Tại sao các công ty tồn tại?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:Why do firms exist”, The Economist, 18/09/2017.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Ý tưởng về cơ chế giá là trọng tâm của nghiên cứu về kinh tế. Giá thị trường truyền đạt thông tin về những gì mọi người muốn mua và những gì mà người khác muốn bán. Adam Smith đã sử dụng phép ẩn dụ về “bàn tay vô hình” để mô tả cách thức mà nền kinh tế được quản lý bằng các tín hiệu giá. Năm 1937, một bài báo được xuất bản bởi Ronald Coase, một nhà kinh tế học người Anh, đã chỉ ra một lỗ hổng trong quan điểm này: nó không phù hợp với những gì xảy ra bên trong các công ty. Ví dụ, khi một nhân viên chuyển từ phòng này sang phòng khác, anh ta không làm như vậy để phản ứng với các mức lương cao hơn, mà vì anh ta được ra lệnh làm điều đó. Câu hỏi đặt ra bởi Coase là một điều sâu sắc, nếu không phải là gây lúng túng, cho kinh tế học. Tại sao các công ty tồn tại?

Câu trả lời của ông là các doanh nghiệp là một phản ứng với chi phí cao của việc sử dụng các thị trường. Thông thường thì việc thực hiện các nhiệm vụ bằng mệnh lệnh sẽ ít tốn kém hơn so với đàm phán và thực thi các hợp đồng riêng rẽ cho mỗi giao dịch cuối. Như Coase đã trình bày, những khoản “chi phí trao đổi” như vậy là rất thấp trong các thị trường với hàng hoá thống nhất, nhưng lại cao trong các trường hợp khác. Nhưng câu trả lời của Coase chỉ đưa ra thêm những câu hỏi phức tạp hơn. Ví dụ, nếu lý do của việc các công ty tồn tại là cắt giảm chi phí giao dịch, vậy tại sao lại có các giao dịch thị trường?

Để giải quyết những câu hỏi như vậy, các nhà kinh tế đã phát triển một lý thuyết về hợp đồng, trong đó phân biệt giữa các giao dịch giao ngay (spot transactions) và các mối quan hệ kinh doanh đòi hỏi các thỏa thuận dài hạn. Hầu hết các giao dịch diễn ra tại các thị trường giao ngay (spot markets). Các thị trường này rất phù hợp với các giao dịch đơn giản, có giá trị thấp như mua báo hoặc đi taxi. Và chúng được chi phối bởi các lực lượng thị trường, vì rất nhiều người mua mặc cả giá của các hàng hoá tương tự. Mọi thứ trở nên phức tạp hơn đối với các hàng hoá hoặc dịch vụ không được chuẩn hóa. Khi đó các bên tham gia vào một giao dịch được yêu cầu phải đưa ra những cam kết mà sẽ tạo ra chi phí khi hủy bỏ cam kết đó.

Lấy ví dụ về một hợp đồng thuê tài sản. Một doanh nghiệp bị thu hồi cơ sở kinh doanh không thể nhanh chóng tìm thấy một cơ sở khác tương tự. Cũng như vậy, nếu một người thuê nhà đột nhiên dừng hợp đồng, người chủ nhà sẽ bị mắc kẹt. Mỗi người có thể đe doạ người khác trong một nỗ lực nhằm có được mức tiền thuê tốt hơn cho mình. Một hợp đồng dài hạn xác định rõ số tiền thuê, thời hạn thuê và các điều khoản khác sẽ bảo vệ cho cả hai bên khỏi hành vi cơ hội của bên kia.

Đối với nhiều thoả thuận kinh doanh, sẽ rất khó có thể ấn định tất cả những điều khoản cần thiết cho mỗi bên trong mọi trường hợp. Đây chính là lúc một hợp đồng “không hoàn chỉnh” sẽ tỏ ra có lợi thế. Một hợp đồng hôn nhân chính là thuộc loại này. Và hợp đồng lao động cũng vậy. Nó có một vài điều khoản chính thức: tên công việc, thời giờ làm việc, khoản tiền lương ban đầu, vv… nhưng nhiều trong phần lớn các nghĩa vụ quan trọng nhất không được ghi nhận trong hợp đồng. Tòa án không thể cưỡng chế thi hành loại hợp đồng này vì các nghĩa vụ của nó là không rõ ràng. Loại hợp đồng này vẫn có hiệu lực chủ yếu bởi vì việc phá vỡ hợp đồng sẽ làm tổn thương cả hai bên. Bởi vì các lực lượng thị trường đã bị giảm nhẹ vai trò trong loại hợp đồng như vậy, cần có một hình thức quản lý thay thế khác, đó là công ty.

Coase lập luận rằng mức độ mà công ty đại diện cho thị trường sẽ khác nhau tùy theo sự thay đổi của hoàn cảnh. Tám mươi năm sau, ranh giới giữa công ty và thị trường có vẻ như đã biến mất hoàn toàn. Tỷ lệ các nhà thầu tự kinh doanh (self-employed contractors) trong lực lượng lao động đã tăng lên. “Kinh tế tự do”, hay “kinh tế gig” (gig economy), được minh họa bởi những người lái xe Uber, đang nở rộ. Tuy nhiên, các công ty không dần biến mất, và họ cũng không có vẻ gì là sẽ trở nên như vậy. Trước khi có Uber, tài xế taxi ở hầu hết các thành phố đã tự hoạt động kinh doanh. Các hợp đồng công việc tương tự như giao dịch giao ngay hiện đang trở nên phổ biến hơn, nhưng tính linh hoạt của chúng cũng đi kèm chi phí. Người lao động có ít động lực để đầu tư vào các kỹ năng cụ thể dành cho môi trường công ty, do đó năng suất bị ảnh hưởng. Các chuỗi cung ứng cho các hàng hoá phức tạp, ví dụ như iPhone hoặc siêu máy bay Airbus A380, phụ thuộc vào các hợp đồng dài hạn “không hoàn chỉnh” giữa các công ty. Coase là người đầu tiên phát hiện ra một chân lý bền vững. Các nền kinh tế cần cả sự độc tài ôn hòa của các công ty cũng như bàn tay vô hình của thị trường.

Xem thêm: Chuỗi bài “ABC về Kinh tế học”