20/03/1915: Anh, Nga chia chác chiến lợi phẩm tương lai

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Britain and Russia divide future spoils of war, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1915, chỉ hai ngày sau khi hải quân nước này thất bại nặng nề trước quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Dardanelles, chính phủ Anh ký một thoả thuận bí mật với Nga về việc phân chia Đế chế Ottoman hậu thế chiến.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Nga sẽ sáp nhập Constantinople (nay là Istanbul) của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Eo biển Bosporus (một con đường thủy nối Biển Đen với Biển Marmara và đánh dấu ranh giới giữa hai phần châu Á và châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ), và hơn một nửa phần lãnh thổ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh cũng hứa rằng trong tương lai sẽ trao cho Nga quyền kiểm soát Dardanelles (eo biển quan trọng nối Biển Đen với Địa Trung Hải) – nơi mà Hải quân Anh vừa tấn công không thành công hai ngày trước đó – và bán đảo Gallipoli, mục tiêu của cuộc xâm lăng quân sự của quân Hiệp Ước một tháng sau đó (mà cũng kết thúc trong thất bại). Đổi lại, Nga sẽ đồng ý với yêu sách của Anh đối với các khu vực khác của Đế chế Ottoman và vùng trung tâm Ba Tư, bao gồm khu vực giàu dầu mỏ ở Lưỡng Hà.

Thỏa thuận Anh – Nga năm 1915 là một minh chứng tiêu biểu cho thấy Thế chiến I đã làm thay đổi đáng kể quan hệ truyền thống giữa các quốc gia. Thỏa thuận đã thể hiện sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách của Anh về việc Nga kiểm soát Constantinople – điều mà trước đây họ cho là sẽ đe doạ sự thống trị của Anh trong khu vực sau khi nước này chiếm được Ấn Độ làm thuộc địa.

Trong quá khứ, vào năm 1854, trong một liên minh cùng với Pháp, Sardinia và Thổ Nhĩ Kỳ, người Anh đã thực sự chiến đấu chống lại Nga trong Chiến tranh Crimea để ngăn Nga can thiệp vào Constantinople và khu vực eo biển. Còn vào năm 1878, Thủ tướng Benjamin Disraeli đã gửi một hạm đội Anh đến Dardanelles để cảnh báo buộc người Nga rút khỏi Constantinople trong Chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng giờ đây, trong một thoả thuận bí mật, Anh đã hứa hẹn cho đi vùng lãnh thổ mà họ đã kiên trì bảo vệ – lãnh thổ mà họ đang cố gắng hết sức, dù không thành công, để giành được.