trị thần quyền kiểu Iran.

Ông al-Nimr, một trong 47 người bị chính quyền Saudi tuyên bố sẽ xử tử vào cuối tuần qua, đã theo học tại cả Tehran (thủ đô Iran) và Syria. Sinh khoảng năm 1959, ông là một nhân vật được tôn kính bởi các thành viên người Shia thiểu số ở tỉnh miền đông Ả-rập Saudi, nơi ông lãnh đạo các cuộc biểu tình trong năm 2011 và 2012. Ông cũng được yêu mến bởi những người Shia bất mãn nhưng chiếm đa số ở Bahrain. Nhưng những người ủng hộ ông cho rằng ông không bao giờ ủng hộ bạo lực. Trong các cuộc biểu tình, ông chỉ kêu gọi mọi người đứng lên chống lại cảnh sát bằng cách la ó phản đối mà thôi.

Hồi tháng 7 năm 2012, ông đã bị bắn bị thương bởi cảnh sát và bị bắt giữ. Hai năm sau đó, ông đã bị kết án tử hình vì một loạt các tội danh, bao gồm việc ông được cho là khuyến khích “sự can thiệp của nước ngoài” vào Ả-rập Saudi. Chính quyền Saudi dường như đặc biệt tức giận trước những tuyên bố của ông được cho là đưa ra năm 2009, rằng phần phía đông của vương quốc này có thể được quyền ly khai nếu người Shia không được đối xử tốt hơn. Trong mắt chính quyền Saudi, điều đó là tương đương với việc khuyến khích Iran mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Theo một bức điện ngoại giao mà Wikileaks công bố, ông đã cố gắng để dần từ bỏ lập trường ủng hộ Iran (và do đó chống Mỹ) ban đầu. Trong một bức điện hồi năm 2008, ông đã được trích lời là đã đảm bảo với một nhà ngoại giao rằng ông tin vào các “lý tưởng của người Mỹ” như tự do và công lý. Điều ông ủng hộ chỉ là một phiên bản được điều chỉnh của hệ thống thần quyền Iran, trong đó kết hợp một vị giáo chủ tinh thần duy nhất với một dàn lãnh đạo tập thể. Nhưng vị giáo sĩ này đã “tiếp tục lên tiếng đấu tranh cho quyền của cộng đồng người Shia ở Ả-rập Saudi trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài nếu họ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.” Đối với các lãnh đạo Saudi đang lo lắng, ý kiến ​​đó thôi tương đương với tội phản quốc.

Xem thêm:

Lý giải sự kình địch giữa Iran và Ả-rập Saudi

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]