Ai chiếm ưu thế nếu xảy ra chiến tranh Trung – Nhật?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Tiết Dung (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Tình trạng tranh chấp lãnh thổ biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật đang làm cho tình cảm chủ nghĩa dân tộc ở hai nước ngày một lên cao gay gắt, những tiếng la ó đòi “đánh” vang lên nhức nhối.

Nếu xét tới các lợi ích lớn về chính trị và kinh tế của hai nước thì có thể thấy vụ tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư khó có khả năng dẫn đến cuộc chiến tranh Trung Quốc – Nhật Bản lần thứ ba.[1] Thế nhưng một khi cuộc chiến tranh này nổ ra, nó sẽ đem lại ảnh hưởng có tính hủy diệt đối với Trung Quốc. Vì thế ở đây cần phân tích nghiêm chỉnh tác hại và hậu quả của khả năng xảy ra chiến tranh.

Mỹ đã tuyên bố rõ ràng đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi quản lý của hiệp ước phòng thủ Nhật-Mỹ. Nếu nổ ra chiến tranh Trung- Nhật thì Mỹ rất khó không bị cuốn vào. Nhưng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc ít nhất vẫn có quyết tâm là nếu Mỹ không tham chiến thì sức mạnh quân sự hiện có của Trung Quốc đủ sức để dạy cho Nhật một bài học.

Lối nói này là một dạng tự vả cho sưng mặt mình để người ngoài tưởng mình to béo, có thể là hợp với ý muốn của phái hữu Nhật Bản. Hiện nay còn rất khó đánh giá so sánh sức mạnh quân sự của hai nước Trung Quốc-Nhật Bản. Có điều, cho dù giả thử Trung Quốc mạnh hơn Nhật thì chúng ta cũng chẳng thấy đâu là lý do để Trung Quốc thắng trong cuộc chiến này.

Trước tiên, trong khuôn khổ tình hình quốc tế hiện nay, hai bên không có khả năng tiến tới một cuộc chiến tranh toàn diện, tức là có ném bom các đô thị lớn của đối phương, mà chỉ có thể triển khai chiến tranh cục bộ tại địa điểm có lợi cho mình. Điều này đem lại ưu thế rất lớn cho Nhật. Bởi lẽ xung đột xảy ra bởi nguy cơ tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư cho nên chiến tranh chủ yếu chỉ có thể diễn ra trên biển xa. Lực lượng quân sự Trung Quốc hiện nay vẫn lấy lục quân làm chủ yếu, còn hải quân Trung Quốc thì xưa nay chưa hề đánh một trận thắng nào ra trò. Sau nhiều năm hiện đại hóa, dĩ nhiên tình hình quân sự Trung Quốc hiện nay đã khác xưa nhưng công nghệ và vũ khí hiện đại đã nắm được sẽ có thể sử dụng như thế nào trong chiến tranh trên biển xa? Về mặt này, kinh nghiệm của Trung Quốc chỉ là con số không.

Trong khi đó đối thủ của Trung Quốc lại là nước Nhật vốn có truyền thống hải quân kiêu hãnh. Trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, Nhật lấy yếu thắng mạnh, chiến đấu trên biển có tác dụng quyết định chiến thắng đó. Sau đó trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương với Mỹ, cho tới trước trận hải chiến ở đảo Midway, hải quân Nhật đánh trận nào cũng thắng. Đấy là chưa kể, hải quân Nhật hiện nay về cơ bản đều sử dụng vũ khí Mỹ. Tuy rằng nhiều năm qua Nhật không có chiến tranh, nhưng bộ máy quân sự Mỹ thì chưa một ngày nào nghỉ ngơi, vũ khí của họ được kiểm định nhiều lần trên chiến trường. Nhật có thể trực tiếp được sư phụ Mỹ truyền thụ đích thực cho cách sử dụng và phối hợp các loại vũ khí. Vì vậy có thể thấy cho dù sức mạnh quân sự tổng hợp của Trung Quốc hơn hẳn Nhật thì trong trận hải chiến này, Trung Quốc chỉ có thể ở vào thế yếu kém mà thôi.

