Ai hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của Trump?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Koichi Hamada, “Who Benefits from Trump’s Trade War?”, Project Syndicate, 31/12/2018.

Biên dịch: Phan Nguyên

Năm 1950, nhà kinh tế sinh ra tại Canada làm việc cho Đại học Princeton Jacob Viner đã giải thích rằng một liên minh thuế quan tạo ra hiệu ứng “thúc đẩy thương mại” (trade creation), vì hàng rào thuế quan và phi thuế quan thấp hơn thúc đẩy dòng trao đổi hàng hóa gia tăng giữa các nước thành viên. Nhưng Viner lưu ý rằng một liên minh thuế quan cũng tạo ra hiệu ứng chuyển hướng thương mại (trade diversion), vì các quốc gia không phải là thành viên của khối phải đối mặt với việc giảm thương mại với các quốc gia là thành viên của khối này. Bằng cách nâng các rào cản thương mại với các đối tác thương mại lớn – đặc biệt là Trung Quốc – Hoa Kỳ hiện có nguy cơ tạo ra các hiệu ứng thúc đẩy thương mại âm và chuyển hướng thương mại tiêu cực.

Tất nhiên, Mỹ không phải là thành viên của một liên minh thuế quan. Nhưng các hiệu ứng thúc đẩy và chuyển hướng thương mại vẫn có thể được nhìn thấy, ở các phạm vi khác nhau, với bất kỳ khu vực thương mại tự do nào – thậm chí là cả Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì vậy, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chẳng hạn – nay đang tiến triển dưới tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – điều này đã khiến Hoa Kỳ giảm bớt thương mại với các quốc gia thành viên CPTPP bởi các quốc gia này tăng cường thương mại với nhau.

Thật khó để nhận thấy bất kỳ ưu điểm nào trong các chính sách thương mại theo kiểu “Nước Mỹ trước tiên” của Trump. Nhưng, công bằng mà nói, cũng có một số mặt hữu ích trong việc thách thức hiện trạng. Thật vậy, dù vẫn nên lấy các kinh nghiệm trong quá khứ làm nền tảng cho chính sách, nhưng việc gắn bó với truyền thống một cách mù quáng là một công thức cho sự trì trệ. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách có tính toán và theo đuổi sự đổi mới thực dụng.

Khi nói đến Trump, việc chấp nhận rủi ro như vậy thường nằm dưới dạng thách thức các giả định đã tồn tại lâu đời về các cuộc đàm phán, bao gồm cả những gì mà lý thuyết trò chơi gọi là “điểm đe dọa” (threat point) của người chơi, nơi sự đe dọa mà nếu vượt qua ngưỡng đó sẽ khiến đàm phán không còn có giá trị nữa. Phơi bày các điểm đe dọa thực sự của các người chơi – điều có thể tạo ra nhiều dư địa cho sự nhượng bộ hơn so với những gì mà họ thể hiện – có thể giúp phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán khó khăn.

Đây là những gì chính quyền Trump dường như đang cố gắng làm trong một vài lĩnh vực. Ví dụ, Trump có vẻ háo hức xác định xem liệu Trung Quốc, vốn trong nhiều năm đã vi phạm các quy tắc chung như về đầu tư nước ngoài và bảo vệ sở hữu trí tuệ chẳng hạn – nếu bị ép thì sẽ sẵn sàng bắt đầu tuân thủ các quy tắc đó hay không.

Nhưng, bất kể lợi ích tiềm năng của chiến lược này là gì, chúng vẫn bị lấn át bởi những rủi ro của chủ nghĩa bảo hộ lộ liễu của Trump. Trớ trêu thay, chính sách “America First” có thể sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chính Hoa Kỳ, bởi họ chắc chắn phải chịu tổn thất nghiêm trọng do sự chuyển hướng thương mại. Hơn nữa, chủ nghĩa bảo hộ của Trump có thể dẫn đến thiệt hại rộng lớn hơn, khi các đòn thuế quan ăn miếng trả miếng làm giảm tổng lượng xuất khẩu, làm suy yếu tổng dòng chảy thương mại toàn cầu và cản trở tăng trưởng kinh tế thế giới.

Điều này sẽ tương tự như những hậu quả của Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley mang tính bảo hộ mà Mỹ ban hành năm 1930 bất chấp sự phản đối của hơn 1.000 nhà kinh tế. Bằng cách tăng thuế suất lên mức kỷ lục, Đạo luật Smoot-Hawley đã giúp biến cuộc suy thoái của Mỹ trở thành cuộc Đại suy thoái, mặc dù các học giả vẫn không nhất trí về mức độ chính xác của hiệu ứng mà đạo luật này gây nên đối với nền kinh tế thế giới.

Bất chấp các tác động tiêu cực tổng thể của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, các nền kinh tế mở hơn đối với thương mại – chẳng hạn như Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc – có thể gặt hái một số lợi ích từ sự chuyển hướng thương mại. Và dữ liệu thống kê gần đây cho thấy sự chuyển hướng như vậy đã diễn ra.

Ví dụ, chiến tranh thương mại có thể giải thích cho sự gia tăng xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, với mức tăng 18,3% từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018. Khối lượng thương mại, lên tới hơn 15 nghìn tỷ yên (136 tỷ USD), hiện gần bằng với xuất khẩu của Nhật sang Mỹ trong cùng kỳ, vốn cũng tăng 7,5% so với năm trước.

Hơn nữa, theo thống kê mới của Bộ Tài chính, xuất khẩu của Nhật sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2018 trị giá hơn 4 nghìn tỷ yên, tăng 16,4% so với ngay cả xuất khẩu của Nhật trong nửa đầu năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngược lại, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã giảm 8,5% kể từ năm 2007. Những con số này phản ánh hiệu ứng chuyển hướng thương mại là tiêu cực đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng tích cực với các nước khác.

Rõ ràng cuộc chiến thương mại của Trump là một rủi ro nghiêm trọng. Điều kém rõ ràng hơn là cuộc chiến này đã được tính toán chưa, hoặc, nếu được tính toán thì tính toán kỹ tới mức nào. Rốt cuộc, như người xưa vẫn thường nói, trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi.

Koichi Hamada, Cố vấn Kinh tế Đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, là Giáo sư Danh dự về Kinh tế tại Đại học Yale và Đại học Tokyo.