Trung Quốc cần gấp rút tăng cường lực lượng hạt nhân?

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 20/07/2018 ra xã luận dưới tiêu đề “Gợi ý từ việc Trump kính trọng siêu cường hạt nhân Nga”. Toàn văn như sau:

Cơn giận của dư luận Mỹ đối với cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Nga tại Helsinki còn chưa tan hết thì Nhà Trắng lại công bố tin Trump mời Putin thăm Washington. Trên vấn đề cải thiện quan hệ Mỹ – Nga, Trump có thái độ rất kiên quyết, bác bỏ tất cả mọi ý kiến khác. Cho dù chính sách đối với Nga của ông bị kiềm chế nhiều nhưng trong nhiệm kỳ của Trump, mối quan hệ Mỹ – Nga đã ngừng xuống dốc, về cơ bản có xu thế hòa dịu.

Trump không chỉ một lần nhấn mạnh Nga và Mỹ là hai quốc gia hạt nhân lớn nhất thế giới, số vũ khí hạt nhân (VKHN) của hai nước này chiếm 90% tổng số VKHN toàn cầu, Mỹ phải hòa hợp chung sống với Nga. Trên vấn đề phát triển mối quan hệ Mỹ – Nga đúng là Trump có sự tỉnh táo.

Kinh tế Nga hiện nay tương đối yếu, GDP xếp hạng sau 10 nước hàng đầu thế giới, nhưng sức mạnh quân sự, nhất là lực lượng hạt nhân của Nga đang giúp nước này giữ địa vị là một trong những nước lớn có ảnh hưởng nhất thế giới. Mỹ và Nga đang có xung đột địa chính trị nghiêm trọng với nhau trên vấn đề châu Âu và Trung Đông, nhưng Trump đột nhiên xoay chuyển chính sách cứng rắn đối với Nga, thể hiện tư thái thấp với Putin, chắc là đúng như ông từng nói, điều đó trước hết vì Nga là một nước lớn hạt nhân.

Chúng ta biết, việc cải thiện quan hệ Mỹ – Nga không phải là chuyện một sớm một chiều. Vì hai nước rất khó thực hiện thỏa hiệp chiến lược với nhau ở châu Âu và Trung Đông, cho dù quan hệ hai nước có cải thiện thì sẽ vẫn còn xảy ra cọ xát mới, dẫn đến những sứt mẻ mới trong mối quan hệ đó.

Thế nhưng thái độ đặc biệt tôn trọng Nga của Trump vẫn đáng để chúng ta suy ngẫm. Ông là người chỉ trọng thực lực, đặc biệt coi trọng lực lượng quân sự, trước hết là lực lượng hạt nhân. Thực ra đây cũng là tư duy điển hình của địa chính trị học truyền thống: mọi cuộc chơi rốt cuộc đều có thể dẫn đến cuộc chơi sau rốt về lực lượng hạt nhân, cho dù cuộc chơi ấy có thể là tiềm tại [chưa hiện thực] nhưng trên mức độ rất lớn nó sẽ có ảnh hưởng tới thái độ đối với nhau của hai bên.

Mỹ đã định vị Trung Quốc là đối thủ chiến lược, Mỹ sẽ từng bước triển khai gây sức ép với Trung Quốc, chiến tranh thương mại có lẽ chỉ là bắt đầu, sự căng thẳng giữa hai nước có xu hướng khuếch tán tới nhiều lĩnh vực. Chúng ta tin rằng trong quá trình đó Nhà Trắng sẽ tiến hành rất nhiều đánh giá, kể cả đôi lúc tính toán xem Trung Quốc có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân – một vấn đề xem ra còn khá xa với sự cọ xát thực tế Trung – Mỹ hiện nay .

Trung Quốc khác với Nga. Trung Quốc có thực lực kinh tế lớn mạnh, thủ đoạn cuộc chơi đa dạng, đây là ưu thế của chúng ta. Nhưng lực lượng quân sự Trung Quốc tương đối yếu lại là sở đoản của phía ta. Trong đó lực lượng hạt nhân của Trung Quốc có khoảng cách thua kém quá chênh lệch so với Mỹ là mặt yếu chiến lược lớn của Trung Quốc.