Thứ hai, nếu đem trận hải chiến đó đặt lên bản đồ địa lý vĩ mô của hai nước mà xem xét thì thế yếu kém của Trung Quốc lại càng lộ rõ. Phần lớn nước Nhật đều nằm ở phía sau bán đảo Triều Tiên. Tại phía Bắc bán đảo này, Trung Quốc không có lối ra biển, cho nên không đủ sức vươn xa. Lãnh thổ Nhật hẹp mà dài, phía Đông nhìn ra Thái Bình Dương, các cảng biển chủ yếu đều ở bờ biển phía Đông, nhìn sang bên kia đại dương là nước Mỹ. Vì thế chiến tranh Trung – Nhật không có nhiều khả năng ảnh hưởng tới vùng trọng tâm kinh tế này của Nhật. Ngược lại, bờ biển của Trung Quốc vốn có chiều dài hữu hạn, lại đều lộ ra trong diện tấn công của hải quân Nhật. Nếu cuộc chiến dằng co, hai bên đều không muốn tiến đến chiến tranh toàn diện có đánh phá các đô thị lớn, thì chiến lược hay nhất là phong tỏa và chống phong tỏa. Cho dù Nhật không thể hoàn toàn cắt đứt đường giao thông thương mại trên biển của Trung Quốc thì ít nhất họ cũng có thể quấy rối hữu hiệu con đường đó. Ngược lại, hải quân Trung Quốc còn chưa có đủ thực lực và kinh nghiệm vươn xa ra Thái Bình Dương để phong tỏa bờ biển phía Đông của Nhật, ngay cả tuyến Okinawa cũng khó có thể chọc thủng.

Trong một cuộc chiến tranh lâu dài như vậy, việc buôn bán của Nhật sẽ vẫn bình thường như cũ. Cứ cho là Mỹ không trực tiếp tham chiến thì họ vẫn có thể đàng hoàng tiếp tế cho Nhật và phối hợp với Nhật để phong tỏa sự thông thương của Trung Quốc. Nếu con đường chở dầu trên biển bị cắt đứt thì Trung Quốc sẽ rất khó có thể đứng vững, lại càng không thể nói tiếp tục xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay Trung Quốc không còn là Trung Quốc thời đại Mao Trạch Đông, mà về kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào toàn cầu hóa. Nếu bị cắt đứt thông thương với thế giới thì cơ cấu kinh tế – xã hội Trung Quốc hiện nay sẽ rất khó có thể đứng vững tiếp.

Vì vậy “sự đe dọa của Trung Quốc” thực ra là cái mà bọn phái hữu ở Nhật đang muốn thấy nhất. Có “sự đe dọa của Trung Quốc” thì Nhật có cớ để phục hồi sức mạnh quân sự. Nếu “sự đe dọa” ấy thực sự trở thành chiến tranh thì bọn phái hữu ở Nhật càng có quyết tâm tất thắng và tin tưởng rằng nhờ thế sẽ có thể triệt để chuyển hóa địa vị của Nhật tại vùng Đông Á. Hậu quả là tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ bị phá hủy.

Nguyễn Hải Hoành  lược dịch từ nguồn tiếng Trung “第三次中日战争谁将占优?” của tác giả 薛涌.

—————-

[1] Giữa TQ với Nhật từng xảy ra hai cuộc chiến tranh lớn : – Chiến tranh 1894-1895, còn gọi là chiến tranh Giáp Ngọ, nhà Thanh TQ thua phải ký Điều ước Mã Quan nhục nhã, cắt 2 đảo Đài Loan và Bành Hồ cho Nhật, bồi thường 200 triệu lạng bạc ; – Chiến tranh 1937-1945, Nhật thua phải đầu hàng không điều kiện, Trung Hoa Dân quốc (do Quốc Dân Đảng lãnh đạo) thắng với tư cách là một nước trong phe Đồng minh do Mỹ đứng đầu (ND).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]