23/01/1941: Lindbergh khuyên Mỹ đàm phán với Hitler

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Lindbergh to Congress: Negotiate with Hitler, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, Charles A. Lindbergh, người được xem là anh hùng dân tộc của Mỹ kể từ sau chuyến bay một mình không ngừng qua Đại Tây Dương, đã ra điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện về Đạo luật Lend-Lease và đề xuất rằng Mỹ nên đàm phán một hiệp ước trung lập với Hitler.

Lindbergh sinh năm 1902 tại Detroit, có cha là một Hạ nghị sĩ. Niềm đam mê với việc bay trên bầu trời đã khiến ông theo học tại trường hàng không Lincoln, Nebraska, và sau đó trở thành một phi công kiêm liên lạc viên. Ông thường xuyên bay theo con đường từ St. Louis đến Chicago, và rồi bất ngờ quyết định cố gắng để trở thành phi công đầu tiên bay một mình không nghỉ từ New York đến Paris.

Lindbergh đã được một nhóm các doanh nhân hỗ trợ về mặt tài chính, và vào ngày 21/05/1927, sau một chuyến bay kéo dài hơi hơn 33 giờ, ông đã hạ cánh chiếc máy bay Spirit of St. Louis tại Paris. Từ đây, Lindbergh trở nên nổi tiếng toàn cầu, đồng thời giành được giải thưởng 25.000 USD.

Tháng 03/1932, Lindbergh một lần nữa xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo, nhưng lần này là vì vụ bắt cóc đứa con trai hai tuổi của ông. Đứa bé sau đó được tìm thấy đã chết, còn tên sát nhân, Bruno Hauptmann, thì bị xử tử. Mong muốn trốn khỏi sự chú ý của công chúng, Lindbergh và vợ, Anne Morrow, con gái của đại sứ Mỹ Dwight Morrow, đã chuyển đến châu Âu. Giữa thập niên 1930, Lindbergh đã sớm biết đến những tiến bộ của Đức trong ngành hàng không và lên tiếng cảnh báo người Mỹ về ưu thế trên không ngày càng tăng của Đức. Tuy nhiên, chính Lindbergh cũng bị ảnh hưởng bởi mong muốn “hồi sinh nước Đức” từ những người mà ông gặp thường ngày. Việc chấp nhận huân chương được trao tặng nhân danh Hitler đã khiến ông bị chỉ trích nặng nề ở quê nhà.

Khi về Mỹ, Lindbergh bắt đầu kêu gọi trung lập với Đức. Ông ra điều trần trước Quốc Hội, chống lại Đạo luật Lend-Lease – một đạo luật cho phép viện trợ tài chính và quân sự nhằm giúp các nước thân Mỹ chống lại phe Trục. Lời tố cáo công khai rằng “người Anh, người Do Thái, và chính quyền Roosevelt” là những kẻ chủ mưu trong việc Mỹ can thiệp chiến tranh, cũng như những ý kiến chống Do Thái khác của Lindbergh đã khiến ông mất đi sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa biệt lập. Năm 1941, sau khi bị Tổng thống Roosevelt lên án công khai, Lindbergh đã xin từ chức khỏi Lực lượng Dự bị không quân Mỹ. Dù vậy, ông vẫn có đóng góp trong chiến tranh khi tham gia 50 nhiệm vụ chiến đấu trên bầu trời Thái Bình Dương.

Dù vậy, Lindbergh vẫn rất được công chúng quan tâm. Có thể vì ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu, hay vì ông đã được Tổng thống Dwight D. Eisenhower thăng hàm Chuẩn Tướng của Lực lượng Dự bị không quân Mỹ vào năm 1954. Ông còn là tác giả cuốn sách từng đoạt giải Pulitzer, The Spirit of St. Louis, và còn là nguồn cảm hứng cho một bộ phim nổi tiếng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]