Nguồn: Eisenhower warns of “ominous” situation in Asia, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1953, phát biểu trước Hội nghị Thống đốc tại Seattle, Tổng thống Dwight D. Eisenhower cảnh báo rằng tình hình ở châu Á đang trở nên “đáng lo ngại đối với Mỹ.” Trong bài phát biểu này, Eisenhower đã đề cập cụ thể đến nhu cầu bảo vệ Đông Dương thuộc Pháp trước chủ nghĩa cộng sản.
Đến thời điểm năm 1953, các quan chức Mỹ ngày càng quan tâm đến các sự kiện ở châu Á và các nơi khác trong cái gọi là “Thế giới Thứ Ba.” Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh (1945 – 1950), trọng tâm trong chính sách đối ngoại chống cộng của Mỹ là ở châu Âu. Tuy nhiên, khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, chính phủ Mỹ đã bắt đầu tập trung vào các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1952, Eisenhower chỉ trích chính sách đối ngoại của Tổng thống Harry S. Truman, tuyên bố rằng châu Á đã nhận được quá ít sự chú ý và chiến tranh Triều Tiên chính là kết quả của việc bỏ qua ý định của phe cộng sản ở khu vực này của thế giới. Không lâu sau khi nhậm chức vào đầu năm 1953, Eisenhower đã áp dụng chính sách “cứng rắn” đối với tình hình ở Triều Tiên, thậm chí còn gợi ý rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để phá vỡ bế tắc quân sự giữa Mỹ và lực lượng cộng sản. Ngày 27/07/1953, hiệp định đình chiến đã được ký, đưa Chiến tranh Triều Tiên đến hồi kết.
Chỉ hơn một tuần sau đó, Eisenhower đã có bài phát biểu tại Hội nghị Thống đốc và cho rằng mối nguy cộng sản ở châu Á chưa hề chấm dứt. Ông đặc biệt nhấn mạnh mối đe dọa cộng sản ở Đông Dương thuộc Pháp, nơi quân đội Pháp đang chiến đấu với lực lượng cách mạng Việt Nam để giành quyền kiểm soát đất nước. Eisenhower đã lên tiếng biện hộ cho quyết định phê chuẩn một gói viện trợ trị giá 400 triệu USD để trợ giúp nỗ lực của người Pháp rằng đây là “cách rẻ nhất mà chúng ta có thể ngăn chặn sự xuất hiện của điều khủng khiếp nhất đối với Hoa Kỳ.”
Theo Eisenhower, chiến thắng của phe cộng sản ở Đông Dương sẽ có hậu quả sâu rộng. “Giờ cứ giả sử rằng chúng ta đã mất Đông Dương. Nếu Đông Dương sụp đổ, một vài điều sẽ xảy ra ngay lập tức. Bán đảo Mã Lai, rẻo đất nằm ở khu vực đó, sẽ không thể tự bảo vệ mình. Quặng thiếc và vonfram rất có giá trị [cho chúng ta] từ khu vực đó sẽ mất đi.” Lần lượt từng nước một, các nước châu Á khác sẽ bị lật đổ. “Vậy nên, các vị thấy đấy, theo cách nào đó, điều này phải bị ngăn chặn và điều này phải bị ngăn chặn ngay bây giờ.”
Bài phát biểu của Eisenhower đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của cái được gọi là “Thuyết domino” (Domino Theory) – ý tưởng rằng việc mất Đông Dương vào tay chủ nghĩa cộng sản sẽ dẫn đến việc các quốc gia châu Á khác cũng sẽ theo sau, như một hàng domino. Bài phát biểu cũng chỉ ra rằng Mỹ đã hoàn toàn cam kết bảo vệ Đông Dương để ngăn chặn khả năng này. Sau sự thất bại của người Pháp vào năm 1954, Mỹ thay thế vị trí của Pháp trong cuộc chiến chống lại lực lượng cộng sản Việt Nam, và từ đó bắt đầu can dự, từ từ nhưng chắc chắn, vào Chiến tranh Việt Nam.