Trong giới chiến lược Trung Quốc lưu hành một quan điểm cho rằng VKHN chỉ cần đủ dùng là được, giữ quá nhiều VKHN thì vừa phải bỏ ra giá thành lớn hơn vừa còn có thể khêu gợi sự cảnh giác của nước ngoài, dẫn đến hậu quả làm tăng thêm tính bất định chiến lược. Quan điểm này cho rằng Trung Quốc không cần dốc sức tăng số lượng VKHN chiến lược mà nên đặt trọng điểm vào việc hiện đại hóa VKHN, bảo đảm tính khả tín của năng lực tấn công hạt nhân lần thứ hai [tức đòn đánh trả]. Chúng tôi cho rằng quan điểm nói trên là sự hiểu sai nghiêm trọng đối với trạng thái và hình thế hạt nhân chiến lược của nước lớn.

Trung Quốc không phải là nước nhỏ, chỉ cần có vài VKHN để vào thời điểm then chốt có thể hù dọa những kẻ cưỡng ép chiến lược là được. Trung Quốc đã trưởng thành thành một lực lượng có ảnh hưởng toàn cầu, chúng ta đứng trước những rủi ro chiến lược và sức ép cuộc chơi lớn hơn rất nhiều so với nước nhỏ. Chúng ta cần suy nghĩ lại vấn đề thế nào là “đủ dùng” về VKHN.

VKHN của Trung Quốc chẳng những phải bảo đảm năng lực thực sự của đòn đánh thứ hai mà phải xúc tiến quá trình hình thành sự răn đe mạnh mẽ để các thế lực bên ngoài không dám tiến hành bất cứ sự đe dọa quân sự nào với Trung Quốc, khả năng răn đe ấy có tác dụng nền tảng. Một khi nước lớn xảy ra xung đột quân sự, tất nhiên phải đánh giá ý chí cuối cùng của sự đối kháng kéo dài giữa hai bên, mà chỗ dựa cuối cùng của ý chí đó là lực lượng hạt nhân. Sở dĩ Mỹ dùng phương thức cắt lạp xường để mở rộng NATO về phía Đông nhưng trong những cọ xát cụ thể tại Ukraine và Syria thì lại không dám phóng tay đối kháng Nga, nguyên nhân lớn nhất có lẽ là do e sợ Nga vốn có lực lượng hạt nhân siêu cấp sẽ ngăn chặn Mỹ.

Nhìn vào Biển Đông và eo biển Đài Loan, thỉnh thoảng Mỹ phô bày tư thế hung hăng sừng sộ [vì] biết lực lượng hạt nhân của Trung Quốc căn bản “không đủ dùng”. Thái độ ngạo mạn chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc có phần bắt nguồn từ chỗ Mỹ có ưu thế hạt nhân tuyệt đối với Trung Quốc. Điều chúng ta lo ngại là có thể có ngày Mỹ sẽ áp dụng thái độ ngạo mạn đó vào hành vi khiêu khích quân sự mạo hiểm hơn với Trung Quốc, như vậy sẽ làm cho Trung Quốc đứng trước thử thách vô cùng khắc nghiệt.

Trung Quốc nhất định phải tăng tốc độ phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược, các loại tên lửa chiến lược tiên tiến cần được kịp thời ra mắt. Chúng ta không những phải thiết thực sở hữu một lực lượng hạt nhân lớn mạnh mà còn phải làm sao cho tất cả mọi thế lực bên ngoài hiểu rõ và tin vào ý chí kiên định bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc được sự chi viện bởi lực lượng hạt nhân ấy.

Dĩ nhiên, chúng ta không cho rằng Trung Quốc nên coi việc tăng cường lực lượng hạt nhân là nhiệm vụ áp đảo tất cả, không tiếc hy sinh các công việc phát triển lợi ích to lớn khác. Thế nhưng công tác này nên được coi là một trong những hạng mục quan trọng nhất để có sự trù tính, không ngừng đẩy mạnh thực hiện. Chúng ta ắt phải hình thành nhận thức gấp rút tăng cường lực lượng hạt nhân không thể chậm trễ chút nào.

Bản gốc tiếng Hoa: 社评:特朗普敬重超级核大国俄罗斯的启示, 2018-07-20